Nguyễn Văn Chưởng đã từng nhận tội, có oan không?

Nguyễn Văn Chưởng đã từng nhận tội, có oan không?


Tuấn Khanh
Ngày 27 Tháng Một 2008, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CQCSĐT) Thành phố Hải Phòng ra kết luận, khẳng định Chưởng đã khai nhận cùng Trung và Hoàng chém chết Thiếu tá công an Sinh với mục đích cướp của để lấy tiền mua heroin. Đến ngày 12 Tháng Sáu 2008: Tòa ở TP Hải Phòng xử vụ giết người, và lại thêm kết luận Chưởng là chủ mưu giết người và cướp tài sản. Dĩ nhiên, là có lời khai, ký nhận của các nghi can nên án cuối cùng của Nguyễn Văn Chưởng là tử hình.
Tuy nhiên, theo đơn kêu oan của cả năm người liên quan trong vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối Cao (VKSNDTC) vào cuộc thẩm tra lại hồ sơ và nhận ra những tình tiết không giải thích được, chẳng hạn trong nhóm người đó, có người không hề gặp mặt như Hoàng, còn Chưởng thì được làm chứng là đang ở Hải Dương, cách nơi gây án 40 cây số. Còn Đoàn là người làm chứng ngoại phạm cho Chưởng thì khi đến công an trình báo, bị bắt và bị tra tấn, sau đó bị ghép tội che giấu tội phạm. Còn rất nhiều chi tiết khác mơ hồ, không được làm rõ trong cuộc điều tra “điểm” này.
Ngoài ra, câu hỏi lơ lửng là 5 thanh niên bị gom chung vào tội sát hại công an Sinh, sao lại biết vào đúng ngày tháng và địa điểm đó, công an Sinh có mang tiền trong người để họ đến đúng nơi, giết người cho việc mua heroin (mục đích mua heroin là theo suy luận của công an Hải Phòng).
Ngày 18 Tháng Tư 2011: VKSNDTC ra “Kháng nghị giám đốc thẩm số 09/KN-VKSTC-V3”, đề nghị Tòa xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự đối với Chưởng, để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng xuống tù chung thân. Lý do là có nhiều chi tiết mà ngay cả VKSNDTC cũng lắc đầu không hiểu, nhưng rõ là không thể làm bẽ mặt Tòa án Nhân dân Tối Cao (TANDTC), nên chọn là giảm án, chứ không thể hủy án.
Ngày Tháng Mười Hai 2011: TANDTC (gồm 11 thành viên) do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác kháng nghị của VKSNDTC. Và như vậy, Nguyễn Văn Chưởng chính thức bị kết án tử hình, và chỉ còn đợi ngày thi hành án. Sự việc kéo dài đến nay, bởi áp lực dư luận xã hội chất vấn, chỉ ra những sai lầm của công an điều tra, mà đến nay cả 2 nhân vật cấp cao có liên quan là Phó Giám Đốc Công an Dương Tự Trọng và Giám Đốc Công an Đỗ Hữu Ca đều đã bị bắt, ngồi tù vì nhũng lạm.
Hầu hết các vụ án oan ngất trời của Việt Nam, đều dựa chính vào lời khai của nạn nhân và chữ ký. Thế nhưng con đường đến những bản khai nhận tội đó, ít ai biết là máu và nước mắt đã được lau sạch, chỉ còn lại lấp lánh chiến công và sự ngạo nghễ của công an điều tra. Các trường hợp tử tù khi may mắn được minh oan, đã kể lại những nhục hình kinh hoàng, nếu không nói là thú vật từ công an điều tra.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị công an Bắc Giang truy hỏi về cái chết của một phụ nữ, vì có người tả ai đó giống ông. Nhưng thay vì có khả năng làm rõ, ông Chấn bị tra tấn đến tưởng chừng chết đi sống lại để ép nhận tội. Ông kể có khoảng 6 cán bộ thay nhau canh, đánh ông suốt đêm này sang đêm khác không cho về và không cho ngủ, dọa nạt, ép buộc ông. Sau cùng thấy ông không biết gì, họ ép ông phải cầm dao tập, diễn đúng như kịch bản điều tra rồi quay phim và kết tội. Đơn giản, vì công an đã bắt thì phải có tội.
Còn ông Hàn Đức Long, dù có nhiều bằng chứng ngoại phạm nhưng công an điều tra tuyên bố qua kết quả “đấu tranh”, đã khiến thủ phạm nhận tội. Về sau khi được minh oan, ông Long mô tả những trận tra tấn triền miên đau đớn, khiến ông chỉ muốn chết quách cho xong, và đồng ý viết thư về nhà thú tội với gia đình, để hoàn chỉnh hồ sơ vụ án theo ý điều tra viên.
Còn Nguyễn Văn Chưởng thì sao? Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng lén gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
“Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…”.
“Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội”. Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…”.
Trăm triệu dân đen Việt Nam, cứ chiếu theo những gì đã xảy ra, thì ai rồi cũng có thể là những người phạm tội hợp pháp, một khi bị đưa vào đồn công an để điều tra “đấu tranh” tội phạm. Một khi có điềm chỉ và nghi ngờ mơ hồ, việc tiến đến định danh, định hình câu chuyện phạm tội là sự sáng tạo bằng vũ lực của người điều tra, mà chính báo chí nhà nước đã từng khẳng định. Ông Nguyễn Hòa Bình, hiện là Chánh án Tối cao của nhà nước, đã từng trơ trẽn khẳng định với báo chí rằng vụ án Hồ Duy Hải, là thớt và dao thì mua ở chợ để góp vào, chứ không có tang vật hiện trường, nhưng vẫn xác định là án giết người hoàn chỉnh, thì liệu đó có phải là tấm gương điên loạn cho bất kỳ cơ quan điều tra nào đang hành sự noi theo hay không?
Tháng Ba 2023, ông Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc Hội, tự ca ngợi là các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được hơn 2,3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Nghe mà não lòng, số phận con người Việt đặt dưới cửa công quyền, lại chỉ được nhìn lại theo chỉ tiêu như một mặt hàng sản xuất lập công. Như vậy đó, ngày nào, nền tư pháp Việt Nam vẫn còn coi con người như vật tế thần cho quyền lực nhà nước và danh dự hảo của kẻ cầm quyền, thì chừng đó, sẽ mãi còn những án oan ngút ngất trời cao.

Tuấn Khanh
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025