Bức tranh kiều hối
Bức tranh kiều hối
Kiều hối về Việt Nam tăng liên tục qua các năm. Đồ họa của VNExpress dựa theo dữ liệu của WB và KNOMAD |
Bất chấp đại dịch COVID-19 và kinh tế suy thoái ở hầu hết các nước trên thế giới, lượng tiền mà người Việt Nam sinh sống làm ăn ở nước ngoài gửi về cho thân nhân và gia đình ở trong nước, gọi là kiều hối, vẫn tăng rất mạnh trong năm 2021, lên mức $18.06 tỷ, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế về người Di cư KNOMAD.
Đây là năm thứ năm liên tiếp, lượng kiều hối gửi về Việt Nam tăng mạnh, từ mức $13.8 tỷ năm 2017, $15.9 tỷ năm 2018, $17 tỷ năm 2019, $17.2 tỷ năm 2020. Nhờ vậy, Việt Nam vẫn nằm trong số 10 quốc gia có lượng kiều hối cao nhất thế giới và nước nhận nhiều kiều hối thứ ba ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.
Lượng kiều hối nhận về tương đương 5.1% tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Việt Nam năm 2021, nhưng đáng chú ý kiều hối là nguồn thu nhập “từ trên trời rơi xuống”, người nhận không cần phải đầu tư vốn liếng hoặc công sức sản xuất kinh doanh. So với sản xuất kinh doanh, lượng kiều hối Việt Nam nhận được nhiều gấp bốn lần khoản xuất siêu (giá trị xuất cảng nhiều hơn nhập cảng) cả năm 2021; xấp xỉ khoản đóng góp của ngành xây dựng cả nước vào GDP năm 2020 và bằng 8% tổng số tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng ở trong nước.
Theo thông tin trên trang VNExpress, có một nửa lượng kiều hối về Việt Nam được gửi từ Mỹ, nơi có hơn 1.4 triệu người Việt định cư tạo thành cộng đồng người Việt đông đảo nhất ngoài Việt Nam. Các nước có nguồn kiều hối gửi về nhiều nhất lần lượt là Mỹ, Úc, Canada, Đức và Pháp.Thành phố Sài Gòn, trung tâm kinh tế của đất nước, cũng là nơi nhận được nhiều kiều hối nhất, khoảng 53% tổng số kiều hối của cả nước.
Những dữ kiện trên cho thấy, phần lớn nguồn tiền kiều hối là từ những người Việt định cư tại các nước công nghiệp phát triển – những người đã phải rời bỏ quê hương vì nhiều lý do, nổi bật là sự áp bức về chính trị hoặc bế tắc về kinh tế. Những năm gần đây, đã có vài triệu người Việt đi làm thuê ở nước ngoài, trong nước gọi là “xuất khẩu lao động”, cũng gửi tiền về giúp gia đình hoặc trả nợ, nhưng lượng kiều hối của thành phần “lao động xuất khẩu” chưa nhiều bằng nguồn tiền của người định cư. Phần lớn người ra nước ngoài làm thuê là người nghèo, làm việc tay chân, thu nhập không cao và không ổn định nên số tiền gửi về bị hạn chế.
Trong hai năm dịch COVID 2020-2021, phần lớn người Việt định cư ở Bắc Mỹ, Úc và châu Âu đều gặp khó khăn về kinh tế-tài chính, nhiều người mất việc, công việc kinh doanh bị đình đốn, nhiều gia đình phải sống nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ. Nhưng lượng tiền gửi về Việt Nam chẳng những không giảm sút mà còn gia tăng đáng kể, chứng tỏ tấm lòng của người tha hương đối với thân nhân và quê nhà là hết sức đáng trân trọng. Nếu không bị dịch bệnh cản trở thì có thể lượng tiền gửi về từ cộng đồng người Việt định cư ở phương Tây còn tăng mạnh hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Với tỷ lệ 5.1% GDP mà không phải đầu tư gì, kiều hối là nguồn thu nhập hết sức quan trọng giúp Việt Nam gia tăng dự trữ ngoại tệ bằng đồng đôla Mỹ và euro châu Âu, ổn định cán cân thanh toán, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư của người dân giữa lúc các ngành kinh tế-du lịch khốn đốn vì đại dịch.
Hào hứng trước lượng tiền khổng lồ từ nước ngoài gửi về, tại buổi liên hoan đón người Việt về ăn Tết Nhâm Dần, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tức cảnh đọc hai câu vè: “Mỗi năm Tết đến Xuân về. Quê hương đất mẹ đề huề mong con” làm trò cười cho người dân trong và ngoài nước.
Ấy thế nhưng cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa có những chính sách đối xử đúng mực và trân trọng với người Việt Nam xa quê ngoài những lời đãi bôi ngoài cửa miệng. Các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài vẫn tìm đủ cách để bắt chẹt người có nhu cầu về nước thăm gia đình mà vụ scandal “chuyến bay giải cứu” với giá trên trời bị vỡ lở gần đây là ví dụ nổi bật.
Nhận xét
Đăng nhận xét