Diễn Đàn Trái Chiều - BÀI 295: Đảng Dân Chủ Chơi Vói Lửa

Diễn Đàn Trái Chiều
Chủ Trương Vũ Linh

BÀI 295: Đảng Dân Chủ Chơi Vói Lửa


Tin chấn động tuần qua: cựu TT Donald Trump bị công tố quận Fulton, tiểu bang Georgia truy tố 41 tội liên quan đến cú điện thoại TT Trump gọi cho ông Brad Raffensperger, bộ trưởng Nội Vụ tiểu bang Georgia, yêu cầu ông này 'tìm cho ra thêm hơn 11.000 phiếu' để mang lại chiến thắng cho ông Trump tại Georgia trong cuộc bầu TT năm 2020.

Đây có thể là cuộc truy tố quy mô nhất chống ông Trump.

Dựa trên một cú điện thoại nêu trên của ông Trump, bà công tố Fani Willis năm 2021 đã mở cuộc điều tra, kéo dài hơn hai năm. Với kết quả là ông Trump bị truy tố tới 41 tội, cùng 18 người khác phần lớn là phụ tá và luật sư của ông, nhưng cũng có một số quan chức CH địa phương thuộc tiểu bang Georgia. Cộng với 78 tội ông Trump đã bị công tố Bragg và công tố Smith truy tố, bây giờ tổng cộng là 119 tội. Chạy đàng trời! Bà Willis ra hạn ông Trump phải trình diện trước tòa trước ngày 25/8/2023.

Bà Willis cũng đã đề nghị phiên tòa đầu tiên vào ngày thứ hai 4/3/2024. Việc chọn ngày này đã lộ rõ mưu đồ chính trị tranh cử thô bạo và công khai của bà Willis: ngày đó là đúng một ngày trước ngày gọi là Super Tuesday, là ngày sẽ có tới 15 tiểu bang có bầu sơ bộ, tức là ngày quyết định sống chết của các ứng cử viên TT, trong đó dĩ nhiên có ông Trump.

Tháng Ba đó cũng là tháng công tố Bragg sẽ đưa ông Trump ra tòa tại New York về vụ ông Trump 'ăn bánh trả tiền'. Chưa biết hai công tố sẽ dàn xếp với nhau ra sao. Tháng Năm ngay sau đó, tới phiên công tố Smith truy tố ông Trump ra tòa. Tất cả đều là đề nghị sơ khởi, chưa biết có thực hiện được không vì luật sư của ông Trump sẽ cố trì hoãn. CNN cho rằng bà Willis ngủ mơ khi nghĩ có thể bắt đầu phiên tòa tháng Ba tới.


Toàn bộ câu chuyện truy tố của bà Willis, xin nhắc lại, ngày 2/2/2021, trong một cuộc điện đàm kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, TT Trump yêu cầu ông CH Raffensperger, bộ trưởng Nội Vụ tiểu bang Georgia (Secretary of State, là người chịu trách nhiệm chuyện nội bộ tiểu bang trong đó có việc tổ chức và kiểm soát các cuộc bầu cử trong tiểu bang; không phải 'bộ trưởng Ngoại Giao' giống trong nội các liên bang như vài con vẹt tị nạn dịch theo Gú Gồ), coi lại việc kiểm phiếu, áp lực ông này tìm cho ra đâu gần 12.000 phiếu để bảo đảm ông Trump thắng. Nguyên văn câu nói của ông Trump: "What I want to do is this. I just want to find, uh, 11,780 votes, which is one more than [the 11,779 vote margin of defeat] we have, because we won the state".

