Diễn Đàn Trái Chiều - TIN TỨC 18/03/2023

Diễn Đàn Trái Chiều
Chủ Trương Vũ Linh

TIN TỨC 18/03/2023

SILICON VALLEY BANK: NẠN NHÂN CỦA BIDEN

    Tuần rồi, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sập tiệm. Đây là ngân hàng 'tech' lớn nhất Mỹ tuy tính trên tài sản, chỉ là ngân hàng lớn thứ 16, thua rất xa các đại tập đoàn như Bank of America hay City Bank. SVB có trụ sở chính tại Santa Clara, sát nách thành phố San Jose, tiểu bang Cali, với tổng tải sản trên 212 tỷ đô.


    Trong thời gian qua, nhiều bài viết đã được phổ biến trong cộng đồng tị nạn về vụ SVB, nhưng phần lớn là những bài dịch từ báo Mỹ qua 'tự điển' Google. Nguyên tác tiếng Anh đã khó hiểu vì tính phức tạp của tài chánh Mỹ, mà dịch theo Gú Gồ thì thiên hạ càng mù mờ hơn nữa.  

    DĐTC xin phép tóm lược lại cho dễ hiểu. 

   SVB sập tiệm mang ý nghĩa thật lớn vì đó là ngân hàng ra đời và lớn mạnh bằng việc tài trợ các công ty hi-tech mới ra đời. Nghĩa là cấp vốn tiên khởi qua đầu tư trực tiếp hay cho vay, cho các công ty hi-tech ra đời gần như mỗi ngày trong cái gọi là 'thung lũng silicon' hay silicon valley, là nơi sanh ra các công ty công nghệ tối tân nhất, để rồi một số trở thành siêu khổng lồ như Microsoft, Apple, Google,... Loại kinh doanh này có thể nói là có mức rủi ro hết sức cao tuy lợi nhuận còn kinh khủng hơn nếu công ty mới ra đời đó thành công.

    SVB ra đời thập niên 1980, nhưng chỉ phát triển mạnh khoảng hai chục năm sau này, đặc biệt là trong thời các TT Bush con, Obama và Trump là những thời kỳ mà chẳng những các công ty gọi là 'dot com' ra đời mỗi ngày, mà lãi suất vay nợ ở gần mức zero, tức là các công ty mới thành lập được vay tiền gần như miễn phí.

    Qua thời Biden, chỉ trong vòng hai năm, nhờ Biden vung tiền ra cửa sổ quá mạnh, lạm phát vọt lên tới mức cao nhất từ gần nửa thế kỷ qua, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đã bị bắt buộc phải tăng lãi suất rất mạnh, để chặn bớt vay mượn kinh doanh, tức là chặn bớt số tiền mặt lưu hành trong kinh tế. Đi đến kết quả hàng ngàn công ty mới mở đang vay tiền của SVB bị kẹt cứng vì lãi suất bất thình lình trong vòng hơn một năm đã nhẩy vọt từ gần zero lên tới khoảng 6%-7% hiện nay. Tất nhiên như vậy thì khó trả được nợ. Và đó chính là lý do quan trọng nhất tại sao SVB sập tiệm quá nhanh như đã xẩy ra. Ngân hàng không thu được tiền cho vay thì chết là chắc.

    Biden tạo ra lạm phát, Ngân Hàng Dự Trữ tăng lãi suất để chặn lạm phát. Lạm phát chỉ bớt chút đỉnh trong khi SVB và không biết bao nhiêu cơ sở kinh doanh nhỏ, không tên tuổi, chết cứng. Không chặn lạm phát thì dân chết, mà chặn lạm phát thì kinh doanh chết. Đó là chính sách kinh tế tài chánh siêu tài ba của Biden.

Lạm phát của Biden

    Nhưng SVB cũng sập tiệm vì một lý do khác, ngộ nghĩnh hơn nhiều. SVB có thể nói là ngân hàng theo chính sách 'thức tỉnh' thiên tả nhất. SVB có chính sách cho vay đặt nặng các tiêu chuẩn gọi là 'ESG' (Environmental, Social, Governance). Nôm na ra, đây là các tiểu chuẩn mang nặng các mục tiêu của khối cấp tiến thiên tả như bảo vệ mội trường, công bằng xã hội và trách nhiệm dân sự trong quản trị. Chẳng hạn như SVB bỏ ra 5 tỷ đô cho việc tài trợ các dự án phát huy năng lượng sạch. Mà đây lại là khu vực kinh doanh nhiều rủi ro, dễ thất bại nhất. Hay SVB tặng cả triệu đô ủng hộ những 'dự án xã hội' của những tổ chức ủng hộ các chương trình môi trường sạch, chống hâm nóng địa cầu, ủng hộ những nhóm Bờ Lờ Mờ, đồng tính, phá thai,...Chính trị thiên tả trộn với tài chánh tư bản thì tất nhiên ra m ón hổ lốn không ai ăn được.

