Lá đại kỳ An Lộc? (Tiếp theo)
LÁ ĐẠI KỲ AN LỘC?
(Tiếp theo)
Kính thưa qúy Anh, Chị và qúy Bạn.
Hôm
nay đã là ngày Mồng 14 Tết ta Việt Nam. Huyên xin kính chúc qúy
Anh, Chị và qúy Bạn một Năm mới, an khang, hạnh phúc.
Thưa qúy vị, lá cờ Quốc gia luôn luôn là biểu tượng cho uy quyền, cho sự xác định mạnh mẽ nhất nơi nào có lá cờ Quốc gia được treo lên, thì nơi đó uy quyền Quốc gia còn ngự trị, còn được tôn trọng.
Năm 1972, vì đã tiên đoán được là Cộng sản Bắc việt sẽ tấn công vào các khu vực dọc biên giới của Bình Long và Tây Ninh, những vùng có giáp ranh với Snoul và Mimot của Campuachia. Nên kể từ đầu năm 1972, Bộ tư lệnh Tiền phương của Sư Đoàn 5 Bộ binh đã lên đóng trên An Lộc của tỉnh lỵ Bình Long cho tiện theo dõi việc chuyển quân, chuyển tin cũng như để đáp ứng nhu cầu của chiến trường được mau lẹ và hữu hiệu hơn. Khu vực làm việc của BTL tiền phương rất nhỏ, khá sơ sài nằm chung (có thể nói là nằm lẫn lộn chung với các căn nhà của các sỹ quan thuộc Tiểu khu Bình Long). Khu vực này nằm cuối của con đường Phan bội Châu. Trong khu này còn có Bộ chỉ huy của Biệt động Quân, Quân Khu 3, đi thêm mươi bước nữa sẽ đụng hàng rào, hết đường đi. Bên kia hàng rào là con đường Nguyễn Du mà dưới dốc là khu làng ga có chùa Tịnh độ. Vì làm việc trong một khu vực như thế, cho nên không có cột cờ cũng như không có một lá cờ nào treo lên ở khu cư xá đó.
Sau khi mất Lộc Ninh mất ngày 7 tháng 4 năm 1972, Tướng Lê văn Hưng cho lệnh dời BTL tiền phương sang chỗ mới. Sau 3 ngày thu dọn, ngày 10 tháng 4 năm 1972, BTL SĐ tiền phương đã chính thức làm việc nơi mới. Nơi mới này nằm ngay ở góc đường Phan Bội Châu và đường Nguyễn Huệ và nó chính là chỗ cũ của Bộ chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long. Bộ chỉ Huy Tiểu khu đã di chuyển đến khu vực mới khoảng đầu năm 1972, một khu vực do quân đội Mỹ để lại, cạnh nó có sân bay trực thăng B.15, vị trí này cũng là nơi BCH Lữ Đoàn 1 Dù đóng suốt thời gian họ chiến đấu trên An Lộc.
Hầm làm việc của Tướng Hưng cũng được gọi là hầm chỉ huy suốt trận chiến An Lộc. Nó là hầm nửa chìm nửa nổi, hình chữ nhật với kích thước cỡ 5 mét X 20 mét X 3 mét. Nóc hầm bằng bê tông, trên đó xếp 5 lớp bao cát. Khi tu bổ hầm này, Đại Tá Lê Nguyên Vỹ đã cho xếp thêm bên trên những lớp bao cát kia 3 lớp vỏ ống carton đựng đạn cối 81 ly, sau đó mới chất thêm 3 lớp bao cát nữa để đề phòng những trái pháo nổ xuyên phá. Hầm của Bộ chỉ huy Trung Đoàn 7 Bộ Binh là hầm nổi, được dựng bằng bao cát, ốp sát vào hầm Tướng Hưng ở phía trái. Nếu đi từ ngoài đường Nguyễn Huệ hay đường Phan Bội Châu mà nhìn vào sân thì không thể thấy được hầm Tướng Hưng vì cả hai phía đều được che chắn bởi hai dẫy nhà gạch, lợp ngói xây rất chắc chắn, căn hầm chỉ huy rất thấp so với hai dẫy nhà ngói này. Lúc mới đến hầm mới này, Đại Úy Phấn thuộc Tiểu Đoàn 5 Truyền tin đã cố ý dựng các cần antenna thật thấp. Antenna của đài siêu tần số được để thẳng trên các lớp bao cát ở nóc hầm với phương giác chiếu thẳng hướng núi Bà Đen ở Tây Ninh nơi có các đài trung chuyển.
Ngày 18 tháng 4 năm 1972, địch tấn công có chiến xa vào An Lộc lần thứ 3. Đây là lần duy nhất xe tăng địch đã thọc sâu vào đến tận cổng của BTL. Nó đã quay đầu xe T.54 để đi vào sân, nó đã vào một khoảng cỡ vài mét rồi nó de đít đi ra. Nó quay đầu đi về hướng có BCH Tiểu Khu cũng như BCH Lữ Đoàn 1 Dù. Nhưng khốn cho nó, nó đã bị thầy trò Đại Tá Vỹ nằm sẵn dưới hố pháo cạnh đường Nguyễn Huệ, Đại Tá Vỹ bắn M.72 vào góc phía sau, bên phải xe. Nó trúng đạn nhưng nó chưa liệt hoàn toàn, nó cố lết thêm một tý nữa thì bị một anh lính Tiểu Khu bồi thêm cho một phát nữa là cua chết. Hành động lần chần của chiếc T.54 nơi cổng vào BTL chứng tỏ nó có nhiệm vụ đi tìm BTL mà nó không thấy dấu hiệu gì của BTL nên nó đã đi ra. Cũng ngày hôm đó, Đặc công của VC chia làm 2 mũi. Một mũi đã chọc thủng phòng tuyến của Biệt Động Quân, chúng chiếm được Ty Chiêu Hồi. Một mũi khác từ phía cổng Phú Lố, chúng chọc thủng phòng tuyến của TĐ 1/7 và chạy vào chiếm được Ty Công Chánh cũng như Khu nhà tù của tỉnh. Cả 2 vị trí này đều rất gần với BTL, nhưng chúng đều bị chặn tại nơi chúng chiếm giữ và từ từ chúng đều về với Bác của chúng.
Kính thưa qúy Anh, Chị và qúy Bạn, tôi kể câu chuyện như vậy để cho thấy yếu tố che giấu, ngụy trang nó rất quan trọng trên chiến trường. Nơi Tư Lệnh chiến trường làm việc nhưng đâu có một lá cờ nào được treo lên đâu, hoàn toàn không. Ngày 7 tháng 7 năm 1972 Tổng thống Nguyễn văn Thiệu lên thăm mặt trận An Lộc. Khi Tổng Thống ra về thì Tướng Hưng có tặng cho Tổng Thống cái nón sắt mà Tướng Hưng thường đội trên An Lộc. Tổng thống Thiệu có nhận chiếc nón sắt đó. Còn chuyện về Lá Đại Kỳ VNCH được treo trên nóc hầm Tướng Hưng trên An Lộc thì hoàn toàn không có lá cờ nào được treo trên đó hết, cả trong hầm cũng không có một lá cờ nào.
Trân trọng kính chào qúy Anh, Chị và qúy Bạn. Xin cám ơn.
Phạm minh Huyên/TTHQ/BTL SĐ 5 BB trên An Lộc 117 ngày.
Bài liên quan:
Nhận xét
Đăng nhận xét