Nga đã tìm cách tự bảo vệ trước các lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào ?
Nga đã tìm cách tự bảo vệ trước các lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 21/02/2022. © ALEXEY NIKOLSKY / SPUTNIK / AFP |
Bất chấp những lời đe dọa trừng phạt “khủng khiếp” đến từ châu Âu và Mỹ, tổng thống Nga Putin vẫn mở cuộc tấn công xâm lược Ukraina. Theo các nhà quan sát, sở dĩ Nga có vẻ dửng dưng trước các trừng phạt tất yếu, đó là vì trong gần một chục năm qua, sau khi sáp nhập Crimée vào năm 2014, Matxcơva đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tác hại của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
Tăng cường quan hệ với Trung Quốc
Biện pháp đầu tiên và được thấy rõ nhất là tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một nước cũng rất nghi kỵ phương Tây như Nga. Thỏa thuận về khí đốt trị giá 400 tỷ đô la trong vòng 30 năm ký kết với Bắc Kinh ngày 21 tháng 5 năm 2014, chỉ hai tháng sau khi Nga sáp nhập Crimée, được coi là một bước ngoặt thực thụ.
Theo đài truyền hình Pháp France24 ngày 22/02/2022, ông Jean-François Di Meglio, chuyên gia tài chính kiêm chủ tịch trung tâm nghiên cứu về Châu Á Asia Centre, cho biết dù đã được thương thuyết từ lâu trước đó, nhưng hợp đồng Nga-Trung năm 2014 đánh dấu một bước ngoặt chiến lược lớn.
Theo chuyên gia Di Meglio, Vladimir Putin đã hiểu rằng việc phát triển quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc có thể cho phép ông duy trì thế mạnh trong việc bảo vệ và tăng cường vùng ảnh hưởng của mình ở phía Tây. Trong khi đó, đối với Bắc Kinh, quan hệ chặt chẽ hơn với Nga cho phép nước này có thêm đồng minh chống lại đối thủ Mỹ.
Kiểm soát giới tài phiệt
Một điểm yếu của Nga dễ bị phương Tây khai thác : châu Âu vẫn là khách hàng đầu tiên của Matxcơva. Để tránh gây hại cho nền kinh tế của mình khi phải trừng phạt Nga, phương Tây thường nhắm vào giới tài phiệt thân cận với Điện Kremlin, những người sở hữu tài chính và bất động sản ở Châu Âu.
Tuy nhiên, trong một báo cáo do Viện Quan Hệ Quốc tế Pháp IFRI công bố, tiến sĩ kinh tế người Nga Vladislav Inozemtsev đã nêu bật là trong những năm gần đây điện Kremlin đã nỗ lực tìm cách hóa giải mối đe dọa này: “Ngay cả trước khi xâm lược Ukraina, Vladimir Putin đã khởi động một chương trình “quốc hữu hóa giới tinh hoa” nhằm giúp các quan chức và doanh nhân thân cận với chính quyền Nga giảm bớt lệ thuộc vào phương Tây và hợp pháp hóa tài sản của họ ở nước ngoài”.
Đối với chuyên gia viện IFRI: “Chính sách này đã thành công : Một phần thu nhập đến từ tham nhũng ngày càng được đầu tư vào đất nước và các cựu quan chức không còn mua lâu đài ở Pháp hay du thuyền nữa, mà là các chuỗi cửa hàng, khu văn phòng, nhà máy và nhà hàng ở Nga". Nhà nghiên cứu này cho rằng các lệnh trừng phạt của châu Âu hiện có nguy cơ trừng phạt các tài phiệt Nga thuộc diên phê phán chế độ Putin, không muốn hồi hương tài sản của họ về Nga.
Một hệ thống tài chính của Nga để vượt qua Swift
Một vấn đề lớn đối với Vladimir Putin vẫn là sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính Swift, một mạng lưới thanh toán quốc tế bằng đô la được hầu hết các tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để chuyển tiền.
Ngay cả về vấn đề này, vào năm 2018, Nga đã tung ra công cụ của riêng mình : hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS), hiện được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc). Theo ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp FRS, dù không thể cạnh tranh với Swift, nhưng đây là một công cụ có thể cung cấp một giải pháp thay thế nếu Nga bị đẩy ra ngoài hệ thống của phương Tây.
Nhìn chung, như nhận định của môt quan sát viên trên tờ Les Echos số ra hôm nay 25/02/2022, Putin đã biết biến nước Nga thành một “pháo đài tự chủ”, ít nợ nần quốc tế, đồng thời có trữ lượng ngoại tệ cao, có thể hoạt động một cách tự lập trong nhiều tháng trời vì đã bớt lệ thuộc nước ngoài.
Theo hãng tin Anh Reuters, hiện Nga có đến 643 tỷ đô la dự trữ ngoại hối, trong lúc doanh thu từ dầu khí đang bùng nổ nhờ giá tăng cao. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lên đến 5% GDP hàng năm và tỷ lệ nợ trên GDP chỉ là 20%, một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Ngoài ra chỉ một nửa các khoản nợ của Nga là bằng đô la, giảm hẳn so với mức 80% của hai thập niên trước đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét