Ngủ không phải đóng cửa?!
Ngủ không phải đóng cửa?!
Trong lịch sử, nước Việt cũng từng có một thời như thế, tối ngủ, người dân không cần đóng cửa, cũng chẳng phải rào giậu gì. Và hầu hết người ta nghĩ rằng, cho rằng đó là thời thanh bình, thịnh vượng của đất nước. Xin thưa, nhầm cái bé! Nói đâu cho xa, thời nhà (chúa) Nguyễn, từ thế kỉ 16 đến nửa đầu thế kỉ 20, có một quãng thời gian dài từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19, nhà dân không cần đóng cửa khi ngủ. Kỳ thực giai đoạn này có thịnh vượng và yên bình hay không? Và lời kêu gọi của Bộ trưởng Công an Tô Lâm về việc “làm thế nào để nhà dân ngủ không cần đóng cửa” nên hiểu như thế nào? Nó ngầm chứa thông điệp gì?
Ở Trung Quốc, thời Nghiêu, Thuấn, dường như nhà dân ngủ không cần đóng cửa, thời đó được xem là hòa bình, thịnh vượng. Thực tế, thời đó chỉ nhà dân mới ngủ không cần đóng cửa chứ cung đình và nhà quan lại thì kín cổng cao tường. Ở xứ Việt, có một thời gian ở Thuận Hóa, tức Huế bây giờ, nhà dân cũng ngủ không cần đóng cửa, nhưng triều đình thì đóng kín cổng như Tử Cấm Thành, qua hai lớp cổng mới tới cung điện, nhà quan lại cũng kín cổng cao tường. Mọi di tích để lại cho thấy nhà quan lại thời đó kín công cao tường và khó ai mà lọt vào được, đó là chưa nói tới lính canh, còn kinh thành thì hoàn toàn kín, bước qua được thì bước lại cũng không toàn thây.
Điều này cho thấy, thời nào, cho dù mệnh danh là hiền hòa, bình yên, kỳ thực an ninh cũng có lắm vấn đề, và thời bình yên nhất là thời dân nghèo khổ nhất, thời đó dân đâu có gì, miếng ăn còn không có, làm sao mà kín cổng cao tường được, cửa đâu mà đóng, mà đóng để làm gì, trộm nào thèm ghé. Có chăng là để cửa mở vậy để khi cần thí lính lệ vào xét hỏi, ngày hay đêm gì thây kệ, cứ muốn xét hỏi, hạch sách thì vào nhà. Nếu thực sự yên bình, không trộm cướp thì nhà quan cần gì phải kín cổng cao tường, rõ ràng, nhà nào có của thì nhà ấy kín cổng cao tường.
Câu chuyện “bình yên” thời Nghiêu Thuấn và thời nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 ở Thuận Hóa là một chỉ dấu lịch sử, nó cho thấy đây là thời đại dân cực nghèo chứ không thịnh vượng như các ông sử gia được nhà vua nuôi cơm để viết ca ngợi, ton hót. Và nếu đặt ngược vấn đề về lịch sử cũng như tội phạm học, thì chẳng có ai đủ ngu dốt để tin rằng sẽ tiêu diệt, triệt bỏ được tội phạm trong xã hội. Bởi giữa tử tế và lưu manh, giữa ngay thẳng và lươn lẹo, giữa trung thực và tham lam luôn có một lằn ranh giới rất nhỏ, tùy vào bối cảnh, số phận, thân phận, gia cảnh, động cơ mà sự lương thiện hay tính giảo hoạt, gian manh bị kích hoạt. Có thể cùng một con người, hôm nay tốt, ngày mai xấu xa hoặc hôm nay xấu xa, ngày mai tốt bụng...
Mở rộng ra xã hội, một xã hội cân bằng luôn có hai thái cực hiện hữu, đó là Tốt và Xấu, Gian và Trung, các thái cực này giống như ngày với đêm, không bao giờ triệt tiêu được một trong hai thái cực, nếu triệt tiêu được nó thì thế giới cũng sẽ thay đổi hình thái tồn tại và lịch sử loài người phải viết lại một lần nữa. Vì không bao giờ triệt tiêu được, nên con người mới tự thiết lập cho mình một hệ thống an ninh từ cá nhân đến gia đình, đến xã hội. Trong đó, hệ thống an ninh xã hội được tổ chức tinh vi và cao cấp nhất, dưới sự bảo hộ của nhà nước, dưới tác động chính trị và khoa học. Nó được gọi là hệ thống an ninh quốc gia, với cái tên mỹ miều: Công An.
Hệ thống công an ra đời như một đối trọng của hệ thống tội phạm, có tội phạm là có công an, ngược lại, có công an là có tội phạm. Hai hệ thống này có một sự bổ sung tự nhiên hết sức buồn cười. Nó cũng lý giải tại sao trong thời gian hai thập niên từ đầu thế kỉ 21 đến nay, lực lượng công an viên bổ sung cho ngành công an từ các trường an ninh có thể đếm lên con số vài chục ngàn, và mật độ tội phạm cũng dày lên một cách đáng kể.
Như vậy, nếu như tội phạm không còn trong xã hội, điều đó cũng đồng nghĩa với ngành công an được giải thể, không ai còn bận tâm đến chuyện an ninh nữa. Nhưng vấn đề ở đây là ông Tô Lâm có muốn giải thể ngành công an hay không? Chắc chắn là không, và ông có muốn cũng không được. Nhưng, như trước đây, tướng Tô Lâm từng đề xuất việc cơ cấu thêm công an chính qui ở cấp địa phương, cấp xã, nhất là sau biến cố Tây Nguyên vừa qua. Và đề xuất của tướng Lâm không những không nhận được sự đồng tình mà còn bị phản đối nặng nề, bởi vấn đề kinh phí cho ngành công an chiếm quá cao trong ngân sách nhà nước mà hiệu quả thì rất thấp và phát sinh tiêu cực quá nhiều.
Như vậy, việc Tô Lâm đề nghị tỉnh Hải Dương “Phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa”. Nôm na, người dân ngủ mà không cần đóng cửa thì khác nào ông bảo nên giải thể ngành công an tỉnh này? Hoặc giả ông muốn cho tỉnh này trở về thời Nghiêu, Thuấn, nói rộng ra là ông muốn cho đất nước này trở về thời Nghiêu, Thuấn, dân chả có của cải gì để phải lo mà đóng cửa?! Có vẻ như cả hai câu hỏi trên đều cho kết quả là dù ông có muốn vậy cũng không được, bởi giả định rằng ngành công an, và cả nhà nước, chính phủ, đảng có ra tay một cách gắt gao để biến tài sản của dân trở thành tài sản công thì chuyện đó trong thời bây giờ là không tưởng và nếu có vậy thì việc duy nhất xảy ra, đó là chế độ bị lật đổ trong tích tắc bởi cơn nổi giận của nhân dân.
Như vậy, rốt cuộc lời nhắn nhủ của Tô Lâm mang dụng ý gì? Thực ra hình như chẳng có dụng ý gì, bởi nó được phát biểu từ bệnh nổ, đã là Cộng sản thì chả có ông nào mà không bị bệnh nổ, bị ra sao, bị như thế nào, và ngôn ngữ của người Cộng sản thì lúc nào cũng nghe chát chúa, đao to búa lớn, nghe cứ như lấp biển vá trời tới nơi rồi, kì thực là họ càng nổ thì càng cho thấy họ đang cố che cái lỗ hổng quá lớn của họ. Mà có cái lỗ hổng nào đáng sợ hơn cái lỗ hổng an ninh Việt Nam? Bởi toàn tâm toàn lực dồn vào bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, bắt tới, làm tới, thậm chí tổ chức bắt cóc ở nước ngoài, các thủ đoạn bảo vệ chính trị đều dùng tất, bất chấp nó bẩn cỡ nào... Thế nhưng an ninh quốc nội thì ngày càng tệ hại, mà đáng sợ nhất là an ninh quốc nội bị phá vỡ trong đó có một phần tội lỗi của chính các nhân viên an ninh.
Thử nghĩ, có quốc gia nào, có thời đại nào mà công an bị dân vây bắt, đấm cho thiếu điều vỡ mặt vì tội bắt trộm dê?
Mong rằng dân ngủ không đóng cửa
Để Công an dễ trộm của nhà dân
Có thời đại nào mà cảnh sát giao thông bước ra đường cứ như quân chuyên đi trấn lột, cướp cạn, nhỡ có chuyện gì thì chuyển sang ăn vạ, chờ người ta đụng vào thì ngã lăn quay để bày trò? Có thời đại nào mà kẻ buôn ma túy lại chính là công an chống tội phạm ma túy, kẻ bảo kê lớn nhất lại là công an?
Nói cho cùng, câu nổ không đúng lúc, không đúng thời điểm của tướng Tô Lâm vô hình trung cho thấy chưa bao giờ an ninh quốc gia lại khủng hoảng và bất lực như hiện nay. Đương nhiên, một phần tội lỗi không nhỏ lại thuộc về kẻ đang nắm quyền lãnh đạo.
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét