Giới thiệu sách: Uwe Siemon-Netto và Chiến Tranh Việt Nam

Giới thiệu sách: Uwe Siemon-Netto và Chiến Tranh Việt Nam
Bs Hoàng Thị Mỹ Lâm

Cuốn sách nguyên bản dày 306 trang với tựa đề "Duc, der Deutsche – Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten", đã từng được các dịch giả Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền dịch lại với tựa đề "Vinh quang của sự phi lý – Tình yêu của một phóng viên cho dân tộc Việt Nam bị bỏ rơi“, do chính tác giả Uwe Siemon-Netto trong dịp đến Berlin nói chuyện với Cộng Đồng Tỵ Nạn Việt Nam ký tặng đề ngày 23.03.2014, được trân trọng để riêng trong tủ sách quý gia đình từ bấy lâu nay. Mỗi lần lấy sách ra đọc lại tôi vẫn cảm thấy xúc động trước sự đồng cảm, sự trân trọng quý mến dân tộc Việt Nam bị tổn thương và phản bội trong dư luận quốc tế.

Tuy bản dịch tiếng Việt rất công phu nhưng nguyên bản mới diễn tả được sự điêu luyện sắc sảo trong lời văn ngôn từ và kỹ năng của người viết. Thoạt nhìn hình bìa thì ai cũng tưởng đó chỉ là là một cuốn sách viết về một đề tài chiến tranh khô khan, nhưng khi đọc người ta mới cảm nhận được sự thật kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của một Phóng Viên Chiến Trường có lương tâm nghề nghiệp và sự ấm áp tình người của một người từng đồng hành đồng khổ với người Việt miền Nam trong trận chiến đó.

Ông Siemon-Netto là người Đức, sanh ngày 25.10.1936 và có một thời thơ ấu hồn nhiên ở Leipzig. Thân mẫu của ông là một Ca Sĩ Hợp Xướng sau này sống ở Frankfurt. Ông khởi nghiệp làm Phóng Viên Hải Ngoại ở Luân Đôn cho hãng truyền thông Đức Axel-Springer. Tại đây ông gặp người bạn đời Gillian vào năm 1962, một cô gái người Anh vừa đẹp tính lại vừa đẹp người. Hai người đã làm đám cưới vào cuối năm đó khi ông vừa 26 tuổi. Ngay sau đám cưới ông được hãng thuyên chuyển sang New York làm Phóng viên chuyên về phóng sự chính trị tại Liên Hiệp Quốc. Ba năm sau, đầu năm 1965, ông đặt chân lần đầu đến Saigon với nhiệm vụ Phóng Viên chiến trường cho Axel Springer và tiếp tục làm việc tại đây đến cuối năm 1969.

Cuốn sách "Duc, der Deutsche " là một hồi ký, là những mảng ký ức sống động được chép lại năm 2014 khi ông đã trở thành một Nhà Thần Học Tin Lành. Cũng nên nhắc lại là sau khi bỏ nghiệp nhà báo, ông Siemon-Netto đã theo học về Thần Học và chuyển sang làm nghề Chăm Sóc Tâm Linh cho các Cựu Chiến Binh đã tham chiến Việt Nam tại Hoa Kỳ. Năm 1992 ông trình Luận Án Tiến Sĩ về Thần Học và Xã Hội Tôn Giáo tại Đại Học Boston.

Xuyên suốt cuốn sách có một câu tuyên bố của Đại Tướng Cộng Sản Việt Nam Võ Nguyên Giáp được Siemon-Netto nhắc đi nhắc lại nhiều lần là: "kẻ thù ( nghĩa là kẻ Phương Tây ).. không có khả năng về tâm lý và chính trị để chịu đưng một cuộc chiến tranh trường kỳ", và đó cũng là cái cốt lõi và phương châm của Cộng Sản Việt Nam để liên tục khiêu chiến và duy trì cuộc chiến kinh hoàng với mục đích tối hậu là áp đật chế độ Cộng Sản lên toàn cõi Việt Nam.

Siemon-Netto đã chỉ trích nặng lời với gíới chính trị Phương Tây là đã bỏ qua lời khuyên của Sir Robert G.K. Thompson, một chuyên viên người Anh về Chiến Tranh Du Kích đã rời Việt Nam vào năm 1965 vì Cơ Quan Tư Vấn của ông bị đóng cửa. Theo chiến thuật của Sir Thompson thì chính việc loại bỏ những tên Cộng Sản Nằm Vùng quan trọng hơn là việc diệt trừ những tên Cộng Sản Du Kích trong rừng sâu. Phương thức " Clear and hold " là làm sạch mầm móng Cộng Sản nằm vùng ( clear ) thì dân chúng địa phương tại đó sẽ đứng về phe chính phủ (hold ). Một hệ thống Cảnh Sát và Tình Báo hữu hiệu là yếu tố quyết định cho sự thành công của chiến thuật này. Trong chương 3 Siemon-Netto nêu lên sự thành công của một Ấp Chiến lược năm 1965 của Đại Úy Ngữ ở làng Long Khốt, cách Saigon 137km về hướng tây gần biên giới Căm Bốt, hình thành đúng theo chiến thuật Thompson với lực lượng Nhân Dân Tự Vệ bén nhạy và ông đã tỏ lòng hết sức kính phục vị Đại Úy Việt Nam này.

Sự bỏ qua chiến lược này đã đưa đến những cái chết thảm thương của những người quốc gia chân chính sinh sống nơi xa xôi. Trong chương 5 Siemon Netto ghi lại một hình ảnh kinh hoàng của một gia đình Xã Trưởng gồm 14 người bị du kích Việt Cộng hành hình ở vùng Tây Nguyên xa xôi trước mắt dân làng như môt hăm dọa cho ai không theo Cộng: Họ từ từ giết cháu nhỏ nhất trước rồi tới các cháu lớn, kế đó là vợ rồi ông Xã trưởng; sự kinh hoàng không ngừng ở đó mà Việt Cộng đã hành hình vị Xã Trưởng bằng cách cắt lưỡi rồi cắt bộ phận sinh dục nhét vào miệng trước khi treo cổ; các người con trai của ông ta chỉ bị cắt bộ phân sinh dục trước khi bị treo cổ. Người vợ và cô con gái thì bị xẻ vú trước khi treo cổ. Sự dã man này được thực hiện như người ta thi hành một bản án thường nhật.

Trong một chương khác Siemon Netto nhắc lại ánh mắt căm thù sắt máu của những bộ đội Bắc việt đối với bà Monika Schwinn, một nữ Y Tá người Tây Đức bị bắt khi đang phục vụ tai Việt nam trong chương trình nhân đạo của Malteser , trên đường dẫn độ ra Bắc trên con đường mòn Hồ Chí Minh. Là một nhà Thần Học ông biết lòng căm thù và thú tính giết ngừơi không phải tự trời sanh ra. Sự căm thù cũng như thú tính giết người này phải được gieo vào tim vào óc những binh sĩ trẻ Bắc việt với một khuôn phép giáo dục đặc biệt mà chỉ có dưới chủ nghĩa độc tài toàn trị.

Trong chương 8 ông nhắc lại bài báo " Đồng cỏ nhuộm đỏ“ của mình đăng trên Die Welt ngày 13.12.1965 mô tả hiện trường sau một cuộc giao tranh ác liệt giữa Quân Đội Bắc Việt và Quân Đội Hoa Kỳ. Hàng trăm xác chết Việt Cộng phơi thây máu nhuộm đỏ cả bãi cỏ voi cao cả mét. Quân nhân Hoa Kỳ tử trận hay bị thương đã được di tản bằng máy bay trực thăng. Khi khám nghiệm hiện vật trong túi áo quần và ba-lô các tử thi Bộ Đội người ta mới phát giác được nhiều tử thi chỉ mới 15 tuổi. Trong ba lô chứa những bộ quần áo sạch xếp ngay ngắn hình như từ bàn tay của những người mẹ từ Vinh, Hải Phòng hay Hà Nội; có một số ba-lô dấu những tờ truyền đơn kêu gọi hồi chánh của Miền Nam. Sau khi kiểm soát người ta thấy có đến một phần tư các binh sĩ trẻ em mang tờ truyền đơn này trong người để chuẩn bị cơ hội đầu hàng; nhưng cơ hội lớn của các em không dễ tìm ,vì chỉ cần một động thái khả nghi là các em sẽ bị đồng đội bắn ngay vào lưng.

Ngược lại Siemon–Netto cho người đọc thấy hình ảnh của những anh chàng GIs (lính Mỹ). Họ là những thanh niên còn quá trẻ để được phép uống bia rượu, nhưng đủ già dặn để đi quân dịch đem mạng sống giao cho rừng thẳm xa xôi. Phần lớn họ chỉ vừa đúng 18 tuổi và phải làm nhiệm vụ công dân. Những thanh niên này ngoài chút kiến thức căn bản về vũ khí chiến thuật, họ không được chuẩn bị tâm lý để đối phó với những sự tàn độc của quỷ dữ. Trong một cuộc hành quân chung ở An Khê ông đã chứng kiến một cái chết của một thanh niên Hoa Kỳ 17 tuổi, viên đạn Kalaschnikow kẹt trong lá phổi của anh ta, anh ta nằm trong cơn hấp hối như một đứa trẻ thơ , anh ta gọi mẹ rồi kêu trời. Đó là một trong nhiều cái chết của những người lính trẻ mà Siemon-Netto đã chứng kiến. Trước khi chết họ thường gọi mẹ và kêu trời và phần lớn là theo thứ tự đó.

Sự tàn ác sâu độc của Việt Cộng còn được kể lại trong trận đánh tái chiếm Huế sau tết Mậu Thân. Khi những tay súng Việt Cộng nấp sau các cửa sổ phía bên bờ bắc sông Hương nã súng liên tục vào đoàn quân trong đó có Siemon-Netto đi theo, một binh sĩ Hoa Kỳ đã ném được một quả lựu đạn lọt qua một trong những cửa sổ ấy. Lựu đạn nổ. Tất cả trở thành im lặng. Đoàn quân reo vui vì nghĩ là đã đã hủy được mục tiêu. Nhưng cánh cửa chính bỗng bật mở, một người đàn bà trẻ bước ra, tay giơ lên xác một đứa trẻ đẫm máu. Anh chàng quăng lựu đạn hồi nãy chợt lên cơn khủng hoảng: "Trời ơi, tôi đã làm gì ? tôi đã giết một đứa trẻ. Trời hãy cứu tôi, trời ơi, trời ơi.. " anh ta quay cuồng, trong khi lính Bắc Việt từ những cửa sổ khác tiếp tục nã đạn vào phía chúng tôi. Ngừơi Trung Đội Trưởng phải dùng sức đè anh lính xuống và sau đó cho anh rút ra khỏi vòng chiến. Người binh sĩ này đã bị hủy hoại linh hồn và có thể bị tổn thương tâm linh vĩnh viễn.

Trong cuộc chiến tranh tàn nhẫn đó Siemon –Netto đã phân tích sự độc ác một cách khách quan là: trong khi Bắc Việt xem việc giết người là nhiệm vụ thi hành một chỉ đạo một quyết định tối hậu của nhà cầm quyền, kẻ giết người được ân thưởng tuyên dương công trạng . Còn người Mỹ xem chuyện giết người, điển hình là vụ Mỹ Lai, là một vi phạm pháp luật phải được nghiêm minh xét xử trước tòa án. Nhiều nhà báo quốc tế đã vô tình hoặc cố ý bỏ qua sự khác biệt về căn bản đạo đức này, khiến cho nhiều binh sĩ Hoa Kỳ khi giải ngũ về nước bị công dân Hoa Kỳ sỉ vả và bị làm tổn thương tinh thần trong suốt cuộc đời.

