Ngày Về

Ngày Về
Hình tác giả: Hải Quân Thiếu Tá Tôn Thất Phú Sĩ

Tôn Thất Phú Sĩ
Cầm tờ giấy ra trại mà tưởng mình đang mơ. Chúng tôi một toán 13 người ngồi quanh trong một cái láng (phòng) lợp tranh nhỏ cạnh bìa rừng. Tên công an quản giáo đang lên lớp:
- Nhân Dân xét thấy trong thời gian cải tạo, các anh có vài tiến bộ, học tập chính trị và lao động tốt, nên ngày hôm nay với chính sách khoan hồng của Cách Mạng, các anh được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa cho các anh về. Các anh về phải trình diện Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố, nơi đây sẽ quản lý các anh .

Hành lý chúng tôi mỗi người chỉ có một cái võng, vật dụng linh tinh tự chế như chén, lon, muỗng, đũa ..., một cái mền cũ và 5 kg khoai mì được nhà nước cấp cho để bồi dưỡng trên đường về. Vì không có áo quần tươm tất, 7 năm khốn khổ đã rách tả tơi, tôi đành phải mặc bộ áo quần cải tạo màu nâu, phía sau có hàng chữ đỏ CT5… (Cải Tạo khu 5/ Đội 2). Đành vậy thôi, mặc dù có vài công an quản giáo hăm doạ “ các anh coi chừng Nhân Dân biết các anh là Ngụy Quân Ngụy Quyền đầy nợ máu, người ta sẽ ném đá các anh”. Tôi nghĩ thầm, dù sao vẫn còn lối thoát, hơn là sống trong tù. Chúng tôi cũng nhiều phần không tin lời tên công an, nhận xét thấy rằng trong thời gian đi lao động, một đôi lần gặp dân, tuy bị cấm ngặt không được liên hệ, họ vẫn len lén vất cho vài củ khoai, vài trái chuối, tuy họ rất lam lũ và quá nghèo. Chúng tôi an tâm phần nào .

Nhìn bao khoai mì (thực phẩm chỉ có vậy thôi), đường về xa thăm thẳm, làm sao nấu nướng, anh Nuôi trại tù, đề nghị mua phần khoai mì này cho heo ăn với giá 6 đồng một kí. Chúng tôi đành phải bán cho nhẹ hành trang. Với ba mươi đồng chúng tôi có thể ăn được một tô phở không người lái và mua thêm một ổ mì, anh Nuôi nói vậy. Lấy gì ăn trên đoạn đường về nhà đây? Thôi thì tới đâu hay tới đó, miễn thoát khỏi chỗ này rồi tính, chúng tôi ai cũng nghĩ vậy. Lần đầu tiên nhìn thấy tiền miền Bắc, (theo luật lệ của trại thì cải tạo viên không được giữ tiền), chúng tôi buồn cười :“Sau hơn 6 năm lao động cho xã hội chủ nghĩa, mình được một số tiền 30 đồng cụ Hồ, biết chừng đâu mình sẽ trở thành tư sản, rồi lại bị đấu tố thì sao?" Nghĩ tếu cho vui vậy thôi chứ lòng chúng tôi ai nấy cùng hồi hộp, nôn nóng, nghĩ đến chốc nữa đây sẽ được trở về bên mẹ cha, bên vợ con, bên gia đình và lòng lâng lâng một niềm vui khôn tả. Tôi đang mơ nhè nhẹ bước vào nhà, mọi người không ai biết ... Tôi chợt thấy nước mắt mình ứa ra tự lúc nào, không dám tưởng tượng cái sự thật tôi đang có vì mới cách đây vài giờ tất cả đều ngoài tầm tay. Thực hay mơ, nghĩ cho cùng, có lẽ mình giống như chết đi sống lại.

