Tiếng Việt quái dị !

Tiếng Việt quái dị !



Nguyễn Ngọc Già

Ngỡ là nhỏ nhưng cách dùng tiếng Việt hiện nay rất quái dị, đang mài mòn và làm méo mó, xấu xí tiếng Việt Nam. 

Xin phép dẫn ra một vài ví dụ :

1. Cực hay, cực chuẩn : Chữ "cực" đúng nghĩa, nó chỉ phương hướng trong địa lý : cực Nam, cực Bắc, v.v. Khi dùng "cực hay" nhằm ám chỉ "cực kỳ hay" nhưng nói riết rồi sau này, sanh ra cách nói gom lại vì tật làm biếng, như chữ "danh thắng", vốn phải dùng đủ "danh lam thắng cảnh". Cũng như vậy, chữ "cực chuẩn" bị dùng sai. Bởi vì chuẩn nghĩa là "mực thước" mà như vậy tức phải có tiêu chuẩn. Khi nói về "tiêu chuẩn" tức phải có nhiều yếu tố kết hợp lại theo hệ thống, mới ra chuẩn mực. Ví dụ, một loại sản phẩm nào đó phải tuân theo tiêu chuẩn ISO... Hoặc người ta cũng thấy cách dùng kỳ khôi như chữ "cực lớn", vốn ám chỉ cho nghĩa "rất lớn". Chỉ có "cực đại" và "cực tiểu" dùng trong toán học và các môn khoa học tự nhiên - kỹ thuật.

2. Bức xúc : Ý nghĩa của chữ này, ban đầu muốn nói về sự bực bội hay khó chịu (nghĩa là chưa đến mức giận dữ hoặc cao hơn là phẫn nộ). Chữ này ngày càng dùng để thay thế cho tất cả cảm xúc của con người, khi bị mất đất, bị xử oan ức đến nỗi người bị oan có thể gây ra hành vi dại dột để phản kháng lại bản án. Do đó, sau này chữ "bức xúc" thay thế tất cả tâm trạng. Nó sai, vì ngày nay được dùng phổ quát, để thay thế cho tất cả các cảm xúc khác nhau của con người.

3. Tự hào : Ngày nay, chữ "tự hào" được dùng vô tội vạ, đến nỗi một em bé phải lấy nhiều máu để xét nghiệm nhưng không khóc, cũng làm cho người cha "tự hào" (!). Ngoài ra những chữ mang nặng yếu tố mơ hồ như : Bản lĩnh, lý tưởng cũng được khuếch trương và nâng cao để ru ngủ và mị dân và dùng theo cách rất nông cạn và hời hợt, ngay cả trong trận đá banh cũng thấy tràn ngập.

4. Tranh thủ : Thời bao cấp ở miền Bắc, chữ "tranh thủ" dùng để chỉ sự chụp giựt, tranh giành (tranh tức là giành, thủ tức là hàng đầu) khi xếp hàng mua gạo, dầu hôi, v.v. Sau này du nhập vô Nam và dùng rất rộng rãi (nhứt là thời cũng theo chánh sách bao cấp, sau 1975). Ý nghĩa của chữ này, thu xếp thời gian sao cho khoa học để giải quyết được nhiều việc nhưng xài lâu ngày người dân hiểu như là giỏi giang - đảm đang - xoay đầu này chụp đầu kia v.v. Ví dụ : Tôi tranh thủ chạy qua thăm anh chút xíu, rồi còn đi làm cho kịp và nhiều ví dụ khác mà bất kỳ ai cũng có thể thấy, được sử dụng hàng ngày.

5. Động viên : Vốn là danh động từ. Chữ này có nghĩa là sự huy động số lượng con người, cho một việc gì đó. Trước 1975, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa có thời gian dài "tổng động viên" cho quân dịch, lúc mà hiệp định Paris 1973 đã ký xong. Sau này, chữ "động viên", bị xài rộng rãi đến mức gây ác cảm, khi nghe đến chữ "động viên". Tới đám ma hay đi thăm người bịnh, người ta cũng dùng "động viên". Lẽ ra, phải dùng chữ "an ủi", "chia buồn", "khích lệ", v.v.

6. Quan hệ : Nhằm nói lên có mối liên quan - liên hệ với nhau trong nhiều việc, ví dụ như : Quan hệ cha - con, quan hệ mẹ - con, quan hệ - anh - chị - em, quan hệ bằng hữu, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ đối tác, quan hệ ngoại giao v.v. Không biết từ khi nào, chữ "quan hệ" nhằm để giải quyết cho cái âm đạo và cái dương vật thỏa mãn. Vì vậy, báo chí ngày nay cố ý né tránh chữ nhục dục để thay bằng "quan hệ không trong sáng". Tiếng Việt trở nên méo mó và gây đàm tiếu.

7. Phản bội : Trong một nhạc phẩm có tựa "Mẹ" của Phú Quang, được nhiều ca sĩ trình diễn, có đoạn [*] :
Mẹ là người đầu tiên
Người đàn bà mãi mãi
Không bao giờ phản bội
Ngay cả khi con ngu dại một đời...

Người Việt Nam bình thường nào không biết nghĩa của từ "phản bội" ?

Kẻ phản bội - Tên phản bội - Người vợ phản bội - Người chồng phản bội - Người bạn phản bội, v.v. đầy nhóc trong cuộc sống và trên cả sách báo - tiểu thuyết - phim kịch, v.v. Nhưng chưa một người bình thường nào, lại gán chữ "phản bội" dù ở thể phủ định (nghĩa là có chữ "không bao giờ" đứng trước) để nhằm ca ngợi đấng sanh thành - dưỡng dục như nhạc sĩ Phú Quang.

Dĩ nhiên, ai có đầu óc bình thường cũng hiểu, bản nhạc hàm ý sự thương yêu của mẹ, ngay cả khi con mình lầm lỗi. Thử hỏi, thiếu gì chữ, như : bao dung, vị tha, rộng lượng, hy sinh, v.v. để diễn đạt về tình mẹ vô bờ vô bến ?

Không thể nói rằng "Thơ mà ! Nhạc mà ! Cần cảm nhận hơn là bắt bẻ". Hãy học, hãy đọc hàng ngàn bản nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam trước 1975 để tỏ để tường về cách dùng chữ Việt Nam thanh cao - sang trọng, chứ không phải thô kệch và báng bổ vào hình ảnh người mẹ như bản nhạc nói trên !

Thử hỏi, khi đứa con tham nhũng, đứa con phạm tội ác tày trời, mà sau này tràn ngập trong đời thực, không lẽ bà mẹ vẫn nên che giấu - binh vực - dung túng để được gọi là bà mẹ "Không bao giờ phản bội" con mình (?)

Còn rất nhiều chữ làm cho tiếng Việt ngày càng quái dị và mất phẩm giá người Việt Nam. Hãy vui lòng nhớ cho : Không có tiếng Bắc, không có tiếng Nam - tiếng Trung - tiếng Nghệ An, v.v. Chỉ có tiếng Việt Nam mà thôi. Và tiếng mẹ đẻ không phải lúc nào cũng trùng khớp với tiếng Việt. Bộ Giáo dục và đào tạo, Ban Tuyên giáo trung ương cùng các cơ quan hữu trách cần phải nhanh chóng sửa chữa - đính chính và gầy dựng lại tiếng Việt Nam. Tiếp tục để chữ nghĩa tiếng Việt quái dị lan tràn như hiện nay, càng làm phẩm giá người Việt Nam sa sút thảm hại.

Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi.
(Tình Ca - Phạm Duy)

Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 16/11/2022


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025