Chuyện các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hải ngoại và chuyện Mộ Dung Phục ...

Chuyện các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hải ngoại
và chuyện Mộ Dung Phục của truyện kiếm hiệp Kim Dung

Sau bốn mươi bảy năm mất nước về tay VC, cứ lâu lâu người Việt tỵ nạn cộng sản lại nghe “tuyên ngôn” của ông Tổng Thống Lâm Thời này đến “tuyên cáo” của ông Thủ Tướng Pháp Định nọ. Có những ông cựu Tướng QLVNCH đòi “Chính Phủ VNCH trở lại”. Đòi cho tới chết mà “Chính Phủ VNCH cũng không chịu trở lại – như các ông cố Thiếu Tướng Lý Tòng Bá, Nguyễn Văn Chức. Có ông đòi “Chính Phủ VNCH trở lại” – như cố“Tổng Thống Bể Dâu” Nguyễn Ngọc Bích đã phải “băng hà” vì bị nhồi máu cơ tim khi đang trên phi cơ đi Phi Luật Tân... “công cán”. Có ông tuyên bố mướn Boeing 707 chở Chính Phủ Việt Nam Tự Do về Hà Nội nhận bàn giao chính phủ từ tay Nông Đức Mạnh. Chuyện không thành, ông cựu Trung Tá Không Quân Trần Như Huỳnh tức “chí sĩ” Chu Tấn bèn trở thành “Thủ Tướng Tâm Thần” hưởng lương từ Toà Bạch Ốc.
Bài viết này không dám bàn về các Tổng Thống, Thủ Tướng loại này vì sợ mấy “ông kẹ” mắng mỏ: “Không dám làm, hãy xê ra cho người ta cứu nước”. Bài viết này chỉ xin bàn về chuyện phục quốc của Mộ Dung Phục, một nhân vật trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung.
Nhà-văn-cao-lớn Kim Dung là người đã đưa tiểu thuyết võ hiệp lên tuyệt đỉnh vinh quang. Những truyện của tiên sinh viết thích hợp cho nhiều lứa tuổi, cho mọi trình độ. Những bộ truyện của ông đã “ngự trị” chẳng những ở Hồng Kông mà còn ngự trị ở cả Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hoà và ngay cả khi Việt Cộng tấn chiếm miền Nam. Và ngay cả bây giờ, sau ba mươi bốn năm mất nước, một số người Việt lưu vong vẫn còn tiếp tục say mê truyện của tiên sinh. Bằng chứng là những bộ truyện của ông đã được in lại, bày bán và cho mướn khắp nơi. Và những “phim bộ” được thực hiện từ các truyện của ông đã ngự trị ở các gia đình người Việt lưu vong. Những tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung còn có chỗ đứng trong cả những trại tù tập trung tù binh của Việt Cộng mà bọn chúng dùng mỹ từ là “trại cải tạo”. Trong các trại tù, những người kể chuyện rất được thính giả tù ái mộ và “phục vụ” chè lá tận tình.
Với những Võ Lâm Tuyệt Địa, Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu đến Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký... với những nhân vật Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Trương Vô Kỵ, Triệu Minh... Riêng hai nhân vật này, nghe nói có thời cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ tự ví mình và vợ là bà Đặng Tuyết Mai bằng cách viết hai tên lên một chiếc phi cơ. Chắc hẳn ý ông Tướng cho tới lúc chết mà Anh xin được kẽ chơn mày cho em! (thơ NTN)
Tội nghiệp! Vật đổi, sao dời, sau ba mươi bốn năm qua Mẽo, ông Tướng-Vô-Kỵ tự nguyện trở thành Sử Bang chúa cái bang... “dỏm” nên đã không còn kẽ chơn mày (đã bạc) cho Triệu Minh về già !
Một điều lạ là những nhân vật truyện của Kim Dung lại được nhiều người viết phiếm chọn làm bút hiệu. Như nhà văn, nhà báo quá cố Chu Tử đã chọn cho mình bút hiệu Kha Trấn Ác, một nhân vật trong Giang Nam Thất Hiệp; nhà văn Lê Tất Điều chọn bút hiệu Kiều Phong; có người lại ký Đoàn Dự, Hư Trúc; người thì Hồng Thất Công; kẻ thì Hoàng Đông Tà v.v... Riêng Lệnh Hồ thì tên đầy đủ là Lệnh Hồ Xung là đại đệ tử của Nhạc Bất Quần phái Hoa Sơn, nhân vật chính của bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ, khi bị đuồi ra khỏi môn phái đã bắt chước nhà thơ Nguyễn Bính mà than rằng:
    Hỡi ơi! Trời đất mênh mông quá
    Ta biết tìm đâu một mái nhà?!
Nói về nhân vật truyện của Kim Dung thì anh hùng cũng lắm, liệt nữ cũng nhiều, đủ thứ lục cốc đào tiên, giang nam thất hiệp, tà phái, chính phái thôi thì tùm lum tà la, chẳng dễ dấu gì phân biệt khi không coi cho tới cuối truyện.
Nhân vật chính mà người viết đề cập trong bài viết này là Mộ Dung Phục trong bộ Thiên Long Bát Bộ. Mở đầu phim bộ được sản xuất tại Hồng Kông, bán ở Mẽo cho Việt tỵ nạn coi, bắt đầu với cảnh nàng Vương Ngọc Yến, người đẹp tuyệt trần, tinh thông tất cả lý thuyết võ thuật của các môn phái và cách hóa giải, vừa xõa tóc dạo đàn vừa hát rằng: “Suốt đời vì anh
Sống chết vì anh.”
Tưởng rằng tình lang Mộ Dung Phục ngợi khen, chẳng ngờ người-khổng-tử họ Mộ Dung này bèn hỏi nàng rằng:
“Sao nàng không sửa lời hát thành:
    Suốt đời vì quê hương
    Sống chết vì quê hương?”
Chàng là một nhân vật sáng giá: “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung”. Là con của Mộ Dung Bác, người rút vào bóng tối tạo ra biến cố ở Nhạn Môn Quan hại gia đình Kiều Phong, gây biến động chính trị để Mộ Dung Phục, chàng thanh niên văn võ toàn tài , sách lược mưu mô cùng mình nhận lãnh trách nhiệm ngoài ánh sáng, có thời cơ khôi phục nước Đại Yên.
Như trên đã nói, người yêu Mộ Dung Phục là nàng Vương Ngọc Yến. Thái Sơn lục bát Nguyễn Du đã dùng thể tỉ giảo để so sánh sắc đẹp giữa Thúy Vân và Thúy Kiều. Kim Dung không làm vậy, ông đã dùng cái cách diễn tả sắc đẹp của người tài nữ bằng cách đề cao một tì nữ của Mộ Dung Phục là A Châu, người mà Kiều Phong, anh hùng phương Bắc yêu thương. Thế nhưng chàng trai Mộ Dung đã coi người yêu “hề như hơi rượu cay”.
Chàng say mê phục quốc hơn say mê nhan sắc người tình. Chàng Mộ Dung Phục mưu lược hơn người đã nhờ nàng Vương Ngọc Yến chép lại các bí kíp thất truyền của các môn phái để trao lại cho các truyền nhân của các môn phái để tạo ơn với họ, với dụng ý sau này sẽ nhờ thế lực của các môn phái trong mưu đồ phục quốc. Được các môn phái cám ơn, chàng làm bộ nhún nhường: “You are welcome!” và khi đại diện các môn phái ngỏ lời xin phò tá nếu chàng có việc cần đến họ, chàng đã biết nói những điều đại nghĩa để lấy lòng tin yêu của họ. Chàng đã có mưu giải thoát những người đang bị kềm chế để tạo uy tín và để thu phục họ nhằm phát triển lực lượng phục quốc của chàng như việc tấn công Thiên Sơn Đồng Mỗ. Chàng đã tổ chức được lực lượng cảm tử quân phục quốc và yểm trợ đảo chánh nước Liêu, với ý đồ nếu phe đảo chánh thành công chàng sẽ dễ dàng mượn binh lực của họ để phục quốc vì đã có đại ân với họ; không may cho chàng, việc đảo chánh gần thành công thì Kiều Phong lại xuất hiện phá vỡ. Chàng không nản chí, tiếp tục tìm mưu lược khác, đã cầu hôn với công chúa Tây Hạ, sẵn sàng lấy một người cực xấu miễn sao chàng có vị trí để mượn binh lực Tây Hạ khôi phục lại Đại Yên. Nếu chẳng có anh chàng nhà sư Hư Trúc, người mê chuyện tu hành mà lại bị Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt phải ngã mặn và ân ái với nàng Mộng Cô trong hầm nước đá thì chắc chắn với tư phong và tài trí của chàng, Mộ Dung Phục đã trở thành phò mã. Và giấc mộng “phục quốc” đã trở thành sự thực là cái chắc. Nhưng mộng ước lại tan tành theo bọt nước vì “hay không bằng hên”. Sau cùng, chàng cũng vì “đại nghĩa phục quốc” muối mặt xin làm con một tên ác nhất đời là Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh với hy vọng tên này nếu làm vua nước Đại Lý thì chàng sẽ là thái tử có thể dùng binh lực Đại Lý khôi phục nước Đại Yên, tổ quốc dòng họ Tiên Ti. Bất đồng quan điểm “bất chấp thủ đoạn nhục nhã miễn sao phục quốc” của chàng, Bao Bất Đồng đã phản đối, chàng vì cảm thấy đây là cơ hội cuối cùng để phục quốc, trước mặt Đoàn Diên Khánh, Bao Bất Đồng thiếu tế nhị có thể tiết lộ cơ mưu của mình nên đã đành lòng giết người thủ túc tài ba trung thành và thân tín nhất. Nhưng rốt cuộc, giấc mộng “quang phục quê hương” cũng không thành vì anh chàng mê gái Đoàn Dự. Được biết Đoàn Dự là con ruột của mình, Đoàn Diên Khánh bèn cóc có thèm làm vua nữa. Thế là giấc mộng quang phục quê hương của Mộ Dung Phục lại “nửa đường gãy gánh...”
