Nhìn Về Paris, Nhớ Trần Văn Bá

Nhìn Về Paris, Nhớ Trần Văn Bá

Trần Đình Thục

Suốt cả 2 tuần nay, khi hay tin Trần Văn Bá, cựu Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia tại Paris bị chính quyền Cộng Sản bắt sau một cuộc đảo chính hụt tại Saigon và bị đưa ra tòa án kết tội tử hình, tâm hồn tôi như thẫn thờ, cổ họng khô nghẹn, nước mắt như muốn trào ra nhưng không làm sao khóc được ...Với tôi, Trần Văn Bá là một người bạn, một người bạn rất thân mà tôi đã đi sát trong những năm sống tại Pháp. Ðã từng hoạt động chung trong Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên, và ở vào đêm cuối cùng trước khi bí mật rời Paris đi Thái Lan, đã dùng bữa cơm cuối cùng tại căn phòng nhỏ của tôi tại đường Vandrezanne thuộc quận 13 ... Khi ra về Bá chỉ vỏn vẹn nói với tôi: "Thôi tao về, chắc lâu lắm mới gặp lại mày ..." Câu nói kín đáo, nhẹ nhàng như rất nhiều lần khác, mỗi khi Bá bất chợt tới thăm tôi rồi lại vụt đi ...

"... Gần bốn năm rồi tao không gặp lại mày. Ðêm đó đâu ngờ là "ngày D" của mày, ngày mày lên đường bỏ Paris, để về gần quê nhà hơn. Trong quãng đời thanh niên êm đềm của chúng tao, chúng tao đã tưởng số kiếp không kéo nổi bọn mình xa khỏi Paris, tách rời tụi mình ra khỏi môi trường anh em Sinh viên cũ ... Nhưng, tao hiện đang ở đây, từ vùng trời Cali xa lắc này, nghe tin mày đã bị chúng bắt từ bên kia, tại quê nhà. Cả một nửa vòng trái đất cách biệt. Xa quá, xa mày quá, biết bao giờ gặp lại được nhau ..."

Tôi tình cờ quen Bá vào năm 71 tại Paris, khi mới từ Việt Nam qua. Ngáo như mán về tỉnh, tôi được bạn bè của những bạn bè cũ từ Saigon kéo vào nhóm Sinh Viên Việt Nam tại cư xá Cité Universitaire đường Jourdan ... Hồi đó, sinh viên Việt Nam tại Paris có khoảng chính thức 200 người. Ða số cư ngụ tại Hôtel Lutèce, được gọi là nhà Lý Toét, dưới sự bảo trợ của tòa Ðại sứ Việt Nam Cộng Hòa: số ít còn lại, thuộc thành phần ra đi "tự túc" (bất hợp lệ hoặc giấy giả v.v...) kéo nhau về sống tại cư xá sinh viên quốc tế, trong nhà Lào-Việt, tại đường Jourdan, cách nhà Lý Toét khoảng 10 trạm xe buýt. Nhóm này số đông gồm toàn những khuôn mặt đã sống lê lết nội trú tại trường Yersin Ðà-Lạt, Họ thân mật, gắn bó với nhau ngay từ hồi còn tiểu học hay trung học; khi rời Việt Nam lên đại học, họ càng khắng khít với nhau hơn, chia xẻ với nhau từng chiếc vé métro, từng tấm phiếu ăn ... Bá là một trong những khuôn mặt kỳ cựu về tuổi đời nội trú tại Yersin, nên dễ quy tụ anh em chung quanh. Cái tên "Bá đầu đỏ" đã được đặt cho Bá từ thời nội trú vì tảng bớt nằm bên thái dương phía trái ...Tôi được biết sau đó là Bá đã qua Pháp trước tôi 3 năm, khoảng năm 67, ngay sau khi ông cụ thân sinh ra Bá, Dân biểu Trần Văn Văn, bị hạ sát ... Hồi đó anh chưa học hết Trung học. "Họ" đã tiễn anh đi Pháp bằng một chiếu kháng xuất ngoại "Xuất bất hồi", có thể vì muốn giúp anh tiếp tục học cho xong Tú Tài, có thể để ngăn chận anh toan tính làm những chuyện bốc đồng sau cái chết tức tưởi của ông cụ thân sinh.

Với cái dáng dấp bên ngoài của Bá, tôi không nhìn thấy được cái oai phong lẫm liệt cố hữu của những nhà lãnh đạo, thân xác anh hom hem gầy yếu. Thấy anh vào đám đông, anh sẽ mất hút như bất cứ một khuôn mặt nào. Anh xuềnh xoàng trong cách ăn mặc không xoe xua, không diêm dúa. Anh chỉ có vài bộ quần áo: mặc tới rách thì vứt bỏ. Anh xấu trai. Ngay cả trong lúc ăn, nhìn anh cũng thấy dáng anh cực.

"Nhưng bọn tao thương mày vì sau cái vỏ "con cóc chết" của mày, mày ôn tồn, dịu dàng trong cử chỉ cũng như lời nói. Ðôi khi rộng lượng đến độ mềm yếu... Mày không kiểu cách quan lại như những chàng "con ông cháu cha" khác. Mày chia xẻ với anh em từng bước đi: đã có những lúc huy hoàng như những lúc nhận tiền chuyển ngân 3 tháng một lần thì cũng có những lúc "các con rách như cái mền" đứng ngóng bồ nhà trước cửa quán ăn sinh viên ... Tao còn nhớ, hồi đó tao ở lầu 4 nhà Maison des Provinces, trong cư xá Inter. Phòng tao ngay góc ngó xuống công viên. Bọn mày mỗi khi đi ăn gọi tao ơi ới. Có hôm tao rách quá, đíu có tiền để mua phiếu ăn nữa... Mày ở dưới gọi lên, tao mở cửa nhìn xuống lắc đầu: "Ði ăn đi, tao không đói..." Mày cười toe: "Xuống đi con, bố có tickets đây nè..." Tao xuống liền.
Hồi mới quen Bá tôi đang học thêm Kiến trúc tại Cao đẳng Kỹ thuật Paris, họa thất giao sư Zaravoni. Bá đang học Chính trị Kinh doanh tại Ðại học Nanterre. Tại thủ đô Paris, có 2 trường Chính trị Kinh doanh nổi tiếng, trường Assas theo khuynh hướng thiên Hữu, và trường Nanterre theo khuynh hướng thiên Tả ... Không hiểu vì lý do gì Bá đã ghi danh học tại Ðại học Nanterre, với những giáo sư có khuynh hướng thân Cộng rất rõ rệt... Hình như anh đã muốn xâm nhập thẳng vào lòng địch để hiểu rõ hơn những ưu điểm và khuyết điểm của họ. Và anh đã gặp những bước đầu chật vật khi một giáo sư biết anh là sinh viên của miền Nam Việt Nam, của chế độ mà họ thẳng thắn gọi là bù nhìn Mỹ (Fantoche !). Tuy nhiên, anh đã học xong và một thời làm phụ tá giảng viên tại đại học có tiếng là sát Hữu này...

Niên khóa 73-74, Bá có ý định cùng bạn bè ra ứng cử Ban Chấp Hành Tổng Hội... Một buổi kia, sau khi ăn tại cư xá Inter ra, anh đã gặp tôi ở quán cà-phê "Châlet du Parc", nơi gặp gỡ của các sinh viên Mít, nằm ven lề công viên Montsouris, công viên đã một thời nổi danh với thi sĩ Baudelaire. Anh giới thiệu tôi với Ðỗ Ðăng Liêu, một sinh viên Chính trị Kinh doanh khác, cũng một loại "tự túc" bỏ Bỉ qua Paris. Rồi sau đó có Trần Ngọc Giáp cũng từ Bỉ qua. Lương Hữu Tưởng (Y Khoa). Một số anh em khác được mời tham dự sau đó.

Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên bỗng thay đổi hẳn lớp da.

Trước kia dưới sự "dìu dắt" của Tòa Ðại Sứ, môi trường Tổng Hội chỉ là phương tiện giúp cho một số sinh viên mang đầu óc quan lại hủ lậu, trước khi đỗ đạt về nước, xung phong ra hoạt động để thêm tí điểm son trong hồ sơ lý lịch, để lấy điểm xin thêm cái đẩy sau lưng trong Bộ nọ Bộ kia ... Hoạt động của Ban Chấp Hành chỉ vỏn kẹn xoay quanh việc tổ chức một đêm Tết, sau đó là hoàn toàn làm cái việc "gọi dạ thưa vâng" đối với Tòa Ðại Sứ...

TRẦN VĂN BÁ, tự "Bá đầu đỏ", ra ứng cử Ban Chấp Hành với cái ngổ ngáo và khí phách của một người "bên lề", của một kẻ đang mang dấu mộc "Xuất bất hồi". Chung quanh Bá, gồm toán những bộ mặt "tự túc", một đoàn quân cái bang của nội trú Yersin: Tùng Mập, Ðĩ Rỗ, Nguyễn Hồng Liệt, Tạ Bửu Long, Tân Ù, Lộc Mập, Nghĩa Ðiên, v.v... Bên trong cái hom hem yếu đuối, Bá bỗng để lộ một sức lôi cuốn bạn bè qua sự hòa nhã nhưng thẳng thắn của anh, qua sự chăm sóc hết tình với bạn bè, đôi khi hơi vụng nhưng rất chân thành ... Thời kỳ anh Bá ra Ban Chấp Hành rớt vào đúng thời kỳ đen tối nhất của miền Nam Cộng Hòa: Áp lực đè nặng tại hội nghị Paris, chiến sự nát tan sau vụ tháo quân Ban Mê Thuột...

Bá đã chống sào chịu mũi cho sinh viên Quốc Gia, đã cứng rắn với guồng máy ngoại giao Cộng Hòa, đã tiếp xúc với báo chí ngoại quốc để đả thông tiếng nói của miền Nam, đã tổ chức biểu tình để ủy lạo và nâng cao tinh thần của anh em sinh viên. Ðặc biệt là ngày "Ðể Tang Cho Chiến Sĩ": gần 300 sinh viên thuộc cư xá Lutèce, nhà Lào Việt thuộc cư xá quốc tế Inter, cư xá nữ sinh viên của viện Pháp Việt Port Royal, hội Ái Hữu Sinh viên Orsay, đã đi tuần hành trong trầm lặng, đầu chít khăn tang, qua các đường phố của khu Latin, và đứng lại trước tòa Ðại sứ Mỹ tại công trường Concorde, để phản đối sự bội bạc của Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam. Bên đường, tiếng sỉ vả cũng nhiều, tiếng khích lệ cũng dăm ba câu.

Ngày đó: 27 tháng Tư năm 75.

Ba ngày sau, Saigon thất thủ...

Trong những phút chán nản suy sụp nhất, Bá và anh em sinh viên đã nghĩ rất nhiều tới quân đội; tới những người chiến sĩ. Thân thích của Bá, một số rất đông phục vụ trong quân đội. Chiều ngày 30 tháng 4, bạn bè kéo cả lên lầu 4 phòng tôi. Hung tin được thông báo cho nhau. Chúng tôi quay mặt đi, kẻ sụt sùi, người bật khóc tức tưởi...

Sáng hôm sau, Ban Chấp Hành lãnh trách nhiệm lo việc Lãnh sự trên Tòa Ðại Sứ: tiếp tay hủy bỏ hồ sơ mật, cấp phát chứng thơ cần thiết cho kiều bào, chuyển sách vở phim ảnh về những điểm mật của Tổng Hội, trước khi Tòa Ðại Sứ và Trụ Sở Tổng Hội bị trao trả lại chính phủ Pháp và được bên kia tiếp thu...

