Cha Tôi, Nhà Văn Khái Hưng

Cha Tôi, Nhà Văn Khái Hưng
 
Trần Khánh Triệu

Trần Khánh Triệu là con đẻ của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, và là con nuôi của nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư. Nhất Linh, bạn thân của Khái Hưng, con cái đầy đàn, trong khi ông bà Khái Hưng hiếm muộn, nên cho Khái Hưng con mình là Nguyễn Tường Triệu để làm con nuôi từ lúc còn nhỏ.

“Papa tòa báo” viết văn

Mỗi buổi sáng khi thức giấc, trong cái cơn ngái ngủ mơ màng tôi đã cảm thấy bao trùm một mùi cà phê thơm dịu. Papa đang ngồi đọc sách, chốc chốc lại nhấc tách lên nhắp một ngụm, khói thuốc mélia quyện tỏa khắp phòng. Cái đèn cồn đun nước kêu sè sè đưa ra một vòng lửa xanh lam, lâu lâu papa đứng lên xoay chặt lại cái phin rồi đổ thêm nước sôi. Tôi trở dậy kéo ghế ngồi cạnh, tẩn mẩn nhìn từng giọt cà phê tí tách rơi xuống. Papa từ tốn dở từng trang sách chữ Hán nhỏ li ti vừa đọc vừa gật gù thỉnh thoảng lại cầm kính lúp lên soi. Đôi khi ông cụ còn mải miết chơi ô chữ trong tờ báo La Volonté Indochinoise xuất bản ở Hà Nội thời đó. Khi tìm được chữ nào đắc ý papa xoa nhẹ lên đầu tôi, ca se sẽ một bài hát quen thuộc của đoàn Ánh Sáng... “Rồi đây anh em chúng ta cùng nhau kết đoàn...”.

Sau đó là bữa điểm tâm, thường thường trên mâm chỉ có cháo hoa với đường cát vàng hoặc cơm nắm muối vừng, hôm nào sang mới có xôi lúa mua của bà hàng quen. Bánh cuốn hay phở, những món sao mà ngon thế, thì buồn thay... năm thì mười họa chỉ khi nào có khách mới được bưng lên. Hồi ấy gia đình tôi cũng không được dư dả cho lắm, bữa ăn sáng thường đạm bạc như vậy. Nghe me kể lại lương nhà báo của papa ít lắm, may bà ngoại có cho me ít ruộng ở vùng Quế Phương, Hải Hậu nên nhờ vào đó mới đủ chi dùng. Ông nội tôi tuy làm quan nhưng khi ông mất tài sản tứ tán đi cả, papa cũng chẳng được hưởng gì.

Còn nhớ khi viết xong cuốn sách hồng, hình như “Cái ấm đất” thì phải, tiền bản quyền chỉ đủ mua một cái áo đi mưa cho papa ở Hàng Đào và một đôi giày Bata cho tôi. À quên, tôi còn được cây súng lục Euraka, bằng đạn đũa dài đầu bịt cao su, bách phát bách trúng... ghê chưa?

Khoảng những năm 44 - 45, vì tiền nhuận bút sách báo thiếu hụt, me có chung với cô em mở một hiệu tạp hóa nhỏ ở Hàng Trống, cửa hàng thuê của nhà in Thụy Ký. Tuy vậy, đôi khi tôi tới chơi thấy vắng khách, me ngồi sau quầy tư lự thở dài... “Hàng họ lúc này khó khăn quá!”.

Rồi khi mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu vào nhà, papa đứng lên vươn vai sang phòng làm việc. Trong cái không khí vắng lặng êm ả, papa say sưa viết trên những trang giấy trắng rời không kẻ hàng bằng cây bút máy waterman ngòi vàng mềm mại, nét chữ đứng ngay ngắn rõ ràng. Có lúc viết xong một đoạn bỗng ngừng lại, papa nhăn mặt nhìn lên trần, tay gõ nhịp lên bàn, sau đó thế nào trên giấy cũng có thêm những hình loằng ngoằng như xoắn ốc kéo dài mãi ra. Đôi khi con mèo xiêm lách cửa đi vào nhảy tót lên bàn nằm chình ình một đống, tự nhiên như không... papa lấy tay khẽ vuốt ve, nâng niu con vật, miệng se sẽ hát câu chèo quen thuộc “Đất ngài đây... thanh lịch... đất có hữu tình...”.

Chiều và tối thì phòng giữa nhộn nhịp hẳn lên, khói thuốc tỏa lan khắp nơi. Bác Thế Lữ lúc nào cũng ngồi đối diện với papa, người hao hao gầy, đôi mắt sắc sảo, dáng điệu trông lúc nào cũng đầy vẻ bí mật. Có lần tôi thấy bác lấy trong túi ra một khẩu súng lục rất xinh đặt ngay trước mặt rồi chăm chú viết, đôi lúc lại gật gù nhìn khẩu súng. Sợ nhất là có lần bác mang về một cái sọ người, không biết thật hay giả, đặt ngay trên thành lò sưởi, nhe răng cười với hai lỗ mắt sâu thăm thẳm ghê hồn! Chú Hoàng Đạo và “cậu Hàng Bè” của tôi (ấy theo thói quen tôi vẫn thưa với cha nuôi tôi là papa hay rõ hơn “papa tòa báo” để phân biệt với cha đẻ tôi - ông cụ ở Hàng Bè nên tôi vẫn dùng những chữ “cậu Hàng Bè” cho tiện) thì làm việc bên phòng khách có khi tới khuya cũng chưa ra về. Hai người lúc nghỉ ngơi thường bày cờ ra đánh, mỗi lần chiếu tướng chú lại đập mạnh quân cờ cười ha hả. Papa lâu lâu cũng tới góp nước, hoặc mở đàn tam thập lục ra dạo một bản, tiếng trong trẻo rộn ràng.

Những ngày tòa soạn làm việc như vậy tôi thích nhất được xem chú Gia Trí vẽ tranh. Chấm mực đen chú vẽ Lý Toét rất gọn, rất ngon lành, hình Xã Xệ chỉ đưa vài nét là xong, bao giờ cái tóc xoắn như lò so của ông Xã cũng được vẽ sau chót. Có một dạo bác Tô Ngọc Vân thay thế chú Trí. Hình như bác mới ở bên Xiêm về, bác vừa vẽ vừa kể cho tôi nghe nhiều chuyện bên đó. Đôi khi bác còn cho tôi vài viên kẹo gôm tẩm đường nhưng kẹo không ngon và nhiều như loại Toffee chú Trí vẫn cho, bởi vậy hồi đó tôi thấy bác vẽ Lý Toét, Xã Xệ sao không được đẹp bằng chú Trí của tôi!

Thỉnh thoảng bác Tú Mỡ từ Láng cỡi bình bịch tới tòa báo thăm anh em, người gầy gầy nhưng tiếng cười rộn rã đi đến đâu cũng nhộn nhịp tới đó. Thấy bác đến là tôi mừng rơn, vì thường thường sau khi công việc xong thế nào cả tòa soạn cũng cùng bác sang ăn phở xào giòn, phở áp chảo của hiệu Phúc Hưng Lâu gần đó, hay ít ra cũng là một chầu bia, nước ngọt, bánh trái bên hiệu Hạp Ký trước cửa. Dĩ nhiên trong những trường hợp hy hữu đó bắt buộc tôi phải đi theo hầu papa rồi!

Ngược hẳn với bác Tú Mỡ, chú Thạch Lam của tôi đi tới đâu cũng yên lặng như một cái bóng, chú thường mặc áo dài the thâm, dáng người điềm đạm, ánh mắt sâu thăm thẳm. Chú Huy Cận thì thân với tôi hơn, còn nhớ có lần ở Trung ra chú cho tôi một củ khoai to tướng, gấp ba bốn lần khoai thường. Tôi thích quá, nhất định không ăn, để dành mãi dưới gầm giường. Sau đó ít lâu papa với vẻ trang trọng đưa cho tôi tập Lửa Thiêng và nói chú có tặng tôi một bài thơ trong đó, tôi lật trang giấy rồi lẩm bẩm đánh vần: TỰU TRƯỜNG, Tặng em Triệu. Một bài thơ chú tặng cho tôi, ờ, giá chú Huy Cận của tôi cho tôi thêm một củ khoai như hôm nọ có hơn không?



Tây bắt papa rồi!

Lần cuối cùng đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, lúc trở về Hà Nội, tôi còn nhớ các đầu đường đã bắt đầu gắn những bảng nhỏ có mũi tên chỉ “Abri - Hầm trú ẩn”. Không khí như nghiêm trọng hẳn lên, nghe nói sắp có bỏ bom, ban đêm đèn phòng thủ thụ động chiếu lờ mờ ghê rợn. Dạo này papa ít khi có mặt ở nhà, tờ Ngày Nay bị kiểm duyệt gắt gao, nhiều cột bỏ trống. Có lần đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, me lo lắng thì thầm với tôi “Có thằng mật thám con ạ, nó canh ngoài cửa”. Tôi không hiểu chuyện gì nhưng cảm thấy có một cái gì ghê gớm lắm sắp xảy tới!
Thế rồi sáng hôm đó, khi tôi còn đang ngủ tôi bỗng choàng tỉnh dậy khi nghe tiếng khóc của me tôi, chạy sang phòng ăn, thấy me tôi đang gục đầu xuống bàn nức nở “Triệu ơi! Tây nó bắt papa rồi!". Tôi sững sờ và không biết gì hơn là ngơ ngác nhìn me tôi, muốn nói một lời mà sao chân cứ như chôn chặt xuống đất.

Me tôi tiếp: “Con lên kêu cô Tú Thái, nói cô tới ngay!”. Cô Thái là em ruột của me tôi cũng ở phố Quan Thánh, khúc gần cửa Bắc, cách tòa báo không xa. Tôi không hiểu sao me lại cần gặp cô Tú trong lúc này. Nhưng khi cô Tú tới trò chuyện một lúc, tôi thấy me tôi không khóc nữa, hình như cơn đau buồn đã dịu đi phần nào. Tôi cũng đã hiểu vì sao me tôi lại cần có người thân trong lúc này như vậy.

Ít ngày sau, tôi được theo me vào thăm papa ở sở Liêm Phóng gần Đấu Xảo. Tôi vác theo một bị đồ ăn tiếp tế cho papa, me thì mang quần áo. Cửa phòng xịch mở, một ông tây lai đưa papa ra nói một tràng tiếng tây. Tôi chưa hiểu ất giáp gì thì papa đã kéo mẹ con tôi ngồi xuống cái băng gần đó dịu dàng nói: “Kệ nó, được phép 15 phút nhưng mình hơn cũng chẳng sao”. Mặc bộ pi-da-ma mầu xanh đã nhầu nát nhưng dáng điệu không đến nỗi tiều tụy lắm, papa tóm tắt kể cho biết chuyện từ ngày bị bắt: - Chú Long và chú Gia Trí bị trước, tây nó đánh đau lắm, những gì phải khai hai người đã nói hết, papa vào sau cứ theo đó mà khai nên chỉ bị sơ sơ thôi. Tôi chợt rùng mình nghĩ tới cái cảnh đánh đập rùng rợn ở sở mật thám mà tôi vẫn được nghe những người lớn kể lại.

Chừng ba bốn tháng sau papa được chuyển lên trại An Trí tại Vụ Bản, vùng Nho Quan, Hòa Bình. Ngày ra đi, tôi không được đưa tiễn, nhưng nghe me nghẹn ngào kể lại: papa bị mang còng số, còng tay lúc lên đường.

Lúc này, tòa báo vắng vẻ lắm, “cậu Hàng Bè” nghe nói đã trốn sang Tàu, chú Thạch Lam mới mất ở nhà cây liễu Yên Phụ, me rầu rĩ suốt ngày, còn tôi nhìn vào phòng làm việc của papa thấy trống trơn, trong lòng thấy bùi ngùi làm sao!

Rồi ít lâu sau được phép của sở Liêm Phóng, tôi cùng me, thím Long và Tường Ánh con trai thím lên Vụ Bản. Đường từ Nho Quan trở ra thật cheo leo, cảnh hoang sơ mà hùng vĩ, con đường đất đỏ dài hun hút, đến chiều mới tới nơi. Chúng tôi phải vào trú ngụ một đêm tại chủng viện, căn nhà do các bà sơ trông nom, hôm sau qua sông mới tới được trại trên đồi cao.

Papa hồi này da rám nắng, trông khỏe mạnh. Chúng tôi được phép vào một căn phòng, tự do nói chuyện nửa ngày trời. Được biết chú Long, chú Trí phải đẩy xe nước và vào rừng lấy củi, papa may mắn vì yếu đuối được phụ việc ở nhà thương, công việc nhẹ nhàng, me tôi cũng yên chí phần nào. Papa cũng cho biết cái thằng tây trưởng đồn, người đảo Corse, hồi đầu rất hách dịch, nay dần dần cũng bớt rồi, lâu lâu lại có anh em trẻ nghịch ngợm dám nhạo cả cái giọng nói nặng nề của hắn nữa. Khi chúng tôi trở về, papa được phép tiễn đến bến đò. Qua sông nước chảy xiết, giòng sông mênh mông, tôi thấy lòng se lại khi thấy hình dáng papa nhỏ dần, nhỏ dần. Trời lúc ấy thật thấp... thật nặng nề!

…Tôi trở về Hà Nội và tiếp tục đi học cho tới ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, súng nổ vang trời, cả nhà phải chui xuống buồng kho gầm cầu thang để tránh đạn cả đêm. Sáng hôm sau nhìn ra ngoài hai ba xác chết nằm bên kia đường ngay trước hiệu Hạp Ký, ghê quá! Rồi truyền đơn của Nhật rải xuống Hà Nội... Việt Nam độc lập... Toàn quyền Đại Nhật Bản thay toàn quyền Đờ-cu... người ta bắt đầu chết đói như rạ. Khẩu phần ăn nhà tôi bị hạn chế, cơm bữa nào cũng hôi sặc sụa mùi bao tải, lại còn phải dành một phần đưa cho đoàn khất thực cứu đói. Có lần đi qua chợ Đồng Xuân, papa mua cho tôi một bắp ngô nướng nóng hổi, đang lấy tay lăn lăn sửa soạn ăn, thì một bàn tay gầy guộc giật mạnh lấy, ức quá tôi định chạy theo nhưng papa giữ lại, lắc đầu buồn rầu nói: “Thôi con, người ta đói quá, khổ quá rồi!”. Hằn học, tôi đi theo papa, từ đó cho tới lúc về nhà, tôi không thấy ông cụ nói thêm một lời nào nữa.

Dạo ấy papa cũng rất bận rộn, hết lo cho tờ Bình Minh lại tới tờ Ngày Nay kỷ nguyên mới. Tuy vậy những ngày yên ổn vì khỏi lo mật thám Tây bắt bớ không kéo dài được lâu. Một hôm đi học về nhà thấy vắng vẻ quá, me dáng điệu bí mật kéo tôi lại gần nói nhỏ “Papa lánh mặt rồi, ai có hỏi nói về quê ít ngày”. Chúng tôi sống trong hồi hộp... rồi vào một buổi sáng Hiến binh Nhật ùa tới khám xét tòa báo, bao nhiêu sách trong nhà kho bị lục tung nhưng hình như không kiếm được gì khả nghi, chúng bỏ đi... Hú hồn!