Bốn mươi bốn năm mất nước, biết bao Mộ Dung Phục đã lên đường. Thật cũng nhiều mà dỏm cũng lắm! Lửa tin yêu ở người Việt hải ngoại ngày một hao mòn như tuyết giá trước ngọn tây phong. Hao mòn vì áo cơm, tiền gạo xứ người. Hao mòn vì những Mộ Dung Phục... dỏm, những trí thức cục phân, những kẻ đón gió trở cờ, những kẻ bất tài vô tướng chẳng ra gì cứ đòi làm... lãnh tụ, những kẻ cứ hoài vọng một thời vàng son đã mất mà chẳng hề biết rằng mình đã lạc hậu lỗi thời, đã bị trào lưu tiến hóa sa thải như một thứ cặn bã không thương tiếc. Cộng với lớp chính trị gia già nua lỗi thời lại sản sinh một lớp mới ở cánh đồng lầy chính trị hải ngoại. Những con cá sấu lưu vong thỉnh thoảng lại nhỏ những giọt nước mắt yêu nước, thương nòi, lại giở những trò đón gió trở cờ, lại mưu đồ những trò ma-nớp. Những anh thư lại ngày cũ lại áo cồn, cà vạt lúp xúp chạy vào phủ Toàn Quyền ở DC, lại hô hoán lên là đã được Mẽo bật đèn xanh, đèn đỏ.
Mặc những giọt nước mắt của những con cá sấu lưu vong rơi, mặc cho những kẻ đón gió trở cờ phất cờ, cuộc đời của người Việt tỵ nạn vẫn tiếp tục trôi theo dòng đời. Những xoay chiều 180 độ của một vài tổ chức chính trị có thực lực đã làm những kẻ có lòng phải suy nghĩ. Có câu hỏi được đặt ra: “Chúng ta phục quốc hay phục quyền?” Ai trong chúng ta là kẻ sĩ có tài năng mưu lược ngang với Mộ Dung Phục, người đã có đủ mưu mô, tài trí đã “nuôi dũng sĩ, dưỡng mưu thần”, và đã dám gạt bỏ nữ sắc để dốc lòng phục quốc?
Bỏ ra ngoài những con cá sấu lưu vong già nua, lạc hậu lỗi thời nuối tiếc một thời vàng son cũ. Bỏ ra ngoài những chính trị gia sản xuất từ đồng lầy chính trị hải ngoại.
Bỏ ra ngoài những kẻ đón gió trở cờ, khi quốc biến cong lưng hạy trước, [rồi lại] mọp lưng, co giò phóng tới khi kẻ thù ngày cũ ném cho mấy cục xương.
Xin hãy đề cập tới những Mộ Dung Phục thật có đầy đủ thực tài, mưu lược, dám gạt bỏ tình riêng để thực hiện hoài bão lấy lại quê hương đã mất, Xin quý vị hãy học bài học Mộ Dung công tử. Theo tôi, Mộ Dung Phục đã sai lầm từ căn bản khi nhận Đệ Nhất Ác Đoàn Diên Khánh làm cha để mong trở thành thái tử và đã giết chết người dũng sĩ thân tín của mình là Bao Bất Đồng để bịt miệng vì sợ âm mưu bị bại lộ. Khởi đi từ căn bản sai “bất chấp thủ đoạn” thì kết quả chắc chắn sẽ không ra gì.
Hình ảnh cuối cùng của bộ phim Thiên Long Bát Bộ là hình ảnh của anh chàng Mộ Dung Phục thiểu não, mặc áo hoàng bào, ngồi ở nghĩa điạ Tàu phát kẹo để đám trẻ mục đồng tung hô: Hoàng Đế Đại Yên vạn tuế!”



Buồn cười nhất là ở hải ngoại có vài Mộ Dung Phục... dỏm, lại chẳng có kẹo để phát, nhưng lại được một số “mục đồng già” là những ông cựu Tướng ngày cũ sì sụp tung hô vạn tuế!

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178