Ai sáng chế ra chữ Hán ?

 Ai sáng chế ra chữ Hán ?

Một trang Hiến pháp Hàn Quốc, có quá nhiều chữ Hán xen lẫn chữ Hangul, bởi lẽ chữ Hangul không thể hiện chính xác ý nghĩa của những từ có tính pháp lý phức tạp và quan trọng


Nguyễn Hải Hoành

Chữ viết là một phát minh vĩ đại của loài người. Dân tộc nào làm ra được chữ viết thì dân tộc đó sẽ thoát ra khỏi thời kỳ tiền sử mông muội, tiến sang kỷ nguyên văn minh có sử sách ghi lại sự phát triển của dân tộc mình. Cho tới nay, một số dân tộc vẫn chưa làm được chữ viết. Chữ Hán thuộc loại chữ viết ra đời sớm. Theo nhà ngôn ngữ học Trung Quốc Châu Hữu Quang, chữ Hán chính thức thành hình và ra đời cách đây khoảng hơn 3300 năm, chỉ sau một vài loại chữ viết của vùng Trung Đông. Trong hàng nghìn loại chữ viết hiện có trên thế giới, chữ Hán nổi bật với hình dạng tổ hợp đường nét giới hạn trong một ô vuông, là loại chữ viết duy nhất có tính chất biểu ý (ghi ý), khác với các loại chữ viết còn lại đều có tính chất biểu âm (ghi âm).

Hiện nay, chữ Hán đang được hơn 1,4 tỷ người trên thế giới sử dụng. Công luận phổ biến thừa nhận chữ Hán do người Trung Quốc làm ra, về sau du nhập Việt Nam, Triều Tiên/Hàn Quốc và Nhật Bản, được các nước này sử dụng theo cách riêng của mình trong hàng nghìn năm, và cuối cùng đều phải cải cách nhằm ghi được tiếng mẹ đẻ của mình. Tại Trung Quốc, chữ Hán sau khi ra đời hầu như không có thay đổi gì, mặc dù từ cuối thế kỷ 19 nước này từng tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô cực kỳ lớn. Cho tới nay, có thể khẳng định chữ Hán là loại chữ viết thích hợp với Hán ngữ và sẽ được mãi mãi sử dụng ở Trung Quốc. Hiện vẫn chưa biết ai là người sáng chế ra loại chữ viết độc đáo này. Người Trung Quốc lưu hành truyền thuyết chữ Hán là do Thương Hiệt (倉頡Cang Jie), mt viên quan chép s ca vua Hoàng Đế đầu tiên, làm ra.

Vấn đề quyền tác giả của chữ Hán bắt đầu nổi lên sau khi trang mạng Trung Quốc "tv.sohu.com" ngày 3/2/2008 đăng bài "Giáo sư Hàn Quốc tuyên bố chữ Hán là do người Hàn Quốc phát minh".

Bài báo cho biết : Chẳng những tranh giành quyền sáng chế chữ Hán mà mấy hôm nay người Hàn Quốc triển khai một loạt hành động tranh giành thành tựu văn hóa của Trung Quốc, như họ báo cáo Liên Hợp Quốc rằng "Kỹ thuật in chữ rời" là do Hàn Quốc phát minh, Tết Đoan Ngọ là di sản văn hóa của Hàn Quốc ; Khổng Tử, người đẹp Tây Thi, thầy thuốc Lý Thời Chân… là người Hàn Quốc, Y học cổ Trung Hoa (Trung Y) cũng do người Hàn Quốc phát minh. Bài báo viết : Tờ "Nhật báo Triều Tiên" của Hàn Quốc, số ra ngày 10/10/2006, đưa tin ông Phác Chính Tú, Giáo sư lịch sử Đại học Seoul, nói sau 10 năm nghiên cứu khảo chứng, ông nhận định dân tộc Triều Tiên đầu tiên phát minh ra chữ Hán ; về sau khi người Triều Tiên di cư đến Trung Nguyên, họ mang theo chữ Hán vào Trung Quốc. Mọi người đều biết hiện nay trên lãnh thổ Trung Quốc có dân tộc Triều Tiên (Chaoxian, Korean) là dân tộc thiểu số lớn thứ hai (hơn 1,7 triệu người, chỉ sau dân tộc Tráng), trong cộng đồng 56 dân tộc nước này.

"Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc, số ra ngày 21/4/2011, đăng bài "Học giả Hàn Quốc tuyên bố : Tổ tiên họ phát minh ra chữ Hán". Bài báo cho biết : ông Trần Thái Hạ, 73 tuổi, nhà ngôn ngữ học số một Hàn Quốc, Giáo sư Đại học Nhân Tế Hàn Quốc, mới đây đăng bài trên truyền thông nước này, nói "Chữ Hán không phải là văn tự Trung Quốc mà là do tộc Đông Di tổ tiên chúng ta sáng tạo ra, là văn tự của chúng ta. Giới học giả Trung Quốc cũng thừa nhận sự thực lịch sử này, chỉ có Hàn Quốc chưa biết". Đông Di là tên mà các vương triều Trung Quốc ở Trung nguyên thời Tiên Tần gọi chung các bộ lạc sống ở miền đông vùng Trung nguyên, trong đó gồm cả người trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu của giáo sư Hạ đã gây ra tranh luận sôi nổi.

Theo Thời báo Hoàn cầu, mạng Newdaily Hàn Quốc ngày 17/4/2011 đăng một bài dài dẫn lời giáo sư Hạ nói : Tên gọi "chữ Hán" đâu phải vì đó là chữ viết do tộc Hán Trung Quốc sáng tạo ; thời nhà Hán cũng chưa có tên gọi "chữ Hán". Thứ chữ này là do tộc Đông Di của người Hàn Quốc phát triển trên cơ sở chữ viết trên mai rùa. Giáo sư Hạ còn nói : Các nhà văn-sử học Trung Quốc như Lâm Ngữ Đường [1895-1976], Vương Ngọc Triết, đều đã nghiên cứu khảo chứng nguồn gốc chữ Hán, cho rằng đó là di sản văn hóa của tộc Đông Di ; chữ viết của Trung Quốc là do người tộc Đông Di sáng tạo, Khổng Tử cũng là hậu duệ của nước Ân thuộc dân tộc Đông Di.

Giáo sư Hạ kể chuyện : Bộ trưởng Văn hóa Giáo dục đầu tiên của Hàn Quốc, ông An Hạo Tương, từng than phiền với ông Lâm Ngữ Đường là chữ Hán đã đem lại cho Hàn Quốc nhiều vấn đề rắc rối, nhưng ông Đường đáp : "Ngài nói gì lạ thế ? Chữ Hán là do tộc Đông Di các ngài làm ra, lẽ nào các ngài không biết sao ?"

Giáo sư Hạ tuyên bố : Người Hàn Quốc hiện nay "coi chữ Hán là ngoại ngữ — cách làm đó là hành vi tự gây hại cho chính mình", "chữ Hán cùng với chữ Hangul có tính khoa học nhất, là đôi cánh của Hàn ngữ ; duy nhất chỉ Hàn Quốc là quốc gia có kết cấu ngôn ngữ lý tưởng như vậy".

Năm 1998, Giáo sư Trần Thái Hạ thành lập "Tổng hội liên hợp xúc tiến giáo dục chữ Hán toàn quốc", ra sức đẩy mạnh dạy và học chữ Hán. "Nhật báo Trung ương" Hàn Quốc năm 2006 đưa tin về quan điểm của Giáo sư Hạ, cho rằng "Môn Cờ vây có nguồn gốc từ Hàn Quốc". Năm 2009, hai chục vị cựu Thủ tướng Hàn Quốc ký tên vào bản kiến nghị do Giáo sư Hạ dự thảo, đề nghị đẩy mạnh việc giảng dạy chữ Hán ở Hàn Quốc.

Quan điểm "Hàn Quốc làm ra chữ Hán" của Trần Thái Hạ đã tạo ra niềm phấn khởi trong một số dân mạng Hàn Quốc, nhưng các cơ quan truyền thông chính thống của nước này đều im lặng. Mấy năm nay, dư luận trong dân gian hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc xảy ra không ít tranh cãi về vấn đề di sản văn hóa, nhưng chưa rõ tại sao chính quyền hai nước đều ít nói về các vấn đề đó.

Phản ứng của dư luận Trung Quốc

Dư luận Trung Quốc hăng hái và phẫn nộ phê phán quan điểm "Chữ Hán do người Triều Tiên/Hàn Quốc sáng chế". Họ cho rằng chữ Hán từ Trung Quốc du nhập bán đảo Triều Tiên từ khoảng thế kỷ 3 sau công nguyên, khi chữ Hán đã ra đời ở Trung Quốc được khoảng 1500 năm (thế kỷ 13 trước công nguyên).

