Tết 'thừa chất' ở Mỹ lại nhớ về thời Tết của mẹ ở Sài Gòn năm xưa

Tết 'thừa chất' ở Mỹ lại nhớ về thời 
Tết của mẹ ở Sài Gòn năm xưa
Tác giả: TS. PHẠM ĐỖ CHÍ
Nguồn: BBC Tiếng Việt

Tác giả cúng Giao thừa trong nha tại Florida, Hoa Kỳ
 

Ở Mỹ, trong nhà tôi phải nói là cũng có không khí ngại Tết, nghĩa là muốn ăn uống đơn giản hơn, nhất là cho buổi cúng giao thừa.

Tôi chạy ra Chùa địa phương do vài sư cô trụ trì và có nấu cỗ chay bán gây quỹ. Vì thấy có nhiều món chay, ngoài bánh chưng bánh tét như dự định mua ban đầu, mua luôn cả nộm, cá kho, thịt gà xào…

Toàn món chay làm bằng đậu hũ , mì căn, nấm khô và tươi, rau củ, nhưng gọi bằng tên món mặn cho dễ bắt chước.

Mua đầy đủ cũng hơn tờ giấy 100 đô do lạm phát thời buổi này, và cũng để đủ ăn và bày cúng trong 3 ngày cho tới lúc hoá vàng. Và bữa cúng tiên thường cũng sẽ đầy đủ các món chay để mời các cụ về xơi, dù con cháu tản mác trên 5-6 tiểu bang Mỹ và cả ở quê hương cũ.

Khệ nệ các gói xách đem về nhà, xếp bàn thờ thắp hương, xoa tay tự bằng lòng vì năm nay mình cũng làm được cuộc "cách mạng" về ăn uống Tết, hợp với thời thượng là cách sống tối giản nhất là cho tuổi già.

Nhưng ăn xong bữa trưa, tôi chợt khám phá ra mình như thiếu thốn một cái gì lớn lao lắm, mồm miệng vẫn thấy nhàn nhạt, dù bụng đã thấy no no với mấy đĩa chay và hai miếng bánh chưng chay.

Hương vị Tết không thấy đến gần như các năm trước vẫn nấu cỗ theo "kiểu cũ", tức là nấu mặn (dù biết nói thế là "phải tội" theo nghĩa bình dân hàng ngày.!)

Ý nghĩa đậm đà của món ăn Tết và vấn đề sức khoẻ

Chợt thấy chân lý sâu xa khó bỏ theo thói quen, là chuyện ăn uống tuy xấu xa tầm thường nhưng rất quan trọng và có ý nghĩa đậm đà trong ngày Tết nhất.

Miếng bánh chưng chay rất tốt cho sức khỏe nếu phải kiêng thịt, nhưng muốn đậm đà phải có miếng thịt mỡ đầy đặn nằm giữa, ăn chung với lạp xưởng hay miếng giò thủ cắn ngập răng, kèm theo vài miếng củ kiệu và dưa góp, nghĩa là đủ bộ các món đi kèm mà các bà mẹ nội trợ yêu quý đã sửa soạn từ cả tuần trước hay ít nhất ra mua ngoài hiệu.


Hoa đón Tết ở Florida

Nghĩa là sự hy sinh của các bà mẹ các chị không phải là thừa cho ý nghĩa hay kỷ niệm mà con cháu gìn giữ đem theo suốt đời..


Cây mai ngày Tết thời nay - ảnh của Phạm Thùy Thanh Thảo cho BBC

Tôi chợt có ý nghĩ vui vui là viết thêm vài dòng gọi là "phản bác" nữ tác giả nêu ở đầu một bài trên báo VN là "ăn Tết" là quan trọng nhất ngoài "chơi Tết" vẫn rất vui và cần thiết.

Người viết bài này tuổi gần gấp đôi nữ tác giả trên và là phái nam nên gói ghém trọn niềm ích kỷ của đàn ông Việt Nam, quen ngồi "chỉ tay năm ngón" việc nhà, hưởng hết sự hy sinh trong các việc nhà do bà mẹ, bà vợ, rồi đến con gái đã lo cho mình trong suốt cuộc đời.

Lòng chân thành nhận ra điều đó rồi, nên phải nói thật và nói tiếp là thấy ở tuổi này, đầu đã bạc phơ như tuyết, "chơi Tết" có thể thấy đầy đủ rồi, nhưng vẫn thèm thuồng "ăn Tết" cho đầy đủ! Theo nghĩa "ăn" thật tầm thường của nó!

Phản bác của tôi dựa vào ý nghĩa cả tinh thần và vật chất của những bữa cỗ, cách sửa soạn công phu và kỷ niệm mà tôi được mang theo suốt cuộc đời từ người mẹ yêu quý nay đã khuất.


