Từ thực phẩm độc hại đến chính trị độc hại

Từ thực phẩm độc hại đến chính trị độc hại


Tác giả: Teresa Jones
Biên dịch: Thanh Tâm
Bạn có thể tưởng tượng được một nơi mà nước tương được làm bằng tóc người, thu thập từ các tiệm làm tóc và bệnh viện không ?
Bạn có thể tưởng tượng được một nơi mà nước thải có thể được sử dụng để sản xuất dầu ăn và thuốc nhuộm màu đỏ có thể được thêm vào tương ớt và mì?
Một nơi mà lợn và cừu được nhồi thuốc tăng trọng, trong khi trẻ sơ sinh có thể bị suy dinh dưỡng, gầy mòn và thậm chí tử vong bởi sữa bột giả chứa chất độc hại.
Những điều trên không phải trong một bộ phim kinh dị, mà đáng sợ thay, lại tồn tại ngay trong đời thực.
South China Morning Post mới đây đưa tin Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) một lần nữa cảnh báo các vận động viên tham dự Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh cần “hết sức thận trọng” khi ăn thịt ở Trung cộng, vì thịt có khả năng bị nhiễm độc steroid Clenbuterol, thường được gọi là “bột thịt nạc”. Tuyên bố của WADA được đưa ra sau khi Cơ quan phòng chống doping quốc gia Đức cảnh báo các vận động viên của mình tránh ăn thịt Trung cộng bằng mọi giá và thay bằng thực phẩm khác khi ở Trung cộng.
Theo Bloomberg, Clenbuterol đã được thêm vào thức ăn chăn nuôi trong nhiều thập kỷ ở Trung cộng để tăng trọng và tăng tỷ lệ cơ thành mỡ. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy việc sử dụng Clenbuterol vẫn phổ biến, đặc biệt là trong ngành chăn nuôi lợn, bất chấp lệnh cấm của chính quyền Trung cộng từ năm 1997. Các vận động viên ăn loại thịt này sẽ cho kết quả xét nghiệm dương tính với PED (thuốc tăng cường hiệu suất).
Ủy ban tổ chức Thế vận hội 2022 tại Bắc Kinh đã bác bỏ những báo cáo này của truyền thông nước ngoài và tuyên bố “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các vận động viên”, Thời báo Hoàn cầu Trung cộng cho biết. Vẫn chưa rõ vấn đề an toàn thực phẩm cho các vận động viên quốc tế có được đảm bảo hay không, nhưng thực phẩm độc hại mà người dân Trung cộng phải gánh chịu đã là một vấn đề đáng báo động chưa được giải quyết trong nhiều thập kỷ.

Thực phẩm độc hại ở Trung cộng: Ngoài sức tưởng tượng
Reuters báo cáo rằng chính quyền Trung cộng đã phát hiện ra tới 500.000 vụ vi phạm an toàn thực phẩm trong ba quý đầu năm 2016. Con số mặc dù rất ấn tượng, song có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.


Các vụ bê bối thực phẩm liên tiếp được đưa ra ánh sáng ở Trung cộng. Theo Forbes, vào tháng 7 năm 2008, 16 trẻ sơ sinh ở tỉnh Cam Túc được chẩn đoán mắc bệnh sỏi thận. Tất cả các em nhỏ đều được cho ăn sữa bột mà sau đó được phát hiện là đã pha trộn melamine, một hợp chất công nghiệp độc hại có thể đánh lừa quá trình kiểm tra chất lượng để đo hàm lượng protein. Bốn tháng sau, khoảng 300.000 trẻ sơ sinh ở Trung cộng bị ốm do uống sữa bị nhiễm melamine và 6 trường hợp tử vong do tổn thương thận.


Thủ phạm chính được phát hiện là Tập đoàn Sanlu, một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất Trung cộng. Truyền thông nhà nước Trung cộng đưa tin rằng 20% công ty sữa Trung cộng bị điều tra đã bị phát hiện sản xuất sữa công thức nhiễm melamine.
Vụ bê bối sữa trẻ em năm 2008 khơi lại ký ức về thảm kịch sữa bột trẻ em năm 2004.
Theo Reuters, vào tháng 4/2004, ít nhất 13 trẻ sơ sinh ở tỉnh An Huy đã tử vong sau khi được cho uống sữa bột giả gần như không có giá trị dinh dưỡng. Khoảng 190 nạn nhân khác được gọi là “những đứa trẻ đầu to” vì đầu của các em phồng lên trong khi cơ thể teo tóp lại vì suy dinh dưỡng.
Cùng năm đó, một vụ bê bối thực phẩm chấn động khác đã xảy ra. SCMP đưa tin, một công ty ở Hồ Bắc đã sử dụng tóc người để sản xuất thành phần bột và chất lỏng cho các nhà sản xuất nước tương trên khắp cả nước. Một đoạn phim của Đài Truyền hình Trung ương Trung cộng (CCTV) cho thấy các công nhân đeo mặt nạ dùng que để phân loại tóc người được lấy từ túi bẩn, đôi khi cùng với tăm bông đã qua sử dụng và thậm chí cả bao cao su. Tóc sau đó được đưa vào máy mà không cần làm sạch. Các công nhân cho biết trung bình 10 tấn tóc được sử dụng mỗi ngày.
Theo các quan chức chính phủ trong báo cáo của CCTV, tóc của con người có chứa chì và asen, có hại cho gan, thận, mạch máu và cũng có thể gây ung thư nếu ăn phải.
Sự xuất hiện của vô số “làng ung thư” trên khắp Trung cộng chắc chắn không chỉ liên quan đến nước tương độc. Các nhà chức trách Trung cộng năm 2005 đã phát hiện việc sử dụng phổ biến thuốc nhuộm đỏ Sudan I trong thực phẩm ở nhiều thành phố lớn của Trung cộng, từ tương ớt đến rau và mì.
Năm 2011, truyền thông nhà nước Trung cộng đưa tin 17 nhà sản xuất mì ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông bị cáo buộc đã đưa mực viết, thuốc nhuộm công nghiệp và sáp parafin vào sản xuất mì thường làm từ khoai lang để hạ giá thành. Các công nhân của một công ty cho rằng khoảng 50 tấn mì có tinh bột bị nhiễm độc đã được sản xuất bởi công ty đó và đã được đưa vào thị trường kể từ khi bắt đầu kinh doanh vào tháng 2 năm 2011.
Vào năm 2013, một video của Đài Á Châu Tự Do đã lan truyền trên mạng cho thấy rất chi tiết cách dầu ăn được làm từ rác thải. Như Washington Post đã mô tả:
Những kẻ táo bạo sẽ đi tới các thùng rác, mương nước và thậm chí cả cống rãnh, vớt rác thải lỏng hoặc rắn có chứa dầu đã qua sử dụng hoặc các bộ phận của động vật. Sau đó, họ chế biến thành dầu ăn mà họ bán với giá thấp hơn thị trường cho những người bán thực phẩm – những người sử dụng dầu này để nấu thức ăn có thể khiến bạn lâm trọng bệnh”.
Tờ Wall Street Journal đưa tin vào tháng 4 năm 2012 rằng, sau cuộc điều tra kéo dài 5 tháng, chính quyền Trung cộng đã phát hiện ra một vành đai sản xuất dầu máng xối trải dài 13 thành phố với hơn 100 người dân. Cuộc điều tra thu được 3.200 tấn dầu được tạo ra bằng cách đun sôi mỡ từ các bộ phận của động vật thối rữa. Theo ước tính của các nhà chức trách, tổng giá trị trên thị trường chợ đen của các sản phẩm được bán ra đạt tới 1,6 triệu đô-la.


Chỉ một tháng trước đó, người ta tìm thấy hơn 15.000 con lợn chết trôi sông Hoàng Phố, một nguồn nước máy gần Thượng Hải. Theo báo cáo của The Guardian, thịt chết không bán được sẽ được các đại lý thịt lợn địa phương thu mua, sau đó họ sẽ chế biến trong các xưởng bất hợp pháp và tiếp thị lại sản phẩm vào thị trường hợp pháp.
Người ta có thể nghĩ rằng vấn đề an toàn thực phẩm chỉ liên quan đến thực phẩm rẻ bán trên đường phố hoặc các nhà hàng thông thường, nhưng một vụ bê bối gần đây đã tiết lộ rằng ngay cả thực phẩm phục vụ ở những nơi đắt đỏ cũng chưa chắc đã được đảm bảo. BBC đưa tin vào năm 2019, một nhóm phụ huynh được mời đến dự lễ trồng cây tại một trong những trường học danh tiếng nhất Thành Đô, Trung cộng đã phát hiện ra thực phẩm ôi thiu trong căng tin, bao gồm bánh mì mốc, thịt và hải sản thối rữa. Các vị phụ huynh đã đăng ảnh lên mạng xã hội vì quá bức xúc với những gì họ chứng kiến.


Cả thế giới phải gánh chịu hậu quả
Năm 2014, Reuters đưa tin rằng Công ty TNHH Thực phẩm Husi Thượng Hải đã cung cấp các sản phẩm có chứa thịt hết hạn sử dụng cho McDonald’s, KFC, Pizza Hut, Starbucks và Burger King. Các sản phẩm này đã được bán ở nhiều quốc gia khác nhau bao gồm cả Nhật Bản.
Trong thời đại toàn cầu hóa này, thực phẩm bị ô nhiễm của Trung cộng có thể gây ngộ độc cho người dân trên khắp thế giới. Thống kê cho thấy xuất khẩu hàng nông sản của Trung cộng lên tới 64,83 tỷ USD trong năm 2019, cao hơn 85% so với năm 2005. Theo Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thái Lan là những nhà nhập khẩu thực phẩm Trung cộng hàng đầu trong năm 2019.
Thương mại cho phép thực phẩm độc hại từ Trung cộng tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm của các nước khác, như trường hợp gừng tươi Trung cộng có chứa thuốc trừ sâu nguy hiểm ở Hoa Kỳ năm 2007, bánh bao do Trung cộng sản xuất bị nhiễm thuốc trừ sâu methamidophos ở Nhật Bản năm 2008, dâu tây đông lạnh Trung cộng bị nhiễm virus norovirus lây nhiễm cho 11.000 trẻ em ở Đức vào năm 2012 và đào đóng hộp của Trung cộng có hàm lượng chì cao được đưa vào các bệnh viện Australia vào năm 2014.
Vào tháng 7 năm 2007, một lô hàng gừng tươi từ Trung cộng đã có mặt ở 24 cửa hàng tạp hóa của Albertson ở California và được đưa lên kệ. Vài ngày sau, số gừng này bị phát hiện có chứa một loại thuốc trừ sâu nguy hiểm có tên Aldicarb, Wall Street Journal đưa tin. Aldicarb được coi là một mối đe dọa sức khỏe trong những điều kiện nhất định. Theo Sở Y tế Công cộng California, các triệu chứng ngộ độc Aldicarb, bao gồm buồn nôn, đau đầu và hoa mắt, có thể xuất hiện trong vòng một giờ sau khi tiếp xúc. Mức độ nặng hơn có thể là co thắt cơ và khó thở. Ở liều cao, Aldicarb thậm chí có thể gây chết người.
Gừng Trung cộng có ở nhiều cửa hàng tạp hóa ở Mỹ và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Mỹ, từ súp, món xào cho đến bánh quy và trà. Các nhà phân tích trong ngành cho biết nhiều công ty Mỹ chọn tìm nguồn hàng ở Trung cộng để giảm chi phí nhưng lại không muốn chi tiêu cho việc kiểm tra chuỗi cung ứng, Wall Street Journal nói thêm. “Các công ty Mỹ mua các nông phẩm do Trung cộng sản xuất thường yêu cầu giá thấp đến mức các nhà xuất khẩu và nhập khẩu không thể thực hiện các cuộc kiểm nghiệm”, Clara Shih, chủ tịch của công ty Best Buy Produce International cho biết.
Cần lưu ý rằng hiện nay, Trung cộng vẫn sử dụng lượng phân bón nhiều hơn khoảng 2,7 lần và lượng thuốc trừ sâu gấp đôi trên một hecta so với mức trung bình của thế giới. Hơn 200 triệu nông dân Trung cộng đã sử dụng khoảng nửa triệu tấn thuốc trừ sâu và 60 triệu tấn phân bón mỗi năm.
Việc tránh bất kỳ sản phẩm nào có dán nhãn “Sản xuất tại Trung cộng” chưa chắc đã giúp người ta không ăn phải thực phẩm Trung cộng. Với hầu hết các loại thực phẩm, các công ty không bắt buộc phải ghi nhãn nguyên liệu đến từ đâu, mà chỉ ghi nơi thực phẩm được đóng gói hoặc chế biến, CNN cho biết. Theo các nhà phân tích thực phẩm, điều đó có nghĩa rằng một bữa ăn có thể có 20 nguyên liệu đến từ 20 quốc gia khác nhau.


