Sư Khác Biệt Ý Thức Hệ Giữa Hai Miền Về Người Anh Cả ...!

Sư Khác Biệt Ý Thức Hệ Giữa Hai Miền Về Người Anh Cả ...!

Nguyễn Gia Việt

Miền Nam không đặt anh chị cả là một ý thức hệ khác biệt cố ý chứ không phải để cả ở lại đất Bắc thờ tổ. Không thể lấy đặc điểm của Miền Bắc áp vào xã hội và con người Miền Nam.
Cách xưng hô “anh Cả” ở Bắc so với “anh Hai” ở Nam là một đặc điểm rất thú vị mà những người nghiên cứu văn hóa nhiều lần tốn sức để giải thích nó. Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao người Miền Nam gọi “anh Cả”, “chị Cả” (người con trưởng, theo cách gọi Miền Bắc) là “anh Hai”, “chị Hai”?

Nhiều người giải thích rằng thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng dân ở Bắc vào khai phá vùng đất Phương Nam, rằng trong đoàn quân Nam tiến lúc đó, hầu như không có ai là “anh Cả”, vì đi mở cõi thì nguy hiểm, theo tục Bắc phải để người con trưởng ở lại để phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc mộ phần tổ tiên; những người ra đi đều là con thứ. Nói vậy không trúng vì có nhiều gia đình họ ôm cả nhà cả dòng họ của họ vô Nam kìa.

Lịch sử lưu dân Nam Kỳ quá trẻ, quá gần ,không có nhiều quá khứ ,nhưng quá khứ huy hoàng và kinh hoàng .

Hai chữ 流民 lưu dân là người rời quê nhà đi lang thang,đi về đất mới ,có khi là vô định ,chữ lưu cũng có nghĩa là lưu đày.

Tại vì Nam Kỳ Lục Tỉnh được chính những lưu dân yêu chuộng tự do tạo dựng lên .Tự do và tôn trọng quyền làm người.Yêu người và yêu xứ sở, ý thức quyền lợi xứ sở là tối thượng.

Chính tự do sanh ra tất cả các quyền làm người, tự do hoàn thiện con người
Thành phần lưu dân Nam Kỳ có nhiều loại.
Những tướng lãnh, quan chức tiên phong đi chính chiến mở cõi hoặc đi trấn thủ vùng đất mới, rồi ở lại cùng với gia đình, thân thuộc, người hầu, linh canh trên vùng đất mới,thành phần này vẫn ít hơn dân thường.
Quan bị biếm chức,đi đày, quan bị trù dập,bị chèn ép,quan bất mãn xin đi vô đất mới.Những người nông dân không có ruộng,những người bị truy nã, là tội phạm.
Những người cùng đinh bị xóm làng ruồng bỏ,phải tìm cách đi đặng tìm cơm áo,hững người lánh nạn binh đao, những giáo dân Ki Tô trốn cấm đạo.
Những tội đồ bị chánh quyền xử tội lưu đày.

Những tù binh của cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, những nông dân Đàng Ngoài bị chúa Nguyễn bắt hoặc ép vào Đàng Trong.
Những người đàn bà chửa hoang ,những người từng bị cạo đầu bôi vôi. Viết rằng tổ tiên là đàn bà chửa hoang sẽ có nhiều người Nam Kỳ khác chửi, mày dám tụt áo cho người ta xem lưng à?

Tổ tiên Nam Kỳ là dân Ngũ Quảng, không ai nói dân Bắc Hà, phải kể người Minh Hương và Tàu di cư qua nữa.

Rồi lai với người Chàm, người bổn địa K`ho, Stieng, Khmer nữa.
Lưu dân họ sợ cái hắc ám của xóm làng họ bỏ xứ đi, họ đi không dám nghĩ về nơi cũ,họ sợ cái tộc không công bằng, họ tự lập ra một trang sử mới thì họ lẹo tẹo mớ rối rắm xa xưa làm gì nữa.
Cách giải thích "cả ở lại đất Bắc giữ nhà thờ họ" được phần đông người Miền Bắc lấy ra giải thich vì "có lợi" cho họ, cái lợi này thế nào thì đủ hiểu, không cần giải thích sâu.

Nhưng với đặc điểm tâm tánh vùng miền, khác về văn hóa, cách sống, quan điểm, xóm làng,cách tổ chức dòng họ thì Nam khác hoàn toàn Bắc.
Cách giải thích của người Miền Nam lại hoàn toàn khác.
Một vài người giải thích là ông cả cọp gì đó mà sợ nên Nam Kỳ tránh "Anh Cả", vậy chứ ông Hương Cả thì sao? Nam Kỳ có Hương Cả trong ban hội tề.
1. Chánh trị

Đơn giản người Nam cố tình làm cho khác Miền Bắc khi bỏ cả, chỉ gọi người lớn là anh hai, chị hai.
Lịch sử đã dạy cho con cháu Miền Nam ý thức về khai khẩn đất đai, giữ gìn xứ sở và bảo vệ quyền lợi chánh trị.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525–1613) đâu phải con cả, ông là con thứ.
Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1563–1635) là người đầu tiên mang họ Nguyễn Phước cũng không phải con cả, ông là con thứ sáu. Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan cũng là con thứ. Vua Gia Long Nguyễn Ánh cũng là con thứ.
Chúng ta không xét cả ở ngoài Bắc, chúng ta coi quyền lực thực tế, thiệt sự ở trong Miền Nam là ai nắm.
Khi Nguyễn Phước Nguyên lên ngôi chúa, không những thôi cống nạp theo thông lệ hàng năm, mà còn nghe theo kế của Đào Duy Từ cho xây thành Trường Dục chuẩn bị chiến tranh nhằm chống lại chúa Trịnh, vua Lê thì đâu có ai coi cái ngôi tượng trưng nào đó mà nhiều người vẽ vời phải nhứt định ở Bắc ra cái gì đâu mà cả với chẳng cả.
Trịnh – Nguyễn đánh nhau từ 1627 tới 1672 với 7 lần đánh nhau với đại quân.

Trong bảy lần đó quân Trịnh chủ động tấn công đánh quân Nguyễn tới sáu lần để khẳng định vai trò "cả"đất Bắc ,quân Nguyễn động binh chống lại sát rạt,chủ động tấn công quân Trịnh trong lần giao tranh thứ năm (1655-1660) là tiến ra Bắc.
Người Huế, người Miền Trung còn phân vân nên giữa "cả" và "anh hai" còn lấn cấn, có nhà do cả nắm, có nhà do út nắm. Chứ dân Miền Nam càng xa về Nam càng sát rạt sự dứt khoát,không có cả gì hết,anh hai chị hai là định chế.

2. Khác cách tổ chức làng xóm và thờ cúng
Bỏ chữ cả là một dạng dứt áo,cắt đứt với hương ước,lũy tre làng,với họ tộc kinh hoàng kiểu Bắc Kỳ.
Ông Hương Cả trong Nam đâu có quyền hành gì,chỉ tượng trưng ,và là cả duy nhứt trong Nam ,có lẽ là một chút màu mè.
Phải nhìn vô cách sống của người Miền Nam nữa.

Là gốc lưu dân,không viết gia phả,không lập họ tộc,không lập lũy tre làng,không có ông lý trưởng hét ra lửa.

Người Bắc thừa tự là con trưởng, nhưng thừa tự, cúng kiếng trong Nam là con trai út .

Nam Kỳ rất thực tế,thằng út lúc nào cũng trẻ trung, nó sẽ gánh vác gia đình ở mức hăng hái, thằng hai thì già chát, nhỏ hơn cha mẹ không nhiều gánh gì nổi.
Câu "Giàu út ăn nghèo út chịu" cũng của Nam Kỳ đưa ra.
Thằng út giữ hương hỏa trong nhà,nhưng vẫn không hạ bệ thằng anh hai nha.
Bằng chứng là trong những ngày giỗ chạp, cúng kiếng tổ tiên, đám cưới thì ông anh hai vẫn đứng ra tế lễ, thằng út đứng sau lưng anh hai.
Trong họ tộc thì người thứ hai vẫn mang tiếng người đứng đầu, đám cưới thưa gửi là ông bác hai hết thảy, ông này chết thì ông bác ba lên thế.
Nhưng anh hai làm lễ thôi, anh hai không có quyền xen vô chuyện cúng kiếng của thằng út như cúng lớn, cúng nhỏ, cúng ra làm sao.
Nam Kỳ chia quyền hết là ở đây.

Không gia phả, không họ tộc, không có khái niệm nhà thờ tổ, nhưng Nam Kỳ mặc định nhà thằng Út là nhà thờ tổ, tức là nhà nào mà cha mẹ,ông bà chết và thờ là nhà tổ.
Ông nào giữ hương hỏa có nghĩa vụ làm đám giỗ, không có quyền chỉ trỏ, ra lịnh này nọ nghĩa vụ với con cháu như tộc trưởng ngoài Bắc.
Con cháu trong Nam sướng là vậy, cứ về ăn đám giỗ, giàu mua đồ nhiều, nghèo mua đồ ít, không ai dám nói, móc mé, lên lớp dạy đời, không gây áp lực.

Với bản chất trọng người sống, kỉnh người chết ở mức tượng trưng, việc cúng kiếng Nam Kỳ cũng khác ngoài Bắc.
Thường giữa nhà người Nam đặt cái bàn thờ 九玄七祖 "Cửu Huyền Thất Tổ" tức 7 đời tổ tiên trên chín tầng trời.
Nhưng thực ra người Miền Nam cúng giỗ chỉ 3 đời tới ông cố bà cố thôi, hết 3 hoặc 4 đời là không cúng kiếng gì nữa, đốt bài vị.
3. Người Nam Kỳ không lập gia phả và phế luôn "anh cả"

Gia phả là gì?家譜 gia phả hoặc gia phổ là phả hệ của một dòng họ, gia đình,là cuốn sách chép tên ông bà tổ tiên,con cháu của một dòng tộc nào đó.
Người Bắc xưa rày ta nghe tới là thói "lũy tre làng",có gia phả, có dòng tộc nghiêm ngặc,có trưởng tộc, có nhà thờ tổ ,mả tổ, thủy tổ và những quy định ná thở với con cháu.
Nhưng với dân Nam thì không có, hoặc có hời hợt, hình thức.

Không viết gia phả vì thấy không cần thiết. Một xã hội mở thì không cần gia phả.
Xưa đất rộng người thưa, con cháu đi tứ tán, ở nhà toàn nhờ láng giếng gần đó, có câu "Bán họ hàng xa mua láng giềng gần".

Là dân gốc lưu dân, dân Nam muốn xóa bỏ quá khứ hãi hùng từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Nguyên nhân do từ thủa khai hoang lập làng đất Nam Kỳ đã có nhiều sắc dân tứ xứ rồi. Cái tánh mở và trộn của Nam Kỳ y chang của dân Huê Kỳ vậy.
Tầm nhìn rất xa, con người thoáng trong suy nghĩ và sự dân chủ, bình đẳng cũng đậm đặc trong máu của dân Nam Kỳ.
Người Miền Bắc "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" trong lũy tre làng, làm gia phả, giữ gia phả như chế định nghiêm khắc, họ tộc,nhà thờ tổ, tộc trưởng như một chế định trên dưới, lớp lang, lịnh lạc.

Miền Nam thì "Bán họ hàng xa mua láng giềng gần", không gia phả, không định chế, không ra lịnh,không chế định, chỉ có anh hai, không ra lịnh, nghĩa vụ. Tộc ở Miền Nam là tượng trưng khi có đám tiệc và không có quyền hành ra lịnh.
Ông tộc trưởng Miền Nam mà mở miệng ra lịnh, nói xàng xiên là con cháu phản ứng liền lập tức nên ổng biết phận, ổng chỉ nói về lễ lạt thôi.
Đất sanh ra người, tâm tánh con người, và đất Nam đã sanh ra người Nam như vậy đó.

Miền Nam không lập gia phả là đặc tánh vì nó chẳng giúp ích gì trong khai hoang khẩn đất và gia phả không thể sống trong một xã hội mà láng giềng quan trọng hơn họ hàng, tinh thần tứ xứ vỗ về nhau mới là trọng.
Sơ bị chửi như có lần bị chửi khi khẳng định Miền Nam không có gia phả là đặc tánh nên phải lôi ra hai ông sau đây:

Trong cuốn "Hơn nửa đời hư" học giả Vương Hồng Sển viết về họ Vương ở Sóc Trăng của ông,khẳng định lại là Miền Nam "không viết gia phả":
"... đã dấn thân trên đường lưu lạc, phiêu lưu, đi tha hương cầu thực, đi để tìm lẽ sống mà tại nơi nhau rúm không sao tìm thấy, nói thẳng ra, đi hoang làm vậy, thì cần gì đem theo gia phả? Vắt lưng cái tờ tộc phái ấy chỉ thêm bận chân vướng cẳng, ích gì?Và thương thay cho những người lang thang trên bước giang hồ".

Học giả kết luận:
"Cho nên nói chung, tại Miền Nam chúng tôi không có tục lập gia phả, vì xét rằng tờ tộc phái có ghi tên họ năm sanh năm tử của ông bà để lại rủi lọt vào tay kẻ thù muốn hại mình thì quả là lợi ít hại nhiều, nên không lập.Tờ gia phả xét kỹ ra, chỉ dành cho các dòng họ lớn nào sống nơi thái bình yên định, không gặp cảnh loạn ly.

Tuy vậy không phải người miền Nam không biết quý trọng tổ tiên, duy không chép ra thành sách. Người tộc trưởng của một họ thường thuộc nằm lòng để truyền khẩu giữa con cháu hoặc kỹ hơn, dùng thẻ giữ kín ghi những ngày kỵ huý giỗ quải, và ít khi bằng lòng lấy ra cho người ngoại tộc xem".

Ông Sơn Nam cũng nói là Nam Kỳ không lập gia phả:
"Về gia phả gần như không có, người khẩn hoang ở Nam Bộ (Nam Kỳ) không ghi chép lại để che giấu lý lịch, đề phòng trường hợp tru di tam tộc, theo luật phong kiến. Có tấm bia ghi lại trường Bả Canh do ông Đỗ Công Tường từ Bình Định vào lập nghiệp từ đầu thế kỷ thứ 18, nay là chợ Cao Lãnh"(Trích Sơn Nam, Đồng Tháp Mười xa xưa, Lịch sử Đồng Tháp Mười, Võ Trần Nhã (chủ biên) tr.31).
4. Cách thờ cúng trong đình làng của người Miền Nam khác ngoài Bắc
Nam Kỳ Lục Tỉnh có câu "Bán họ hàng xa mua láng giềng gần". Phong tục, cách sống Nam khác Bắc nhiều.

Họ tộc trong Nam không phát triển,ai làm nấy ăn,không có gia phả, chẳng câu nệ dòng họ, Nam không lũy tre làng, không trưởng tộc, chẳng mè nheo họ tộc.

Đất sanh ra người ,tâm tánh con người, luật chơi của vùng miền.

Quyền lợi ở đâu tổ tiên ta ở đó. Và đất Nam đã sanh ra người Nam Kỳ chúng ta như vậy đó.

Tổ tiên gần nhứt của người Miền Nam là người đang ngồi trên bàn thờ giữa nhà đó, là trực hệ đã khai phá, tạo đất, sanh sống, có con cháu ở mảnh đất Miền Nam , là trực hệ ,không xa xôi.
Nhơn vật nào có công khai khẩn và góp phần vun bồi cho đất Nam Kỳ này mới là tổ tiên của ta.

Đình làng Miền Nam rất lớn,lộng lẫy,chỉ thờ một chữ 神 thần là một chữ rất lớn ở bàn thờ chánh điện. Chữ thần tượng trưng, chủ yếu phối tự những Tiền Hiền, Hậu Hiền có công khai phá, tổ chức lập làng, có công dựng ấp.
Hầu như không có đình làng nào thờ những nhân vật ở ngoài Bắc.

(Có một đình thờ hai ông ngoài Bắc.Đình Thông Tây Hội.Thành hoàng đình này rất lạ, thờ hai ông hoàng em-con Lý Công Uẩn ở tận thời Lý, là Đông Chinh vương và Dực Thánh vương, bài vị ghi rằng ”Đông Chinh, Dực Thánh thành hoàng đại vương chi vị”.
Báo chí sau 1975 mệnh danh là “Ngôi đình cổ nhứt Phương Nam” nằm ở đường Thống Nhất quận Gò Vấp.
Tuy nhiên nhìn ra thì có gì đó là lạ. Thứ nhứt là trong ”Gia Định Thành thông chí” không thấy chép chữ nào về đình này. Thứ nhì là đình làng này cúng kỳ an không làm lễ xây chầu, tức không hát bội như nhiều đình làng Nam Kỳ khác.
Nhìn lên bàn thờ chánh điện ta thấy cái linh vị hai ông Đông Chinh vương và Dực Thánh vương,nhưng ẩn sau là chữ 神(thần) rất lớn và là theo đúng thông lệ của người Nam Kỳ xưa.
Trộm nghĩ, có khi là đình này xưa cũng thờ một chữ thần, nhưng sau đó do loạn lạc, chiến tranh mà người ta - tức là một nhóm di dân người Bắc nào đó sau này tự ý phối tự hai ông vương kia vào không ta? )

Cúng đình trong Nam thiệt sự là ngày hội của xóm làng, có tri ơn, có tưởng nhớ, có giáo dục, có hát bội, có cầu an, có những lời khấn, những lời cầu xin chúc nhau an lành kiểu Lục Tỉnh.

Đình thần Vĩnh Phước Sa Đéc hiện đang thờ Trung đẳng thần Tống Phước Hòa là vị quan trấn thủ xứ này:
        "Hò ơ!
        Đèn nào sáng bằng đèn Sa Đéc
        Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân
        Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần
        Thương em đứt ruột, nhưng tới gần lại run"

Các bạn ghé vô cái đình nào đó xá một xá, ghé vô lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, khu thờ Nguyễn Huỳnh Đức, lăng Nguyễn Văn Tồn, đền Nguyễn Trung Trực, đền Thủ Khoa Huân, đền thờ Phan Thanh Giản, Võ Tánh ... đốt một cây nhang không chừng có ý nghĩa hơn đi họp tổ xa xôi đại bác bắn không tới.
Ngày nay đâu đó trên đất Nam, xưng quanh xóm làng có những cái mả cổ sụp nứt, tróc núm, có những cái cái đình gần sập, banh nóc vì không có tiền tu sửa có bàn thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền lạnh tanh.

Thưa! Đó là tổ tiên ta đó.

Những người hao tốn máu xương khai khẩn, bảo vệ, dựng lên Lục Tỉnh cho con cháu có đất cắm dùi, có miếng đất làm nhà để ở, để chôn mình tới ngày nay.

Trong ”Một tháng ở Nam Kỳ” Phạm Quỳnh viết rằng:
“Coi đó thì biết các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ tây hóa đã sâu lắm, hầu như không còn chút gì là cái phong thể An Nam nữa. Về đường đó thì ngoài Bắc Kỳ Trung Kỳ còn kém Nam Kỳ nhiều. Đến cách nghị luận cũng đường đột mãnh liệt, trực mà không có những lối khép mở xa xôi như các nhà cựu học ngoài ta.Hai cái tâm lý khác nhau biết dường nào! “(Hết trích)

Ông bà mình đã định hình ở đây, cái đất này,cày cuốc ra trái lành cây ngọt, sản sanh ra những Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Trương Vĩnh Ký, Ông Cai Tồng này, bà Hội Đồng kia....

Nhà nghèo cỡ ông Trần Văn Hương vẫn làm ông giáo rồi thủ tướng như thường. Nhà nghèo cỡ Hồ Biểu Chánh vẫn làm đốc phủ sứ như thường.
Bỏ cái nút thắt "anh cả", nâng Anh Hai lên ở mức tượng trưng, thờ tự là em út để chứng tỏ Nam Kỳ là xứ tự do, không thích ràng buộc, không ưa rào đón trước sau.

Tôn giáo ở Nam Kỳ thoáng và hòa nhập. Thậm chí Công Giáo Nam Kỳ cũng thoáng và nhẹ nhàng hơn CG Miền Bắc.

Nam Kỳ có nhiều tôn giáo mới ra đời.

Bản chất dân tứ xứ,khai hoang, họ thích những vị thần linh dân gian phò hộ trực tiếp cho công cuộc khai hoang của họ, thí dụ Bà Đen, Bà Chúa Xứ, Ông Tà, Ông Miễu.

Dân Nam Kỳ không từ chối Phật, nhưng kéo nó ra một dạng khác lạ, mới mới, có chút xíu tâm linh dân gian, Phật nhưng không Phật, Phật kiểu Nam Kỳ.
Nói thẳng ra là lập đạo mới, là: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hòa Hảo.
Cái nét văn hóa Phương Nam là vậy, tiếp thâu cái mới và giữ cái cơ bản để làm người Nam Kỳ, cái hào sảng, cái trượng nghĩa, điệu nghệ của người Nam Kỳ.
5. Nhập gia tùy tục. Đất lề quê thói

Đất Miền Nam đã sanh ra người Miền Nam và những luật lệ bất thành văn, về cách ăn ở, văn hóa,sanh hoạt xóm làng của người Miền Nam,kiểu Miền Nam.
Chúng ta dân Nam Kỳ kêu là “điền chủ” chứ không phải là “địa chủ” như ngoài Bắc là vì sao?

Điền chủ nó thoáng,nó vẫn mở và nó ở mức độ dễ chịu nhiều hơn “địa chủ”, ngoài Bắc địa chủ đồng nghĩa với cường hào ác bá, cái vế cường hào ác bá cũng của xứ Bắc, mức độ khốc liệt vì đất Bắc ít mà lại có nạn nhân mãn, cộng với thói quen “lũy tre làng”, hương ước, dòng tộc, dân thủ cựu dân ngụ cư khắc nghiệt.
Không chỉ khác "cả" và hai. Miền Nam còn nhiều cái khác người Bắc.

Vì sao Sài Gòn,Cần Thơ, Rạch Giá, Sa Đéc, Đà Lạt, Nha Trang có đường Lê Thánh Tôn nhưng Hà Nội có phố Lê Thánh Tông? Đường Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Ngô Thời Nhiệm không hề sai.

Miền Nam đọc tên mấy ổng kiểu đó thì tên đường sẽ kiểu đó vậy thôi.
Đó là hai cách nhìn nhận lịch sử và hai quan điểm, hai cách sống của Miền Nam và Miền Bắc.

Lịch sử Việt Nam đã có sự khác biệt từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.Nó khác nhiều cái, từ suy nghĩ, cách sống, ý thức hệ, quan điểm sống, cả ẩm thực, chữ nghĩa, ăn mặc.
Thí dụ đàn bà Bắc Kỳ mặc váy thì đàn bà Miền Nam mặc quần hai ống. Người Bắc họ Vũ, họ Lã, họ Hoàng thì họ người Miền Nam Võ, Lữ và Huỳnh.

Mà âm Hán Việt chánh thống lại là Lữ, mà người Bắc họ đọc là Lã, còn tại Miền Nam thì Lữ, vậy ai sai chánh tả?

Tại sao mê bông sen nhưng dân Miền Bắc nhứt định không đặt tên con mình là sen?
Miền Bắc kêu "con sen" thì Miền Nam kêu con ở, thành ra làm thơ "Con ở Miền Nam ra thăm" thì người Miền Bắc thấy bình thường,nhưng người Miền Nam thấy trợn ngược.
Thí dụ Miền Bắc kêu nước dùng, thịt ba chỉ thì Miền Nam kêu nước lèo, thịt ba rọi. Và cũng không ai có quyền nói "ba chỉ", "nước dùng" mới đúng chuẩn, đúng chánh tả để khẳng định "nước lèo", "ba rọi" là không chuẩn, sai chánh tả được.
Người Miền Nam nói "viết chánh tả", "bàn chánh trị", "chánh phủ", "chánh đảng". Người Miền Bắc lại nói "chính tả", "chính đảng", "chính phủ".
Dân Nam Kỳ mình viết thích viết chữ “chánh” trong chánh trị,chánh danh,chánh đáng, ít xài chữ “chính” như người Bắc.

Nói chuyện người Miền Nam không có nhé, ấy, cũng không có "chờ tí", "thêm tí" .Nam Kỳ thì "Chời ơi! sao anh bự chà bá vậy?" thì Bắc sẽ là "Eo ơi! anh to kinh thế?".
Người Miền Nam hay hỏi "cái gì vậy?" hoặc "vậy hả?" thì người Miền Bắc hỏi: ”thế à?” .
Nam Kỳ thời "làm bộ quá má", Bắc sẽ là "giời ui! giả vờ nhé".
Nam Kỳ không bao giờ đặt tên con là Vượng vì cái âm đọc không khác chi chữ "Vượn". Trong khi Bắc thời thích Vượng mê tơi nên con cháu vượng cả dòng họ .

Sài Gòn không có "trú mưa", Sài Gòn chỉ có "đụt mưa", không có dòm ngó thành "nhòm ngó" đâu nghen!

Miền Nam mùng, Miền Bắc màn. Vì sao người Miền Nam kêu chồng của cô dì là dượng mà người Miền Bắc lại kêu là chú bác?

Phong tục nấu bánh Nam và Bắc khác nhau.

Bắc ăn bánh chưng, Nam Kỳ ăn bánh tét.

Nấu bánh đêm 30 và ngồi chờ giao thừa là nấu bánh chưng xanh của người Miền Bắc. Người Miền Nam trong phong tục không có cảnh nấu bánh tét đêm 30.

Văn hóa Việt Nam chỉ có người Bắc nấu bánh chưng đêm giao thừa, người Nam Kỳ không hề nấu bánh tét đêm giao thừa.

Mùng 1 Tết trong phong tục người Miền Nam chưa ăn bánh tét.

Bếp lửa cháy đỏ rực,nồi bánh tét nghi ngút khói ở Miền Nam là của ngày mùng 2 kéo dài tới đêm mùng 2 Tết.Là tại vì mùng 3 Tết người Miền Nam mới cúng bánh tét và ăn bánh tét trong lễ kiếu ông bà và cúng Tết nhà.
Nếu có nấu bánh đêm 30 Tết đêm giao thừa là nấu nồi bánh ít.Sáng mùng 1 Tết nhiều nhà dâng cúng lên ông bà bánh ít mới.
Lạ lùng hen?

Thường nhựt người ta để ý thấy giữa Nam Bắc khác nhau, người Miền Nam hay "Cám ơn",còn người Bắc thì "Cảm ơn".

Dân Bắc cứ lạng" và "cân".Dân Nam thì ký và gờ ram. Một ký (kg), 2 ký rồi nửa ký, 50g, 100g, 200g, 500g.

Người Miền Nam đâu có nói chữ "đỗ xe", "bãi đỗ xe".Miền Nam chỉ có "đậu xe" , "chỗ đậu xe".

Người Miền Nam vẫn cứ ngàn, cứ lẻ, cứ rưỡi để giữ bổn tánh Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Kết luận:

Tại sao Miền Bắc kêu bố,kêu u, có nơi kêu mẹ là mợ, cha là cậu. Còn người Nam thì cha, ba và tía,cùng má? Xưng hô hoàn toàn khác nhau.
Có những đặc điểm khác biệt giữa Nam và Bắc không thể lấy tình cảm ra giải thích đặng vì thực chất nó không có gì để giải thích.Nếu cố giải thích nó thành dzô diên.
Những câu thơ này là có hơi hám chánh trị và đoàn kết kiểu áp đặt:
        “Ai về Bắc, ta đi với
        Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
        Từ độ mang gươm đi mở cõi
        Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Ít ai nhắc tới là vậy
        "Bòn bon
        Sô cô la
        Sữa hột gà
        Dầu cù là Mac Phsu"

Tổ tiên Nam Kỳ ở đâu? quê hương ở đâu? là ở chổ có cái nhà ta đang sanh sống, có cha có mẹ, có người thương chờ cửa với mâm cơn đã nguội ngắt hàng đêm, nơi có những cái mả chôn ông bà của ta bên hè, trong nhị tì chứ ở đâu.
Phải lấy chánh trị và sự khác biệt kiểu đơn giản là người Miền Nam thích tự do, dân chủ, tôn trọng. Thành ra ông bà Miền Nam cố tình tạo ra những đặc tánh khác hoàn toàn người Miền Bắc.
Luật bất thành văn nên người Bắc có vô Nam định cư cũng phải theo lề luật của người Miền Nam.
Vậy thôi...!
Nguyễn Gia Việt

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180