Hạm đội TQ suýt bị Không quân VNCH bắn chìm sau Hải chiến Hoàng Sa

Hạm đội TQ suýt bị
Không quân VNCH bắn chìm sau Hải chiến Hoàng Sa
Các tàu hải quân Hoa Kỳ từng đậu ngoài khơi sẵn sàng yểm trợ cho hải quân VNCH, nhưng sự yểm trợ đã bị rút lại trong Hải chiến Hoàng Sa 1974. Trong hình là chiến hạm lớp Iowa, USS New Jersey, nhả pháo 16-inch vào vùng phi quân sự DMZ, 30/9/1968

 
GS Nguyễn Tiến Hưng
Ngày 27/1/1973 là ngày ký kết Hiệp định Paris, theo đó quân lực Mỹ ở Miền Nam VN phải rút khỏi lãnh thổ VNCH nội trong 60 ngày.
Ngày 19/1/1974 Trung Quốc (ngày trước gọi là Trung Cộng – trong bài này chúng tôi dùng cả hai từ) lấn chiếm Hoàng Sa, mục đích là muốn tìm hiểu xem thực sự Mỹ có can thiệp trở lại hay không.
Dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, Hải quân VNCH vẫn chống trả, nhưng luôn luôn với sự cẩn trọng và tự chế. Đó là vì theo kinh nghiêm từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Trung Quốc luôn lấn chiếm hải đảo với cái bẫy là dùng tàu đánh cá và những người dân chài.
Tháng 2/1959, ngư thuyền Trung Quốc cho người lên đảo Hoàng Sa đánh cá. Tổng thống Ngô Đình Diệm phát hiện họ chính là những người lính đội lốt dân chài nên đã ra lệnh trục xuất ngay. Ngoại trưởng Mỹ là John Foster Dulles không e ngại Trung Quốc trả đũa và cũng không ngăn chận TT Diệm.
Tới tháng 1/1974 ngư thuyền Trung Quốc lại quay về Hoàng Sa, nhưng lần này thì có hạm đội đi theo. Từ đó, mô hình dùng tàu đánh cá để lấn chiếm các hải đảo luôn được Trung Quốc áp dụng, dù là ở Scarborough của Phi Luật Tân hay Kinsaku của Nhật Bản.
Khi tàu đánh cá của Trung Cộng chạy về hướng Bắc
Theo chi tiết về Hải chiến Hoàng Sa được nhân chứng là Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải viết lại chi tiết trong cuốn “Can Trường Trong Chiến Bại” thì ngày 16/1/1974 có báo cáo là một số tàu đánh cá đang chạy về hướng Bắc. Khi người nhái của Hải quân Việt Nam lên đảo Duncun và Drummond để kiểm tra thì đụng ngay một toán lính Trung Cộng.
Sáng ngày 17/1/1974, tuần dương hạm HQ 16 báo cáo là có hai tàu đánh cá Trung Cộng không tuân lệnh của chiến hạm Việt Nam để ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Ngoài ra lại có sự xuất hiện của hai tàu chở quân đội của Trung Cộng và nhiều cờ Trung Cộng được cắm trên hải đảo.
Một toán quân nhân của HQ 16 gồm một trung úy và 14 đoàn viên đổ bộ lên đảo bằng xuồng cao su nhổ hết cờ Trung Cộng và thay bằng cờ Việt Nam. Toán này găp nhiều người Trung Hoa nhưng không rõ là ngư phủ hay binh sĩ. Tuy nhiên, toán quân nhân VNCH đã được lệnh là phải tự chế, “không được bắn trước, trừ khi để tự vệ” để khỏi rơi vào cái cạm bẫy là trở nên bên khai hỏa trước giúp Trung Quốc có cái cớ là mình chỉ tự vệ.
Nhận được báo cáo về hành động của Trung Quốc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra tận Đà Nẵng, lấy giấy ra viết tay thẳng cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải.
Cũng vẫn tự chế và đi từng bước, trên đầu trang ông viết: 'Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải':
"Thứ nhất là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh thổ VNCH.
Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này, và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH."
Viết lệnh xong, ông Thiệu cất giọng: "Anh Thoại, đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng thì cho tôi biết ngay từ bây giờ."
Sau này chúng tôi hỏi TT Thiệu tại sao ông không ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu VNCH mà lại phải bay ra Đà Nẵng và viết tay về lệnh này.
