Bầu cử Đài Loan: Các ứng cử viên là ai và vì sao thế giới cần quan tâm?

Bầu cử Đài Loan: Các ứng cử viên là ai
và vì sao thế giới cần quan tâm?
Các ứng cử viên tổng thống Đài Loan, từ trái sang phải: Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến, Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng và Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan

Cử tri ở Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 13 tháng 1 năm 2024 để bầu ra tổng thống và quốc hội - tức Lập pháp viện.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang theo dõi sát sao vì hòn đảo tự trị này giữ những lợi ích chiến lược quan trọng cho cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Kết quả có thể có tác động lớn đến bản chất mối quan hệ của hòn đảo này với Trung Quốc, do đó có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng đến cục diện nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến (DPP) - đảng được Trung Quốc coi là phe ly khai - sắp rời nhiệm sở sau hai nhiệm kỳ, theo quy định trong hiến pháp.
Ba ứng cử viên đang tranh đua để kế nhiệm bà.
Và liên minh do DPP dẫn đầu đang hy vọng duy trì đa số trong 113 thành viên của Lập pháp viện, cơ quan có quyền đưa ra luật, phê duyệt ngân sách, tuyên bố chiến tranh và giải quyết các vấn đề khác của nhà nước.
Ứng cử viên là những ai?
Ba ứng cử viên chụp ảnh trước khi bắt đầu cuộc tranh luận trên truyền hình ở Đài Bắc vào ngày 30 tháng 12
Lại Thanh Đức, Đảng Dân Tiến (DPP)
Ông Lại trước đây là bác sĩ và đã kinh qua hầu hết các chức vụ chính trị hàng đầu ở Đài Loan. Ông giữ chức phó tổng thống từ năm 2020.
Ông là lãnh đạo của Phiếm Lục Liên minh (Pan-Green) và ủng hộ rộng rãi bản sắc Đài Loan và phản đối việc thống nhất với Trung Quốc.
Ông ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ hơn là Trung Quốc.
Trung Quốc coi ông là "kẻ ly khai" theo đường lối cứng rắn, "tồi tệ hơn nhiều so với Thái Anh Văn".
Nhưng khi ngày bỏ phiếu đến gần, ông lặp lại câu nói thận trọng của bà Thái rằng vì “Đài Loan vốn đã độc lập nên không cần tuyên bố gì thêm”.
Hầu Hữu Nghi, Quốc Dân Đảng (KMT):
Ông Hầu là một cựu cảnh sát. Ông dễ dàng tái đắc cử chức thị trưởng thành phố Tân Bắc (thành phố bao quanh thủ đô Đài Bắc) vào năm 2022 như là người ôn hòa và nổi tiếng về năng lực.
Ông lãnh đạo liên minh Phiếm Lam (Pan-Blue), ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn - hoặc thậm chí có khả năng thống nhất - với Trung Quốc.
Gần đây ông tuyên bố rằng ông hiện ưu tiên giữ nguyên hiện trạng, nghĩa là không tuyên bố độc lập cũng như không tìm cách thống nhất với Trung Quốc.
Kha Văn Triết, Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP):
Ông Kha là một bác sĩ phẫu thuật cho đến khi ông tranh cử thị trưởng Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan với tư cách độc lập vào năm 2014.
Ông thành lập Đảng Nhân dân Đài Loan vào năm 2019, coi đây là lựa chọn thứ ba cho những cử tri không hài lòng với cả DPP lẫn Quốc Dân Đảng.
Lập trường của TPP về quan hệ Đài Loan và Trung Quốc vẫn còn mơ hồ.
Cuộc đàm phán giữa Quốc Dân Đảng và TPP để giành tấm vé chung tham gia cuộc đua tổng thống đã thất bại vào tháng 11.
Đã có những cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2023 về các vấn đề như thiếu nhà ở và chi phí sinh hoạt cao
Người Đài Loan muốn gì?
Bất chấp căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan, các nghiên cứu cho thấy nhiều người Đài Loan cho rằng phát triển kinh tế là vấn đề cấp bách hơn.
Một nghiên cứu năm 2023 do Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ chỉ ra rằng 34,2% số người được khảo sát coi nền kinh tế là mối quan tâm cấp bách nhất mà họ muốn tổng thống tiếp theo của họ giải quyết.
Quan hệ Trung Quốc-Đài Loan đứng thứ hai - ở mức 18,1%.
Người dân thất vọng với các vấn đề như lương thấp, đặc biệt đối với thanh niên và người lao động, chi phí sinh hoạt cao và giá nhà đất tăng cao.
Bà Thái Anh Văn đã cam kết “một đất nước tốt đẹp hơn cho thế hệ trẻ” trong chiến dịch tranh cử năm 2015 của mình, nhưng nhiều cử tri cảm thấy bà chưa thực hiện được điều đó.
DPP đạt kết quả kém trong cuộc bầu cử địa phương năm 2022, dẫn đến việc bà Thái phải từ chức chủ tịch đảng.
Nhiều người quy lỗi cho thành tích yếu kém của DPP trong việc cải thiện cuộc sống hàng ngày của người dân.
Công dân Đài Loan từ 20 tuổi trở lên được ghi nhận đã sống trên đảo liên tục trong sáu tháng sẽ tự động đủ điều kiện bỏ phiếu.
Điều đó có nghĩa là có khoảng 19 triệu cử tri tiềm năng. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử vừa qua là 75%.
Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau tại khu dinh thự Filoli (California, Mỹ) bên lề thượng đỉnh APEC tháng 11 năm ngoái, không rõ họ có thảo luận về vấn đề Đài Loan hay không
Trung Quốc và Mỹ muốn ai làm tổng thống mới của Đài Loan?
Đài Loan cách bờ biển phía đông nam Trung Quốc khoảng 161 km.
Đài Loan đã tự trị kể từ khi chính phủ Quốc Dân Đảng (KMT), sau khi thất bại trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản, rút khỏi đất liền và ra đóng tại đây vào năm 1949.
Nhiều thập kỷ sau, Đài Loan đã chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ với hiến pháp riêng. Phần lớn người dân coi hòn đảo này khác biệt với Trung Quốc đại lục.
Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc coi việc kiểm soát tối hậu đối với Đài Loan là vấn đề an ninh quốc gia.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nói rằng "sự thống nhất" phải được thực hiện - và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được điều này.
Mỹ ngày càng khẳng định sẵn sàng hành động để ngăn chặn bất kỳ động thái quân sự nào như vậy.
Đài Loan nằm trong cái gọi là "chuỗi đảo thứ nhất" - gồm các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines - rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nếu Trung Quốc tiếp quản Đài Loan, một số chuyên gia phương Tây cho rằng nước này có thể được tự do hơn trong việc triển khai sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương và thậm chí có thể đe dọa các căn cứ quân sự của Mỹ ở xa như Guam và Hawaii.
Nhưng Trung Quốc khẳng định ý định của họ thuần túy là hòa bình.
Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên DPP Lại Thanh Đức dẫn trước Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng, với ứng cử viên thứ ba Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) xếp sau cùng.
Trung Quốc đã tăng cường áp lực, thường xuyên cho tàu quân sự và máy bay tới Đài Loan trong năm ngoái và băng qua đường trung tuyến phân chia eo biển giữa hai bên hầu như mỗi ngày.
Bà Thái Anh Văn giám sát công tác quân huấn tại một căn cứ quân sự dự bị ở Đào Viên vào tháng 5 năm 2023
Đài Loan có thể tự vệ?
Phần lớn sức mạnh quân sự của Trung Quốc được tập trung ở chỗ khác nhưng, xét về tổng thể quân nhân tại ngũ chẳng hạn, có sự chênh lệch rất lớn giữa hai bên: trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào, lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ lấn át lực lượng của Đài Loan.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Đài Loan không được trang bị vũ khí tốt hoặc đơn thương độc mã.
Sau khi Mỹ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979, nước này tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo này theo các điều khoản của Đạo luật Quan hệ Đài Loan.
Tháng 7/2023, Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí cho Đài Loan trị giá lên tới 345 triệu USD.
Ngay trước cuối năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán thiết bị trị giá 300 triệu USD để giúp duy trì hệ thống thông tin chiến thuật của Đài Loan.
Trở lại tháng 5 năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự hay không, ông trả lời: "Có".
Nhà Trắng sau đó nhấn mạnh rằng Washington không thay đổi “chính sách một Trung Quốc” đã tuyên bố.
Tuy nhiên, Trung Quốc chi tiêu ngân sách quốc phòng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Mỹ và có thể sử dụng nhiều năng lực khác nhau, từ sức mạnh hải quân đến công nghệ tên lửa, máy bay và tấn công mạng.
Vì sao Đài Loan quan trọng với thế giới?
Liên Hợp Quốc không công nhận Đài Loan là một quốc gia riêng biệt và chỉ có 12 quốc gia trên thế giới công nhận (chủ yếu ở Nam Mỹ, Caribe và châu Đại Dương).
Phần lớn thiết bị điện tử hàng ngày trên thế giới - từ điện thoại đến máy tính xách tay, đồng hồ và máy chơi game - đều được vận hành nhờ vào chip máy tính sản xuất tại Đài Loan.
Theo một tính toán, chỉ một công ty Đài Loan - Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan tức TSMC - đã chiếm hơn một nửa thị trường thế giới.
TSMC được gọi là "lò đúc" - một công ty sản xuất các chip do khách hàng tiêu dùng và khách hàng quân sự thiết kế. Đây là một ngành công nghiệp khổng lồ, trị giá gần 100 tỷ USD vào năm 2021.
Washington đã tăng cường nỗ lực trong những năm gần đây, thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ có thể cho phép nước này sánh ngang với những tiến bộ về vi mạch của Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Đài Loan.
Việc Trung Quốc tiếp quản Đài Loan có thể mang lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát ở mức độ lớn đối với một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025