Bài 2 - Cái Chết của Sử Gia Phạm Văn Sơn

Bài 2 - Cái Chết của Sử Gia Phạm Văn Sơn

 


Chúng tôi từ nhiều trại tập trung ở Hoàng Liên Sơn chuyển về, gồm đủ các thành phần “nặng ký” khác nhau, nói chung được CS ghép vào loại ác ôn như Tuyên úy, Tình báo ở trong các trại khắc nghiệt nhất tại miền Bắc, trong đó K1 được liệt vào loại dã man hàng đầu trên toàn quốc.

Tháng 10/1978, chúng tôi được di tản về trại tập trung quỷ tha ma bắt này trước khi Trung Quốc dạy cho CS Bắc Việt bài học lần thứ nhất (Xuân 1979), trong đó có Đại tá Phạm Văn Sơn, tác giả của bộ Quân sử thời VNCH cũng như nhiều sách sử có giá trị, trong đó cuốn Việt Sử Toàn Thư được nhiều người có học biết đến*.

Ban đầu, chúng tôi có thể chưa biết mặt nhau, nhưng CS thì rõ lý lịch từng người. Họ phân chia chúng tôi thành nhiều đội theo “tội trạng” để nhốt chung 1 nhà. Nói lên danh từ “nhà” như thế để gọi là cho đúng với danh xưng văn hóa mới XHCN, chứ thực ra đó là những phòng giam tập thể, chung quanh có 4 bức tường kiên cố, tại các cửa sổ thông hơi được cài chặt bằng những song sắt ngang dọc có đường kính chừng 18mm, bên trong 2 dãy dài có 2 tầng sạp, chứa khoảng 200 người, mỗi người có bề ngang để nằm là 4 tấc, tù nhân phải nằm nghiêng và trở đầu ngược nhau.

Lúc đầu thì anh Sơn cũng như các anh em khác ở chung trong đội lao động. Chừng nửa tháng sau, không hiểu tình hình thế nào mà anh cùng Cha Thịnh (Đại tá Giám đốc Nha Tuyên úy Công giáo), Mục sư Kỳ (Đại tá Giám đốc Nha Tuyên úy Tin lành) và 1 người khác nữa tôi quên tên bị đưa vào phòng “cách ly”. CS nói rằng để tránh “lây lan” cho các “cải tạo viên” khác. Mục sư Kỳ bị vàng da, Cha Thịnh bệnh trổ đồi mồi vùng môi và cằm, Đại tá Sơn cũng bi bịnh này nhưng nặng hơn (khắp cả tay chân mặt mày), bọn cai tù cho đây là bệnh “phong cùi”.

Theo tôi thì đó chỉ là lý do trong trăm ngàn lý do mà CS áp dụng nhằm ngăn cách những người nguy hiểm nhất trong tập thể anh em chúng tôi, vì sau khi gom 4 vị đó vào với nhau rồi, họ thấy việc làm quá trơ trẽn nên mới đưa thêm 1 Thiếu úy ngành Quân Báo còn trẻ, bị mụn nhọt làm thối ngón út của bàn chân trái, vào ở chung để lý giải danh xưng “bệnh cùi” cho hợp lý.

Phòng “cách ly” bây giờ gồm 5 người sinh hoạt chung với nhau, không được phép ra ngoài, đến giờ cơm nước, tù hình sự mang đến, không cho bất cứ tù chính trị nào lai vãng lại gần, mặc dù phòng cách ly này không phải là phòng kỷ luật (Phòng kỷ luật là 1 cái hầm nổi, xây gạch kiên cố, chật hẹp, chứa tối đa 2 người, thiếu ánh sáng, có hệ thống cùm chân bằng các khoan sắt hình móng ngựa).

