Nhân ngày Trung Quốc tháo chạy
Nhân ngày Trung Quốc tháo chạy
Dù được khoác cho đủ thứ mỹ từ, thì lịch sử hiện đại Trung Quốc vẫn phải ghi thêm một ngày quốc nhục nữa: Đó là ngày mồng 5 tháng 3 năm 1979.
Huy động hơn nửa triệu quân, với vài triệu dân binh, sau hơn hai tuần, Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam có chỗ tới hơn 50 km theo cách dùng xác lính để lót đường. Do bị mắc quá sâu cạm bẫy chết người mang tên “Ý thức hệ”, phía Việt Nam bị động hoàn toàn vì thế mà cũng thiệt hại lớn không kém.
Tuy thế, nói một cách công bằng thì thất bại thuộc về phía kẻ xâm lược.
43 năm sau, cũng vào tháng 2 nhưng lùi lại một tuần so với cái mốc ngày 17, Putin rầm rộ mở cuộc xâm lược Ucraina, nước láng giềng có lịch sử quan hệ với nước Nga gần giống lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điểm giống nhau tuyệt đối là mọi sự khốc liệt gây ra cho cả hai bên, đều được quyết định bởi một cá nhân. Tuyên truyền cho lý do phát động cuộc chiến, thì cả Đặng và Putin (Vốn cùng là sản phẩm của một lò ấp) đều đạt đến độ dối trá đỉnh cao. Đặng nói với người dân Trung Quốc rằng cuộc chiến chống Việt Nam là “cuộc phản kích tự vệ” chống lại bọn tiểu bá, tay sai của đại bá Liên Xô trong khi Putin gọi cuộc xâm lược Ucraina là “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại con rối của phương Tây!
Tuy nhiên mục tiêu và ảo tưởng của hai kẻ xâm lược thì khác nhau. Putin muốn xóa sổ Ucraina để thỏa mãn giấc mơ đế chế đại Nga và tin rằng có thể làm điều đó sau vài ngày. Trong khi Đặng Tiểu Bình, một mặt bị ô nhiễm nặng nề bởi tư tưởng đại Hán và muốn hiện thực hóa nó, nhưng mặt khác hiểu rõ rằng suốt cả ngàn năm tổ tiên của ông ta vẫn không có cách nào khuất phục được những kẻ ngang bướng ở phía Nam, thì ông ta cũng không dại gì tiếp tục làm điều đó. Cách tạo lối thoát trước của Đặng, bằng việc tuyên bố cuộc chiến có giới hạn về không gian, thời gian, rõ ràng cho thấy Đặng cáo già hơn Putin. Ông ta dự định thời gian cho cuộc chiến là 4 tuần, nhưng được hơn 2 tuần, thấy khó nuốt trôi những tổn thất lớn, ông ta tuyên bố rút quân, tuyên bố chiến thắng, khiến danh dự của ông ta được cứu vãn phần nào.
Còn Putin thì đang tự đẩy mình vào thế phải nuốt trôi cái xương nhọn và vì điều đó, nước Nga đang bị ông ta làm cho kiệt quệ.
Một điều cần chú ý là yếu tố quyết định khiến Đặng có bại nhưng có thắng, trong khi Putin hoàn toàn thất bại thê thảm, chính là Hoa Kỳ. Chưa kẻ nào chống lại Hoa Kỳ hoặc bị chú Sam trừng phạt mà không khốn khổ, dù đôi khi chiến thắng họ trên chiến trường.
Tuy nhiên, cả Đặng và Putin đều ngu dốt như nhau ở việc gây thù chuốc oán cả một quốc gia ngay sát nách mình. Với Trung Quốc là gần 100 triệu người Việt có gen chiến binh trong máu. Với Nga là cả một dân tộc hơn 44 triệu người, nổi tiếng thiện chiến và can trường.
Một trăm năm nữa người Việt vẫn không quên những gì Đặng Tiểu Bình và Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây ra cho đồng bào của họ, ngay cả khi người Trung Quốc sám hối thành thật. Còn với Putin, sự ghét bỏ, khinh bỉ của người Ucraina còn kinh khủng hơn rất nhiều. Có thể là mối thù dân tộc vĩnh viễn. Và chỉ riêng việc đó thôi, cũng đủ để khẳng định kẻ gây chiến thất bại tuyệt đối.
Bài học này dành riêng cho những kẻ xâm lược.
Còn bài học cho kẻ yếu hơn mà phải sống bên cạnh một tên khổng lồ luôn có máu tham tàn về lãnh thổ, là không bao giờ được mất cảnh giác trước những viên kẹo bọc đường hoặc tự biến mình thành đơn độc.
Nếu có lời khuyên nào cho bạn để nhớ về ngày này, thì tôi mong bạn hãy đọc cuốn hồi ký “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, của Nguyễn Thái Long.
Tôi may mắn được đọc nó khi còn là bản thảo, do nhà báo Huy San Truong chuyển cho.
Đây có lẽ là cuốn sách đầu tiên, được xuất bản chính thống, nói về sự tàn bạo của cuộc chiến, sự tàn ác không còn chút nhân tính của quân Trung Quốc xâm lược với người dân Việt Nam, khi họ bị một chế độ đểu cáng nhồi sọ và tiêm nhiễm từ bé thứ tư tưởng độc hại. Vì là người trong cuộc kể lại, cuốn sách có thể thiếu kỹ thuật bố cục, sắp đặt, cũng như lựa chọn từ ngữ mang tính nghệ thuật để tạo sự hấp dẫn hình thức. Nhưng với tôi, đó lại là điểm đáng giá nhất của cuốn sách: Sự thật bị phơi bày hoàn toàn trần trụi.
Tôi xin trích ra đây hai đoạn văn ngắn:
“Khi ta tung thủ pháo vào hầm số 5, một tên lính Trung Quốc lao vọt ra, chạy thục mạng về hướng hầm số 6, Hoa cầm trên tay quả thủ pháo nhưng không kịp rút kíp nổ bèn lao theo ôm được tên địch, quật nó ngã xuống, cả hai vật lộn trong sinh tử quyết liệt rồi cùng lăn xuống sườn núi đá. Hoa chỉ kịp gào lên: “Anh Quảng ơi ném lựu đạn đi”. Quảng gạt nước mắt rút chốt quả lựu đạn thả xuống…”
(Trang 242)
“…đạn pháo (của địch) nổ chát chúa như gõ trống, đầu óc Thịnh quay cuồng choáng váng, mắt hoa lên, đến giữa trưa thì Thịnh gào lên:
– Anh Giao ơi, (Giao là đại đội trưởng, bị thương vào đầu và ngực, băng quấn đến đâu đỏ máu đến đấy nhưng không lui về tuyến sau mà quyết ở lại chiến đấu cùng đồng đội) em không chịu được nữa, khát quá rồi, từ sáng đến giờ không còn ngụm nước uống nào. Pháo bắn dữ quá, vỡ hết cả rồi.
Anh Giao quát to trong tiếng đạn pháo nổ chát chúa:
– Mày đái ra mà uống, anh cũng phải uống nước tiểu của mình thôi”.
(Trang 253)
Vô vàn cảnh chiến đấu, hy sinh đau đớn như vậy, tràn ngập trong 370 trang sách.
Những người viết sử nghĩ gì khi họ tiếp tay cho sự lãng quên, khiến tác giả phải thốt lên ở đầu cuốn sách: “Đến cả cụm từ CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI, người ta cũng không dám nhắc đến?”
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét