Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ : Ba “cứu tinh” lớn cho nền kinh tế Nga

Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ :
Ba “cứu tinh” lớn cho nền kinh tế Nga
Minh Anh
Chiến tranh Ukraina sắp bước sang năm thứ ba, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không “ đánh quỵ ” được nền kinh tế Nga. Nhờ vào bộ ba Trung Quốc - Ấn Độ - Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn xuất khẩu của Nga tuy đã tìm được “ đầu ra ” thay thế nhưng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc nghiêm ngặt từ các đối tác.
Hình minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin qua video dự thượng đỉnh nhóm BRICS tổ chức tại Nam Phi, ngày 23/08/2023. AP - Mikhail Klimentyev
Cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành buộc Nga phải xoay trục sang châu Á. Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đi đầu là Mỹ, nền kinh tế Nga vẫn trụ tốt khi thặng dư thương mại của năm 2023 được ghi nhận là 140 tỷ đô la.
Gió đổi chiều
Theo truyền thống, Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, tiếp đến là châu Á, đứng hàng thứ hai. Tuy nhiên, qua khảo sát, các dữ liệu của Russia Foreign Trade Tracker de Bruegel, năm 2023 cho thấy một khung cảnh hoàn toàn khác biệt so với cách nay hai năm.
Trong số 38 quốc gia đối tác, chỉ riêng 5 nước châu Á chính đã chiếm đến hơn 2/3 tổng giá trị xuất khẩu của Nga. Riêng bộ ba Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép ngành xuất khẩu Nga thu được 130 tỷ đô la trong vòng hai năm (2021-2023), gần như tương đương với mức thất thoát xuất khẩu của Nga sang 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc (-139 tỷ đô la). Cũng bộ ba này thay thế đến 60% nguồn cung nhập khẩu cho Nga bị sụt giảm mạnh do các lệnh cấm vận của phương Tây.
Điều kiện ngặt nghèo
Gần như toàn bộ xuất khẩu nhiên liệu của Nga đã được chuyển hướng sang châu Á trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là hai khách hàng lớn nhất : 60% cho than đá và trong khoảng từ 80-90% dầu thô của Nga. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm dầu lửa từ Nga.
Tuy nhiên, theo quan sát từ nhà nghiên cứu Hubert Testard, tình trạng “ đại thay thế ” này là không hoàn toàn. Nga vẫn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khí đốt. Những đầu ra mới chưa đủ để bù đắp cho 80% lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu bị mất. Trung Quốc hiện nhập khẩu có 22 tỷ mét khối khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn Power of Siberia.
Theo dự kiến, con số này có thể tăng lên 50 tỷ vào năm 2025-2026 khi đường ống này vận hành hết công suất và 100 tỷ một khi Power of Siberia II được hoàn thành. Nhưng đường ống mới này hiện chỉ mới là dự án đang trong quá trình đàm phán. Trung Quốc đòi hỏi Nga tài trợ toàn bộ công trình và chỉ chấp thuận một hợp đồng dài hạn với “ giá hời ”. Thế nên, chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của ông Putin vẫn chưa giải tỏa bế tắc để đi đến một thỏa thuận cho dự án.
Ngoài ra, những đường ống dẫn khí đốt khác của Nga sang Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ tuy không có chung một xu hướng phát triển nhưng sản lượng xuất khẩu lại bị hạn chế ở mức 50-60% so với trước khi khởi động chiến tranh. Dù vậy, điều an ủi là Nga vẫn còn có thể duy trì lượng xuất khẩu khí hóa lỏng GNL sang châu Âu do lĩnh vực này không nằm trong các lệnh trừng phạt.
Vũ khí : Từ xuất khẩu thành nhập khẩu
Điểm đáng chú ý khác là trong lĩnh vực quốc phòng. Xuất khẩu vũ khí của Nga sang châu Á, từng chiếm đến hơn 60% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga, trong đó các đối tác chính là Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, đang có xu hướng giảm dần từ 5 năm gần đây và chiến tranh Ukraina không kềm hãm được đà suy giảm.
Ngược lại, năm 2023 cho thấy mũi tên đảo chiều khi Nga phải nhập khẩu đạn dược, tên lửa từ Bắc Triều Tiên, và các sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng dân sự và quân sự từ Trung Quốc, đặc biệt là các loại drone, trang thiết bị bảo hộ, xe tải, xe bọc thép và máy móc công cụ để sử dụng trong công nghiệp quốc phòng.
Tóm lại, nhờ vào châu Á mà các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất của phương Tây trong lịch sử đã không có hiệu quả. Nền kinh tế Nga tuy đã được “ cứu sống ” nhưng lại bị “ kềm chế ” bởi bộ ba Trung - Ấn – Thổ. Chuyên gia Hubert Testard : Âu cũng là cái giá Nga phải trả !
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209