Việt Dzũng và tình ca Việt Nam hải ngoại

Việt Dzũng và tình ca Việt Nam hải ngoại
Việt Dzũng tên thật là Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1958 tại Sài gòn, là con trai của bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, một dân biểu vào thời Việt Nam Cộng hòa. Anh vượt biên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi mới 17 tuổi, đến được Singapore, sau đó đến trại tỵ nạn Subic ở Philippines, rồi định cư tại Mỹ, đến năm 1976 gia đình mới được đoàn tụ.
Anh bắt đầu theo đuổi sự nghiệp âm nhạc từ năm 1978, sáng tác những bài hát cho người Việt tỵ nạn như “Một chút quà cho quê hương”, “Lời kinh đêm”, “Tình ca cho Nguyễn Thị Sài gòn”… Năm 1978, anh gặp ca sĩ Nguyệt Ánh và hai người đã lưu diễn khắp các tiểu bang của Mỹ. Các bài hát và hoạt động của anh và ca sĩ Nguyệt Ánh là lý do khiến cả hai bị chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình vắng mặt. Các sáng tác âm nhạc của anh cũng bị cấm phổ biến trong nước.
Năm 1996, anh đồng sáng lập chương trình phát thanh Radio Bolsa ở Nam California, Bắc California, Houston (Texas). Cũng trong năm 1996, anh trở thành người dẫn chương trình cho Trung tâm Ca nhạc Asia và cộng tác với Đài truyền hình SBTN do nhạc sĩ Trúc Hồ làm giám đốc điều hành.
Anh từ trần ngày 20 tháng 12 năm 2013 ở tuổi 55 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California.
Cho đến nay, Việt Dzũng đã có khoảng 450 nhạc phẩm sáng tác và cũng là người thể hiện rất thành công những nhạc phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam ở hải ngoại. Anh là người đầu tiên trình bày ca khúc “Khúc thụy du” của nhạc sĩ Anh Bằng và là người trình bày xuất sắc nhất ca khúc “Ngày đó” của ca sĩ Jo Marcel.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại những kỷ niệm với Việt Dzũng: “Tôi may mắn được liên tục làm việc, lang thang xuyên bang, hội hè cùng nhạc sĩ Việt Dzũng trong một thời gian dài. Cứ ngồi gần anh, trò chuyện suy tư hay tán gẫu, anh luôn là nguồn năng lượng đổ vào người, khiến da thịt cứ ngứa ngáy, cứ muốn làm điều gì đó, vì sợ thời gian nham hiểm sẽ cướp mất cảm hứng của mình.
Việt Dzũng làm việc bằng 3 người cộng lại. Có lúc phải bàn việc với anh, thấy anh đang nói chuyện A, nhưng tai thì vẫn nghe tin từ đài Mỹ, dịch trực tiếp để gửi đi, lại thấy nhắn chuyện B gì đó với ai đang có việc với anh. Nhiều khi nhìn anh bần thần : "Sao anh siêu vậy?", Việt Dzũng cười hề hề :"Đời ép anh mày phải siêu!". Quay về phòng thu, mấy tiếng sau lại thấy anh chống nạng đi vào, "Nghe thử bài anh mới viết nha". Lại là một bài nhạc mới, theo yêu cầu của nơi nào đó.
Những ngày trước khi mất, giọng anh khàn đục và mất hơi. Ghi âm cho anh hát mà cảm thấy buồn buồn, nhưng lại không dám nói. Là một người Công giáo nhưng rất ngang tàng, Việt Dzũng đột nhiên chuyển sang viết và hát nhiều bài về Chúa và con đường đi của đời người sẽ đến, bằng giọng rất ngoan, suy nghĩ cũng đằm thắm hơn.
Anh kể rằng bác sĩ muốn thay một số mạch máu trong tim anh vì đã hư. Nếu như người thường thì sẽ lấy những mạch máu dưới đùi hay bắp chân đưa lên. Khổ nỗi chân anh lại không đủ khỏe nên không thể tìm được những mạch máu đủ tốt thay thế. Bác sĩ đề nghị thay bằng một số mạch máu lấy từ tim heo. Anh thoái thác, nói để về suy nghĩ đã. Về quán café, anh lại cười khùng khục: “Ghê quá, em thử nghĩ tự nhiên mình có trái tim chơi đồ của heo, được không?". Tôi thúc "được", chỉ mong anh đồng ý, chỉ mong anh khỏe với cả đống ý tưởng anh luôn kể với tôi, bao gồm ước mơ một ngày Việt Nam thay đổi, anh sẽ về mở một đài phát thanh tại Sài gòn.
Trái tim có mạch máu heo? Có gì đâu đáng sợ. Trong đời mình, tôi đã thấy đủ những người sinh ra đã có sẵn trái tim như heo thật sự, kể cả đàn em, bạn bè lẫn quan chức chính quyền. Nhưng với Việt Dzũng, chắc chắn phần heo không thể lấn được phần người của anh.
Ấy vậy mà không kịp. Buổi sáng tháng 12 năm đó, nghe tin anh mất như chuyện đùa. Anh lên cơn đau tim ngay tại bàn làm việc, đưa đến bệnh viện thì đã muộn”.
Việt Dzũng đã có khoảng 450 nhạc phẩm sáng tác và cũng là người thể hiện rất thành công những nhạc phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam ở hải ngoại. Anh là người đầu tiên trình bày ca khúc “Khúc thụy du” của nhạc sĩ Anh Bằng và là người trình bày xuất sắc nhất ca khúc “Ngày đó” của ca sĩ Jo Marcel.
Năm 1983, nhạc sĩ Anh Bằng đã chọn một số câu thơ trong bài thơ “Khúc thụy du” của nhà thơ Du Tử Lê để phổ nhạc thành ca khúc “Khúc thụy du”, một trong hai nhạc phẩm ký tên Anh Bằng mà nữ ca sĩ Ngọc Minh cho là sẽ còn mãi với thời gian (nhạc phẩm kia chính là “Anh còn nợ em”). “Khúc thụy du” được trình bày lần đầu tiên bởi Việt Dzũng là ca khúc giản lược nội dung một bài thơ rất dài về không khí xáo động của những ngày Tết Mậu Thân và mối tình vô vọng với một thiếu nữ ở Sài gòn.
Từ bài thơ 100 câu của Du Tử Lê bị cơ quan kiểm duyệt cắt bỏ gần 1/3, Anh Bằng đã chọn ra những câu thơ nói về tình yêu để phổ nhạc thành ca khúc “Khúc thụy du”.
            KHÚC THỤY DU
            Hãy nói về cuộc đời
            Khi tôi không còn nữa
            Sẽ lấy được những gì
            Về bên kia thế giới
            Ngoài trống vắng mà thôi
            Thụy ơi và tình ơi!
            Như loài chim bói cá
            Trên cọc nhọn trăm năm
            Tôi tìm đời đánh mất
            Trong vũng nước cuộc đời
            Thụy ơi và tình ơi!
            Đừng bao giờ em hỏi
            Vì sao ta yêu nhau
            Vì sao môi anh nóng
            Vì sao tay anh lạnh
            Vì sao thân anh rung
            Vì sao chân không vững
            Vì sao và vì sao!
            Hãy nói về cuộc đời
            Tình yêu như lưỡi dao
            Tình yêu như mũi nhọn
            Êm ái và ngọt ngào
            Cắt đứt cuộc tình đầu
            Thụy bây giờ về đâu?
Nhà thơ Du Tử Lê kể: “Một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán cà phê Tay Trái (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview). Ông nói ông mới phổ nhạc bài thơ “Khúc thụy du”. Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”
Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành quán cà phê Tay Trái có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi cũng là lúc Việt Dzũng có mặt, đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.
Khi ca khúc “Khúc thụy du” ra đời dưới dạng cassette với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc…”
Ca khúc “Khúc thụy du” với giọng ca Việt Dzũng:

“Ngày đó” của Jo Marcel là hoài niệm về mối tình đầu thắm thiết, với những lần gặp gỡ nàng thiếu nữ thơ ngây với tà áo trinh nguyên, ánh mắt long lanh như dòng nước lấp lóa nắng dưới chân cầu và nụ cười tươi tắn đã đưa tâm hồn chàng trai vào cõi mộng. Ngày tháng dần qua, chàng trai phiêu bạt về những phương trời khác và trải qua nhiều mối tình, nhưng trong tâm tưởng của chàng vẫn còn mãi hình ảnh của nàng thiếu nữ thơ ngây với tà áo trinh nguyên làm cho chàng luôn mơ về những ngày tháng êm đềm đã trôi theo đòng đời:
            Ngày đó trên chiếc cầu, em nhớ chăng
            Một chiếc áo dài, màu trắng xinh xinh
            Một nụ cười, mời anh đưa em vào đời
            Và từ đó, hai đứa mình quen nhau.
            Ngày đó nơi chúng mình, em nhớ chăng
            Một ánh mắt nhòa, màu nước long lanh
            Một cuộc tình em trao anh ngày nào
            Và từ đó, hai đứa mình yêu nhau.
            Em ơi, em ơi ngày yêu đó
            Quê hương ly tan cùng duyên mới
            Ra đi anh mang một mối tình
            Một cuộc tình quá hững hờ.
            Em ơi, em ơi ngày yêu đó
            Ra đi em mang một duyên mới
            Lang thang, đam mê nhiều mối tình
            Để lòng này sắt se nhiều.
            Hình bóng trên chiếc cầu, tà áo xanh
            Một bức tranh tình còn mãi nơi anh
            Và anh mơ tới những ngày yêu xưa.
            Hình bóng trên chiếc cầu, tà áo xanh
            Một bức tranh tình còn mãi nơi anh
            Nhìn cuộc tình đang trôi theo vào dòng đời
            Và anh mơ tới những ngày yêu xưa
            Và anh mơ tới những ngày yêu xưa.

Ca khúc “Ngày đó” với giọng ca Việt Dzũng:

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025