Thời cổ, người Triều/Hàn chưa có chữ viết của mình, phải mượn dùng chữ Hán, nhưng chỉ tầng lớp quý tộc và quan lại dùng, còn dân chúng thì mù chữ. Do ngôn ngữ Triều/Hàn thuộc ngữ hệ Altai, khác với Hán ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan), nên chữ Hán không thể ghi được tiếng Triều/Hàn. Để giải quyết khó khăn đó, vua Sejong (tức Thế Tôn, trị vì Hàn Quốc thời gian 1418-1450) tập hợp một số quần thần và nhà trí thức nghiên cứu làm ra một bộ chữ viết riêng của người Triều/Hàn, gọi là "Huấn dân chính âm" (sau gọi là chữ Hangul) và công bố ngày 9/10/1446, nhằm thống nhất âm đọc tiếng Hàn trong cả nước. "Huấn dân" là "Dạy cho dân" ; "Chính âm" là "Chữ viết đúng của dân".

Chữ Hangul là chữ viết biểu âm đầu tiên ở Châu Á, là một phát minh sáng tạo lớn, niềm tự hào và biểu tượng cho sự độc lập của dân tộc này, chữ viết duy nhất được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (năm 1997). Đây là lần đầu tiên một dân tộc Châu Á phát minh ra cách dùng chữ cái để ghi tiếng nói của mình. Tuy rằng khoảng hai thế kỷ sau tại Việt Nam có xuất hiện loại chữ viết hiện đại hơn, là chữ biểu âm dùng chữ cái Latin được dân ta gọi là chữ Quốc ngữ, nhưng loại chữ này không phải do người Việt Nam tự làm ra, mà chủ yếu là kết quả sáng tạo của các nhà truyền giáo Châu Âu trong quá trình dùng chữ cái Latin phiên âm chữ Nôm Việt Nam.

Chữ Hangul là loại chữ biểu âm, ban đầu có 28 chữ cái (hiện nay chỉ dùng 24), dễ học dễ nhớ, dễ viết. Chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý, khó học, khó nhớ, khó viết. Nhưng do chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Hán nên trong lịch sử, tầng lớp trên người Triều/Hàn vẫn chủ yếu dùng chữ Hán, coi là chữ quý tộc, còn chữ Hangul bị coi là chữ của người ít học và của phụ nữ. Mãi đến sau Thế chiến thứ hai khi người Triều/Hàn giành được độc lập dân tộc, họ mới chính thức bỏ chữ Hán, chỉ dùng chữ Hangul.

Tại Bắc Triều Tiên, sau năm 1945, chính quyền ra lệnh bỏ hẳn chữ Hán. Tại Nam Triều Tiên (tức Hàn Quốc), năm 1948 ban hành "Luật chuyên dùng chữ Hangul", cấm công khai dùng chữ Hán. "Luật Quốc ngữ cơ bản" ban hành năm 2005 quy định các văn bản cơ quan nhà nước phải dùng chữ Hangul, nhưng khi viết các lệnh của Tổng thống, có thể dùng chữ Hán hoặc chữ nước ngoài ghi chú trong ngoặc. Trên thực tế, văn bản Hiến pháp Hàn Quốc vẫn dùng nhiều chữ Hán (ảnh). "Nhật báo Đông Á" và "Nhật báo Triều Tiên" của nước này vẫn in tiêu đề bằng chữ Hán phồn thể. Các văn bản cơ quan nhà nước Hàn Quốc tuy dùng chữ Hangul là chính nhưng có dùng thêm chữ Hán, chủ yếu để ghi chú trong trường hợp nếu chỉ dùng chữ Hangul thì không phân biệt được chính xác nội dung cần thể hiện. Ví dụ tên người (nhất là trong thẻ căn cước), tên đất, hoặc các văn bản pháp lý đòi hỏi tính chính xác cao thường có bổ sung thêm bằng chữ Hán trong ngoặc đơn.

Theo tin trên báo Trung Quốc, ngày 9/2/2005, Chính phủ Hàn Quốc ra thông báo tuyên bố phục hồi sử dụng chữ Hán trong tất cả các công văn nhà nước và biển báo giao thông. Ngoài ra, cũng đề xuất "Phương án đẩy mạnh kết hợp sử dụng chữ Hán", theo đó bất cứ tên người, tên đất hoặc từ ngữ lịch sử nào nếu không dùng chữ Hán sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn thì phải ghi chú thêm bằng chữ Hán. Các biển báo giao thông, biển tên di tích lịch sử, biển hướng dẫn nơi tham quan du lịch… đều phải viết bằng ba thứ tiếng Hàn, Anh, Trung.