Chiều hôm nay, rừng núi miền Bắc đầy tiếng chim kêu, ánh nắng chiều chan hoà reo vui trong gió. Trong cái ngút ngàn vô cùng tận của đất trời, tôi mơ ... mơ những nụ hôn, những vòng tay, những lời chan chứa ân tình của một ngày về :
        Trên đường về nhớ đầy;
        Chiều chậm đưa chân ngày.
        Tiếng buồn vang trong mây.
        Tiếng buồn vang trong mây.

        Chim rừng quên cất cánh.
        Gió say tình ngây ngây
        Có phải sầu vạn cổ.
        Chất trong hồn chiều nay.
        Chất trong hồn chiều nay

        Tôi là người lữ khách .
        Màu chiều khó làm khuây .
        Ngỡ lòng mình là rừng .
        Ngỡ hồn mình là mây ...
Tôi hát khe khẽ cho tôi nghe bài thơ "Chiều" của Hồ Dzếnh ai đó đã phổ nhạc như chính lòng tôi đang phổ nhạc.

Theo chương trình, chúng tôi được ăn bữa cơm cuối ngay chiều nay, sau đó xe Công An của trại sẽ đưa bọn tôi xuống núi và cấp vé tàu lửa cho chúng tôi về Nam. Mọi việc đã xong xuôi, khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi tụ họp tại cổng trại, điểm danh một lần cuối, chờ xe của trại chở đi. Xin giã từ tất cả, chào tất cả bạn tù còn lại mặc dù không thấy mặt nhau trong giây phút này vì cổng trại xa quá tầm nhìn về các láng bạn tù đang ở. Tôi nhìn lên cổng trại, lá cờ đỏ sao vàng bay phất phơ, dưới hàng chữ : "CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - CÔNG AN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM NINH" và ảnh Hồ Chí Minh. Tôi dơ tay chào và thầm nói "Thôi ở lại, ta đi".

Xui cho tôi, tên công an gác cổng đàng xa, vẫy tay gọi tôi lại .
- Anh kia, lại đây, anh nói gì với Bác đấy?

Tôi lanh trí, trả lời:
- Tôi chào bác tôi về, tôi rất hồ hởi phấn khởi, nhờ ơn bác và đảng khoan hồng cứu xét cho tôi được về sum họp với gia đình.
- Anh lại đây, chờ làm việc.

Tôi đến vọng gác đứng chờ. Khoảng 15 phút sau có một công an quản giáo ra, đưa tôi vào phòng làm việc. Vẫn câu hỏi “Anh nói gì với Bác?”. Tôi trước sau như một, cứ một lời ban đầu trả lời. Thế là tôi bị giữ lại, 12 bạn lên xe ra đi. Tôi bùi ngùi nhìn theo, chiếc xe vận tải rú lên và lao đầu về phía trước để lại một đám bụi mờ, mờ như số phận của tôi phải trả, do cái tính hay tếu của tôi cho đời nó vui. Vui đâu không thấy bây giờ lại lo, lo một chút thôi, bởi vì thật ra, cũng liều rồi. Sau đó tôi bị giam cách ly và hàng ngày hàng đêm tôi phải làm tờ tự khai với câu hỏi "Anh đã nói gì với Bác?". Tôi vẫn cứ thế trả lời hàng trăm lần như một lần “Tôi chào bác tôi về, tôi rất hồ hởi phấn khởi, nhờ ơn bác và đảng khoan hồng cứu xét cho tôi được về sum họp với gia đình”`.

Cuối cùng sau hai tuần bị giữ lại, tôi được tha, với lời hăm doạ :
-Tạm tha cho anh, chúng tôi không tin lời anh nói tốt như vậy.

Lần này tôi nhắm mắt đi (không một lời giã biệt bác).

