KHI CHỊ DẬU HỌC TẠI CHỨC

KHI CHỊ DẬU HỌC TẠI CHỨC


Giờ kiểm tra môn Ngữ văn, cô giáo ra đề bài:
"Phát biểu cảm nghĩ của em về hình tượng chị Dậu trong Tắt đèn".
Khi trả bài, cô giáo vui vẻ vì các em học sinh đều làm tốt. Nhưng có một bài làm cô giáo buồn bực. Cô đọc cho cả lớp nghe một đoạn:
"Chị Dậu yêu chồng thì có, nhưng thương con thì chưa chắc. Bán chó cho nhà giàu thì chó có cái ăn chứ bán con cho nhà giàu thì còn tệ hơn biến con mình thành chó ghẻ, bị chủ hành hạ suốt đời. Anh Dậu bị đánh ở sân đình có đau và nhục hơn cái Tý ở nhà Nghị Quế không? Em không tin vào nước mắt của người mẹ như vậy".
Bài văn bị điểm không với lời phê: "Cảm nghĩ của một đứa con bất hiếu!"
Học trò, tác giả của bài văn trên, cúi gằm mặt xuống, khóc nức nở. Nhiều bạn cười. Đột nhiên nó đứng dậy:
- Thưa cô, có thể bỏ môn Ngữ văn được không? Đề bài yêu cầu phát biểu cảm nghĩ của em, nhưng lúc nào cũng phải phát biểu cảm nghĩ của cô, làm sao em biết được?
Cô giáo giận dữ:
- Không phải cảm nghĩ của cô mà của giáo sư soạn sách. Do em không thuộc bài.
Học trò quẹt nước mắt:
- Em nghĩ giáo sư soạn sách mẫu ấy chỉ có thể là chị Dậu. Sau khi học bình dân học vụ hay bổ túc, rồi học tại chức và lên giáo sư nên có ý nghĩ coi trẻ em như nô lệ.
Chu Mộng Long

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179