Đây là cuộc điện đàm chung, có ít nhất nửa tá phụ tá cao cấp của TT Trump và ông Raffensperger tham gia. Sau khi ông Raffensperger từ chối yêu cầu của TT Trump, xác nhận cuộc bầu cử không có gian lận gì, thì TT Trump công khai công kích ông Raffensperger. Ông này tức giận, công khai hóa trọn vẹn cuộc nói chuyện được thu băng cho báo chí. Phe DC chộp lấy, dùng cuốn băng này làm một trong những bằng chứng ông Trump muốn khuynh đảo kết quả bầu cử, liệt vào một trong những tội để đàn hặc ông Trump lần thứ hai, tháng 2/2021, nhưng thất bại trước thượng viện.

Bà Fani Willis nhẩy vào, dùng cú điện thoại này như bằng chứng ông Trump can dự, muốn thay đổi kết quả bầu TT tại Georgia, mở cuộc điều tra cuối tháng Giêng 2021.

Sau hơn hai năm điều tra, bà Willis tuần rồi đã chính thức ra cáo trạng, dầy 97 trang, truy tố ông Trump và đám phụ tá tới 41 tội, tội nào cũng có thể bị đi tù mút chỉ. Tội lớn nhất là vi phạm luật RICO (Racketeer Influences and Corrupt Organizations Act, là luật chính thường dùng để bắt các tổ chức băng đảng mafia hay cocaine cowboys chuyên buôn lậu ma tuý). Ngoài ra còn bốn chục tội khác, đại khái là khai gian, nộp tài liệu giả, áp lực viên chức phản bội lời thề, thông đồng tạo tài liệu giả, ... kẻ này không phải luật gia, nên không hiểu rõ các tội, chỉ thấy có chừng hai ba tội, được lập đi lập lại, thành tới 41 tội. Đại khái, bà Willis tố ông Trump thua bầu cử nhưng không chịu chấp nhận, tìm đủ cách bất hợp pháp cũng như thông đồng với các phụ tá để bác bỏ kết quả bầu cử.

Trang đầu của cáo trạng
(Chỉ một tội 'False Statements And Writings' đã được lập lại tới 3 lần trong một trang đầu)

Cùng bị truy tố với ông Trump là 18 người khác, trong đó có ông Mark Meadows khi đó là chánh văn phòng TT Trump, các luật sư Rudolph Giuliani, John Eastman, Sidney Powell, Jenna Ellis, Jeff Clark,... và một số quan chức tiểu bang Georgia.

Điểm quan trọng nhất trong vụ bà Willis truy tố ông Trump là tội Mỹ gọi là 'racketeering'. Theo định nghĩa chính thức, 'racketeering' là tội đại khái 'qua một tổ chức tội ác, sử dụng những phương tiện bất lương và gian trá để trục lợi, hay núp dưới một cơ sở kinh doanh để thi hành những hoạt động bất hợp pháp' ("When racketeering occurs, there is an organized crime happening that uses dishonest and fraudulent methods to earn profit or uses a business in order to conduct illegal activities", theo định nghĩa của Investopedia). Đây là luật thường được dùng để đi vồ những tổ chức mafia gốc Ý năm xưa, hay ma tuý Nam Mỹ lúc sau này, mà việc áp dụng vào trường hợp ông Trump đã khiến nhiều chuyên gia luật gãi đầu gãi tai, không hiểu.

Nôm na ra, công tố Fani Willis coi 1) chức vị TT và nội các như một tổ chức tội ác, 2) Trump và các phụ tá như một nhúm băng đảng mafia, chứ không phải là quốc trưởng được dân cả nước bầu trong danh chính ngôn thuận, và nội các hợp Hiến được thượng viện phê chuẩn. Nghĩa là bà Willis phủ nhận hoàn toàn kết quả bầu TT năm 2016, và cũng phủ nhận luôn giá trị của việc phê chuẩn nội các của thượng viện liên bang. Ông Trump bác bỏ kết quả bầu cử 2020 thì bị tội hình sự, bà Willis không thừa nhận kết quả bầu cử năm 2016 thì là lý do để kết tội ông Trump và 'tổ chức tội ác' của ông này.

Báo mạng Tipp Insights nhận định nếu nói chuyện băng đảng thông đồng, thì phải nói chính phe Biden đã thông đồng với Nhà Nước Ngầm để ngáng chân ông Trump.


Các công tố DC luôn biểu diễn tài sáng tạo: dựa vào một cú điện thoại của ông Trump mà sáng chế ra được tới 41 tội. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn là những tội được lập đi lập lại, chẳng hiểu vì lý do pháp lý nào.

PHẢN ỨNG

Ông Trump phản ứng ngay tức khắc, dĩ nhiên cho đây chỉ là một trận chiến khác trong cuộc chiến truy diệt một đối thủ tranh cử TT, để mưu chiếm phần thắng.

Ứng cử viên TT, dân biểu da đen Will Hurd, dù là phe CH, đã mau mắn đổ dầu vào lửa, công kích ông Trump và nhấn mạnh đây lại là món quà tặng Biden, bảo đảm Biden sẽ thắng trong cuộc bầu cử TT tới. Một ứng cử viên khác, ông Asa Hutchinson, mau mắn kêu gọi ông Trump rút lui khỏi cuộc tranh cử TT ngay.

Một ứng cử viên TT của CH khác, ông Tim Scott, cho rằng đây vẫn chỉ là một bằng chứng nữa của việc chính trị hóa guồng máy tư pháp của Nhà Nước, là chuyện phản lại mọi giá trị nền tảng của Mỹ -"unamerican"- và không thể chấp nhận được.

    Nói chung, việc Trump bị liên tục truy tố khiến các đồng chí CH đang tranh cử cùng ông cảm thấy rất bực mình. Không phải vì thấy ông Trump bị đánh, mà vì thứ nhất, các truy tố này khiến cả nước bị hớp hồn bởi ông Trump, đưa tên tuổi ông Trump nổi hơn cồn, che mờ tất cả các đồng chí CH đang tranh cử TT, và thứ nhì, các truy tố này bắt buộc các đối thủ CH cạnh tranh với ông Trump phải đứng về phe ông Trump, thậm chí lên tiếng bênh vực hay bào chữa cho ông đối thủ.

    Ngoài ra, cấp lãnh đạo đảng CH nói chung đều lên án chính quyền Biden đã vũ khí hóa ngành tư pháp, biến thành công cụ đấm đá chính trị nhằm loại bỏ đối thủ tranh cử TT của cụ Biden.

    Cấp lãnh đạo đảng DC, từ Biden tới các nghị sĩ và dân biểu tên tuổi, đã nín khe không lên tiếng để tránh mang tiếng là khai thác chính trị, nhưng lại để cho các nghị sĩ và dân biểu hạng ruồi của cánh cực tả trong đảng DC như các bà Cori Bush, Maxine Waters,... ồn ào lên tiếng công kích Trump. Bà Hillary khi được hỏi về vụ truy tố này, đã bật cười lớn, rất mừng rỡ nói "Tôi không thể tin được", nhưng rồi ngay sau đó, đã đổi giọng, nhận định đây là chuyện đáng buồn khi một cựu TT lại bị truy tố những tội trầm trọng này.

    Giáo sư luật Jonathan Turley nhận định cáo trạng này cực kỳ nguy hiểm vì đạt ra nhiều tiền lệ chưa từng thấy, đại cương là bất cứ tuyên bố nào nghi ngờ kết quả bầu cử đều là phạm tội hình sự, trong khi trong suốt lịch sử Mỹ, không chấp nhận kết quả bầu cử là chuyện hệt sức thường tình đã xẩy ra hầu hết trong tất cả các cuộc bầu cử mà chưa ai bị truy tố tội gì hết. Mới đây nhất, ông Al Gore và bà Hillary đểu không nhìn nhận mình đã thua. Trong cuộc bầu TT chính thức của cử tri đoàn năm 2016, bà Hillary đã kêu gọi không nhìn nhận phiếu của một số cử tri đoàn của các tiểu bang ông Trump đã thắng.  

    Một giáo sư luật khác, ông Alan Dershowitz nhận định phe DC đang dốc toàn lực tìm cách truy tố, kết tội và bắt nhốt ông Trump càng sớm càng tốt, trước cuộc bầu cử, để ông Trump không thể đắc cử được nữa. Nghĩa là tất cả chỉ là những nỗ lực cản một đối thủ tranh cử chống mình thôi. Khiến kẻ này thắc mắc: nếu những nỗ lực bác bỏ kết quả bầu cử là những tội hình sự nặng, thì việc dùng guồng máy công an Nhà Nước chặn việc tranh cử của một đối thủ chính trị có phải cũng không khác gì, cũng là một tội hình sự nặng không?

    Bình luận gia Katie Pavlich trên đài Fox cho rằng phe DC đang cố tình trói chặt ông Trump trong đủ thứ rắc rối pháp lý, bất cần biết kết quả, chỉ vì muốn ông Trump không có thời giờ đi vận động, cũng như tên tuổi, uy tín của ông bị lôi xuống bùn, sẽ giúp cụ Biden.

    Đám vẹt tị nạn thì khỏi nói. Trong tuần rồi, kẻ này đã nhận được không biết bao nhiêu emails của đám vẹt này, hớn hở khai thác, phóng đại vụ truy tố này lên trời, trong khi với những lem nhem của cha con Biden thì lại im re, không dám mở miệng.

NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ
  • Tin quái lạ
    Trang mạng của tòa án quận Fulton, tiểu bang Georgia, là nơi ông Trump bị truy tố, một ngày trước khi cáo trạng chống Trump được công bố, bất thình lình công bố nguyên văn cáo trạng chống ông Trump, trong đó ông bị truy tố tới 41 trọng tội, mặc dù khi đó, đại bồi thẩm đoàn chưa họp, tức là chưa có biểu quyết truy tố ông Trump. Và dĩ nhiên, ngay sau đó, cáo trạng được thu hồi lại, không công bố trên trang mạng nữa. 

    Trong câu chuyện lùm xùm này, sự thật đã vô tình bị lộ ra cho cả nước thấy: cáo trạng chống Trump đã được chuẩn bị sẵn, trước khi bồi thẩm đoàn họp và quyết định, nghĩa là cuộc họp của bồi thẩm đoàn hoàn toàn vô nghĩa, chỉ là trò mần tuồng cho có lệ, sau khi mọi chuyện đã được công tố quyết định xong xuôi hết rồi. Lại một trò truy tố cuội nữa. Dân Mỹ, kể cả các cử tri độc lập và cử tri đảng DC đã trở thành chai đá với những trò chụp tội vô tội vạ của các công tố, đến độ chẳng còn mấy ai tin Trump đã thực sự phạm tội gì.

    Ứng cử viên TT Vivek Ramaswamy đã mau chóng tố cáo công tố quận Fulton đã vi phạm dân quyền của ông Trump khi công bố cáo trạng mặc dù đại bồi thẩm đoàn chưa họp và chưa có quyết định.


    Khi tin mới bị xì ra, bà công tố Willis nói láo ngay, cho rằng bản tin đó là 'fake', là trò 'tưởng tượng', nhưng sau đó, khi bản cáo trạng chính được công bố, thấy giống hệt, thì một bà thư ký quèn bị làm con thiêu thân, ra nhận tội đã lỡ tay bấm lộn nút trên computer khiến cáo trạng bị gửi đi cho nhà báo quá sớm.

      Trong giới báo chí, chẳng một ai tin lời giải thích này. Nhiều người nghi bà Willis cố tình xì tin này ra để áp lực tòa phải cho phép bà tung ra cáo tráng truy tố ông Trump sớm.