Điều rõ ràng nhất mà anh em chúng tôi biết được là CS không thể để các vị lãnh đạo tinh thần này sống đời tù bình thường, hoà nhịp vào cùng anh em khác, mà dứt khoát cần phải tách biệt ra. Do đó, ngành Tâm lý chiến của VNCH cũng đã làm cho CS hoảng sợ, nhất là vấn đề tác động tinh thần trong các anh em trong tù. Đại tá Phạm Văn Sơn là tác giả của 1 bộ quân sử, ông có trình độ hiểu biết cao về lịch sử, 1 bộ môn mà CS cho là quan trọng vào bậc nhất của bất cứ thời đại chính trị nàọ Sau này khi ra khỏi tù, tôi có đọc những sách sử do Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng viết, họ đánh giá rất cao về công trình nghiên cứu bộ Quân sử thời VNCH.

Ngày 2 buổi, trong khi anh em chúng tôi làm kiếp lao động khổ sai, thì trong phòng “cách ly”, 4 vị “bự” này phải viết kiểm điểm, nhất là Đại tá Phạm Văn Sơn, ông phải trả lời hết mọi câu hỏi mà CS (cán bộ trung ương từ Hà Nội về làm việc) đặt ra, gọi là lấy khẩu cung, nhưng thực chất họ có dụng ý muốn tìm hiểu nhằm học hỏi thêm.

Thường thường cứ mỗi 3 tháng có chừng vài ba ngày học tập gọi là “bồi dưỡng chính trị” là anh em chúng tôi đã thầm nói với nhau : “Lại phét nữa rồi”. Tôi nhớ rõ, mỗi lần “được” lên giảng đường để nghe “cán bộ bồi dưỡng chính trị” là mỗi lần chúng tôi thấy khoẻ hơn, vì khỏi lên rừng, ra rẫy, xuống ruộng để phá nương, đào hốc sắn, thay trâu kéo cày bừa… Và còn vui hơn nữa là được phát biểu cảm nghĩ về nội dung bài học. Chính những lúc phát biểu như thế này, chúng tôi mới có dịp biết được sự thiếu hiểu biết của họ.

Trong anh em chúng tôi, có người vì muốn xong chuyện qua loa cho xong nên khi được phát biểu đã làm đúng như sách vở, nghĩa là làm đúng theo nội quy thứ tự :

– Xác định tư tưởng (đứng về phía cách mạng, an tâm tin tưởng vào đường lối chính sách, v.v…).

– Học tập tốt, lao động tốt, phấn đấu đạt chỉ tiêu từng ngày từng giờ.

– Chấp hành nội quy không bao giờ sai phạm mặc dầu chỉ là 1 lỗi nhỏ.

– Chuyển biến : đã làm được những gì trong học tập cải tạo vừa qua, phát huy những mặt tốt, khắc phục và luôn luôn phấn đấu vượt qua những tồn tại, biết kiểm điểm bản thân mình và bạn cùng nhau giúp đỡ cải tốt…

Cũng có những anh em chúng ta chơi trội hơn trong mô hình trên trong mục liên hệ bản thân, mục đích duy nhất là vạch trần sự thiếu hiểu biết của cấp cán bộ giảng dạy chính trị CS bằng cách đặt ra những chuyện nghe thật hấp dẫn của thời VNCH, như trường hợp bạn Phan Lạc Phúc (tức Ký giả Lô Răng; hiện ở Úc) phát biểu trong buổi học tập 8 điều áp dụng cho “tù hàng binh” :”Tôi có đọc 1 bài bình luận ở báo chí phương Tây hồi trước giải phóng, thì việc chia nhau quyền lãnh đạo thời “Mỹ – Ngụy” có thể phân chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn Chí Sĩ lãnh đạo, giai đoạn Tướng Sĩ và giai đoạn cuối là giai đoạn Tiến Sĩ…”. 1 sự ngạc nhiên cho toàn hội trường, phe ta thì biết ngay anh chàng đang dùng đường quyền “duy vật sử quan” để “logic” cách phịa chuyện của mình. Riêng các tên cán bộ CS há hốc mồm nhìn bạn Phúc gật đầu. Tối hôm đó, bạn Phúc ta 1 phen hết hồn vì có bọn mũ cối đến hỏi thăm, Phúc đổi sợ thành vui, háy mắt với anh em.

1 chuyện khác nữa, là chuyện của bạn Nguyễn Văn Diệp, khi 1 tên CS cố hỏi anh em về triết học Mác, đó là từ “tiếp thu” đến “nhận thức chuyển biến tốt” phải có yếu tố gì làm cầu nối? Diệp trả lời rất tỉnh : Thưa cán bộ đó là “tình cảm”. Tên CS này khen rối rít vì anh ta không ngờ trình độ của sĩ quan “ngụy” lại cao đến thế, nhưng anh có biết đâu về cách chơi chữ “tình cảm” của anh Diệp. Trái ngược lại, đối với Đại tá Phạm Văn Sơn, anh không bao giờ được phát biểu bất cứ 1 điều gì để cho mọi ngươi cùng nghe, có chăng chỉ xảy ra riêng tư cho 1 tên CS làm nhiệm vụ mà thôi.

Cuộc sống của 5 người cùng phòng cách ly vẫn ngày tháng trôi đều, cơm 9kg 1 tháng, chia làm 2 bữa cho 1 ngày. Trên thực tế, tiêu chuẩn 9kg đã không đảm bảo, mà lại còn có phải gạo đâu, chỉ toàn sắn khô và bobo, tuổi già mà nhắm mắt nuốt nó thì sẽ bị rách cuống cổ ngay, chưa nói khi chúng rớt vào dạ dày sẽ bị thủng…

Trưa, tối, bọn hình sự đem cơm tới, mỗi sáng thì ghé xem bên trong có ai bị việc gì không, tiện thể lấy phân để đem nó ra bón rau cải cho khu lao động, thỉnh thoảng năm ba ngày tên cán bộ trực trại mở cửa cho ra đi tắm hay thấy ánh sáng 1 vài giờ, rồi lại tiếp tục vào chuồng. Cha Thịnh, Mục sư Kỳ thì trầm ngâm hơn, lâu lâu thở dài cho đoạn ngày tháng ngục tù, riêng Đại Tá Sơn thì viết liên tục, những bài viết của ông được bọn CS cất giữ kỹ, không một ai được xem, ngay cả những người cùng buồng.

Mấy tháng trôi qua, 1 hôm cán bộ CS phát hiện trong bài viết về lịch sử, khi so sánh 2 chế độ “tù” thời VNCH và thời XHCN, họ cho đó là 1 việc làm “đại phản động hay cực kỳ phản động”. Do đó, Ban Giám thị trại Tân Lập “đặc biệt chiếu cố” cho anh Sơn vào ngay hầm biệt giam tại K1. Tất cả anh em chúng tôi khi vi phạm điều gì đều bị gọi tên ra trước sân có anh em cùng tù chứng kiến, sau đó mới đem giam vào phòng kỷ luật. Riêng trường hợp anh Sơn thì quá đặc biệt, ngay cả Cha Thịnh và Mục sư Kỳ cũng không biết nốt. 2 ông khi gặp tôi chỉ nói rằng : Họ chuyển ảnh đi đâu mất rồi, vì có đem theo hết tất cả đồ dùng cá nhân. Chính như ngay tôi lúc đầu cũng không thể biết, mặc dầu tôi được thay mặt anh em làm trong “ban thi đua” phía bên tù chính trị. Lúc đầu thi đua chỉ gồm toàn tù hình sự, họ đa số phạm những tội như cướp bóc, giết người. Mọi sự đối xử của họ đối với chúng tôi mang tính dã man, vô học, gây nhiều phẫn nộ, nên gần 7 tháng sau, K1 Tân Lập mới cho chỉ có 2 người được lên lo việc cho phía tù chính trị, nhưng trưởng ban thi đua vẫn là tên Nhàn “đâm thuê, chém mướn, lừa đảo, cờ bạc”. Tên này biết rõ mọi việc của Đại tá Phạm Văn Sơn, vì lỡ lầm rỉ hơi nên cá nhân tôi mới biết được.

Đại tá Sơn từ khi bị biệt giam không chịu ăn uống. Chừng 4 ngày sau, tôi giả bộ đi ngang qua khu cấm này gọi là coi xem có vấn đề gì cho an ninh trại hay không (tôi có báo cho tên cán bộ trực trại biết; tên này còn nói : anh phải cẩn thận chứ “tên Sơn” khá nguy hiểm đấy nhé), cũng từ câu nói của tên này, tôi mới xác quyết rằng Đại tá Phạm Văn Sơn đang bị kỷ luật. Tôi dần dà cứ như bộ quan sát phía bên ngoài các phòng kỷ luật, nhất là ở các lỗ có song sắt và lấy tay giật giật thử có còn chắc hay không, cái nào bị mục cần thay để có cớ báo lại cho tên trực trại, hoặc tình hình có ai “quan hệ” với những người bị kỷ luật (đa số là bọn hình sự) hay không.

Nhìn quanh không thấy ai, tôi nói nhẹ vọng vào :

– Anh Sơn, em là Q. đây, anh khoẻ không? Đói lắm không? Em vứt vào nửa cái bánh bột nhé!

1 giọng thật yếu nhỏ vọng ra :

– Q. đó hả? (Sở dĩ anh Sơn, Cha Thịnh, Mục sư Kỳ biết tôi vì hồi họ chung sống tại khu cách ly, tôi là người hay đến nói chuyện, lại nữa âm thanh lời nói của tôi cũng dễ nhận, nên bên trong dầu không thấy người cũng an tâm vì “không thể trao thân lầm tướng cướp”). Tôi không cần gì cả, đừng vứt vào, bọn chúng đến kiểm soát thì chết cả lũ, ráng phải lo giúp các bạn khác nữa… Hôm nay đã 4 ngày tôi nhịn ăn rồi, ít hôm nữa thì anh sẽ rõ những việc tôi làm, anh mau đi khỏi đây đi, và từ nãy giờ coi như anh chưa lại chỗ tôi, và cũng đừng nói với ai là tôi đang ở đây, nếu lỡ việc ra thì anh sẽ bị nguy, mà ngay chính tôi cũng không thể thực hiện ý nguyện của mình”.

Tôi rón rén bước về phía các phòng giam khác để gọi là đi kiểm soát tổng quát… Sau giờ xuất trại đi lao động chiều hôm ấy (Trại đang cho các đội thi đua nhau đào hốc trồng sắn), 1 tên tù hình sự đến nói với tôi :”Chú à, cháu đề xuất với chú chuyện này khó khăn thật đấy, nếu vỡ ra thì cháu chết ngay, nhưng nếu không nói thì không được”. Tôi bảo ngay :”Mầy lại lèn èn chuyện gì đây, linh tinh nữa phải không? Nhanh lên kẻo đến giờ tao phải phát dầu cho các buồng rồi đây!”. Tên hình sự ngập ngừng :”Vâng ạ, vâng ạ! Chú Sơn bảo chú cho chú ấy xin tờ giấy trắng, còn cháu thì có cây bút chì đây để chú ấy viết cái gì ấy mà…”. Tôi như điếc cả 2 lỗ tai, không biết nghe có lầm không, nếu nó gài mình thì ngày mai lại phải vào cùm, nếu nó thật lòng thì mình phải làm sao đây? Tôi giả vờ nạt nộ một hồi, xong nói tiếp :”Mầy ở đây coi văn phòng giúp tao 1 tí nhé, đừng cho giấy tờ trên bàn gió bay lộn xộn, và không cho bất cứ ai sờ vào món gì cả nghe chưa? Tao phải xuống bệnh xá một tí là về ngay đấy”. Nói xong tôi đi thật vội, không dám nhìn lại cho đến khi phải trở về lấy dùi trống đánh lên 3 tiếng gọi các “trực sinh” (danh xưng dùng cho những tù nhân lo việc vệ sinh, cơm nước cho anh em tù khác ra lao động) của các phòng đến nhận dầu về thắp trong đêm, chủ yếu để có lửa hút thuốc lào…

Và trong đêm, ánh sáng leo lét của ngọn đèn tuy làm bằng vỏ chai cưa cổ, nhưng cũng giúp được nhiều việc như rủi có 1 anh em nào đau nặng, cần cấp cứu là phải hô to :”Báo cáo cán bộ phòng X có người đau nặng, cần cấp cứu”. Hô to lên như vậy nhiều lần cho tới khi các tên cán bộ vào mở cửa thì anh em mới có thể thấy đường để khiêng người bệnh lên trạm xá. Nếu bệnh quá nặng thì để lại tại trạm, nếu bệnh nhẹ hơn thì sẽ nhận 2 viên “xuyên tâm liên” và phải khiêng trả lại phòng giam ngay. Nói là “trạm xá” cho oai thôi, chứ thật ra cũng vẫn là 1 phòng giam bị khóa cửa cẩn thận như mọi phòng giam tù khác. Có nhiều anh em tù chính trị được cấp cứu trong những đêm như vậy, sáng hôm sau đã phải vĩnh vin ra đi, có khi ngay tại trạm xá, đôi khi ngay tại phòng giam chung. Nói chung, tù chính trị chết nhiều hơn tù hình sự. Gần 2 năm bị giam tại trại Tân Lập, tôi chưa gặp 1 trường hợp nào tù hình sự bị mạng vong cả.

2 ngày sau, tên cán bộ trực trại gọi tên Nhàn thi đua đưa 2 tù hình sự khoẻ mạnh khiêng anh Sơn xuống trạm xá (lúc đó 8g tối, các tù nhân khác đã vào chỗ ngủ). Màn đêm phủ xuống, 2g sáng hôm sau, Đại tá Sơn vĩnh biệt cõi trần. Cũng đêm hôm ấy, bọn thi đua hình sự phải thức suốt đêm để mang xác anh đến “nhà vĩnh biệt”, 1 cái chòi vách tô bằng đất sét nhồi với rạ do chính anh em tù chúng tôi dựng lên phía Tây đằng sau nhà giam của chính mình.

Những bộ quần áo tù rách nát, vá víu chằng chịt được khoác thêm vào người anh Sơn để gọi là tạm ấm khi phải trở về lòng đất lạnh. 8g tối hôm sau, chiếc hòm bằng cây “vông đồng” sần sùi, tồi tàn đựng xác anh trong đó, được đặt trên xe “cải tiến”, 1 loại xe do 1 người kéo, 2 người đẩy, có nơi còn gọi là xe “cộ” (hình thức giống hệt như chiếc xe dùng cho trâu, bò kéo nhưng nhỏ hơn), do 4 tên tù hình sự kéo đẩy đi. Họ chôn anh Sơn cạnh bên kia bờ suối nhỏ, phía bên này là 1 rừng sắn đang tươi tốt cao ngang lưng người, thành quả lao lao động bằng máu và mồ hôi trong những ngày khổ sai của số người còn sống sót lại…

Tin về cái chết của Đại tá – sử gia Phạm Văn Sơn được giữ kín. Điều này chứng tỏ đã không có sự bình thường như mọi lần trước khi có 1 trong những anh em chúng tôi ra đi.

Chôn cất xong, anh Sơn nằm xuống yên lặng như thế, nhưng mọi việc còn lại gây nhiều chấn động không phải chỉ trong anh em tù với nhau mà ngược lại có sự bàn tán lớn, thể hiện ngay trong nội bộ của bọn chỉ huy trại Tân Lập (K1). Trưởng trại tên Thùy, Thiếu tá công an, phải tức tốc đến K1 tìm hiểu sự việc. Việc xầm xì với nhau giữa các tên CS trực trại, giáo dục, hàng quản giáo, an ninh, được những tù hình sự phục dịch nghe về thuật lại; thêm về phía tù nhân có tên Nhàn, Trưởng ban thi đua, cũng góp ý vào với đám CS mong tìm ra biện pháp đối phó với nhóm tù chính trị chúng tôi. Nội dung vấn đề giải quyết là bức thư viết bằng bút chì trên 1 trang giấy “tự túc” (giấy màu vàng ố do tên hình sự tự ý lấy tại phòng thi đua mà tôi nói trong trường hợp nêu trên; dĩ nhiên việc này chỉ có tôi và tên tù hình sự ấy biết mà thôi, nhưng bảo tôi là người cung cấp giấy thì không thể có bằng chứng được).

Sau biến cố này, bộ mặt sinh hoạt tù khác hẳn, kỷ luật nghiêm nhặt hơn. Về phía ban thi đua được tăng cường thêm 2 người tù chính trị làm trật tự, các đội trưởng phải chịu trách nhiệm hết mọi hành vi của đội viên mình trong mọi nhất cử nhất động; ăn uống thì rõ ràng hơn (vì trước đó tên cán bộ lo về phần bếp núc của anh em tù, đã trừ quá nhiều vào sự hao hụt bằng cách tính toán lương thực thực phẩm hàng tháng! Tên này đã bị thay thế bằng 1 tên khác).

Bên ngoài tuy phải áp dụng hình thức lao động khổ sai như cũ, nhưng bên trong bọn CS đã ngầm bảo nhau cần nhẹ tay hơn. Trước đó, việc nấu nướng riêng tư không cho phép, nay thì có lệnh mỗi tù nhân vào sáng Chủ nhật có thể xuống bếp trại để hâm lại những thức ăn riêng, nhưng trong đội phải biết chia nhau giờ giấc tránh gây ồn ào xáo trộn.

Mọi sự thay đổi này, chính tôi đã nhận thấy và biết được ngay “trong lòng địch” nhờ vào sự ra đi vĩnh viễn của anh Sơn.

Anh Sơn vào nhà kỷ luật vì viết bài so sánh 2 chế độ tù!

Anh Sơn tuyệt thực trong nhà kỷ luật và chịu chết; 1 việc làm can đảm đâu khác gì anh hùng Nguyễn Tri Phương xưa : Thà nhịn đói chịu đau mà chết chứ không bao giờ khuất phục giặc Pháp. Với 1 lá thư gởi cho Đảng và Nhà nước XHCN nhờ trại Tân Lập chuyển, nội dung hoàn toàn được bọn CS giữ bí mật, nhưng tên Nhàn lỡ lời vì bị sập vào bẫy moi tin do tôi gài. Phương pháp này chính bản thân tôi đã học được khi còn là người mới vào nghề. Với thời gian 17-18 năm trôi qua, tôi chỉ nhớ đại khái : “Xin các ông hãy xem xét lại cách đối xử với chúng tôi, những hình thức dã man như vừa qua hoàn toàn không có lợi mà ngược lại rồi đây trong lịch sử phải ghi thêm vào đấy vết ô nhục mãi ngàn đời sau cho dân tộc VN…” (Thực ra câu này, tôi chỉ viết dựa theo ý chính của tên Nhàn, còn nguyên văn thì không cách nào với khả năng cá nhân tôi có thể xem được).

Anh Sơn đã chấp nhận cái chết để cho anh em chúng tôi sống sót. Đây là điều đã được chứng minh quá rõ ràng ngay trong những ngày sau đó…

Viết bài này với ước mong có thể thay mặt cho các anh em cùng sống chung với Đại tá – sử gia Phạm Văn Sơn tại trại K1 Tân Lập, xin được thắp nén nhang vái linh hồn ông được siêu thoát.

1/5/97

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180