Điểm nóng toàn cầu: Ukraine, Đài Loan, và Thế vận hội

Điểm nóng toàn cầu:
Ukraine, Đài Loan, và Thế vận hội

Ảnh minh họa: TT Nga Vladimir Putin  duyệt đoàn quân danh dự với CT TQ Tập Cận Bình   trong lễ đón bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 8/6/2018. (Ảnh Getty Images)
 

Tác giả: Tiến sĩ Antonio Graceffo
Biên dịch: Huyền Anh

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng, “ Chúng ta kiên quyết ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến các lợi ích cốt lõi của nhau và bảo vệ phẩm giá của mỗi quốc gia". Ông Tập đang đề cập đến Ukraine và Đài Loan, hai điểm nóng toàn cầu nay đã có dịp 'gần nhau hơn'.
Các quan chức an ninh Mỹ cho biết, một trong những kế hoạch mà Moscow đang xem xét là một chiến thuật cờ giả (False Flag). Đã có một đoạn video được dàn dựng cho thấy Ukraine tấn công Nga, được dùng làm lý do để Nga lấy cớ trả đũa. Nếu Nga xâm lược Ukraine, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt, điều này có thể có lợi cho Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đang khai triển một tàu ngầm hạt nhân đến đảo Guam – để nhắc nhở Trung Quốc nên tránh xa Đài Loan.
Bắc Kinh luôn lên án lập trường gay gắt của Mỹ đối với Moscow. Với tư cách là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đứng về phía Nga, ngăn chặn Liên Hiệp Quốc có hành động về Ukraine. Hơn nữa, sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc dành cho Nga được cho là sẽ làm giảm tác động của mọi lệnh trừng phạt của Mỹ trong tương lai.
Cuối cùng, Trung Quốc được hưởng lợi từ cuộc xung đột theo hai cách: thứ nhất, nó thúc đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc hơn; và thứ hai, nó đánh lạc hướng chính phủ Tổng thống Biden khỏi việc giải quyết các hành động gây hấn của nhà cầm quyền này, chẳng hạn như xâm nhập vào vùng biển và không phận Đài Loan.
Khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga hồi năm 2014 – sau khi nước này sáp nhập Crimea, Moscow đã quay sang Bắc Kinh [nhờ giúp đỡ] và cả hai đã tiến hành một thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Các thương vụ giữa hai quốc gia này đã không ngừng tăng lên kể từ đó. Trung Quốc hiện là một khách hàng lớn mua các loại vũ khí, cá, và gỗ của Nga. Và năm 2020, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập cảng dầu thô và khí đốt tự nhiên chính của Nga. Thương mại song phương hiện ở mức 147 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với năm 2015.
Các phương tiện truyền thông nhà nước ở hai quốc gia này đã lặp lại những chỉ trích của nhau về Hoa Kỳ. Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc đã cáo buộc rằng, Hoa Kỳ sẽ tiến hành một cuộc tấn công mạng nhắm vào Thế vận hội Mùa Đông. Các báo cáo tương tự đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga. Tuy nhiên, kể từ đó, Thời báo Hoàn Cầu đã đưa tin nói rằng cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Thế vận hội này đã bị cản trở, cho thấy Hoa Kỳ kém cỏi như thế nào.
Ông Putin nói rằng Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác cùng nhau, “dựa trên các cách tiếp cận gần gũi và tương thích để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực”. Ông Putin nói rằng, không loại trừ một liên minh quân sự và hai quốc gia sẽ hợp tác với nhau trong việc khám phá không gian và thiết lập một trạm mặt trăng chung. Bắc Kinh cũng coi vấn đề Ukraine là “mối quan ngại an ninh hợp pháp” của Moscow.
Tuy nhiên, liên minh Nga-Trung có thể không mạnh như cách mà hai nhà lãnh đạo này đang cố gắng làm cho nó có vẻ như vậy. Mặc dù Trung Quốc ủng hộ Nga bằng lời nói và tiền bạc, nhưng vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có sẵn sàng hy sinh vì Moscow hay không. Nếu Trung Quốc can dự để thúc đẩy nền kinh tế Nga sau các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, thì các nhà chức trách Mỹ có thể buộc các ngân hàng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì vi phạm các lệnh trừng phạt. Việc Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận một đòn giáng như vậy vào nền kinh tế Trung Quốc không phải là một điều chắc chắn sẽ xảy ra, khi thay vào đó họ có thể tiếp tục lên án Hoa Kỳ trong khi không can dự quá nhiều.
Nga và Trung Quốc đã thảo luận về việc hình thành một cơ sở hạ tầng tài chính độc lập, có thể bỏ qua hệ thống SWIFT của Hoa Kỳ và loại bỏ việc sử dụng đồng dollar Mỹ cho thương mại song phương. Tuy nhiên, một hệ thống như vậy sẽ là rối rắm, vì không quốc gia nào muốn nắm giữ một lượng lớn tiền tệ của quốc gia kia. Thậm chí, hệ thống này cũng sẽ phải được các thành viên của Liên minh Âu Châu thông qua để khôi phục nền thương mại của Nga. Và điều này rất khó xảy ra.
Bất chấp việc Trung Quốc tìm cách xoa dịu đòn kinh tế mà Nga có thể phải hứng chịu khi sáp nhập Ukraine, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng) chưa bao giờ chính thức hậu thuẫn việc sáp nhập này. Tương tự, Nga cũng chưa bao giờ ủng hộ sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ở Nam Á, tình hình này còn khắc nghiệt hơn. Nga không những không ủng hộ yêu sách biên giới của Trung Quốc chống lại Ấn Độ mà Nga còn là nhà cung cấp khí tài quân sự số một của Ấn Độ.
Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc và Nga đã có một số thỏa thuận an ninh, đồng thời tiến hành huấn luyện và thực hiện các cuộc tuần tra chung, nhưng họ không có bất kỳ hiệp ước phòng thủ chung hay một liên minh chính thức nào. Do đó, các chuyên gia tin rằng khó có khả năng Trung Quốc sẽ can thiệp quân sự để hỗ trợ Nga trong một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng với Hoa Kỳ hoặc NATO.
Một vấn đề khác đối với Nga là việc xoay về phía Trung Quốc sẽ khiến sự chênh lệch kinh tế giữa hai nước thêm phần bế tắc, cũng như làm tăng thêm sự phụ thuộc của Nga vào một quốc gia duy nhất. Hiện tại, Trung Quốc chiếm 18% nền thương mại của Nga. Nếu Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt và Nga mất đi một phần thương mại với các quốc gia khác, thì thương mại với Trung Quốc có thể sẽ tăng lên. Vì Nga chỉ chiếm 2% nền thương mại của Trung Quốc, nên đối với Trung Quốc, Nga ít quan trọng hơn Trung Quốc đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ làm tăng vị thế của Trung Quốc.
Mối đe dọa trừng phạt kinh tế có thể ngăn cản Trung Quốc hỗ trợ Nga trong một cuộc xâm lược Ukraine. Nhưng các lệnh trừng phạt sẽ không nhất thiết ngăn cản Nga xâm lược Ukraine hoặc Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Ông Michael Mazarr, một nhà khoa học chính trị cao cấp đồng thời là chuyên gia về răn đe tại Rand Corporation, nói rằng hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm khiến các quốc gia khác tuân thủ luật lệ phụ thuộc rất nhiều vào động cơ. Nếu mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là thôn tính Đài Loan hoặc mục tiêu của Nga là thôn tính Ukraine, và không có lý do nào khác cho những hành động này ngoài việc giành được lãnh thổ, thì các biện pháp trừng phạt sẽ không thể răn đe họ.
