Nguyễn Phú Trọng và Hồ Chí Minh, nhân vật nào tội lỗi lớn hơn đối với dân tộc Việt

Nguyễn Phú Trọng và Hồ Chí Minh,
nhân vật nào tội lỗi lớn hơn đối với dân tộc Việt
(Nguồn Đặc San Lâm Viên)


LS Đào Tăng Dực

Trong thời gian vừa qua, hải ngoại lẫn quốc nội rộ tin TBT Nguyễn Phú Trọng lâm trọng bệnh và sau đó giả chết bắt quạ. Dù ông Trọng có qua đời trong nhiệm kỳ hay không, sức khỏe của ông đã rất tệ và cũng đã đến lúc chúng ta duyệt xét di sản chính trị của ông.

Nhiều thức giả cho rằng, khi so sánh giữa hai lãnh tụ CS là Hồ Chí Minh và Nguyễn Phú Trọng thì Ông Hồ là tác nhân quan trọng nhất của lịch sử CSVN, du nhập ý thức hệ Mác- Lê vào đất nước, như vậy ông chính là tội đồ lớn nhất của dân tộc. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã công bằng đối với ông khi chúng ta duyệt xét toàn bộ hoàn cảnh lịch sử của dân tộc.

Hồ Chí Minh là nhân vật khai sinh ra đảng CSVN và Nguyễn Phú Trọng là lãnh tụ tuyệt đối đương nhiệm của tập thể này. Đảng CSVN sau gần 5 thập niên nắm quyền toàn trị trên quê hương, dân tộc chúng ta tụt hậu thảm thương khi so sánh với các dân tộc Đông Á khác như Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan.

Khi duyệt lại lịch sử, chúng ta nhận xét ngày rằng, suốt 94 năm kể từ ngày thành lập đảng, ngoài chức vụ chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương đảng do Hồ Chí Minh giữ đến khi qua đời năm 1969, CSVN có tất cả 10 Tổng Bí Thư.

Tuy nhiên 4 TBT đầu là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cử, đều tại chức chỉ một hay 2 năm, sau đó bị Pháp giết. Hơn nữa, quyền lực và uy tín của Hồ Chính Minh bao trùm nên ảnh hưởng của họ không bao nhiêu.

TBT Trường Chinh là một nhân vật đặc biệt. Ông làm TBT 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1941 đến 1956. Thời điểm này quyền lực TBT bị quyền lực của ông Hồ làm lu mờ. Thời điểm thứ nhì từ tháng 7, 1986 đến tháng 12, 1986, sau khi ông Hồ qua đời, thì quá ngắn ngủi.

Các TBT có thực quyền bắt đầu, từ sau cái chết của Ông Hồ, là Lê Duẫn (5 năm), Đỗ Mười (6 Năm), Lê Khả Phiêu (4 Năm), Nông Đức Mạnh (10 năm) và Nguyễn Phú Trọng là tại chức lâu nhất, từ năm 2011 đến nay và nhiệm kỳ thứ 3 sẽ chấm dứt vào năm 2026, nếu ông còn sống đến ngày đó.

Một nguyên tắc của lịch sử khi đánh giá công và tội là: Càng nhiều quyền lực thì trách nhiệm càng nặng nề.

Khi nói về quyền lực thì Nguyễn Phú Trọng dĩ nhiên không bằng Hồ Chí Minh vì Ông Hồ được đảng đưa lên mức độ thần thoại, ngang hàng với Lê Nin, Stalin và Mao Trạch Đông. Ông Hồ được ca tụng như cha già dân tộc, đánh đuổi Thực Dân Pháp dành độc lập cho Việt Nam qua “cuộc kháng chiến anh hùng và đẫm máu”.

Thực ra các phong trào chống chủ nghĩa thực dân và trao trả độc lập cho các thuộc địa đã rất mạnh mẽ từ giữa thế kỷ 20. Nếu không có đảng CS thì các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân, các chi phái Đại Việt… đã dương cao chính nghĩa quốc gia và dành độc lập thành công cho dân tộc vì chủ nghĩa thực dân đã thoái trào. Có thể chúng ta đã có dân chủ đa nguyên trước cả Đài Loan lẫn Nam Hàn.

Cái giá dân Việt phải trả cho những sách lược sai trái của ông Hồ thực sự quá đắt:

1. Ông đã du nhập ý thức hệ Mác- Lê vào lòng dân tộc như một siêu vi trùng, hủy hoại nguyên khí quốc gia.

2. Theo lệnh của các quan thầy Nga-Hoa, ông đã thẳng tay tiêu diệt các đảng phái quốc gia, thiết lập độc tài toàn trị trên quê hương đất nước, trì hoãn tiến trình dân chủ hóa đất nước.

3. Tàn sát tập thể hằng vạn con dân nước Việt trong những cơn cuồng điên ý thức hệ như Chiến dịch cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa, Mậu Thân Huế 1968 chỉ một năm trước khi ông qua đời.

Câu hỏi vẫn phải đặt ra là giữa Nguyễn Phú Trọng và Hồ Chí Minh, ai công ai tội hơn ai?

Theo Wikipedia, Nguyễn Phú Trọng sẽ được 80 tuổi vào tháng 4 năm 2024. Ngoài chức vụ TBT đảng ông còn là Bí thư Quân ủy Trung ương, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Năm 2018, sau khi được Quốc hội Việt Nam khóa XIV bầu làm Chủ tịch nước, ông đã chính thức trở thành người thứ ba trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ cả hai chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước, sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

Trên bình diện học thức, Ông là Giáo sư Chính trị học, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử. Trường lớp của ông là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nói về công lao cho đất nước thì Nguyễn Phú Trọng không có gì. Lý do là ông chỉ thụ hưởng di sản quyền lực của Hồ Chí Minh và những lãnh tụ CS tiền nhiệm.

Tuy nhiên, từ khi nắm được quyền lực tối cao, ông đã đánh mất nhiều cơ hội canh tân cải tổ đất nước. Có 3 cơ hội lớn ông đã đánh mất trong nhiệm kỳ của mình:

Trước hết, vào năm 2013, khi chấp bút bản hiến pháp hiện hành, ông có thể từng bước cởi trói cho dân tộc bằng cách không hiến định hóa Điều 4 hiến pháp, tư hữu hóa sở hữu đất đai và củng cố khái niệm kinh tế thị trường chân chính thay vì tái “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Thứ hai, ông có thể từng bước giới hạn quyền lực của công an và nới lỏng quyền tự do báo chí, tư tưởng và tiếng nói đối lập.

Thứ ba là trong giai đoạn Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương đang tái phối trí tương quan địa chính trị cả Đông lẫn Tây, ông có thể lèo lái con thuyền quốc gia, tách rời khỏi ảnh hưởng CSTQ, một mặt củng cố chủ quyền quốc gia, mặt khác thu hút tư bản quốc tế làm giàu cho dân tộc, thì ông lại không đủ can đảm.

Nhiều bình luận gia cho rằng, ông có công đốt lò diệt tham nhũng. Tuy nhiên, bao lâu còn độc đảng thì diệt tham nhũng chỉ là trò cười vô bổ.

Khi so sánh với Hồ Chí Minh, chúng ta có thể lập luận rằng tội của ông nặng hơn Ông Hồ. Lý do là vì Ông Hồ trình độ học thức cao nhất chỉ là bằng Primaire (tức tốt nghiệp cao đẳng tiểu học Pháp hay Thành Chung). Sau đó ông qua Liên Xô và bị trường đảng LX nhồi sọ. Ông nhẹ tội hơn vì sự hiểu biết giới hạn hơn.

Tuy nhiên Nguyễn Phú Trọng sinh ra trong thời đại mới. Học thức rất cao. Ông bảo vệ chế độ không phải vì ông còn tin tưởng vào sự khả thi của lý tưởng cộng sản, mà vì chỉ có đảng mới cho ông ngôi vị cao như vậy mà thôi.

Với trí năng và kiến thức của ông, ông thừa biết rằng đảng và chủ nghĩa CS đã di hại vô vàn cho nhiều thế hệ con dân Việt Tộc. Lý do chính xác nhất là, như nhiều con người tầm thường khác, ông ham mê quyền lực và danh vọng hão huyền. Ông có thể nắm quyền lực 15 năm, được các nịnh thần ca tụng đó đây.

Tuy nhiên sau khi vị “nhân sĩ Bắc Hà” này qua đời, lịch sử sẽ đánh giá nghiêm khắc di sản của ông và tội của ông sẽ nặng hơn tội của ông Hồ nữa.


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025