  • Xin đổi tòa
    Có tin hành lang chưa được xác nhận là ông Trump sẽ xin đổi tòa, từ tòa địa phương thuộc quận Fulton, qua tòa liên bang mà trụ sở ở ngoài quận Fulton. Vì nhiều lý do: thứ nhất bà công tố Willis là người đã từng công khai tuyên bố sẽ truy lùng Trump; thứ nhì, quận Fulton là thành đồng vững chắc nhất của đảng DC trong tiểu bang Georgia, trong cuộc bầu cử TT năm 2020, Biden đã nhận được 73% phiếu nhờ khối dân da đen lên tới hơn 42% dân số của quận, ào ào đi bầu rất đông cho Biden. Việc tìm một bồi thẩm đoàn công bằng, không chống Trump trong vùng này không dễ chút nào.

    Mỹ có luật gọi là 'Removal Statute'. cho phép một viên chức liên bang bị thưa kiện tại một tòa tiểu bang, có quyền xin chuyển vụ kiện qua tòa liên bang nếu tội bị truy tố là tội xẩy ra trong khi đang thi hành nhiệm vụ công chức liên bang. Đây chính là trường hợp TT Trump khi bị truy tố về những tội ông vi phạm trong tư cách TT liên bang, và cũng là tội của các phụ tá cũng đang làm việc với tư cách phụ tá cho TT liên bang. Họ đều là công chức của liên bang nên phải được xử tại một tòa liên bang.

    Việc chuyển tòa có hậu quả quan trọng là sẽ có thể có quan tòa và bồi thẩm đoàn ít thù nghịch hơn, với luật liên bang cho phép TT có nhiều quyền hạn hơn, và đặc biệt là nếu phạm tội liên bang, có thể được TT liên bang dễ dàng ân xá.
  • Bà công tố là con gái khủng bố chống dân da trắng
    Sau khi bị bà công tố Fani Willis truy tố, ông Trump đã cho công bố lại một bài viết của tạp chí TIME về bà Willis đăng năm 2021. Theo TIME, bà này xuất thân từ một gia đình đầy hận thù (nguyên văn của TIME: "steeped in hate"). Vẫn theo TIME, bà là con gái của một luật sư, thành viên của tổ chức Black Panther, là một tổ chức da đen, chủ trương dùng võ lực chống dân da trắng, bị liệt kê vào thành phần 'tổ chức khủng bố'.
  • Trùng hợp?
        Không biết có phải trùng hợp hay không, các công tố tiểu bang đang truy rượt ông Trump, từ công tố Alvin Bragg của Quận Manhattan, tới bà bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang New York, Letitia James (truy tố Trump tội trốn thuế tiểu bang), tới bà Fani Willis của Quận Fulton, tất cả đều da đen hết. 


Từ trái qua: ông Bragg, bà James, bà Willis
  • Bà công tố có thể bị đàn hặc
    Một nghị sĩ tiểu bang Georgia, ông Colton Moore đã yêu cầu thống đốc triệu tập phiên họp khẩn của quốc hội tiểu bang để cứu xét việc hoặc là cắt ngân sách của văn phòng công tố quận Fulton, hoặc là đàn hặc bà công tố Willis về tội vũ khí hóa tòa Georgia, biến ngành tư pháp tiểu bang thành công cụ chính trị của TT Liên bang đánh đối lập. Ông Colton khẳng định có thể có được 3/5 phiếu của cả hai viện để đàn hặc và cách chức bà Fani Willis, là điều thống đốc Georgia cho rằng 'hy vọng hão'.  
  • Nhà tù quận Fulton
    Nếu quận Fulton nhất quyết bắt nhốt ông Trump ngay khi ông phải ra trình diện trước quan tòa, thì ông sẽ bị giam trong một trong những nhà tù kinh hồn nhất Mỹ. Nhà tù quận Fulton đang bị chính quyền liên bang điều tra vì đối xử với phạm nhân một cách vô nhân đạo nhất, nhà tù bị liệt vào tình trạng bê bối, thiếu bảo trì, thiếu vệ sinh nhất. Tháng 9/2022, một tù nhân đã bị chết tại đây và FBI đang điều tra nguyên do cái chết này, mặc dù sau cái chết, quận Fulton đã điều đình, bồi thường cho gia đình phạm nhân chết đâu 5,3 triệu đô.