Nếu mục tiêu của Nga là sáp nhập Ukraine như một vùng đệm chống lại NATO, thì một giải pháp thương lượng có thể đạt được. Nhưng nếu mục tiêu thực sự là áp đặt quyền kiểm soát đối với quốc gia khác, thì đây là mục tiêu có tổng bằng không (tức anh được tôi mất và ngược lại – dịch giả), không có chỗ cho đàm phán hoặc các biện pháp giải quyết từng phần. Hoặc là những lãnh thổ này sẽ bị xâm lược và chiếm lấy, hoặc là sẽ không. Không có lựa chọn trung gian.
Tác động đến Âu Châu
Khi Tổng thống Biden gặp khó khăn trong việc gây dựng một sự đồng thuận giữa các đồng minh EU và NATO, Âu Châu lo ngại rằng Nga có thể sẽ cắt nguồn cung cấp năng lượng. Nếu điều này xảy ra, Hoa Kỳ đã sẵn sàng giúp tăng các chuyến hàng nhiên liệu đến Âu Châu. Tuy nhiên, quân bài khó lường nhất trong ván bài của liên minh EU-Hoa Kỳ chính là Đức.
Đức là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga và sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất nếu Mỹ trừng phạt Nga, đặc biệt là khi Mỹ loại bỏ Moscow khỏi hệ thống SWIFT, vốn cho phép thanh toán thương mại quốc tế. Các thành viên còn lại của EU, đặc biệt là Anh, đã sẵn sàng đưa ra một lập trường tương đối cứng rắn. Tuy nhiên, Đức vẫn chưa cam kết.
Hồi tháng 12/2021, Tổng thống Joe Biden đã dẫn đầu Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ, với mục tiêu cụ thể là chống lại Trung Quốc, Nga, và các chế độ độc tài khác. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo hơn 100 quốc gia. Giờ đây, nhiều quốc gia dân chủ đang tổ chức một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa Đông. Tuy nhiên, ông Putin đã đích thân tham dự Thế vận hội này.
Các sự kiện Thế vận hội đặc biệt mang tính biểu tượng ở một số cấp độ. Bắc Kinh tuyên bố rằng đại hội thể thao này có mục đích thúc đẩy hòa bình. Thế nhưng, trong Thế vận hội Mùa Hè 2008, Nga đã xâm lược Georgia và ĐCS Trung Quốc đã không lên án hành động này. Cuộc xâm lược Georgia và cuộc xâm lược tiềm tàng vào Ukraine rõ ràng đi ngược lại lập trường chính thức của Bắc Kinh – không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Một nhóm tàu hải quân của Nga và Trung Quốc tiến hành tuần tra quân sự hàng hải chung ở vùng biển Thái Bình Dương, trong hình ảnh tĩnh được trích từ video được công bố hôm 23/10/2021 này. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Phân phát qua Reuters)
Trong khi Hoa Kỳ và EU giải quyết vấn đề Ukraine, thì chính phủ Tổng thống Biden vẫn phải theo dõi sát sao chính quyền Trung Quốc. Giữa tháng Một, tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân USS Nevada đã nhận được lệnh từ Nhà Trắng để thực hiện một chuyến quá cảng ở Guam, như một lời nhắc nhở tới Trung Quốc rằng quân đội Hoa Kỳ đang ở gần bờ biển của họ. Nevada là một tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo (SSBN), chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio, có thể được trang bị tới 20 hỏa tiễn đạn đạo Trident.
Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã tweet về sự xuất hiện của Nevada ở Guam. Vì vị trí của tàu SSBN trên thường được giữ bí mật, nên cử chỉ này rõ ràng là nhằm gửi một thông điệp rất có chủ ý tới Bắc Kinh.
Quan điểm trong bài viết này là của Tiến sĩ Antonio Graceffo và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả : Tiến sĩ Antonio Graceffo
Biên dịch : Huyền Anh

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178