Tuổi Già Nghĩ Gì? Chuyện phiếm

 


Tuổi Già Nghĩ Gì? Chuyện phiếm

Tác giả: PHẠM THÀNH CHÂU

 

Mấy ông bạn già, gặp nhau là hỏi “Sao? Khỏe không?”. Có ông trả lời “Vẫn như tuổi đôi mươi!” - “Ồ! Sao ông hay quá vậy?” - “Cũng bình thường thôi. Ở tuổi hai mươi, tôi không nhấc nổi 20 kí lô. Bây giờ tôi cũng không nhấc nổi 20 kí lô”.

 <0><0><0>

Bài này viết về những suy nghĩ của bọn già lẩm cẩm chúng tôi. Đa số trong chúng tôi, ở thời điểm này (2022) vốn là cựu quân nhân, công chức, qua Mỹ theo chương trình nhân đạo (HO) Đã một thời là (quan quyền) rường cột của nước Việt Nam Cộng Hòa, đã trải qua hàng chục năm tù Cộng Sản nên đầu óc không giống ai. Các bạn trẻ và những vị lớn tuổi nhưng còn sáng suốt, thông thái, xin đừng để mắt đến bài này, vì sẽ bị bực mình mà thở dài “Quả thật, càng già suy nghĩ càng lung tung, toàn là sản phẩm của tưởng tượng, chuyện hồn ma bóng quế, chưa từng nghe ai nói. Thể chất và tâm trí của mấy ông già này đã rã rệu,”mơ màng” rồi, chỉ đáng cho vào nhà bảo tàng để chờ phế thải”.

Nhưng quí vị có biết. Ngày xưa, ở Việt Nam, nơi thôn quê, người cao tuổi rất được kính trọng. Họ là quyển tự điển sống, nhờ đã trải qua bao biến động của thời cuộc, tích lũy bao kinh nghiệm trong suốt một đời người. Ngày đó, mỗi thôn làng là một ốc đảo trong lũy tre xanh, như một quốc gia bị cô lập, không giao tiếp với bên ngoài nên khi có biến cố hay tranh chấp giữa các tổ chức hay cá nhân, ban hội tề (lãnh đạo của làng) đem “Hương ước” (lệ làng) ra áp dụng rồi nhờ những “Lão làng” (Các bộ tộc miền núi gọi là Già làng) phán quyết. Để ổn định chính trị, triều đình thường tôn trọng Hương ước khi phân xử nên mới có câu “Phép vua thua lệ làng”. Thời trước, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, con người thường chết sớm, cho nên ai sống đến năm mươi tuổi thì được xem là Lộc Trời ban cho tuổi thọ, gọi là “Thiên tước” (Tước lộc Trời ban. “Thưa cụ. Năm nay Thiên tưóc cụ được bao nhiêu?”). Khi được tôn lên “Lão làng” thì được ngồi “mâm trên”, là nơi tôn quí trong các buổi hội hè đình đám.

Các quan, ngày xưa, hưu trí về lại nơi bản quán, rất được trọng vọng vì là người lớn tuổi, trí thức, đã từng làm quan “Phụ mẫu chi dân”. Địa phương rất hãnh diện có được những vị hưu quan đó trong làng, cả đến dòng họ cũng được thơm lây. Người ta gọi đó là “Nhân tước” (tước lộc vua ban). Các vị hưu quan nầy thông hiểu luật lệ, thường là cố vấn của ban hội tề. Các vị còn đảm trách việc dạy chữ nghĩa, bồi đắp kiến thức, giáo dục cho tuổi trẻ hiểu đạo lý của thánh hiền. Chúng là thành phần tinh hoa sẽ ra ngoài xã hội, ganh đua với đời. “Tiến vi quan, thối vi sư”. Thôn quê rất quí trọng người đỗ đạt. Có những làng, dân trí thấp vì nghèo khó, ít được học hành, nên trong làng có người chỉ đậu tú tài (còn gọi là sinh đồ, trong kỳ thi hương) cũng được làng đem võng lọng, long trọng đón rước.

Thời nay, người già không còn được coi trọng. Các ông (tù cải tạo) thường yểu mệnh, chết trước quí bà cùng tuổi. Ở hải ngoại, trong gia đình, vợ chồng đều về hưu, con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, chỉ còn lại ông bà già, lại thêm Covid - 19, người già chết như rạ, không đi đâu được, mà cũng chẳng cần nhau như trước đây, nên chán nản, không muốn nhìn mặt nhau. Lũ con được ăn học nên người, làm nhiều lương, chê cha (đi HO, đem chúng qua) ngày trước không biết tiếng Mỹ, làm lương chết đói, (để nuôi chúng) nay đã lẩm cẩm, nên coi thường, mà người già rất dễ bị tổn thương. Đó là ở nhà của mình. Nếu ở chung với con thì thành cái gai trước mắt chúng, mong thời gian đến đem ông, bà đi cho sớm

Lớn tuổi, bà càng khó tính, xét nét, phê bình thì ông càng phớt lờ, vợ nói gì cũng chẳng để vào tai. (Hơn thua gì với vợ con!) Vợ thêm bực tức, xúc phạm, nặng lời. Chồng rút vào im lặng. Vợ cũng im lặng. Có hỏi thì trả lời nhát gừng, như sủa! Họ sống âm thầm, tự lo cho bản thân. Các ông thường nhiều bịnh. Khi bịnh nặng, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ đến nhân viên xã hội, vợ có phụ tay vào thì mặt nặng như chì. Có ông, bực mình, bỏ nhà đi biệt. Nhiều ông bị ung thư, vợ con chẳng biết, bịnh nhân lặng lẽ chịu đựng, vào bịnh viện để rồi được đưa qua nhà xác. Dĩ nhiên, đây chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Nhưng vì sao nên nông nỗi này? Nguyên nhân sâu xa là, trước đây, một trong hai người, hoặc có thể cả hai đã vi phạm ‘Nghĩa vụ chung thủy’ trong cuộc sống vợ chồng, đó là tội ngoại tình. Lớn tuổi hay quên, nhưng chuyện xưa lại nhớ rất rõ, nhất là chuyện người kia đã có lần phản bội mình. Nó như cây đinh đã đóng vào vách, cây đinh có nhổ đi, lỗ đinh vẫn còn, như một ám ảnh suốt đời. (Người đàn bà tha thứ nhưng không hề quên, người đàn ông không tha thứ nhưng lại hay quên!). Nó âm ỷ như than hồng dưới đống tro tàn, không thể dập tắt được! Thỉnh thoảng, hễ có xích mích là bà đem chuyện xưa ra đay nghiến, ông thì nhắc lại để mỉa mai. Mới đây, một cuộc nghiên cứu ở các xứ u Mỹ cho thấy. Cứ bốn ông đưa các con đi thử máu thì hết ba ông nuôi con người ta. Chính người mẹ cũng bối rối, cố nhớ xem, đứa bé giống ông tình nhân nào?

Có trường hợp, cả hai vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau dù dĩ vãng có thế nào đi nữa. Đó là những đôi “rỗ rá cạp lại”. Nghĩa là họ đã có cuộc tình hoặc gia đình tan vỡ trước khi đến với nhau. Làm sao trách được những gì đã xảy ra của người kia mà trong đó mình không hề can dự đến? Miễn là họ biết chôn những kỷ niệm đẹp đẽ hay đau thương vào nấm mồ dĩ vãng. Vĩnh viễn quên đi. Không nhắc đến bao giờ!

Cũng có trường hợp, vì sĩ diện, sợ dư luận, họ thỏa thuận ngầm là xem nhau như bạn, nên nhìn bề ngoài, họ rất hạnh phúc. Đã là bạn thì không nhắc lại, không thắc mắc chuyện quá khứ để làm phiền nhau.

Vợ chồng trẻ Việt ở hải ngoại không bao giờ chịu đựng nhau, gặp trục trặc là chia tay liền, nhất là khi chưa có con cái.

Cũng không phải tất cả những đôi vợ chồng già đều gặp khó khăn khi sống với nhau. Nếu vợ chồng đã chung thủy với nhau thì thương yêu nhau rất mực. Họ sống bằng kỷ niệm. Họ thường nhắc lại chuyện xưa cho bạn bè, con cháu nghe từ lúc họ gặp nhau, yêu nhau, cho đến khi về sống với nhau. Họ âu yếm, săn sóc người bạn đời từng chút một, không rời nhau nửa bước. Nhà chỉ có hai ông bà già, thỉnh thoảng, bà làm nũng, giận hờn như thời mới yêu nhau. Ông dỗ dành như với em bé, tìm cách cho bà cười. Người ngoài nhìn vào, rất xúc động với hạnh phúc cuối đời của họ. Khi một người ra đi, người kia bơ vơ, nhớ nhung, suy sụp. Điển hình như cặp nhạc sĩ Văn Phụng và ca sĩ Châu Hà. Khi Văn Phụng đi vào thiên thu, Châu Hà thương nhớ chồng đến nỗi bị khủng hoảng tinh thần hơn ba năm. Thường thì sau một thời gian ngắn, người còn lại cũng đi theo với người bạn đời vào cõi hư vô.

Trở lại chuyện mấy ông già. Nếu còn đi lại được, họ thường rủ nhau ra quán cà phê, khề khà tán dóc.

Bạn biết họ thường nói về chuyện gì không? Chuyện bịnh hoạn và lúc từ giả cõi đời. Đó là chuyện đáng sợ mà nhiều ông bà già không dám nghĩ đến.

Bịnh hoạn thì mỗi ông có sẵn năm, bảy bịnh trong người. Trong nhóm bạn già chúng tôi, có một ông tự xưng mình là “Cửu bịnh thành lương y” (Có chín bịnh trong người nên thành thầy thuốc giỏi). Ai có bịnh gì, ông ta có đủ. Ông ta nói vanh vách nguyên nhân, cách chữa trị, thuốc men của từng bịnh. Ông khuyến cáo “Trước 1975, ở Việt Nam ta, khi bị bịnh nhẹ như ho, cảm, nhức đầu, sổ mũi… cứ ra tiệm thuốc tậy, (Có cả “Nhà thuốc gác” mở cửa 24/7) nói bịnh là dược sĩ bán cho mấy viên thuốc về uống, năm ba ngày mà không khỏi mới đi bác sĩ. Ở Mỹ các pharmacy cũng có các loại thuốc bán tự do, bày sẵn trên các kệ, mình bị sổ mũi, nhức đầu, nhức mỏi chân tay thì chọn thuốc mua về uống, năm ba hôm, không hết mới đi bác sĩ. Khi đi khám bịnh, nên mở Google, gõ tên bịnh, sẽ biết rõ mà khai cho chính xác với bác sĩ. Chỉ có mình mới biết được nguyên nhân, triệu chứng, bịnh nền, thuốc men đang uống để trình bày, bác sĩ mới tìm phương cứu chữa. Được toa thuốc cũng mở Google xem cho kỹ công dụng, cách uống thuốc, chỉ định, chống chỉ định… Bịnh quỉ có thuốc tiên. Đừng hoảng sợ khi mắc phải một bịnh mới, như đau cột sống, chẳng hạn. Đau khủng khiếp, tưởng chết đến nơi, nhưng chỉ uống vài viên Tylenol hoặc ibuprofen sẽ bớt ngay. Điều cần lưu ý là đau ngực, đau đầu thình lình thì gọi cấp cứu ngay. Không uống Aspirin, vì có thể đã bị vỡ mạch máu não, uống nó, máu loãng, ra nhiều, càng mau chết. Tôi không là bác sĩ, nói tào lao cho vui, đừng để bụng”. Bọn già chúng tôi, nghe vậy cũng yên tâm phần nào. Rồi thì ai cũng tặc lưỡi “Giày dép còn có số! Có ai không chết đâu?”

Nhưng rồi mấy ông lại phân vân. “Sau cái chết. Còn gì nữa?”

Thời may, chúng tôi vừa kết bạn được với một ông “Trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”. Ông ta rành nhất là những chuyện không thể thấy được. Đó là những chuyện ma, chuyện siêu hình nên được chúng tôi gọi là nhà “Tâm Linh Học”. Hỏi gì, ông ta cũng giải thích được, (Làm sao biết đúng, sai? Chuyện tâm linh mà!) ông nói rất lưu loát, trơn tru như miệng có bôi mỡ.

Sau đây là mấy câu đối đáp giữa ông ta với mấy lão già chúng tôi.

Một buổi sáng mùa xuân, trong sân sau nhà, với ly cà phê, với hoa cỏ xanh tươi, chim hót véo von, người nào cũng vui vẻ, yêu đời, một ông bạn cao hứng hỏi nhà Tâm Linh Học.

- Tôi đọc trong Bồ Tùng Linh, có kể những chuyện về hồn ma của cây cỏ, của chồn, cáo và cả chuyện người chết hiện về với người sống. Ông có tin chuyện đó là thật không?

- Đó là những chuyện bịa đặt. Nhưng cách nay mấy trăm năm, dân trí chưa mở mang nên tin là thật. Ngày nay, nhờ khoa học, người ta có thể suy đoán rằng, từ cây cỏ cho đến súc vật đều có cái hồn của nó. Cây có sinh hồn. Thú vật có giác hồn. Con người có linh hồn.

- Sinh hồn là gì? Cây có sinh hồn là như thế nào? Tôi chưa từng nghe bao giờ.

- Nhà bác học Cleve Backster, là người phát minh ra máy dò nói dối (Lie Detector), kể rằng. Một hôm, ông cắm hai đầu dây của một điện kế (galvanometer) cực nhậy vào một cái lá to và dày của một cây cảnh, rồi ông làm như có ý định quẹt diêm để đốt chiếc lá đó. Đột nhiên, kim điện kế nhảy vọt lên. Lần khác, ông cũng gắn hai cực của máy đo vào lá nhưng chỉ nghĩ đến tưới nước cho cây, điện kế đứng yên. Như thế thực vật đã cảm nhận được ý nghĩ của người. Nó phản ứng vì sự sống của nó, có thể xem như nó có “Sinh hồn”.

Tôi hỏi.

- Tôi trồng hoa. Cả một vườn hoa rực rỡ. Sao có người cũng trồng hoa nhưng ít lâu là héo chết?

- Vì ông yêu thương hoa, để ý, chăm sóc, tưới bón, xem như con nên có giao cảm giữa người và hoa. Người yêu hoa, hoa yêu người. Nhiều người, có tâm sự buồn, thường chỉ thổ lộ với hoa. Phải “Yêu hoa”, chứ không chỉ “Thích hoa”. Thấy người ta trồng hoa đẹp, cũng mua về, săn sóc, ngắm nghía ít bữa rồi quên bẵng, chúng bơ vơ, tàn tạ, héo úa.

Ngày xưa, ở Việt Nam, khi chủ nhà chết, phải cột một giải khăn trắng như để tang cho cây cối trong vườn, cũng là cách báo tin cho chúng biết rằng chủ đã chết, đừng buồn! Cây sẽ hiểu, vì nếu không thấy chủ, cây sẽ khô héo rồi chết.

- Còn về súc vật thì sao? Giác hồn nó như thế nào?

- Người chủ nuôi con chó, người giúp việc cho ăn hằng ngày, xem là bổn phận chứ chẳng thương yêu gì nó. Người chủ không cho ăn nhưng khi đi làm về, con chó vui mừng đón chủ mà không thân thiện với người cho nó ăn. Nó biết chủ yêu thương nên quấn quýt với chủ.

Báo đăng, lúc 22 giờ ngày 3 tháng 1 năm 2022, trên xa lộ liên bang 89 ở Lebanon, thành phố New Hampshire, Mỹ, cảnh sát thấy một con chó, tưởng nó đi lạc, định đến bắt nhưng con chó chạy trước rồi dừng lại chờ. Nghĩ có chuyện gì xảy ra nên cảnh sát đi theo. Được một quãng xa, nó dẫn đến một hàng rào bị hư hại và một xe bán tải nát bét, nằm lật ngửa, có hai người bị thương nặng. Trực thăng đến chở vô bịnh viện, cứu sống. Con chó, tên Tinsley, đã cứu chủ nó. Súc vật cũng có hiểu biết (Giác hồn) nhưng kém hơn con người.

Tôi hỏi ông.

- Con người có số mệnh không?

- Khổng Tử bảo “Con người có số mệnh nhưng không nên đứng dưới bức tường sắp đổ”. Có câu chuyện về một người chưa đến số chết. Sáng ngày 15 tháng 11 năm 1884, bà Keyse bị phát hiện chết trên sàn phòng nhà bếp vì bị dao đâm. John Lee bị bắt và bị buộc tội giết người, bị kêu án treo cổ. Tháng giêng năm 1885, Lee được đưa vô phòng treo cổ. Khi cần gạt được kéo lên, cửa sập dưới chân tử tù không hoạt động. Lee được đưa qua phòng chờ. Chuyên viên đến sửa chửa, thử đạp, cửa sập vẫn mở. Lee lại được đưa vô phòng treo cổ, cần gạt được kéo, cửa sập vẫn không mở. Lee lại ra chờ. Chuyên viên lại tìm hiểu, thử kéo cần gạt, cửa sập vẫn mở. Lần thứ ba, Lee lại bước vào. Cửa sập lại không mở. Việc thi hành án bị ngưng lại. Cuối cùng, William Harcourt, bộ trưởng nội vụ Anh ra quyết định, đổi án tử hình thành chung thân.

22 năm sau, Lee được trả tự do.

Tôi lại hỏi.

- Vậy thì con người chết là do số trời đã định, phải không? Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (năm 1945), hàng trăm nghìn người chết cũng là do số trời?

- Có một bài báo viết rằng, trước năm 1945, một ông thầy tướng bên Tàu, đi ngang qua hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, thấy khí sắc người dân nào cũng u ám, thành phố đầy sát khí. Ông về nước đăng báo với lời khuyên dân Tàu không nên đến hai thành phố đó. Có lẽ họ bị nạn “bất đắc kỳ tử”, giống như người bị tai nạn xe cộ, rơi máy bay, bị mìn bẩy, pháo kích… chết thình lình. Linh hồn họ không biết rằng mình đã chết nên không chịu rời khỏi xác (để siêu thoát vào cõi âm), mà thành ma, quỉ, lang thang, lẫn lộn trong cõi đời của người sống, kiếm ăn vào các dịp cúng kiếng, giỗ tết. Người ta bảo “Chó sủa ma”. Chó thấy được ma? Có thể lắm.

Tại sao có người mạnh khỏe lại chết sớm? Có người bịnh, nằm liệt cả chục năm mà vẫn sống?

- Là do di truyền (gene). Cha mẹ, ông bà bị bịnh gì thì con cháu có bịnh đó, cha mẹ mù, các con có thể mù. Họ sống đến bao nhiêu tuổi thì con cháu sống cỡ đó. Nếu dinh dưỡng đầy đủ, y tế tốt thì cộng thêm vài chục năm nữa mới chết. Vì thế, có những người trẻ, khỏe mạnh lại chết sớm, ngược lại, có người bị ung thư mấy mươi năm vẫn cứ sống bình thường, nhờ cái tuổi thọ di truyền của cha mẹ.

- Có nguyên nhân nào khác nữa không?

- Người mình thường nói “Hồn lìa khỏi xác” là chết. Trong kiếm hiệp Tàu, khi bị tung đòn “điểm huyệt” là đối phương chịu thua. Cơ thể con người, ngoài cấu trúc vật chất, còn có một cấu trúc tâm linh vô hình có thật, qua hệ thống huyệt đạo. Khi châm kim hoặc kích thích một huyệt đạo thì nó tác động lên cơ thể. Ví dụ Tây y dùng thuốc tê làm tê liệt các dây thần kinh rồi mới mổ xẻ. Đông y chỉ cần châm vào một số huyệt đạo là đủ. Tây y thử mổ chỗ huyệt đạo, vẫn không thấy gì khác lạ. Họ tin rằng, có một đời sống vô hình ẩn nấp đâu đó trong con người.

Khi ta nói “Tâm hồn” là nói. Trong “Quả tim” (tâm) mỗi người đều có một cái “Hồn” ẩn tàng trong đó. Khi cắt rời quả tim khỏi thân, tim và hồn vẫn sống tự lập được một thời gian. Trong quả tim có một định vị (cơ quan) tự điều hành nhịp đập của chính nó, gọi là “Tùng”. Nó như bình điện của hồn. “Tùng” hết điện, tim ngừng đập, và hồn rời khỏi xác, dù người đó vẫn mạnh khỏe, không cao áp huyết, cao mở hay tiểu đường. Nhiều người đang ngồi, gục chết, có người ngủ không thức dậy. Tây y gọi là “heart attack” (trụy tim). Ngược lại, có người bịnh nặng trong thời gian dài mà vẫn lây lất sống vì tim còn đập. Có một tài liệu y khoa nghiên cứu về trường hợp tim tự đập như sau “Cứ sau một khoảng thời gian nhất định, nút xoang nhĩ lại tự phát xung điện. Xung điện lan ra khắp cơ tâm nhĩ làm tâm nhĩ co, sau đó lan đến nhĩ thất, đến bó His rồi theo mạng Puôckin lan ra khắp cơ tâm thất làm tâm thất co…”. Nghĩa là quả tim tự nó có năng lượng cung cấp cho hệ thống kinh mạch (Kinh mạch không phải thần kinh và mạch máu!). Người sống có hồn và vía (phách). Linh hồn là sự sống của mỗi người. Tim ngừng đập, con người chết, hồn rời khỏi xác, đi vào cõi âm. Vía (Phách) tan theo với thân xác. Ông bà xưa chúng ta tin rằng. Xác chết chưa tan rã thì vía vẫn còn quanh quẩn bên xác. Trường hợp có người đi đường đứng lại xem một tai nạn hoặc đi viếng đám ma, nếu vía người chết hợp với vía người nào thì nó sẽ theo về nhà người đó. Vía ám vào người thành hai nhân cách, chuyện trò với nhau (ma nhập, lầm bầm với ma), lúc đầu hoang tưởng, sau đâm ra thù ghét người khác (Y học gọi là Tâm thần phân liệt). Dĩ nhiên, chỉ cần uống thuốc (củng cố hệ thần kinh) hoặc khi nào xác chết dưới mồ tan rã thì cái vía cũng tan theo. Cho nên người xưa nhắc chừng rằng. Khi đi viếng đám ma về, nhớ ghé vào nhà ai hoặc quán hàng, uống miếng nước hay mua món gì đó, vía người chết tưởng đã đến nhà, nó ở lại trong nhà đó mà không ám theo người kia nữa.

- Còn chuyện người chết sống lại, kể rằng hồn của họ bị người cõi âm đuổi về dương thế, có thật không?

- Tôi chưa chết đi sống lại nên không quả quyết điều gì. Nhưng có tờ báo thuật lại chuyện một người mù bẩm sinh sống lại, diễn tả sự việc theo cách riêng của anh ta, nhưng người nghe hiểu được, về những gì xảy ra lúc đó, như chuyện anh ta “thấy” bác sĩ, y tá đang cấp cứu xác anh ta, thấy người thân ngồi khóc trong phòng bên cạnh ra sao.

Bây giờ qua chuyện mấy ông bà già thường tự hỏi “Khi mình chết rồi, chuyện gì sẽ xảy ra?”

Lai như lưu thủy hề, thệ như phong.

Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.

(Đến như nước chảy, như gió thoảng.

Không biết ta từ đâu đến, rồi về đâu?)

Hỏi nhà Tâm Linh Học.

- Như vậy, ông tin có linh hồn?

- Đa số các dân tộc tin rằng, con người có linh hồn. Việc mai táng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc ra đi của linh hồn. Thế nên mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo, có những cách mai táng khác nhau. Người Ấn Độ đốt (hỏa táng) hoặc vất xác chết xuống sông Hằng (thủy táng), người Tây Tạng bằm xác chết cho chim kênh kênh ăn (thiên táng). Theo Hồi giáo. “Người chết không có quan tài, xác được bó vải, đặt nằm nghiêng về phía bên phải, đối mặt với Qibla (thánh địa Mecca)”. Người mình thì chôn hoặc thiêu.

- Người Việt mình chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Họ nghĩ về cái chết như thế nào?

- Nhìn chung, quan niệm về cuộc đời, sống, chết, người Trung Hoa, và cả người Việt nữa, chịu ảnh hưởng của Đạo giáo và Nho giáo nhất là Phật giáo.

Về Đạo giáo (Lão giáo). Lão Tử không bàn đến Thượng Đế, linh hồn, thiên đàng hay địa ngục mà chỉ nói tổng quát rằng. Con người và vạn vật là từ Đạo mà ra, cuối cùng lại trở về Đạo, hòa với Đạo “Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường danh” (Đạo mà có thể nói ra được, không phải là đạo thường hằng vĩnh cửu. Tên mà có thể gọi ra được không phải là tên thường hằng bất biến). Nguồn gốc con người và vạn vật từ Đạo mà ra, và cuối cùng về với Đạo, hòa với Đạo. “Sống, chết là do khí tụ lại hay tan mà thôi” (Trang Tử).

Theo Nho giáo thì chết chỉ là hình hài, còn cái khí tinh anh lại về với chỗ sáng tỏ của vũ trụ. Đạo Nho chỉ quan tâm về những vấn đề nhân sinh, xiển dương phương châm “Kính nhi viễn chi” (kính trọng quỉ thần nhưng nên tránh xa), dụng đạo thần minh làm phương tiện giáo hóa mà không bàn về khía cạnh siêu hình. (Chưa biết rõ chuyện sống, sao biết được chuyện chết?)

Tôi giễu cợt.

- Ông tin rằng, người có linh hồn. Vậy theo ông, khi con người chết đi, linh hồn về đâu?

- Về cõi âm. Cõi của bóng tối. Khoa học khám phá ra rằng. Vũ trụ có hai thế giới. Thế giới của ánh sáng, là những gì chúng ta thấy được như các vì sao, các hành tinh, tinh vân… nửa kia là thế giới của bóng tối. Các “sinh vật linh hồn” này không còn là cơ thể vật chất nên sinh hoạt không cần ánh sáng. Họ vẫn thấy nhau, giao tiếp nhau bình thường trong xã hội cõi âm (âm phủ). Giống như khi ta ngủ, nhắm mắt mà vẫn mơ thầy rõ mọi sự vật. Khoa học đã tìm thấy “Lỗ Đen”. Nó hút (whirl) vật chất sáng vào bóng tối. Hiện nay Trung Cộng phóng vệ tinh nghiên cứu bề tối của mặt trăng, cũng có thể để tìm cái gì đó trong bóng tối?

Tôi lại hỏi.

- Tôn giáo có ảnh hưởng gì đối với linh hồn người chết?

- Lấy ví dụ thế nầy để phân biệt người theo một tôn giáo nào đó với những người thờ cúng ông bà. Sau 1975, có hai chương trình đi Mỹ. Người đi theo chương trình ODP thì có thân nhân bảo lãnh, ra phi trường đón về. Người đi HO không có thân nhân thì có các hội đoàn tôn giáo rước về. Tương tự như vậy. Người chết, (như đi HO) thì có đạo hữu (của tôn giáo mình) đón về. Còn người theo “Đạo ông bà” thì khi chết đã có thân nhân (quá cố) đến đón (như đi ODP). Nhiều người bịnh nặng, ngay ban ngày, cũng thấy cha mẹ, anh em (những người đã khuất) đứng chờ sẵn trước cửa.

Đừng bận tâm, khi nhắm mắt, ta về đâu? Một thế giới an bình vĩnh cửu, hạnh phúc vĩnh cửu, đầy yêu thương đang chờ đón. Không còn hận thù, khủng bố, chém giết, lừa lọc… Chỉ có tình yêu bao la.

Thời còn trẻ, chúng ta thường đi cắm trại. Tối đến, có lửa trại. Ngồi quanh đống lửa giữa trời đêm, cùng hát hò rồi bày trò diễn kịch, kể chuyện. Khi vở kịch hoặc chuyện kể vừa dứt, cả bọn vừa vỗ tay vừa hát “Hay hay quá là hay! Xin thưởng cho tràng pháo tay. (vỗ tay 3 cái, rồi hát tiếp) Hay hay quá là hay! Xin thưởng cho một nụ cười” (Ha, ha, ha!)

Đọc xong bài này, cũng xin bạn một tràng pháo tay và hát “Hay hay quá là hay!...”

Xin cám ơn nụ cười của bạn.

 Phạm thành Châu

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025