Rồi Nhật đầu hàng, Việt Minh cướp chính quyền, Quốc dân đảng đóng ở tòa báo, tờ Việt Nam ra đời, Việt Quốc, Việt Cách chống Việt Minh, Pháp lăm le trở lại, chính phủ liên hiệp thành lập. Lúc này papa phải lo viết cho tờ Việt Nam, tờ Chính Nghĩa và lâu lâu luôn cả tờ Thiết Thực nữa.

Tiếp đó Hiệp định sơ bộ 6-3 ra đời, Pháp đổ bộ Hải Phòng... Hội nghị Đà Lạt tan vỡ. “Cậu Hàng Bè” từ chức bộ trưởng rồi sang Tàu lần nữa... Các trụ sở Việt Quốc lần lượt bị tảo thanh. Công an xung phong đột nhập tòa báo lục soát, bắt bớ. Các đảng viên cao cấp như bác Hể, bác Đóa, Trí, Dị... bị đem đi biệt tích. Tờ Việt Nam đình bản... Tòa báo ngoài papa chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: anh Bảng, Kính, anh Cống, bác Thắng...

Rồi tình hình giữa Việt và Pháp ngày càng căng thẳng, tự vệ thành xung đột với lính Pháp, hầm hố đào khắp nơi, dân chúng lũ lượt tản cư. Bất chợt một buổi sáng, Pháp tung quân tảo thanh Hàng Bún, xông vào tòa báo, bắt hết mọi người ra sân lục soát. Sau đó, với dáng điệu đằng đằng sát khí chúng áp giải, kẻ thì đi bộ, người bị lùa lên xe GMC chạy thẳng vào thành, giam trong những xà lim hôi hám. Súng nổ cả đêm, tôi bị giam chung với một số anh em thợ nhà in và lẫn lộn cả với mấy ông bà già cư ngụ cùng phố. Hoang mang không biết số phận papa, me và các bác, các chú trong tòa soạn ra sao.

Sáng hôm sau may nhờ Ủy ban Liêm kiểm can thiệp mọi người được tha. Gặp lại papa, me mừng quá sức, hàn huyên đủ chuyện. Thấy tình thế không thể ở lại Hà Nội, papa quyết định tản cư về quê ngoại. Ngay chiều hôm sau chúng tôi xuống phà đen lên tàu thủy xuôi Nam Định.

Hôm ấy là ngày 19-12-1946,
Papa bị Việt Minh bắt.

Tàu chạy được ít lâu thì thấy rực lửa phía Hà Nội, mọi người xôn xao bàn tán, chắc là đánh nhau to rồi! Mờ sáng hôm sau tàu giạt vào bờ bến Mễ vì sợ tàu bay bắn phá. Chúng tôi phải tạm ngụ ở làng ven sông rồi sau thuê xe tay đi về quê.

Hai ngày sau mới về tới Dịch Diệp, quê me tôi, cách tỉnh lỵ Nam Định chừng 20 cây số, một làng rất trù phú, nhà gạch san sát, tiếng khung cửi dệt khăn mặt lách cách khắp nơi. Sắc mặt papa có vẻ vui hơn, không còn đăm chiêu như mấy ngày ở Hà Nội nữa. Thoát được thằng Tây là đỡ rồi, từ nay cũng tạm yên.

Vài hôm sau, một chiều hai thanh niên mặt lạ tới “mời” papa lên huyện. Cả nhà thất sắc nhưng papa chỉ vào cái phù hiệu của Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính tay Trần Huy Liệu tặng còn gắn ở ve áo, bình tĩnh nói “Chắc không có chuyện gì đâu, để tôi đi xem sao, bây giờ kháng Pháp là lúc cần đoàn kết, đâu có chuyện bắt bớ bậy bạ!”.

Bẵng đi vài ngày không thấy tăm hơi gì, me tôi cho người đi dò la tin tức trên huyện Trực Ninh thì được biết papa đã bị giam và sắp bị giải đi nơi khác. Tôi cùng một người nhà vội lên Cổ Lễ rồi đi dọc theo đường cái tới huyện. May mắn thay trên đường đi lại gặp một đám người lẫn lộn trong đó hình như có papa. Anh người nhà kêu lớn:
“Ông Tú!”

Đúng papa tôi rồi, tôi chạy vội lên:
“Papa, con đây!”

Khuôn mặt võ vàng, mắt như sâu lại dưới gò má, tôi để ý, trên ve áo cái phù hiệu của Trần Huy Liệu tặng ngày nào không còn nữa!

Papa dừng chân lại: “Triệu, con về đi. Me con cuốc đất trồng rau sống qua ngày. Papa đi lần này không biết ra sao!”.

Tôi run lẩy bẩy nắm lấy cánh tay gầy guộc của papa, nhưng một thanh niên, ý chừng là công an sẵng giọng: “Đi ngay, đường còn xa!”... Tôi lặng người nhìn theo bóng papa xa dần rồi khuất hẳn sau những ụ đất phá hoại trên đường liên tỉnh.

Trở về nhà báo tin, cả nhà bồn chồn lo lắng. Tình hình chiến sự lan rộng, tàu chiến Pháp đi dọc theo sông Hồng bắn phá làng mạc hai bên bờ đê, tàu bay bà già vần vũ lâu lâu lại tuôn ra một loạt đạn vu vơ. Trong thời gian này, me cho người đi dò la khắp nơi tìm tin tức papa, lại viết rất nhiều đơn lên Ủy ban Hành kháng tỉnh để xin cứu xét. Nhưng tất cả đều như chìm sâu trong sương mù vô vọng.

Rồi tết Đinh Hợi qua đi trong chán nản, kinh hoàng. Sau tết một thời gian tàu Pháp chạy dọc theo sông Hồng bắn phá dữ dội, trong làng đang rục rịch tản cư thì bất chợt, papa trở về. Một công an mang phù hiệu “Công an Thành Nam Định” hẳn hoi đi kèm. Trong lúc chờ nhà sửa soạn bữa cơm papa cho biết: “Bị bắt lên Trực Ninh, sau giải sang Lạc Quần, bị giam ở đó sợ lắm vì mỗi lần báo động oanh tạc chúng chạy hết còn tù thì xích chân lại cho ở trong đồn, cố ý mượn tay thằng Tây giết mình. Có lần tàu bay bắn phá may mà không sao. Hôm nay có lệnh giải đi nơi khác vì vùng này mất an ninh, nhưng không biết đi đâu”. Rồi papa hạ giọng: “Hôm trước nó hỏi về thằng Triệu con anh Tam, tôi có khai là nuôi nó từ bé, nó không biết anh Tam là ai cả”.

Trong lúc papa ngồi ăn vội vã, tên công an vẫn lảo đảo ngoài hiên lừ lừ nhìn mọi người. Thấy me khóc nức nở hắn đến gần nói mấy câu: “Cứ yên tâm, sẽ có ngày về, chính sách chính phủ bao giờ cũng đại đoàn kết để kháng Pháp”.

Ăn xong lên đường, tên công an còn ngoảnh lại nói như máy:
“Đến nơi sẽ có tin về nhà ngay, không sao cả, cứ yên tâm!”.

Khi papa ra đã tới gần đầu ngõ, me tôi chợt nhớ vội gói mấy quả cam đường vào tờ kinh cứu khổ rồi bảo tôi:
“Con chạy theo đưa papa mau lên, nói papa nhớ tụng kinh luôn, lạy Trời Phật cho tai qua nạn khỏi”.

Tôi chạy theo đưa papa nói vội:
“Cam đường papa nhớ ăn, kinh cứu khổ papa nhớ tụng!”.

Tôi đi theo đến đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ đi theo sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi về phía sông Hồng xa lắc đằng kia. Tôi bàng hoàng trở về nhà, miệng còn lẩm bẩm: “Tội nghiệp, không biết papa mình có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ không?”...

Từ cái ngày đó về sau, tôi không còn được gặp lại “papa tòa báo” nữa.





Trần Khánh Triệu
Nguồn FB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209