Ông giải thích rằng: nếu ra lệnh theo hệ thống quân giai thì sẽ mất thời giờ, và để Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa rồi đặt mình vào cái tình trạng “fait accompli” – “trước sự đã rồi.”
Cũng vì vậy nên chúng tôi đã chứng kiến tại Dinh Độc Lập việc ông ra lệnh tăng cường lực lượng Hải quân VNCH ở Trường Sa sau trận Hoàng Sa – mặc dù Mỹ cố vấn ngược lại – vì ông cho rằng Trung Quốc sẽ thừa thắng xông lên và tiến chiếm Trường Sa, đặt VNCH vào 'sự đã rồi'.
Để chuẩn bị cho khả năng này, tháng 2/1975 Bộ Ngoại giao VNCH còn cho phổ biến rộng rãi một tài liệu WHITE PAPER (Bạch Thư) chứng minh chủ quyền của VNCH trên Hoàng Sa và Trường Sa. Tài liệu này còn được Đại học Michigan lưu lại ở trên mạng.
Dù bị mất Hoàng Sa và chịu nhiều tổn thất và thương vong, Hải quân VNCH đã gây tổn thất lớn cho đối phương: Hộ tống hạm lớp Kronshtadt 274 của Trung Quốc bị bắn chìm. Vì tàu này là soái hạm nên hầu hết bộ tham mưu đều tử trận gồm cả Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh Phó của Hạm đội Nam Hải, bốn đại tá, sáu trung tá, hai thiếu tá, bảy sĩ quan cấp úy và một số đoàn viên.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban đầu đã lệnh cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên Hải "toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH" nếu các chiến hạm Trung Quốc "ngoan cố" không chịu rời đi
Sau hải chiến, Không quân VNCH được lệnh phản công
Buổi chiều ngày 19/1/1974 sau khi hạm đội của VNCH đã ngừng, TT Thiệu liền ra lệnh cho Không quân trực chỉ Hoàng Sa để oanh kích phản công. Nhưng bất chợt, lệnh bị rút lại.
Tại sao như vậy? Ngày nay thì ta đã có chứng cớ và văn bản để trả lời.
Trước hết về lệnh cho Không quân ra khơi để phản công: chúng tôi phối kiểm với Đại tá Nguyễn Quốc Hưng (Phụ tá Tham mưu Phó Hành quân, Bộ Tư lệnh Không quân, phụ trách toàn bộ 19 phi đoàn khu trục của VNCH) thì ông đã xác nhận là đúng.
Phó Đề đốc Thoại cho biết là trước hải chiến thì ở Đà Nẵng cũng đã có phản lực cơ F-5 nhưng chỉ có thể chiến đấu được 15 phút vì không đủ xăng nhớt.
Ông Hưng giải thích: loại khu trục F5-E có khả năng mang theo một thùng xăng thứ hai với 800 gallons, nhưng mỗi chiếc chỉ có thể gắn hai thay vì bốn hỏa tiễn. Mục tiêu của phi vụ lần này là bắn chìm chiến hạm Trung Quốc rồi bay về ngay vì không thể ở lại lâu hơn để nghênh chiến trong trường hợp MIGs của Trung Quốc từ Hải Nam (rất gần) bay tới tấn công.
Ông kể lại nhiều chi tiết, tóm tắt như sau:
“Vào 8 giờ tối ngày 19/1/1974, Tư lệnh Không quân nhận được mật lệnh của Tổng thống phải dùng phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E để oanh kích phản công địch trên đảo Hoàng Sa. Lệnh là phải giữ tối mật, nếu khi bay từ Biên Hòa ra Đà Nẵng để từ đó bay ra Hoàng Sa mà có ai hoặc cố vấn Mỹ hỏi thì cứ nói 'tôi bay ra để tăng cường công tác phòng không'.
Ngày hôm sau, đoàn phi công do tôi chỉ huy đã cất cánh hai lần để ra khơi, một lần vào buổi trưa và một lần buổi chiều, mỗi lần gồm hai phi tuần.
Nhưng vừa bay được khoảng trên một trăm nautical miles thì nhận được đặc lệnh phải quay trở về và hủy bỏ các phi vụ không kích.
Lý do là Đệ Thất Hạm Đội yêu cầu ngừng ngay kế hoạch oanh tạc và nhấn mạnh rằng sẽ không có "top cover" (yểm trợ trong trường hợp bị phi cơ của Trung Quốc từ Hải Nam lên không chiến) và cũng không có "rescue support" (cứu vớt nếu bị bắn rơi).”
Đại tá Hưng rất tiếc rằng đã mất đi cơ hội để bắn chìm hạm đội của Trung Quốc. Đó là vì đã bay đến gần và trông thấy 4 chiến hạm của Trung Quốc phun khói đen. Phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E được trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt nên có thể bắn chìm hạm đội Trung Quốc dễ dàng. Hỏa tiễn này rất chính xác và rất đắt.
Trong số những quân nhân tham gia phi vụ không kích này, còn có những nhân chứng khác ngoài Đại tá Quốc Hưng (hiện ở Salem, Oregon): Thiếu tá Phạm Đình Anh (California), Đàm Tường Vũ (Arizona), Vũ Viết Quý (California), và Hồ Văn Giầu (Las Vegas).
Tại sao lệnh oanh kích đánh chìm chiến hạm Trung Quốc bị rút lại?
Một chuyện thật lạ lùng: tài liệu được giải mật ngày 30/6/2005 tiết lộ rằng vào ngày 18/1/1974 (17/1/1974 giờ Washington), Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã gọi điện thoại cho Đại sứ Martin ở Sàigòn và nhấn mạnh ý muốn của Bộ là "tình hình phải được hạ nhiệt" (cooling the situation).
Dĩ nhiên, ông Martin phải thi hành ngay. Ngày hôm ấy chính là ngày TT Thiệu bay ra Đà Nẵng để ra lệnh đối đầu với Hải quân Trung Quốc.
Khi hải chiến xảy ra, Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ ở ngay gần Hoàng Sa, nhưng không đáp ứng khi Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu vớt các thủy thủ.
Ông Thoại viết lại: “Vì đau đớn cho các thủy thủ đang trôi trên biển với những vết thương mà máu ra sẽ là dấu hiệu cho cá mập tới, và trong sự chán nản tột cùng tôi đã chỉ thị các chiến hạm bị thiệt hại rời chiến trường để đưa các thủy thủ và thương binh lên bờ tại Đà Nẵng."
Không những Ngoại trưởng Kissinger đã yêu cầu Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Đệ Thất Ham Đội rời xa Hoàng Sa, ông lại còn can ngăn TT Thiệu đừng đụng độ với Trung Quốc về mấy hòn đảo này.
Cụm Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi xảy ra trận hải chiến vào năm 1974
Mật điện can ngăn TT Thiệu
Ngày 19 tháng 1, 1974
Người gửi: Ngoại Trưởng – Washington DC
Nơi nhận: Tòa Đại sứ Sàigòn
Mật điện Bộ Ngoại giao 012641
1. Xung đột quân sự tại Hoàng Sa đã đưa đến thương vong cho VNCH với hai chiến hạm bị tên lửa STYX của Trung Quốc bắn chìm. Chính phủ VNCH có yêu cầu Mỹ giúp tìm kiếm và cứu vớt các nạn nhân. Tình hình thêm phức tạp vì có báo cáo là trên đảo Pattle (do VNCH đóng quân) lại có một nhân viên dân sự Mỹ làm việc cho Văn phòng Tùy viên ở Đà Nẵng. Chúng tôi không hiểu tại sao người này lại có mặt ở đó.
2. Bộ Ngoại Giao đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ tránh khỏi khu vực này.
Hai ngày trước đây (17 tháng 1) chúng tôi có bàn luận với Đại sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ ý muốn của chúng tôi là tình hình phải được hạ nhiệt…
3. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao gửi cho báo chí về vụ này sẽ nói theo những điểm như sau:
Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa nhưng hết sức mong muốn là sự tranh chấp được giải quyết trong hòa bình.
Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào xung đột này.
4. Chúng tôi đang yêu cầu Tòa Đại sứ ở Sàigòn cố vấn chính phủ VNCH chỉ nên có những hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân (và người nhân viên Mỹ ở trên đảo) nhưng làm tất cả những gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với lực lượng Trung Quốc. Việc mà VNCH hay chúng ta không cần chút nào trong lúc này là đụng độ giữa Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam về mấy hòn đảo, dẫn tới vai trò bất chấp của Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam.
KHẨN - MẬT
Đã không yểm trợ cứu vớt nạn nhân, đã yêu cầu Hải quân Hoa Kỳ tránh né khỏi khu vực giao tranh, lại còn công bố rõ ràng (để TQ biết rằng "Chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa" và xác định là "Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào vụ xung đột này."
Không đứng về phe nào thì tại sao lại khuyên can chính phủ VNCH "hãy hạ nhiệt", chỉ hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân thôi, nhưng làm bất cứ những gì để tránh đụng độ thêm nữa với lực lượng Trung Quốc về mấy hòn đảo?
Trấn an Trung Quốc sau khi Miền Nam sụp đổ
Ngày 16/1/2024, BBC Tiếng Việt trích dẫn bình luận của Đại tá Carl Schuster (tình báo hải Quân Mỹ) nói đến cuộc gặp gỡ giữa ông Kissinger với Đại sứ Hàn Tự, Quyền Trưởng Văn phòng Liên lạc Trung Quốc. Cuộc nói chuyện diễn ra tại Washington vào ngày 23/1/1974, tức là chỉ bốn ngày sau Hải chiến Hoàng Sa: “Nước Mỹ không ủng hộ Nam Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với những đảo này. Tôi cũng muốn nói rõ điều đó,” Kissinger trấn an Hàn Tự.
Sau đó, ông còn sắp xếp để người kế vị TT Richard Nixon là TT Gerald Ford đi Bắc Kinh năm ngày và gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trước chuyến đi, Kissinger đã cố vấn ông Ford: "Ngài sẽ cố gắng hết sức để tăng cường dây liên lạc với Trung Quốc. Ngài nên cho họ biết rằng Ngài tin vào việc phát triển mối bang giao Mỹ - Trung là quyền lợi căn bản của chúng ta và Ngài sẽ theo đuổi việc này một cách mạnh mẽ trong những năm tới."
Như vậy là từ trận Hoàng Sa, Trung Quốc có thể yên tâm và điều những hạm đội từ Nam Hải tiến thẳng vào Biển Đông qua ngả Hoàng Sa mà không bị Mỹ làm khó khăn.
Lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng chính Kissinger đã đơn phương mở cửa vào Biển Đông cho Trung Quốc từ 50 năm trước. Trong thời điểm tháng 1/1974 khi TT Richard Nixon co cụm trong bối cảnh Watergate thì Kissinger giống như 'quan toàn quyền' của nước Mỹ về ngoại giao.
Ông luôn làm việc trong vòng bí mật, và một mình. Có những sự kiện quan trọng mà Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ cũng không hay biết (như được đề cập trong cuốn sách 'Bức Tử VNCH – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm'- BTVNCH, được xuất bản vào Hè 2024).
Theo góc độ ấy thì trong thực tế, nhiều động thái của Kissinger không phản ảnh lập trường của Hoa Kỳ.
Hậu quả của Hải chiến Hoàng Sa thật là lớn lao, nó đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại Biển Đông. Khi biết chắc chắn rằng Hoa Kỳ đã quay lưng lại Biển Đông, Trung Quốc tự do tung hoành, dẫn đến tình trạng căng thẳng ngày nay.
Từ tung hoành tới lộng hành! Cái kẹt là sau khi lộng hành với các quốc gia sở tại thì Trung Quốc lộng hành với chính nước Mỹ như đang diễn ra ở Biển Đông.
Sự kiên này giải thích tại sao Mỹ đã phải xoay trục về Á Châu và đang cố gắng để thắt cho thật chặt quan hệ ngoại giao và quân sự với các quốc gia trong vùng, nhất là đối với Việt Nam.
Việt Nam nên cân nhắc như thế nào?
BBC Tiếng Việt ngày 18/1/2024 có bài bình luận về “50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Ukraine và Đài Loan là bài học cho Việt Nam'” trích dẫn Tiến sĩ William C. Chung, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển (Institute for Security and Development Policy), Phó Giáo sư Đại học Quốc phòng Đài Loan, nói về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và đưa ra nhận định của ông trong việc Việt Nam nên chọn cách thức giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trong tình hình địa chính trị xoay chuyển như hiện nay.
Thật đúng là nếu không có Mỹ thì Ukraine đã không thể đối đầu với cuộc tấn công của TT Vladimir Putin cho đến ngày nay. Nếu không có Mỹ thì Đài Loan đã là một tỉnh lỵ của Trung Quốc theo tinh thần của Shanghai Communiqué (Thông Cáo Thượng Hải) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày 27/2/1972.
Tất cả cũng chỉ vì quyền lợi. Mỹ giúp Ukraine vì quốc gia này là lá chắn cho NATO. Mỹ bảo vệ Đài Loan vì đây là lá chắn của Mỹ ở Đông Hải để bảo vệ Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất ở Á Châu.
Lịch sử đã chứng minh rằng Mỹ nhảy vào hay tháo chạy khỏi Miền Nam Việt Nam thì cũng chỉ là trên căn bản quyền lợi. Mỹ đã phản bội VNCH trong Hải chiến Hoàng Sa chính vì “quan toàn quyền Kissinger” cho rằng quyền lợi của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải VNCH.
Ông đã từng biện luận cho việc mở cửa Bắc Kinh để đưa Trung Quốc thành bạn đồng phường: “Chúng ta cần Trung Quốc để tăng cường tính linh hoạt trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ... Sáng kiến này thu nhỏ Đông Dương lại, để nó quay về đúng cái quy mô của nó – quy mô của một bán đảo nhỏ bé trên một lục địa to lớn” (như được đề câp trong cuốn sách BTVNCH).
Tiến sĩ William C. Chung trong bài đề cập trên đây đã kết luận: “Từ bài học Đài Loan và Ukraine, Việt Nam nên tham gia vào một hợp tác an ninh song phương để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.”
Hiện nay Việt Nam có một cơ hội rất tốt, đó là trên căn bản quyền lợi, Mỹ đang rất cần Việt Nam.
Chúng tôi thấy rằng: dưới thời của 15 Tổng Thống Hoa Kỳ kể từ Franklin D. Roosevelt muốn giúp cho Việt Nam được độc lập năm 1945 cho tới Joe Biden nâng quan hệ Việt-Mỹ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện năm 2023 – trừ Richard Nixon và Gerald Ford với sự kiện Henry Kissinger – các nhà chiến lược quân sự Mỹ ở Ngũ Giác Đài luôn đánh giá Việt Nam là địa điểm chiến lược quan trọng tại vùng Đông Nam Á Châu, là lá chắn Trung Quốc ở phía Nam.
Ngày 16/1/2024, BBC News Tiếng Việt trích dẫn bài của giáo sư Toshi Yoshihara từ Đại học Georgetown và nghiên cứu của ông về Hải chiến Hoàng Sa 1974 đã nhấn mạnh đến “vai trò của bên thứ ba” rằng các tài liệu gần đây của TQ cho thấy những người ra quyết định ở Bắc Kinh đã cân nhắc cẩn thận nguy cơ Mỹ can thiệp ở quần đảo Hoàng Sa bởi họ đã nghiền ngẫm từng động thái của Mỹ, giáo sư Toshi viết trong nghiên cứu và đưa ra “Bài học ở đây là đánh giá của Bắc Kinh về can thiệp của bên thứ ba, đặc biệt là Mỹ, sẽ có ảnh hưởng lớn đến tính toán của họ trong các quyết định về việc sử dụng vũ lực.”
Theo kinh nghiệm Hoàng Sa, liệu Việt Nam có nên uyển chuyển hơn về chính sách ngoại giao bốn không để đi bước trước (preemtive move), thí dụ như tìm mọi cách để tăng cường sự răn đe ngay trong giai đoạn Trung Quốc còn đang tính toán về 'sự can thiệp của bên thứ ba' trước khi quyết định tiến chiếm Trường Sa Lớn? Nếu đợi tới lúc Bắc Kinh đã đi tới quyết định (vì thấy rằng Mỹ không có những ràng buộc quân sự song phương với Việt Nam) và bất chợt dùng vũ lực áp đảo để tấn công thì VN có thể sẽ bị đặt vào tình trạng của 'sự đã rồi'.
Khi ấy, dù các quốc gia có đối tác chiến lược hay đối tác chiến lược toàn diện với VN phản đối gắt gao hay có động thái mạnh nào khác thì Trung Quốc cũng chỉ chứng minh với “tài liệu lịch sử 2000 năm” là Trường Sa Lớn thuộc về Trung Quốc. Hoặc cùng lắm thì cũng chỉ đề nghị “điều đình” một giải pháp hòa bình để xoa dịu chứ không rút quân ra khỏi Trường Sa Lớn.
Thế là xong. Chấm hết. Vài tháng sau thì dư luận quốc tế sẽ chuyển sang những biến cố quan trọng khác.
GS Nguyễn Tiến Hưng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025