Kim Jong-un đoạn tuyệt với Hàn Quốc : Cú sốc mạnh trên bán đảo Triều Tiên

Kim Jong-un đoạn tuyệt với Hàn Quốc:
Cú sốc mạnh trên bán đảo Triều Tiên
Anh Vũ - RFI
Những ngày đầu năm 2024, chế độ Bắc Triều Tiên liên tục có những hành động cùng những tuyên bố hiếu chiến chưa từng thấy. Lãnh đạo Kim Jong-un thông báo cắt đứt mọi khả năng hòa giải, coi Hàn Quốc là “ kẻ thù số 1 ”, sẵn sàng chiến tranh với miền Nam, vĩnh viễn xóa bỏ giấc mơ thống thất bán đảo Triều Tiên. Những động thái mới của Bình Nhưỡng thực sự gây sốc, không còn được nhìn nhận đơn thuần là sự khiêu khích.
Ảnh do Bình Nhưỡng công bố: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại Quốc Hội ngày 15/01/2024. AP
Bắc Triều Tiên đã xác nhận đoạn tuyệt hoàn toàn với Hàn Quốc. Tại một phiên họp của Quốc Hội Bắc Triều Tiên hôm 15/01/2024, ông Kim Jong-un đã ra lệnh dỡ bỏ các biểu tượng hòa giải liên Triều trong quá khứ, kể cả tuyến đường sắt xuyên biên giới và tượng đài thống nhất ở Bình Nhưỡng mà ông mô tả là “chướng mắt”, đồng thời loại bỏ hoàn toàn các ngôn từ như “ thống nhất ”“ hòa giải ” hay “ đồng bào ” trong lịch sử của nước này.
Kim Jong-un tuyên bố sẽ chấm dứt “ mọi hình thức hợp tác và liên lạc ” với Hàn Quốc. Hơn thế nữa, Bắc Triều Tiên sẽ sớm ghi vào Hiến Pháp Hàn Quốc là “ kẻ thù số 1 ”. Để chuẩn bị cho đối đầu thường trực và sẵn sàng tuyên chiến với người bà con miền Nam, ông Kim Jong-un ra lệnh chế tạo thêm nhiều vũ khí hạt nhân.
Không chỉ tuyên bố suông, Bình Nhưỡng hôm thứ Ba 16/01 đã giải thể nhiều cơ quan chuyên trách vấn đề thống nhất với Hàn Quốc, xóa bỏ mọi trang thông tin điện tử, trong đó có các trang như Uriminzokkiri hay Tongil Voice để tuyên truyền tới độc giả miền Nam. Quyết định được đưa ra sau tuyên bố đầu năm của ông Kim Jong-un khẳng định lập trường hòa hợp hay thống nhất với Hàn Quốc là một “ sai lầm ” và hai nước sẽ không bao giờ có thống nhất. Chiến lược của Bắc Triều Tiên với người bà con láng giềng Hàn Quốc giờ bị đảo lộn hoàn toàn.
Ông Robert L. Carlin, chuyên gia về Triều Tiên thuộc thuộc Đại học Stanford, được nhật báo Pháp La Croix trích dẫn, nhận định : “ Tình hình trên bán đảo Triều Tiên giờ nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ đầu tháng 06/1950 ”, khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Những thay đổi căn bản về lập trường cũng như cách tiếp cận của chế độ Bình Nhưỡng về bán đảo Triều Tiên rõ ràng gây sốc. Nhưng theo một số nhà phân tích, nếu xem xét kỹ hơn ta sẽ thấy đây là đỉnh điểm gần như không thể tránh khỏi sau nhiều năm căng thẳng gia tăng trên bán đảo này.
Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ liên Triều đã sa sút đến mức nào kể từ tháng 02/2019, khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tống thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội thất bại. Từ đó trở đi, thái độ thù địch công khai dấy lên ở Bình Nhưỡng với quyết tâm mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh chóng chưa từng thấy, cùng những đe dọa lặp đi lặp lại về chiến tranh hạt nhân chống Washington và Seoul.
Hãng tin Mỹ AP giải thích, cách tiếp cận mới của Kim Jong-un với miền Nam được đưa ra trong lúc ông cố gắng thoát khỏi thế cô lập về ngoại giao và củng cố vị thế của Bắc Triều Tiên trong khu vực. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang tận dụng căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa Washington với Matxcơva cũng như với Bắc Kinh liên quan đến cuộc chiến tranh do Nga phát động.
Những nỗ lực gần đây của Bắc Triều Tiên nhằm tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc, cũng như tham gia một mặt trận thống nhất chống Washington trong điều mà ông Kim gọi là “Chiến tranh Lạnh mới”, đã được khẳng định trong cuộc gặp với tổng thống Vladimir Putin trên đất Nga hồi tháng 09/2023.
Ankit Panda, một chuyên gia của Tổ chức vì Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng giờ đây với năng lực hạt nhân và tên lửa tiên tiến, cùng với sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, Kim Jong-un cảm thấy đủ tự tin để thực hiện những thay đổi cách tiếp cận này.
“ Bình Nhưỡng không còn coi Seoul là trung gian hữu ích để đạt được những nhượng bộ từ Washington. Thay vào đó, đối thủ của họ hiện bị xem là trở ngại cho những nỗ lực tạo dựng vị thế quyết đoán của Bắc Triều Tiên trong các hồ sơ quốc tế ”, theo nhận định của Hong Min, nhà phân tích tại Viện Quốc gia Thống nhất Hàn Quốc.
Vẫn theo chuyên gia Hong Min, việc tuyên bố miền Nam là kẻ thù thường trực, chứ không phải đối tác tiềm năng để hòa giải, cũng có thể nhằm mục đích đề cao học thuyết leo thang hạt nhân của Kim Jong-un, theo đó quân đội Bắc Tiều Tiên được phép tiến hành đòn tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại kẻ thù, nếu chế độ bị đe dọa.
Không ai có thể đoán định được tương lai của bán đảo Triều Tiên, nhưng dù sao đây cũng là những tuyên bố quyết đoán nhất, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường của Kim Jong-un kể từ khi ông thay cha lên cầm quyền vào năm 2011.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025