Siemon-Netto cũng phân tích tại sao chế độ Dân Chủ không đủ sức chịu đựng áp lực tâm lý và chính trị để chống lại cuộc chiến Partisan như Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố . Nguyên do là chỉ vì nền Dân Chủ khác với Độc Tài ở điểm Hệ thống Dân Chủ lệ thuộc vào Cử Tri. Nhưng ai là kẻ đem tin tức đến Cử Tri. Chính là giới truyền thông. Và khi giới truyền thông loan truyền là sự kiên trì trong cuộc chiến tranh vũ khí không xứng đáng để kéo dài vì người được bảo vệ không đáng được bảo vệ . Như vậy là cuộc chiến phải chấm dứt, nếu cần thì thua thiệt cũng phải chấp nhận. Thế là Giáp thắng cuộc !

Siemon-Netto lên án cực liệt giới truyền thông thuộc lớp trẻ, dưới ảnh hưởng của phong trào Hiện Sinh thập niên 1960, đã bóp méo hình ảnh chiến tranh Việt Nam đúng theo sự mong đợi như lời tuyên bố của Giáp:“ Chiến tranh Việt Nam sẽ được đưa tới tận phòng khách từng nhà mỗi gia đình Mỹ ". Giáp khẳng định : " giới truyền thông Mỹ sẽ là một yếu tố quyết định trong sự thắng thế của Bắc Việt ". Điển hình là cảnh một đoàn quay phim ba người của một đài truyền hình Hoa Kỳ đứng bên cạnh một ngôi mộ tập thể ở Huế. Ngôi mộ này vừa mới được phát hiện sau trận đánh Mậu Thân. Tìm ra do những ngón tay còn sơn móng đỏ giơ ra khỏi mặt đất của những người đàn bà đã bị chôn sống khi đang cố bươi cào ra khỏi hố đất. Đoàn quay phim đứng hờ hững bên cạnh mộ và không có ý quay phim. Có người hỏi tại sao, thì họ trả lời: " Chúng tôi không đến đây để quay phim tuyên truyền chống Cộng Sản !!“.

Nhắc về Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Siemon-Netto trách đám nhà báo đồng nghiệp chỉ luôn đi theo hành quân với quân đội Hoa Kỳ hoặc quân đội Đồng Minh và gửi những hình của các Quân nhân này ra quốc tế, mà quên hẳn đi hàng quân tinh nhuệ đã bảo vệ quê hương họ cho tới những giờ phút cuối cùng trước khi mất Saigon ngày 30.4.1975. Ông ca ngợi những gương anh hùng quân đội : Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú.. là những nhân vật mà ông đã từng gặp trên đường nghiệp vụ và giờ đây họ đã đi vào lịch sử.

Siemon-Netto yêu thương từ đứa trẻ bụi đời trên đường phố, đến thân phận những người đàn bà trong chiến tranh…Trong cuốn sách còn chứa đựng rất nhiều, về con người văn hóa lịch sử Việt Nam , về cái chết của vợ chồng Bác Sĩ người Đức Krainik và hai đồng nghiệp của họ: Alois Alteköster, Raimund Discher trong vụ tàn sát Mậu Thân Huế.

Trong vài hàng giới thiệu này tôi không thể chuyển tải tất cả chi tiết trung thực và đứng đắn trong cuốn sách của Siemon-Netto, người mang sứ mạng cao cả của Nhà Báo và của nhà Thần Học để trải lòng viết ra cuốn sách có giá trị lịch sử này. Tôi thiết nghĩ và cầu mong cuốn sách này sẽ là cuốn sách kinh điển để lại cho thế hệ mai sau một cái nhìn trung thực và có lương tâm về cuộc chiến Việt Nam. Các bậc phụ huynh của những thế hệ sanh sau cuộc chiến hãy khuyến khích con cháu tìm đọc cuốn sách này để hiểu chính xác về chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách được chính tay tác giả viết bằng hai thứ tiếng: tiếng Đức như đã nêu từ đầu: "Duc, der Deutsche – Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten" (Đức, Người Đức - Việt Nam của tôi. Vì sao sự sai trái đã chiến thắng) và tiếng Anh đã được xuất bản lần thứ hai là: "Triumph of the Absurd".

Mong lắm thay!!!

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209