Tôi được trao lại đầy đủ hành lý, kể cả 30 đồng Cụ Hồ. 4 giờ sáng ngày 21.09.1981( tôi gọi là ngày N), tôi quá giang xe anh Nuôi đi chợ. Tài xế chở tôi đến một ga không có tên tuổi gì cả (sau này tôi biết được là Ga Vinh), toàn là người miền núi. Họ nói tiếng của họ, họ hiểu với nhau, tiếng Việt của người dân tộc Nguôi. Quản giáo trao cho tôi tấm vé xe lửa "tàu chợ". Tôi chỉ được cấp vé về đến Qui Nhơn, từ Qui Nhơn về Saigon phải tự túc. Tôi nghe trên loa phóng thanh người ta thông báo xe chạy đến Ga Diệu Trì sẽ ngừng để chạy ngược lại về miền Bắc. Suốt thời gian di chuyển, tôi không dám mua một món gì để ăn, dù một củ khoai. Chỉ có 30 đồng, nếu hết thì làm sao xoay xở, trên người không có một cái gì có thể đổi chác được. Tôi uống nước cầm hơi cho qua ngày. Nghĩ ngày về đến Sài Gòn vui quá tôi quên đi cái đói phần nào. Nhưng đến ngày N3+, vừa bước ra khỏi toa xe lửa, tôi muốn xỉu, hoa mắt, nhức đầu, bụng cồn cào ra chất chua. Chợt thấy con chó hoang ghẻ lác đứng gặm khúc xương bên hè mà nước miếng mình chảy dài. Cầm lòng không được, tôi sà xuống gánh hàng rong bán bún, ăn một tô bún to với nước mắm chanh tỏi ớt đường. Những cọng bún trắng tinh, thêm vị chua ngọt mặn trôi dần xuống cổ. Tôi không dám ăn nhanh, chậm chậm thưởng thức cái mùi vị ngàn năm một thuở. Bụng đã no rồi nhưng bụng lại đau khi người bán hàng bảo:
- Cho tớ xin 15 đồng.
Thế là toi đi mất nửa gia tài.

Chần chờ tại Ga Diệu Trì đến trưa phòng bán vé mới mở cửa. Tôi hỏi vé đi Thành Phố Hồ chí Minh. Anh cán bộ bán vé trả lời “Diệu Trì - TP HCM giá 58 đồng". Tôi yêu cầu cho giá hạng bét, anh ta lạnh lùng trả lời “Đây chỉ có một giá thôi, đồng hạng”… Tôi năn nỉ “Xin anh giúp cho, tôi chỉ có vỏn vẹn 15 đồng, cải tạo được tha về mà anh”. Với giọng Bắc lạnh lùng hơn nữa, anh ta dứt khoát trả lời “Không là Không”.Tôi đành ở lại Ga Diệu Trì để tìm phương cách khác.

Với số tiền còn lại, tôi cầm hơi khoai sắn được hai ngày thì hết sạch.

Ban ngày tôi tìm đủ mọi cách để kiếm tiền vé xe nhưng không có cách nào cả, tối lại treo võng tòn teng ngủ trong sân ga. Thấy tôi mặc bộ đồ tù nên chẳng ai hỏi đến. May thay đến ngày thứ ba, trong lúc không còn một xu để mua thức ăn, có một em bé mặt mũi khôi ngô khoảng mười tuổi tự nhiên chạy đến hỏi:
- Chú có muốn đi làm kiếm tiền không?

Mừng quá tôi hỏi:
- Làm chuyện gì em?
- Nhà cháu cần người gánh nước, mỗi đôi 1 đồng.

Tôi nhận lời ngay. Em bé dẫn tôi về nhà, giới thiệu với bố mẹ. Người ta bằng lòng với điều kiện gánh nước không mặc quần áo cải tạo. Tôi nghĩ điều chi chớ điều này thì quá dễ, mặc quần xà lỏn gánh nước cũng tiện cho tôi. Từ giếng về nhà xa gần cây số, mỗi thùng cỡ 20 lít, cố gắng lắm tôi cũng chỉ gánh được 15 đôi. Ngày đi cải tạo 68 kg, ngày về còn 50 kg, gởi lại 18 kg thịt cho núi rừng Bắc Việt, tôi cảm thấy không đủ sức để gánh nhiều hơn. Tôi nhận mười lăm đồng để sống qua ngày. Ngày hôm sau người ta không thuê nữa, thế là thất nghiệp. Ba ngày vô vị trôi qua, lòng như lửa đốt, tôi đành chọn phương pháp NHẢY TÀU. Đây là phương pháp của những người bán hàng rong đi lậu vé, nếu bị xét vé thì bị phạt nặng. Đối với những người bán hàng rong thì dễ dàng vì người ta là dân, lại quen mặt với những người xét vé, còn tôi là tù vừa được thả, chưa có quyền công dân, lỡ bị xét không có vé có thể đi tù trở lại. Biết vậy nhưng con người đến đường cùng thì phải liều, tôi quyết định nhảy tàu.

Ngày N6+ chuyến tầu Thống Nhất từ Hà Nội vào đúng 8 giờ sáng. Từ đấy về Sài Gòn tàu sẽ ghé mỗi ga. Tôi theo những người bán hàng rong đứng chờ sẵn mỗi toa. Khi còi tàu hú và chuyển bánh chầm chậm, dân nhảy tàu lợi dụng thời gian này, bu theo thành tàu chạy một đoạn rồi nhảy lên, đến ga tới, tàu ngừng thì nhảy xuống. Tại mỗi Ga như vậy, tàu ngừng khoảng 30 phút để hành khách lên xuống, chuyển hàng hoá và soát vé.

Tôi cứ nhảy ga như vậy cho đến Ga Tuy Hoà. Trên đường nhảy ga tôi thường giúp đỡ những người bán hàng rong để chuyển dùm hàng hoá lên xuống, do đó tôi chiếm được cảm tình nhiều người và được tặng vài củ khoai, củ sắn, miếng cơm, cái bánh ... no lòng trên suốt đoạn đường dài. Từ Tuy Hoà đến Ga Nha Trang, tàu đang chạy ngon trớn, bỗng nhiên ngừng lại. Sợ bị xét vé, tôi vội nhảy xuống, nhưng không phải soát vé mà là có một tai nạn xảy ra. Tàu đang cán phải một người. Hỏi ra mới biết nạn nhân cũng là một người tù mãn án, trên đường về không có tiền mua vé nên phải nhảy tàu, bị tên cán bộ xét vé đẩy té ngã vào đường rầy.Tên cán bộ này đang bị mọi người phẫn nộ đánh hội đồng. Sau đó tàu phải ngưng giữa đường một đêm, để giải quyết sự việc và từ đấy không còn xét vé . Khi tàu đến Ga Mường Mán, Phan Thiết, tôi ngồi lì không thèm nhảy nữa, bình an về đến Ga Bình Triệu đúng 11 giờ đêm ngày N16+.

Gió mát từ Sông Sài Gòn thổi vào thành phố. Chợ Bến Thành rộn rịp như ngày tôi đi nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng nhìn Thủ Đô ngày nào bây giờ là thành phố đổi tên. 16 ngày đêm trên đoạn đường dài, biết bao kỷ niệm từ Bắc về Nam. Tôi vất hết hành lý, hai tay thọc vào túi áo, thả bộ từ Ga về nhà, trên con Đường Trương Minh Giảng quen thuộc, lòng phơi phới nghĩ đến vợ con, đến mái nhà tổ ấm của tôi. Trong niềm tin và hy vọng, tôi chuẩn bị tư tưởng cho một chuyến ĐI XA. Đi thật xa và không bao giờ quay trở lại.


TÔN THẤT PHÚ SĨ
Tù cải tạo: 28 tháng 5 - 1975
Ngày ra trại tù cải tạo Hà Nam Ninh: 03 tháng 8 -1981
Ngày lái ghe vượt biển đến Hong Kong: 23 tháng 8 -1981.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025