Trên thực tế, vì tiếng Triều/Hàn có ít âm tiết lại không có thanh điệu, cho nên tồn tại rất nhiều từ đồng âm khác nghĩa, nếu viết toàn bộ bằng chữ Hangul biểu âm sẽ khó phân biệt ý nghĩa của các từ đồng âm. Nhưng nếu ghi chú thêm bằng chữ Hán thì sẽ có thể phân biệt chính xác, bởi lẽ chữ Hán là chữ biểu ý. Người Hàn Quốc sử dụng chữ Hán đã ngót 2000 năm, chịu ảnh hưởng rất lớn từ chữ Hán, như 70% từ ngữ tiếng Hàn có gốc chữ Hán (tương tự từ Hán-Việt ở Việt Nam, nhưng tiếng Việt giàu âm tiết nên không tồn tại nhiều từ đồng âm khác nghĩa).[1] Đây là lý do giải thích vì sao lượng chữ Hán chiếm tới một phần tư văn bản Hiến pháp Hàn Quốc hiện nay.

Tuy vậy, những điều nói trên không chứng tỏ chữ Hán là do người Triều/Hàn làm ra. Thật khó hiểu là một dân tộc từng sáng tạo ra Hangul – thứ chữ viết được ca ngợi là có tính khoa học "với các nguyên tắc ngữ âm vượt thời gian mà chưa dân tộc nào từng có"[2] giờ đây lại có ý định tranh quyền sáng tạo chữ Hán, một loại chữ bị chính người Trung Quốc vất vả cải cách sửa đổi suốt cả trăm năm qua chưa xong !

Việt Nam và Nhật không tranh quyền tác giả chữ Hán

Việt Nam mượn dùng chữ Hán khoảng hơn 2000 năm, kể từ sau khi tướng nhà Tần là Triệu Đà chiếm nước ta. Tình hình chữ Hán ở ta cũng tương tự như ở Hàn Quốc : tiếng Việt thuộc ngữ hệ Môn-Khmer ở Đông Nam Á, một ngữ hệ khác hẳn tiếng Hán, vì thế chữ Hán không thể ghi được tiếng Việt.

Để khắc phục khó khăn trên, từ thế kỷ 12, tổ tiên ta dựa trên cơ sở chữ Hán đã sáng tạo ra chữ Nôm ghi được tiếng mẹ đẻ. Nhưng chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức ; chữ Nôm bị coi là chữ của dân thường, là loại chữ "nôm ma mách qué". Tuy vậy, nhờ chữ Nôm mà nước ta từng có một nền văn học rực rỡ, với các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…

Có điều chữ Nôm khó học hơn chữ Hán, vì thế không được sử dụng rộng rãi như chữ Hangul ở Hàn Quốc. Từ thế kỷ 17, dân ta may mắn được tiếp nhận chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ Châu Âu rất giỏi ngôn ngữ học làm ra trên nền tảng Latin hóa chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ ghi được 100% tiếng Việt, rất dễ học, dễ nhớ, dễ viết, dễ dùng, về cơ bản đạt được yêu cầu nói thế nào viết thế ấy, viết thế nào đọc thế ấy. Vì thế, từ cuối thế kỷ 19, nước ta nhanh chóng chỉ học và dùng chữ Quốc ngữ, dứt điểm bỏ hẳn được chữ Hán, thực hiện triệt để "Thoát Hán" về ngôn ngữ, không còn phải ít nhiều dùng tới chữ Hán như người Nhật, người Triều/Hàn. Tuy rất ưa chuộng chữ Hán và văn hóa Trung Hoa nhưng tổ tiên ta chưa bao giờ có ý định tranh giành các thành tựu văn minh, như chữ Hán hoặc các tác phẩm kinh điển như Kinh Dịch v.v…

Người Nhật dùng chữ Hán lâu hơn và với quy mô lớn hơn người Triều/Hàn, trong lịch sử chưa hề thấy họ nghi ngờ việc người Trung Hoa làm ra chữ Hán. Thời xưa, người Nhật sử dụng gần như toàn bộ chữ Hán, nhiều nhất tới 50 nghìn chữ, do đó gặp rất nhiều khó khăn. Thế kỷ 8 họ phát minh ra chữ Kana, một loại chữ biểu âm để dùng kết hợp với chữ Hán, nhờ thế giảm được đáng kể tổng số chữ Hán cần dùng. Hiện nay họ chỉ chính thức sử dụng gần 2000 chữ Hán. Cuối thế kỷ 19, trong quá trình chuyển ngữ các thuật ngữ của văn minh phương Tây, người Nhật đã có công lao rất lớn trong việc phát triển Hán ngữ hiện đại[3], tuy thế họ rất ít nói về thành tựu đó.

Nguyễn Hải Hoành
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/02/2022

[1] 韩国机构称将汉字视为外国文字违宪 sina.com.cn
[2] Nguyễn Thị Minh Chung : "Hangul và chữ viết của Hàn Quốc", sách "Tiếng Việt 6", Nhà xuất bản Tri thức, 2015.
[3] Xem bài "Người Nhật phát triển Hán ngữ hiện đại"

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025