Một phòng trong nhà tù Fulton

NHẬN ĐỊNH RIÊNG

    Trước hết, phải nói ngay, kẻ này không phải luật gia, không học luật Việt hay luật Mỹ tới nửa phút, nên mù tịt về chuyện thưa kiện, tuy nhiên có vài ý nghĩ thô thiển, mong các chuyên gia luật trong cộng đồng tị nạn chỉ giáo. Các cụ vẹt già xin miễn, không biết thì không nên giải thích bừa theo phe phái.
    
    Thứ nhất, TT Trump nói chuyện với bộ trưởng tiểu bang, cứ cho rằng TT Trump đã áp lực ông bộ trưởng này tìm phiếu cho ông trên khắp tiểu bang, tại sao tiểu bang không kiện hay truy tố mà chỉ có một công tố quận điều tra rồi truy tố được? Trên cả tiểu bang có không biết mấy chục công tố quận -district attorneys-, bất cứ công tố nào ở đâu cũng mở cuộc điều tra và truy tố được sao?

    Thứ nhì, một ứng cử viên CH cuồng chống Trump, ông Chris Christie cho biết ông không cảm thấy ổn -"uncomfortable"- khi thấy vụ truy tố này, nhất là vụ truy tố trùng hợp quá nhiều với vụ truy tố của công tố liên bang Smith. Theo ông Christie, vụ truy tố của bà Willis có vẻ như bị thúc đẩy bởi cái tôi hơi lớn của bà này, muốn nổi đình nổi đám, nhưng căn bản pháp lý yếu. Vẫn theo ông Christie, ông Trump đã phản đối kết quả bầu cử tại đây, đã yêu cầu đếm phiếu lại ba lần, đều được các tòa Georgia cho phép, hoàn toàn hợp pháp và trong quyền Hiến định của ông ta, như vậy bà Willis truy tố ông tội gì?

    Kẻ này không ưa ông Christie vì ông này có tính phản phúc. Theo ủng hộ Trump triệt để, rồi sau khi hụt, không vớt được cái job phó TT của Trump thì quay qua đánh Trump thô bạo nhất. Dù vậy, cũng phải nhìn nhận ở đây, ông Christie có lý khi đặt câu hỏi "Truy tố ông Trump tội gì?". Năm xưa ông phó TT Al Gore cũng không chấp nhận kết quả bầu cử TT, kiện tứ tung, gởi nguyên một 'phái đoàn' cả trăm luật sư đổ bộ xuống tiểu bang Florida, làm áp lực từ các quan chức địa phương tới Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Florida, ép phải đếm phiếu đi đếm phiếu lại trong cả tháng trời, tuyên bố nhất định đã thắng và hệ thống bầu cử, tổ chức bầu cử, máy kiểm phiếu, tất cả đều có vấn đề,... , hiển nhiên theo tiêu chuẩn của bà quan tòa Willis thì đó là 'organized crime', là 'racketeering', là dùng 'false statements',... tại sao với ông Gore không bị truy tố gì, nhưng tới ông Trump thì trở thành... 41 trọng tội hình sự?

    Giáo sư Alan Dershowitz khi đó là luật sư cố vấn cho PTT Al Gore, bây giờ, ông đã nhìn nhận khi đó, ê-kíp luật gia của ông Gore trong đó có ông Dershowitz, đã làm tất cả những gì ông Trump đã làm tại Georgia, sao khi đó không bị tội gì? Đây là nguyên văn câu nói của ông Dershowitz: 

"We challenged the election, and we did much of the things that are being done today and people praised us. I wrote a bestselling book called ‘Supreme Injustice'. Now they’re making it a crime. ... You cannot start making crimes out of things that the Democrats did ... These are political actions that the Constitution prefers us to take rather than going out on the streets and rioting. We’re supposed to go to court. We’re supposed to go to Congress. You can’t make those things crimes. And you can’t expand the RICO statute to now include political objections".