Tác giả nhắc lại nền giáo dục nhân bản, khai phóng của VNCH

Nhớ lại Tết xưa của mẹ

Những ngày gần Tết, Mẹ tôi thường dậy sớm và cho tôi theo vào bếp từ 4-5 giờ sáng cùng với U già giúp việc, nấu những nồi măng bóng nấm truyền thống. Tôi được múc thìa nếm các thứ nước dùng vì không hiểu sao Mẹ lại tin "tài nếm" mặn nhạt của tôi ở tuổi 10-12. Nhớ nhất là lúc Mẹ cắt thỏi chả quế dài thành những miếng nhỏ hình con thoi, và tôi được nhặt những miếng thừa nhỏ bé để bỏ mồm cùng với nắm xôi vò màu vàng thay bữa sáng.

Nhất là thời đó vào những năm vàng son của nền đệ nhất Cộng hoà (1955-60), không khí thái bình thịnh trị khắp nơi còn rộn rã tiếng pháo mừng xuân, nước còn nghèo nhưng dân chúng đã tạm đủ ăn đủ mặc, gia đình tôi với lương công chức của Bố tôi cũng đầy đủ cho một cái Tết thịnh soạn cỗ bàn.

Vì vậy tôi vẫn còn thấy tha thiết những món ngon bày trên bàn thờ cúng giao thừa. Con gà luộc vàng ngậy còn nguyên đầu để cúng. Chiếc bánh chưng đầy đủ thịt mỡ bóc ra sẵn màu xanh ngắt của lá. Mấy đĩa giò thủ, chả quế, giò lụa cắt đẹp từng khoanh. Mấy bát nấu gồm măng cua, nấm Tây, bóng nấu thịt lợn, măng khô nấu chân giò. Chưa kể đĩa thịt bò xào dứa hay đĩa xào hạnh nhân gồm các thứ rau củ thái nhỏ hình khối vuông xào với lạc rang…

Bên cạnh bàn thờ cúng luôn khói hương nghi ngút, ăn Tết chưa đủ nếu trong phòng khách thiếu vài bàn đánh bất, tam cúc, hay bầu cua cá cọp đầy tiếng la hét của trẻ con và cả các cụ lớn tuổi cũng tham dự.

Khách gồm phần lớn là họ hàng hay bạn các anh tôi có thể đến bất cứ lúc nào, vào bếp lục miếng bánh chưng và nhai nhồm nhoàm miếng giò để ra tham dự đánh bài. Ôi cái không khí huyên náo đó cùng tiếng pháo ngoài sân và mùi hương trầm trong nhà quyện vào nhau thành "mùi Tết" sống mãi trong tâm tưởng tôi cho đến bây giờ. Rồi phải ngưng giữa chừng vì Mẹ tôi gọi ra ăn trưa hay ăn tồi, tôi tiếc rẻ phải cất những phong bao lì xì màu đỏ cho vào túi.


Một đôi nam nữ trên đường phố Sài Gòn. Phóng viên nước ngoài chú ý phụ nữ miền Nam khi đó thường mặc áo dài nhiều màu sắc cho các dịp quan trọng. Ảnh của Michael Ochs

Ba ngày Tết cứ tiếp tục ăn những món đó nấu sẵn nhiều trong những nồi to. Hôm mồng 3 hoá vàng là ngày bỏ hết các món còn thừa từ thịt gà, thịt heo hay bò đến các món nấu ở trên vào một nồi tả pí lù kiểu nồi lẩu bây giờ để ăn với cơm trắng. Nếu sợ ngấy, Mẹ tôi nấu thêm nồi "cháo cá ám" ăn với những thớ hành hoa cắt dài luộc chín ăn để "giải độc" các chất mỡ béo tích tụ trong 3 ngày vừa rồi?

Ngồi ôn lại kỷ niệm ăn uống này, tôi quyết định sẽ duyệt lại chương trình ăn Tết ở nhà tôi năm nay. Thay vì đơn giản chỉ các món chay đêm giao thừa, ngày mồng một Tết sẽ trở lại thêm vài món mặn cho đầy đủ hương vị.

Nhất là phải có góc bánh chưng với miếng thịt mỡ to, đi kèm tôm khô củ kiệu, và con gà luộc để lấy nước dùng nấu nồi măng cua, nấm nhồi thịt và miến gà. Như vậy tổng cộng trong ba ngày, cũng phải có đủ 3 bát đồ nấu và 4-5 đĩa món xào hay khô như cỗ Tết ngày nào của Mẹ tôi? Làm sao ai quên được những món ngon mà mẹ mình nấu ngày xưa?

Kỷ niệm chan hoà thân yêu của gia đình sẽ quay về cùng với những món ăn xưa. Những ngày miền Nam thanh bình êm đẹp của tuổi thơ ấu, trong khung cảnh " Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín" của nền giáo dục xã hội và gia đình thuở đó, bao tình cảm êm đẹp của người thân và bạn bè xưa.

Như những con đường Saigon xưa cũng đều đang hiện về trong ký ức, nhưng chỉ không biết hồn ở đâu bây giờ?

TS. PHẠM ĐỖ CHÍ

 


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025