Công việc của Bá nặng nề hơn ông Ðại sứ, vì sau khi Ðại sứ tự ý giải nhiệm, cả một chính sách ngoại giao và lãnh sự đều trút xuống đôi vai gầy của người Chủ Tịch. Tòa Ðại Sứ giải tán nhưng Tổng Hội Sinh Viên vẫn còn tồn tại. Rắn mất đầu, gà trống nuôi con. Trần Văn Bá trong chức Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia, và Ban Chấp Hành đã thừa hưởng cả một gia tài tủi nhục. Một kỷ niệm xót xa cần được ghi lại: Tòa Ðại Sứ Việt Nam Cộng Hòa chính thức đóng cửa chiều thứ sáu. Ông Ðại Sứ đã dễ thương đợi tới phút chót lúc 5 giớ chiều khi mọi nhà băng đều đóng cửa đúng vào giờ đó để trao lại cho Ban Chấp Hành một tấm ngân phiếu khiêm nhượng, tiền dư bạc thừa của quỹ đen quỹ đỏ, "...để giúp anh chị em sinh viên tiếp tục đấu tranh...". Sáng thứ hai, thủ quỹ Ban Chấp Hành ra băng để lãnh số tiền trên cho Hội, thì trương mục tấm ngân phiếu đã bị đóng từ tuần trước...

"... Bá ơi, cho tới ngày hôm nay, Tổng Hội Sinh Viên Paris đã có 18 năm tuổi đời, và sau 10 năm tỵ nạn, Tổng Hội Sinh Viên Paris vẫn là hội duy nhất của người Việt chống cộng tại Pháp. Sở dĩ Hội còn đứng vững vì tất cả các hội viên và cấp lãnh đạo đều là những người ÐÃ hay CÒN là sinh viên, những khuôn mặt sạch sẽ trong trắng, chưa hề tham chính, chưa hề biết lật lọng, chưa hề mưu toan, chia rẽ... Cái đau của lớp trẻ không phải là những phát súng hay những mũi dao của kẻ địch từ phía bên kia, mà là những cái tát của lớp đàn anh từ phía bên này... Người chết vì phát súng hay nhát dao thì cũng đã chết rồi nhưng kẻ còn sống sau những cái tát sẽ lún dần xuống tủi hờn...

Mày đã ra đi, đã chịu đựng được những cái tát sau những tan nát mà lớp đàn anh để lại, mày đã trở lại quê hương, làm vinh danh cho một Hội, cho một lớp người. Mày đã âm thầm, không khua chuông gõ mõ, không cho ăn bánh vẽ, không ký ngân phiếu ma lừa lọc lớp đàn em.

Mày đã về ... Thật sự !...

Sau 75, mất Tòa Ðại Sứ, mất Câu Lạc Bộ, mất Trụ sở, Ban Chấp Hành rút về ngoại ô Paris, trên lầu 6 của một chung cư đường Maréchal Joffre trên trục Bourg la Reine. Tôi ở phía bên kia đường chung nhà với Trung Ðức Âm. Bá và cả chục anh em sống quây quần trong 3 căn phòng, chia nhau từng miếng nước, từng phần cơm... Tinh thần anh em, từ trong côi cút, rất cao: những đêm Tết Quốc Gia được tổ chức trước Tết của Cộng Sản, trước và sau nhau một tuần tại nhà hát Maubert, những buổi thức sáng đêm để đi dán bích chương, những đêm khuya không ngủ để hội thảo vào đêm 30 tháng 4 trước ngày lễ Lao động mùng 1 tháng 5 của chúng nó, đều được đón nhận trong hăng say, trong cái không khí phập phồng "đụng độ với bọn nó".

Trần Văn Bá luôn luôn là người đứng đầu chịu mũi dùi: phải khôn khéo lắm mới né tránh được những gạn hỏi, điều tra, dò xét của Tổng nha Cảnh sát Pháp, phải tinh nhanh lắm mới né tránh được những tai họa cho anh em sinh viên trong Hội và nhất là cho những người thân cận phụ tá cho anh. Ở một môi trường mà phía bên kia là "danh chánh ngôn thuận" ở hàng Ðại Sứ, ở một môi trường mà sự giúp đỡ của các đảng phái Tả với nhau đã thành thông lệ, hoạt động của nhóm trẻ côi cút, không một hậu thuẫn tinh thần, không một sự giúp đỡ vật chất, trở thành như hão huyền, vô vọng. Trần Văn Bá vẫn âm thầm, dìu Tổng Hội từng bước nhỏ.

Năm 76, khi Phạm Văn Ðồng qua Pháp xin viện trợ: cả một guồng mát tuyên truyền Cộng sản xê dịch theo. Họ mua chuộc báo chí, ve vãn các phe Tả của Pháp, đòi hỏi sự giúp đỡ chính thức ở hàng ngoại giao của chính phủ. Trong dự tính của họ, cư xá sinh viên quốc tế đường Jourdan là địa điểm họ nhắm để triển lãm, hội thảo tuyên truyền cho chiến thắng 75 và cho chuyến công du của Phạm Văn Ðồng.

Anh em sinh viên Quốc Gia đã mở chiến dịch phá vỡ dự tính của họ, trong một buổi cùng phát truyền đơn giải độc lẫn nhau trong công viên cư xá..
.
Mọi sự đã được trù liệu vào buổi trưa.

Bên họ, nhóm sinh viên Việt Nam theo cộng khoảng 50 đứa, chúng kéo theo bọn Tây cộng, và sinh viên ngoại quốc thiên cộng cả thảy khoảng 200 đứa đứng dàn trước bực thềm cửa chính đi vào chánh diện cư xá.

Bên mình, tất cả anh em sinh viên Tổng Hội, kể cả các chị, bạn bè thân hữu của hội Nanterre thấy Nhi, cộng khoảng hơn 100 người, từ ngoài đường bước vào... Trần Văn Bá, dáng vóc nhỏ bé, ôm một đống truyền đơn giải độc đi tiên phong. Anh tiến thẳng vào lớp người hung hãn đứng chặn ngang trước mặt, thản nhiên phân phát những truyền đơn cho những khuôn mặt ngoại cuộc... Vào lúc bên kia bung người ra để đánh anh Bá là lúc bên mình ào ạt xông tới. Gậy gộc vung lên túi bụi. Tôi đi tiếp anh Bá từ cánh trái, đầu đội nón mô-tô, tay cầm cây búa thép. Anh Bá và nhóm đi giữa vừa chùn lại là lúc 2 cánh bên của mình phủ tới, đấm đá tán loạn... Các tay võ của lò thầy Nhi chưa bao giờ cảm thấy uất hận 30 tháng 4 trào lên mãnh liệt như vậy.

Tôi còn nhớ mãi khuôn mặt hãi hùng của tên sinh viên cộng sản non choẹt bị đạp ngã nằm dưới chân tôi...

"Mẹ kiếp, tao đã dơ búa cao tay để định hạ nhanh xuống đầu nó, nhưng thoáng thấy sự hãi hùng của một khuôn măt Việt Nam, tao lại thu tay về...

Ðấy, mình thua cộng sản ở chỗ đó, mình vẫn còn tình cảm quá... Nhìn ánh mắt của nó, tao chả thấy sự hãi hùng nào nhiều cộng sản hay ít quốc gia hơn sự hãi hùng nào... Chỉ thấy nó là một thằng Mít, một thằng Việt Nam..."

Cả hai bên đều thương tích rất nhiều... Kết quả là Tổng Giám Ðốc của cư xá sinh viên quốc tế, cùng Giám Ðốc của các nhà, đã hủy bỏ mọi chương trình triển lãm, hội thảo về Việt Nam trong dịp viếng thăm của Phạm Văn Ðồng. Lý do: an ninh... Mình đã thành công...

Ðã có rất nhiều cuộc đánh lộn xô xát ở những địa điểm buôn bán của người Việt Nam, Trần Văn Bá vẫn thường xuyên lên Tổng Nha bảo lãnh những thiếu niên mới tỵ nạn qua, uất ức, đánh lộn vì những khiêu khích, phỉ nhổ của phía bên kia. Cái ức nhất của phía bên mình là ngồi kiểm điểm nhìn mặt lại những tên Cộng phía bên kia, từ tên lớn tới tên nhỏ, đều toàn là những người đã mang giấy thông hành của Việt Nam Cộng Hòa để đi xuất ngoại. Không hề có một sinh viên nào từ Hà Nội qua Pháp trước năm 75...

Sau 4 nhiệm kỳ làm ChủTịch, Trần Văn Bá đã nhường lại ghế Chủ Tịch Tổng Hội cho lớp đàn em, khi Hội đã thành khung, đã giữ vững môi trường. Anh rút lui về phía sau mọi hoạt động của Ban Chấp Hành mới. Thời kỳ này là thời kỳ anh chuẩn bị một hướng đi mới. đúng con đường ông cụ thân sinh anh đã đi: về bưng... Những khuôn mặt tiếp nối anh Bá trong Tổng Hội là Lê Tất Tố, Phan Văn Hưng, Nguyễn Như Lưu, Trần Ngọc Giáp, Ðỗ Ðăng Liêu đều xứng đáng trong vai trò. Chưa bao giờ có một Hội Quốc Gia nào, ngoài những hội mang tính cách tôn giáo, quy tụ dược nhiều hội viên như Tổng Hội. Hội đã trở thành một gia đình. Số các chị tham gia, đông và tích cực hơn các anh rất nhiều. Một hiện tượng hy hữu, nói lên uy tín, chính nghĩa của Tổng Hội.

Anh Trần Văn Bá đã gieo hạt giống tốt...

"Mày ở giữa anh em, như một gương sáng, cho sự liêm khiết và thanh bạch. Cuộc sống của mày đạm bạc đến độ nghèo nàn... Mày có gia-đình, có mẹ, có chị, có anh bên cạnh, nhưng mày vẫn gần gũi với bạn bè... Mày đã từ chối không đi làm, để lo việc Tổng Hội. Mỏ vàng duy nhất của mày là Trần Văn Tòng, người anh ruột. Tòng lâu lâu vẫn hớt hơ hớt hải lái xe BMW xuống cà-phê Châlet du Parc để gặp ai cũng hỏi: "Toa có thất thằng Bá đâu không toa ?..." Tòng kiếm mày để chi tiền tháng cho mày sống.

Mày có thể đi làm như bất cứ một tên nào đã ra trường, nhưng văn phòng, ghế ngồi nào giữ chân được mày!...

Cũng chẳng có cặp mắt xanh nào có thể chôn vùi lý tưởng của mày: gần mười năm sống sát mày, tao chưa hề nghe được một lần tâm sự nào về con gái... Mày cho dù có khắc khổ xấu trai tới mức nào đi nữa, với thể chất dịu dàng, đằm thắm của mày, cũng có thể lôi được về một cô... Thằng Thạckồ, thằng Ðĩ Rỗ, mà còn lấy được vợ có con, huống chi là mày!...

Tổng Hội rất nhiều các chị, nhưng mày chưa bao giờ tai tiếng với một ai. Tao còn nhớ tên Thạckồ của nhà Lý Toét vẫn dùng bài "Như cánh vạc bay" để nhái chọc mày:
"Ta nghe thằng Ðầu Ðỏ lý thuyết nhiều mà thiếu Tê Pê ... (T.P: Travaux Pratiques: Thực hành).

Khoảng năm 79, Bá thường biến diện bất thường. Hình như anh xê dịch rất nhiều. Anh kín đáo đến nỗi bạn bè lâu lâu chỉ được anh bất thần nhờ chở ra nhà ga. Ði nhà ga, để rồi anh di chuyển đến một địa điểm khác: có thể là Luân Ðôn, có thể là Bruxelles, có thể là Nữu Ước hay là Washington D.C. Không ai biết. Ðơn độc với một sắc tay nhỏ.

Lần chót tôi gặp anh, anh nói tao thèm ăn cơm với mày. Tôi nấu cơm đợi anh tới... Bữa cơm đó là bữa cơm chót: đêm đó anh rời Paris. "Thôi tao đi, chắc lâu lắm mới gặp lại mày...".

...Tin mày đã vĩnh viễn về Thái Lan làm tao xót xa... Xót xa vì đã xa một người bạn, nhưng ấm lòng vì biết mày đang thực hiện được mộng ước của mày, nếp sống bưng biền đã ám ảnh mày ngay từ nhỏ, hồi mày theo công cụ về nằm trong bưng... Con đường mày đã đi với Tổng Hội chỉ là một cuộc chạy tập dượt... Nay mới thực sự là cuộc chạy Marathon chính. Không kiểu cách, không màu mè, không đàn sáo... Bạn bè chúng tao chưng hửng. Gia đình mày càng chưng hửng hơn. Chắc bà cụ mày và bà chị ruột đã nhiều đêm khóc thương nhớ mày. Tòng, anh mày, vẫn vặn hỏi chúng tao về tung tích của mày. Biết gì đâu mà trả lời. Có biết chỉ là thoáng qua thôi, đối với Liệt, đối với Truyền, những người em tinh thần của mày. Tao chả còn biết viết gì thêm về mày nữa. Viết bao nhiêu cũng không đủ đâu.Giờ này là 3 giờ sáng ở đây, Cali; 12 giờ trưa ở Paris, và 6 giờ chiều tại Việt Nam. Mày có lạnh lắm không?... Tao đang từ phía bên này, nghĩ về phía Ðại dương bên kia nhớ thương mày. Nước mắt đã lưng tròng rồi. Lần này tao đang khóc thật, khóc để kéo bớt xuống cái cục cứng đang mắc ở cổ họng từ nhiều ngày nay...

Ðược tin chúng nó đã xử mày, tao tê dại cả người.

Khuôn mặt mày đứng bên lề cửa chào tao hẹn ngày gặp lại, bỗng nhòa đi trong nước mắt...

Thôi, tao không muốn khóc nữa đâu...

Trái lại, tao chia vui với mày: vì mày đã thành BẤT TỬ, bất tử với lịch sử ở lứa tuổi 39, bất tử trong lòng chúng tao, những bè bạn xa gần...

Bá ơi, mày có lạnh lắm không?

Xác mày rồi sẽ nằm yên trong lòng quê cha đất tổ. Hồn mày hãy trở về đây với anh em, với những người bạn của mày để giúp chúng tao bước những bước đi còn dài...

Tự nhiên tao thèm khát được thấy một Hội ra đời, chỉ một Hội thôi, ở đất Mỹ, lấy tên là Hội Việt Nam Cộng Hòa. Không còn tranh chấp, không còn nghi kỵ, không còn hạ bệ lẫn nhau, để rồi có những người khác trở về tiếp tay với mày...

Ngủ yên đi Bá...

Tao thay mặt bạn bè dâng mày lần chót những khuôn mặt anh em đã cùng mày chia sẻ ngọt bùi:
Nguyễn Hồng Liệt, Trần Ngọc Giáp, Trần Phước Truyền, Tôn Thất Trai, Thạckồ, Trần Ðại Ấn, Hồ Anh Tôn, Tùng Mập, Sáu Tài, Ðĩ Rỗ, Sơn Con, Nghĩa Ðiên, Tạ Bửu Long, Nguyễn Hồng Bác, Nguyễn Hồng Tảo, Nguyễn Hồng Nho, Phúc Lác, Lê Văn Tiềng, và tất cả các anh chị em sinh viên khác, đã quen mày hay chưa kịp quen mày...

Nhìn về Paris, nhớ lại Trần Văn Bá. Bạn tôi, người bạn nay đã trở thành bất tử...

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025