[Tạm dịch: Chúng tôi chất vấn cuộc bầu cử và chúng tôi làm hầu hết những việc Trump đang làm, và thiên hạ ca tụng chúng tôi. Tôi viết một cuốn sách bán chạy tên là 'Bất Công Tối Cao' (ghi chú của VL: tựa đề cuốn sách là cách chơi chữ để công kích Tối Cao Pháp Viện liên bang khi đó đã ra phán quyết ngưng đếm phiếu, mang lại chiến thắng cho ông Bush con) Anh không thể bắt đầu truy tố thành tội những việc mà đảng DC đã làm ... Đó là những hành động chính trị mà Hiến Pháp  muốn chúng tôi làm thay vì xuống đường bạo động. Chúng ta phải ra trước tòa. Chúng ta phải ra trước quốc hội. Những việc làm đó không thể bị coi là phạm pháp. Và không ai có thể mang luật RICO chụp lên đầu các bất đồng chính trị"]

   Vẫn theo ông Dershowitz, đọc kỹ bản cáo trạng sẽ thấy những chuyện bình thường như mở TV, đặt phòng họp, hỏi số phone của người khác,... tất cả đều đã biến thành những tội thông đồng gian trá thuộc phạm vị hình sự. Ông Dershowitz kết luận ông lo ngại những gì đảng DC đang làm chống ông Trump, một ngày nào đó, sẽ được đảng CH đáp trả, cả lãi lẫn vốn. Kẻ này xin báo cho ông Dershowitz biết: các chính trị gia không có một người nào nhìn xa hơn đầu mũi của mình, ông lo chi quá xa vậy?

    Ông Dershowitz là cựu giáo sư luật của Đại Học Harvard, thuộc đảng DC, đã nhìn nhận hai lần bỏ phiếu chống Trump, một lần cho bà Hillary, một lần cho Biden.


    Phần lớn các tội mà công tố Willis chụp lên đầu ông Trump liên quan đến việc ông không nhìn nhận kết quả bầu cử tại Georgia, phản đối và tìm cách bác bỏ kết quả đó. Trên thực tế, ông Trump không chấp nhận kết quả bầu cử tại cả nửa tá tiểu bang, trong đó ngoài Georgia, còn có Arizona, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Minnesota,...tại sao chỉ có Georgia là kiện, còn các tiểu bang khác thì không? Tại sao cả chục công tố quận các tiểu bang khác không thấy có gì để kiện? Nên nhớ, xứ Mỹ này có cả ngàn công tố cỡ bà Willis, công tố nào cũng quyền truy tố và bắt nhốt  TT liên bang sao? Việc Georgia truy tố Trump có thể mở màn cho một chuỗi truy tố của các tiểu bang khác không? Tới đâu thì mới hết?

   Thứ ba, các tội bà Willis chụp lên đầu ông Trump và các 'tòng phạm' như ông Rudolph Giuliani, bà Sidney Powell, ... đều là những tội công tố liên bang Jack Smith đã truy tố. Luật Mỹ có nguyên tắc gọi là 'Double Jeopardy' không cho phép một can phạm bị truy tố một tội tới hai ba lần. Như vậy việc truy tố của bà Willis có vi phạm luật Double Jeopardy không? Trong vụ truy tố của công tố liên bang Jack Smith, ông Trump bị truy tố cùng với 6 phụ tá và luật sư. Bây giờ, tất cả 7 người này cũng lại bị truy tố nữa, cũng vẫn một tội. Có hợp pháp không?

    Bà bình loạn gia cấp tiến của Washington Post, Ruth Marcus nhận định, e ngại việc truy tố Trump của bà Willis đã đi quá xa, thừa thãi -"one case too many, might be too much"-. Trong khi luật gia Byron York của báo Washington Examiner cho rằng bà Willis quả là đánh quá đáng, và những kết án của bà có thể bị các luật sư của các bị can phá bỏ dễ dàng.


    Hiển nhiên, việc không chối cãi được là vụ truy tố này nằm trong kế hoạch quy mô nhằm chặn cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Khi vụ truy tố này chưa xẩy ra, thì trong 10 người Mỹ thì đã có 6 người (59%) cho rằng những truy tố của các công tố Alvin Bragg và Jack Smith chỉ là những đòn chính trị nhằm đánh một đối thủ chính trị. Bây giờ, vụ truy tố của bà Willis chỉ củng cố thêm mối nghi ngờ này. Câu hỏi đặt ra là dân Mỹ sẽ chấp nhận những trận đánh này tới bao giờ? Tới đâu thì dân Mỹ coi như 'enough is enough', không thể tiếp tục ngồi yên nhìn phe DC múa võ Sơn Đông, biến đại cường Cờ Hoa thành cộng hòa chuối chiên Cờ Hoa? Tới khi nào thì dân Mỹ cảm thấy ê mặt với thế giới qua những đòn chính trị nhơ nhớp, thô bạo nhất? Ta không nên quên khối cử tri của ông Trump là khối cử tri tuyệt đối trung kiên và rất hăng say. Họ sẽ chấp nhận ngồi nhìn thần tượng của họ bị đánh tới khi nào. Khi nào thì dân Mỹ thấy việc biến guồng máy tư pháp thành guồng máy công an Nhà Nước kiểu CS để thanh toán đối lập chính trị đã trở thành quá thô bạo, hoàn toàn đi ngược lại tất cả những gì dân Mỹ đã quen với thể chế dân chủ, không thể chấp nhận được nữa?

    Dân biểu CH Matt Maddock của tiểu bang Michigan, công khai nói chuyện trước quần chúng, nếu phe DC tiếp tục truy rượt những người bảo thủ một cách quá đáng như hiện nay, đến một lúc nào đó, sẽ có người bị bắn và có thể nội chiến sẽ xẩy ra lại. 

https://themessenger.com/politics/michigan-republicans-fake-electors-civil-war-dana-nessel-matt-maddock

    Chuyện nổi loạn bạo động hay nội chiến như dân biểu Maddock nói tới, kẻ này không cổ võ vì thật tình nghĩ là sai, không nên làm, nhưng chẳng biết thực hư như thế nào, chỉ biết trong thời gian qua, cứ mỗi lần ông Trump bị đòn, là y như rằng, hậu thuẫn của ông lại tăng. Chưa kể việc ông Trump thất cử năm 2020 đã đẩy cả trăm ngàn người xuống đường bao vây quốc hội, bây giờ, nếu ông Trump thực sự bị bắt ngồi tù, thì phản ứng của hơn 70 triệu người đã bỏ phiếu cho ông Trump sẽ như thế nào? Như vậy đảng DC có tính toán gì? Muốn thử lửa xem họ có thể đi xa tới đâu? Hay đảng DC cho rằng việc bắt tù ông Trump quan trọng hơn cả rủi ro nội chiến?

    Dân Mỹ không mù, chỉ có đảng DC và chính quyền Biden mù quáng vì tham vọng chính trị quá lộ liễu, sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn chính trị bẩn thỉu nhất, với sự nhắm mắt đồng lõa của truyền thông loa phường Mỹ. Cái đáng lo là chính quyền đó lại đang nắm quyền cũng như nắm mọi phương tiện giữ và hành xử quyền, kể cả những mánh gian lận bầu cử. Tương lai nước Mỹ đen tối hơn đêm ba mươi. Thành tích đi vào lịch sử của Biden sẽ là việc cụ đã thành công triệt tiêu mọi uy tín còn lại của ngành tư pháp Mỹ đang chạy đua với tư pháp CS và các nước chuối chiên xem ai đoạt chức công cụ đàn áp đối lập chính trị hữu hiệu nhất.

DĐTC Vũ Linh

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025