Vấn đề an toàn thực phẩm đe dọa sự thống trị của ĐCSTC
Cổ nhân Trung cộng có câu: “Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên” (tạm dịch: Bậc Đế Vương coi dân là trời, còn dân coi lương thực là trời). Điều đó cho thấy việc đảm bảo và thúc đẩy các chính sách lương thực hợp lý nên là ưu tiên của bất kỳ chính phủ nào. Yanzhong Huang, giáo sư tại Trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế, Đại học Seton Hall từng viết trên SCMP rằng trong thập kỷ qua, an toàn thực phẩm cũng đã trở thành một vấn đề chính trị và là bài kiểm tra năng lực cầm quyền của chính quyền độc đảng Trung cộng.
Một cuộc khảo sát gần đây do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung cộng thực hiện đã cho thấy tỷ lệ các giám đốc điều hành đồng ý rằng vấn đề an toàn thực phẩm và nước là một thách thức lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia đang cố gắng tuyển dụng và giữ chân người lao động nước ngoài tại Trung cộng đã tăng từ 28% lên 36% trong giai đoạn 2016-2018. Thật vậy, ô nhiễm môi trường đã khiến Bắc Kinh không thể thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khiến nước này không thể thay thế Hồng Kông trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, Ding Xueliang, một học giả về Trung cộng ở Hồng Kông, cho biết.
Trong báo cáo năm 2014, Trung tâm Trung cộng và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, tiết lộ rằng những lo ngại về an toàn thực phẩm và ô nhiễm không khí và nước đang thúc đẩy giới tinh hoa và những người Trung cộng giàu có chuyển ra nước ngoài. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 56% triệu phú Trung cộng với giá trị tài sản ròng hơn 1,5 triệu USD cho biết họ đã rời khỏi Trung cộng hoặc đang cân nhắc việc này. SCMP nhấn mạnh rằng sự mất niềm tin này của tầng lớp thượng lưu đang làm dấy lên lo ngại đối với giới lãnh đạo của Trung cộng, bởi nó đồng nghĩa với chảy máu chất xám và tổn thất về năng lực kiếm tiền.
Trong khi đó, người dân Trung cộng – những người bị ảnh hưởng lớn nhất bởi các vấn đề an toàn thực phẩm, lại thấp cổ bé họng và không có tiếng nói. Giáo sư Yanzhong Huang từ Đại học Seton Hall cho biết, người dân không được tiếp cận với việc hoạch định chính sách cũng như không có khả năng tự tổ chức và bảo vệ lợi ích của mình thông qua các kênh nhà nước. “Dân coi lương thực là trời”, vì vậy khi “trời” của họ bị đe dọa, rất có thể người dân Trung cộng sẽ đặt câu hỏi không chỉ về sự lãnh đạo của từng nhà chức trách mà còn về tính hợp pháp của toàn bộ thể chế chính trị. Ông Tập Cận Bình đã thừa nhận mối đe dọa này vào năm 2013 rằng: “Nếu chúng ta không làm tốt công tác an toàn thực phẩm và tiếp tục xử lý sai vấn đề, thì người dân sẽ hỏi liệu Đảng của chúng ta có phù hợp để lãnh đạo Trung cộng hay không”.


Nguyên nhân gốc rễ đằng sau thực phẩm độc hại ở Trung cộng
Mặc dù Đảng Cộng sản Trung cộng nhận thức rõ rằng vấn đề an toàn thực phẩm đang đe dọa vị thế cầm quyền của mình, nhưng trong thời gian dài, Đảng vẫn không có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng thực phẩm.
Một tiểu sử về Mao Trạch Đông do bác sĩ riêng của ông ta viết cho thấy rằng vào những năm 1950, với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô, một bộ phận thu mua lương thực riêng thuộc bộ máy an ninh để cung cấp và kiểm tra lương thực cho giới lãnh đạo Trung cộng đã được thành lập. Ngày nay, ô nhiễm môi trường và thực phẩm độc hại tràn lan càng thúc đẩy hệ thống thực phẩm dành riêng cho giới thượng lưu.
Dưới hệ thống tegong, các quan chức chính phủ và giám đốc hàng đầu của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung cộng sẽ được hưởng nguồn cung cấp thực phẩm hữu cơ đặc biệt từ các trang trại độc quyền. Los Angeles Times đã từng đăng một bài báo có tiêu đề “In China, what you eat tells who you are” (tạm dịch: “Ở Trung cộng, đồ ăn của bạn thể hiện đẳng cấp của bạn”), mô tả một trang trại như sau: “Nhìn thoáng qua, rõ ràng đây không phải là một trang trại tầm thường: Một hàng rào kẽm gai cao khoảng 1,8m bao xung quanh vườn rau được chăm sóc tỉ mỉ và các nhân viên bảo vệ phụ trách một cánh cổng có mái che chỉ mở ra cho những chiếc ô tô nhất định”…“một phóng viên Trung cộng đã lẻn vào bên trong và đăng câu chuyện về trang trại sản xuất thực phẩm hữu cơ sạch đến nỗi dưa chuột có thể được ăn trực tiếp từ giàn”.
Do các quan chức cấp cao của Trung cộng không phải đối mặt với thực phẩm bị ô nhiễm nên họ ít quan tâm đến chất lượng thực phẩm của người dân. Thêm vào đó, tham nhũng cũng khiến việc kiểm tra an toàn thực phẩm kém hiệu quả.
Một yếu tố khác là cơ chế chính sách. The Guardian đưa tin các chuyên gia cho rằng vấn nạn hàng giả ở Trung cộng là kết quả của chính sách kinh tế của nước này, đã thúc đẩy các tỉnh, các địa phương theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá. Thậm chí tội phạm có thể được chính quyền cấp tỉnh bảo kê, miễn là họ tạo ra lợi nhuận và nộp thuế.
Tệ hại hơn nữa, thay vì thúc đẩy đồng quản trị với các ngành và các nhóm xã hội, ĐCSTC còn đàn áp các phong trào xã hội kêu gọi tiến bộ về môi trường và an toàn thực phẩm. SCMP đưa tin rằng các phóng viên điều tra đóng vai trò nòng cốt trong việc vạch trần các vụ bê bối về thực phẩm và môi trường đang rơi vào tình trạng nguy hiểm. Từ năm 2011 đến năm 2017, số lượng phóng viên đã giảm gần một nửa, từ 334 xuống còn 175.