    Đó là hai lý do căn bản đưa đến việc SVB sập tiệm. Tuy nhiên, phải nói thêm quản trị ngân hàng là chuyện cực kỳ khó khăn và phức tạp. SVB thất bại cũng vì ban quản trị đã lấy nhiều quyết định tài chánh sai lầm khác mà diễn đàn này không thể bàn chi tiết được, tuy chỉ cần biết trong hội đồng quản trị, chỉ có đúng một người có kinh nghiệm quản trị tài chánh còn thì đều là những nhân vật nổi tiếng của thế giới cấp tiến của Cali. Cũng không thể quên thời đại này, qua internet, tin tức chạy rất nhanh và rất rộng. Một vài khó khăn của SVB đã mau mắn được phát tác tràn lan trên mạng, đưa đến hoảng loạn rất dễ dàng và thiên hạ đổ xô đi rút tiền mà ngân hàng không có cách nào có đủ tiền mặt để đáp ứng.

    SVB sập tiệm, cả triệu thân chủ có tiền gửi trong các trương mục của ngân hàng mất tiền. Trên nguyên tắc, Nhà Nước bảo đảm 250.000 đô cho mỗi trương mục, nghĩa là Nhà Nước sẽ trả lại cho thân chủ số tiền ký thác tới mức đó. Nghe thì thấy an toàn, nhưng chỉ là an toàn cho mỗi cá nhân thôi. Trong khi SVB có nhiều tài khoản với bạc triệu hay trăm triệu của các đại tập đoàn ký thác hay đầu tư chung với SVB, và những số tiền này coi như mất tiêu hết. Một mình công ty truyền thông ROKU đã ký thác gần 500 triệu đô trong SVB (ROKU là một trong nhiều công ty tivi cho phép thiên hạ coi các chương trình TV, tương tự như HULU, YouTube TV,...). Theo những thống kê chính thức, hơn 93% tiền ký thác trong SVB cao hơn số tiền được Nhà Nước bảo đảm.

    Ngay sau SVB, ngân hàng Signature Bank cũng đã khai phá sản, trong khi giá cổ phiếu các đại tập đoàn ngân hàng khác rớt như sung rụng. Ngân hàng First Republic ngắc ngư. Biden đã cố trấn an và tuyên bố hệ thống ngân hàng Mỹ rất an toàn. Bà bộ trưởng Ngân Khố Janet Yellen cũng lên TV trấn an tương tự.

Giá cổ phiếu ngân hàng Thứ Sáu 10/3/2023:

    SVB sập tiệm, hiện do Nhà Nước Biden quản trị và Nhà Nước đang tìm cách cho đấu thầu, bán rẻ lại ngân hàng này, sau khi khấu trừ cả chục hay trăm tỷ tiền cho vay mà không thu lại được. Đại tập đoàn Hồng Kông và Thượng Hải Ngân Hàng của Anh -HongKong Shanghai Bank HSBC- đã đề nghị mua lại toàn bộ hệ thống SVB bên ANH với giá là đúng... MỘT đô! Dĩ nhiên ôm theo một mớ nợ khổng lồ của khách hàng mà không ai biết sẽ thu lại được bao nhiêu.

    Mấy anh dân ngu khu đen như quý độc giả và kẻ này có phải lo sợ gì không nếu có tiền trong SVB? Xin thưa ngay, nếu quý vị có ký thác tiền trong trương mục vãng lai hay tiết kiệm dưới 250.000 đô thì khỏi lo, sẽ được Nhà Nước hoàn trả đầy đủ, không thiếu một xu. Tất cả các ngân hàng Mỹ đều bị bắt buộc phải đóng tiền bảo hiểm này cho một cơ quan của Nhà Nước tên là Federal Deposit Insurance Corporation hay FDIC. Tuy nhiên, quý vị có thể sẽ bị thiệt hại một cách gián tiếp nếu như quý vị có tiền 401K hay tiền trong quỹ mutual funds -quỹ đầu tư hỗ tương- mà số tiền đó được đầu tư vào SVB hay ký thác với SVB cỡ bạc triệu, thì quý vị sẽ mất toi. Muốn biết, quý vị cần phải hỏi công ty hay quỹ mà quý vị có tiền trong đó xem họ đã cúng bao nhiêu cho SVB.

    Dù sao thì SVB cho tới nay đã là nạn nhân lớn nhất của chính sách kinh bang tế thế của cụ Biden. Các chuyên gia tài chánh đang lo trắng tóc trong những ngày tới sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân, và cuộc khủng hoảng tài chánh vĩ đại của năm 2008 có thể tái bản không. Suy thoái kinh tế mà nhiều chuyên gia lo ngại dường như đã bắt đầu. SVB cũng là hậu quả cụ thể của việc mang chính trị 'thức tỉnh' vào kinh doanh.

   Chính quyền Biden đang cuống cuồng tìm biện pháp cứu SVB, hay ít nhất cũng tung ít tiền ra đền bù cho những thân chủ mất quá nhiều tiền ký thác, nhưng đã bị phe CH lớn tiếng chống đối. Với phe CH chiếm đa số trong hạ viện, Biden khó cứu được SVB. Chưa ai biết rõ Biden sẽ có phép màu nhiệm nào, rất có thể sẽ vận động các đại tập đoàn ngân hàng khác cùng nhẩy vào cứu SVB vì quyền lợi chung. Biden đang cố tránh phản ứng giây chuyền đưa đến phá sản của nhiều ngân hàng khác, sợ kịch bản đại khủng hoảng tài chánh năm 2008 tái bản. 

    Tin mới nhất: Biden cam kết chính phủ liên bang sẽ hoàn trả tất cả ký thác của tất cả khách hàng, không ai mất một xu nào, nghĩa là các đại tập đoàn có ký thác bạc triệu hay trăm triệu sẽ được bồi hoàn hết. Tin này chưa được xác nhận nhưng nếu đúng và nếu Biden mang tiền thuế của dân ra cứu SVB thì sẽ mang những ý nghĩa cực quan trọng và đáng lo ngại:

- SVB có ký thác trên dưới 200 tỷ đô, Biden lấy đâu ra tiền để trả hết nếu không phải là tiền thuế của quý độc giả và tôi và dân Mỹ đóng?

- Nếu chính phủ hoàn trả tất cả ký thác, có nghĩa là chính phủ coi SVB như nhà băng của chính phủ và chính phủ có trách nhiệm trả hết tiền của thiên hạ. Nghĩa là SVB đã trở thành sở hữu của Nhà Nước, nghĩa là Nhà Nước đã quốc hữu hóa SVB, và trên thực tế đã quốc hữu hóa tất cả ngân hàng, toàn thể hệ thống tài chánh Mỹ, phải không? Chứ chẳng lẽ Nhà Nước hoàn trả hết tiền ký thác của SVB rồi ngày mai không hoàn trả tiền ký thác của một ngân hàng nào khác bị nạn tương tự? Thêm một bước khổng lồ về hướng xã nghĩa?

- Nếu Nhà Nước bảo đảm sẽ cứu tất cả các ngân hàng thì trong tương lai, các ngân hàng sẽ tha hồ 'làm ẩu', vì nhu cầu lợi nhuận, sẽ chấp nhận rủi ro rất cao, đầu tư và cho vay bừa bãi, và hậu quả là hệ thống tài chánh Mỹ sẽ được xây trên cát, và khủng hoảng tài chánh kiểu 2008 hay SVB có triển vọng biến thành chuyện... cơm bữa. Hệ quả lâu dài tất nhiên là tính khả tín của Mỹ trên thị trường tín dụng thế giới sẽ suy giảm, Mỹ sẽ phải tăng lãi suất trên công khố phiếu nghĩa là công nợ Mỹ sẽ chịu lãi suất nặng hơn, đồng đô sẽ mất giá, kinh tế sẽ suy yếu toàn diện. Đó sẽ là gia tài lâu dài của Biden để lại cho hậu thế.

    Tin giờ chót: bà bộ trưởng Ngân Khố Janet Yellen đã báo cáo cho thượng viện là không có chuyện Nhà Nước sẽ bồi hoàn tiền ký thác cho tất cả các ngân hàng sập tiệm trong tương lai, mà chỉ bồi hoàn tùy từng trường hợp, nhưng bà không cho biết theo tiêu chuẩn nào. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Chắc chỉ bồi hoàn tiền cho các ngân hàng 'thức tỉnh' như SVB thôi chăng?

https://www.breitbart.com/economy/2023/03/11/pinkerton-green-woke-and-now-broke-how-svb-became-the-2nd-biggest-bank-failure-in-u-s-history/

https://www.realclearpolitics.com/video/2023/03/15/former_treasury_official_bailout_is_in_the_eye_of_the_beholder_but_biden_is_effectively_nationalizing_the_banks.html

DĐTC Vũ Linh



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178