Nếp Phong Hóa Của Con Người Việt Nam Nay Còn Đâu ?

Nếp Phong Hóa Của Con Người Việt Nam Nay Còn Đâu ?
Phạm Đạt Nhân
Phải thành thực nhìn nhận rằng về khoa học kỹ thuật, về mức sống đầu người, tiện nghi vật chất, công nghệ thông tin,...người Việt chúng ta đã vượt xa cha ông mình ngày trước.
Thế nhưng về nếp phong hoá của con người nói chung và của người Việt nói riêng thì ta thua xa cha ông mình ngày trước.
Nếp phong hoá - một gia tài vô giá - mà cha ông để lại nay còn đâu ? Thật là vô phước khi con cháu không giữ được nếp nhà, gia bảo, gia phong...
Kể từ ba bốn chục năm nay, nếp phong hoá của con người Việt dần dà bị phân hoá, phân huỷ bởi lối sống nặng mùi vật chất, khát thèm hưởng thụ, coi nhẹ tâm linh, sa sút nghĩa tình.
Dân ta chưa bao giờ vong thân thảm hại như ngày nay. Phẩm giá, phong thái của người Việt dần bị người nước ngoài coi thường rẻ rúng, thậm chí không cho nhập cảnh.
Nhiều nước tân tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đại Hàn,...đạt được các thành tựu to lớn về khoa học, điện toán,...song dân tộc họ vẫn còn giữ gìn nếp phong hoá do tiền nhân để lại. Chỉ có Trung cộng sau " cách mạng văn hoá "đã không giữ được bản sắc của dân tộc Trung Hoa cổ thời.


Hai chữ văn hoá trong xã hội ta ngày nay bị vật thể hoá trong các câu chữ, thông tin văn hoá, văn hoá thể thao, văn hoá giải trí, văn hoá ẩm thực,...
Sau năm 1975, còn có chữ bổ túc văn hoá (*)! Lẽ ra văn hoá phải đi liền với giáo dục. Hai chữ văn hoá có một hàm chứa rất lớn bao gồm giáo dục, triết học, ngôn ngữ, chính trị, học thuật, văn chương, phong tục tập quán...
Phong tục tập quán là một nét văn minh tạo ra nếp sống phong hoá của con người. Trong nhiều thập niên qua, nếp phong hoá của người Việt Nam ta đã bị mai một do ma chiết với môi trường sống nặng mùi vật chất, khao khát hưởng thụ, chạy theo tiền tài quyền bính....
Niềm tin tôn giáo biến thành mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh.
Ba cột trụ tinh thần của nhân loại không còn được coi như cốt lõi của xã hội văn minh văn hoá. Dù là ý thức hệ gì, chủ nghĩa nào nếu không có CHÂN, THIỆN, MỸ làm cột trụ chống đỡ thì sớm muộn gì cũng tiêu vong sụp đổ.
Cái ĐÚNG (chân), cái TỐT (thiện) cái ĐẸP (mỹ) mãi mãi là những giá trị tinh thần bất diệt.
Chân là một giá trị về cái đúng, về thực tại, về sự thật, là chân lý.
Ngày nay sự thật, chân lý bị đánh tráo bằng ngôn ngữ quỷ biện, gọi là đánh tráo khái niệm. Sự bưng bít, trí trá, gian dối, láo toét,... chế ngự chân lý, bóp méo sự thật.
Cho dù trình độ và nghệ thuật nói láo có đạt đến đỉnh cao trí tuệ cũng không thành công mãi được. Cây kim trong túi lâu ngày cũng lòi ra.
Sự dối lừa, nguỵ tạo tràn lan, có lôi kéo được sự đồng lòng đồng thuận thì cũng trong giai đoạn nhất thời mà thôi.Một khi sự dối trá hiện nguyên hình thì con người bị mất niềm tin. Mất niềm tin là mất tất cả !
Thiện là cái tốt, là đạo đức luân lý. Cái tốt tỷ lệ thuận với mức độ tiệm cận với cái đúng ( chân ). Càng gần với chân lý thì càng đạo đức. Xa rời chân lý là phi đạo đức.
Trong đạo Phật, ai hiểu đúng được lý nhân duyên, luật nhân quả thì là thiện nhân. nào không thấy, không biết lẽ vô thường, không tin nhân quả thì không có việc gì mà hắn không làm (vô sở bất vi).
Lối sống vô luân, vô phép vô tắc là hậu quả của sự dối trá, lừa lọc, mất niềm tin.
Đắm chìm vật dục là gốc rễ của đau khổ và tội lỗi. Vì khao khát hưởng thụ nên phải nổ lực kiếm tiền càng nhiều càng tốt - có khi không từ cả đồng tiền bất chánh ; chỉ có cách kiếm tiền bất chánh mới nhanh có tiền nhiều !
Hoa hậu, người mẫu bán dâm không phải vì đói cơm thiếu áo mà vì đua đòi hưởng thụ. Ngược lại những đại gia mua dâm cũng chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ.
Giàu có tiền tài không phải không tốt. Không biết xài tiền đúng mục đích ấy mới là tội lỗi.Shakespeare cho rằng "Khi không còn biết dùng tiền vào việc gì cho phải ấy là lúc người ta bắt đầu làm bậy ".
Người Việt Nam sau nhiều cuộc chiến tranh dai dẳng chịu nhiều đau thương, nghèo khổ, chết chóc. Khi hoà bình lập lại thì nẩy sinh tâm lý hưởng thụ, tâm lý cầu an, tâm lý sợ chiến tranh dù là cuộc chiến tranh bảo vệ quốc gia.
Sau cùng là cái đẹp. Cái đẹp là nguyên động lực sáng tác văn chương nghệ thuật nói chung. Cái đẹp là hoa trái của quá trình thăng hoa từ " CON " đến " NGƯỜI".
Con và người là hai thực thể tồn tại : CON : tồn tại thú vật ; NGƯỜI : tồn tại từ con hướng đến chân thiện mỹ. Nói như Pascal: "Con người chẳng phải thú, cũng chẳng thánh" ( L' homme est ni ange ni bête),
Nếu không thăng hoa, hướng thượng mà cứ đắm chìm chạy đua theo vật dục thì CON vẫn chỉ là con chứ không thể là người đích thực, Khi trở về làm con thì con người có khi còn hiểm ác bạo tàn hơn loài dã thú.
Nói đến nét phong hoá của con người nói chung là nói đến chân thiên mỹ,cốt yếu của văn minh văn hoá. Nếp phong hoá lại là hoa trái của một nền giáo dục.
Nền giáo dục của miền Nam trước năm 75 với triết lý NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG đã sản sinh ra người có nếp phong hoá thừa kế truyền thống của cha ông ta ngày trước.
Nhưng nền giáo dục hiện nay nặng xu hướng đào tạo nhẹ về giáo huấn, khai phóng con người theo hướng chân thiện mỹ.
Chính vì vậy mà nếp phong hoá của người Việt Nam nay không còn nữa !
(*) Sau này đã đổi thành " bồi dưỡng thường xuyên "
Phạm Đạt Nhân
Nguồn FB BẢO TỒN TIẾNG VIỆT

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209