Trong vụ việc thức ăn thối rữa được phát hiện tại căng tin của một trường trung học vào năm 2019, những video đăng trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm phụ huynh phẫn nộ biểu tình bên ngoài cổng trường và cảnh sát đã dùng vũ lực với họ. Trong một video, một nhóm cảnh sát đã quật ngã một người đàn ông xuống đất. Một video khác cho thấy cảnh các bậc phụ huynh bịt chặt lấy mắt vì đau đớn, một số hãng tin địa phương cho biết cảnh sát đã dùng bình xịt hơi cay chống lại họ.
ĐCSTC thường tự hào về việc hàng trăm triệu người đã “thoát nghèo” dưới sự lãnh đạo của nó, tuy nhiên mối lo của người dân thực ra đã chuyển từ an ninh lương thực sang an toàn thực phẩm. Bị thu hút bởi lợi nhuận, người bán đã làm ngơ trước thực tế rằng thực phẩm độc hại của họ sớm muộn gì cũng làm hại khách hàng, giống như cách nhiều quan chức ĐCSTC thờ ơ với cuộc sống của người dân. Các luật và văn bản pháp lý khác để giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm liên tiếp được ban hành trong nhiều thập kỷ qua đã tỏ ra không hề hiệu quả.
Không giống như pháp luật áp đặt các quy tắc cứng nhắc, văn hóa đóng vai trò như “lạt mềm buộc chặt”. Luật pháp thi hành hình phạt sau khi tội ác đã được thực hiện, trong khi văn hóa ngăn chặn tội ác trước khi chúng xảy ra bằng cách nuôi dưỡng đạo đức. Đạo đức của một xã hội là yếu tố không thể tách rời trong nền văn hóa của nó.
Trung cộng đã từng có một nền văn hóa truyền thống huy hoàng với chuẩn mực đạo đức cao, với lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Phật gia, “Thiên nhân hợp nhất”của Đạo gia, và Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín của Nho gia. Nhưng bất hạnh thay, nền văn hóa đáng trân quý ấy hầu như đã bị ĐCSTC phá hủy hoàn toàn qua nhiều chiến dịch đẫm máu trong lịch sử của nó.
Như Cửu Bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản) đã nói:
Văn hóa truyền thống tôn trọng sinh mạng. ĐCSTC nói rằng “nổi loạn là chính đáng” và “cuộc đấu tranh chống con người là đầy thích thú”. Dưới danh nghĩa cách mạng, Đảng có thể giết người và làm chết đói hàng chục triệu người. Điều này đã làm cho nhân dân không còn coi trọng sinh mạng và khuyến khích sự lan tràn của hàng giả và độc hại trên thị trường”.
Sản xuất đồ ăn độc hại không phải là một hiện tượng hiếm gặp hay cục bộ, mà là phổ biến trên toàn Trung cộng. Điều này hoàn toàn là do những truy cầu lợi ích ích kỷ xuất phát từ việc phá hoại văn hóa và hậu quả là sự suy đồi của đạo đức con người”.
Văn hóa truyền thống đích thực đo lường chất lượng của cuộc sống con người dựa trên cơ sở của sự hạnh phúc từ bên trong hơn là sự thoải mái vật chất từ bên ngoài. [Hàn Dũ (768-824), một trong “Đường Tống bát đại gia” (Tám đại sư phụ văn xuôi đời Đường và Tống), đã nói:] “Tôi thà không có ai khiển trách sau lưng mình, hơn là có người ca ngợi tôi trước mặt; tôi thà có được cảm giác yên tâm, hơn là có được sự thoải mái nơi thân thể”.


Đào Uyên Minh (365-427) đã sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng ông đã giữ được một tinh thần vui vẻ và đã hưởng một cuộc đời thư thái “hái hoa cúc dưới hàng rào phía đông, lặng nhìn Nam Sơn ở đằng xa”.

China revealed: From Toxic Food To Toxic Politics

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178