Phản bác một bài viết ca ngợi Trịnh Công Sơn

Phản bác một bài viết ca ngợi Trịnh Công Sơn *
Trịnh Công Sơn hợp lực với Việt Cộng xử tử dân lành vô tội như trong tấm hình nầy sau 1975 

Nguyễn Thị Bé Bảy

(Cựu Nữ Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy phản bác khi ô. Bùi Bảo Trúc viết bài xưng tụng Trịnh Công Sơn vào năm 2001)

Kính thưa quý vị,
Tên Trịnh Công Sơn chết cách đây 21 năm, được Việt Cộng đặt tên đường, hàng năm tổ chức ca hát tưởng niệm ở trong nước, ngay cả ở hải ngoại cũng có những người hâm mộ khóc thương…
Và trong những ngày gần đây, xác chết của Trịnh Công Sơn lại được đào lên, được dựng dậy bằng phim "Em & Trịnh", với chiến dịch quảng cáo rầm rộ, trong đó có chương trình Khánh Ly trình diễn "nhạc Trịnh" tại Việt Nam.
Vậy, nhân cơ hội này, tôi cũng xin đăng lại những bài viết về Trịnh Công Sơn năm 2001, phản bác những bài viết ca ngợi Trinh Công Sơn của ông Ký Mục Gia Bùi Bảo Trúc, một người rất nổi tiếng, thiết tưởng tôi không cần phải nói thêm.
Tôi cũng xin được nói rõ một điều, là những bài phản bác của tôi viết vào lúc ông Bùi Bảo Trúc hãy còn sống và rất khoẻ mạnhông ấy đã đọc hết nhưng rất tiếc không có phản ứng nào. Nay, cũng vì việc chẳng đặng đừng, tôi mới đăng lại những bài phản bác của tôi, kính mong hương hồn ông Bùi Bảo Trúc thông cảm.
Trân trọng,
Nguyễn Thị Bé Bảy
ký tên "Bà BB" trong loạt bài phản bác ông Bùi Bảo Trúc
-----
Kính mời quý vị đọc bài thứ nhất:
Chúng Ta Mãi Mãi Nhớ Ông, Biết Ơn Ông (Trịnh Công Sơn) ???
Hoa Thịnh Đốn Việt Báo số 817, ngày Thứ Sáu 20 tháng tư năm 2001, có đăng một loạt sáu bài của ông Bùi Bảo Trúc viết về Trịnh Công Sơn.
Đoạn kết của bài cuối cùng: Trịnh Công Sơn, Như Một Lời Chia Tay, cũng là kết luận của loạt bài về Trịnh Công Sơn, ông Bùi Bảo Trúc viết như sau:
Trịnh Công Sơn đã về với cát bụi, giã từ nơi ông ở trọ. Ông biết trước chuyến đi về nơi vĩnh hằng. Nhưng ông cũng sẽ còn ở lại với chúng ta mãi mãi. Chúng ta mãi mãi nhớ ông, biết ơn ông, biết ơn ông đã nói hộ chúng ta những điều khó nói nhất, biết ơn ông đã vỗ về an ủi cuộc đời chúng ta trong những lúc hân hoan hạnh phúc cũng như những lúc sầu thảm bất hạnh.
Ba trăm năm nữa sẽ còn người hát và nghe những gì ông để lại.
Đó là món quà âm nhạc ông để lại. Đó là một món quà mà thỉnh thoảng lắm, có khi là vài trăm năm Việt Nam mới được một món quà quí giá như thế.
Cám ơn Trịnh Công Sơn.
*****
Tôi không có gì phải phàn nàn, phải thắc mắc khi ông Bùi Bảo Trúc cám ơn Trịnh Công Sơn một cách trịnh trọng, ca tụng Trịnh Công Sơn hết lời, mặc áo thụng vái lạy Trịnh Công Sơn hết mình (nhất- bộ- vạn- bái ??) và cuối cùng là biết ơn Trịnh Công Sơn mãi mãi.
Tôi không được phép phàn nàn thắc mắc, bởi vì đó là quyền của ông, là ý kiến cá nhân của ông, và là việc làm của ông mà tôi không có quyền xen vào và cũng không bao giờ có ý định xen vào, nếu…
Nếu, ông đừng nhân danh “chúng ta” !
Hai tiếng “chúng ta ” mà ông Bùi Bảo Trúc xử dụng ở đoạn văn mà tôi vừa trích dẫn, là một sự gán ghép có chủ tâm, là một sự vơ vào không- được- ngay- thẳng !
Thông thường, khi nói đến “chúng ta” , ai cũng hiểu là cùng một phe với nhau.
Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, quyển thượng, trang 329, “chúng ta ” được định nghĩa như sau :
chúng ta :đdt. Bọn ta, bọn mình, lời gọi nhau trong bọn.
Trong một bài viết , khi tác giả khi xử dụng hai tiếng “chúng ta” là có ý muốn gán ghép và vơ vào để độc giả ở cùng một phe với tác giả. Trong đoạn trên, ông Bùi Bảo Trúc viết đi viết lại hai tiếng “chúng ta” cả thảy bốn lần , chứng tỏ ông có chủ tâm, chứ không phải vô tình. Trước sự chủ tâm này, nếu độc giả giữ im lặng, không ai lên tiếng phản đối, thì sẽ bị coi như mặc nhiên công nhận là cùng phe, cùng bọn với ông Bùi Bảo Trúc.
Kính thưa ông Bùi Bảo Trúc,
Tôi là một độc giả đọc bài của ông, tôi phản đối sự gán ghép và sự vơ vào của hai tiếng “chúng ta ”.
Xin phép cho tôi được nhắc lại, cái công việc mà ông cần phải làm đối với Trịnh Công Sơn, hoàn toàn là chuyện riêng của ông, nhưng bởi vì ông gán ghép, ông vơ vào, ông bảo là “ chúng ta” thế này, “ chúng ta ” thế nọ, cho nên bắt buộc tôi phải lên tiếng để cho ông biết rằng, có một độc giả bị gán ghép, bị vơ vào, muốn nói lên những ý kiến của mình về Trịnh Công Sơn, những ý kiến hoàn toàn khác biệt với ông Bùi Bảo Trúc, nghĩa là không phải cùng một bọn với ông!
Ông (Bùi Bảo Trúc) viết rằng: chúng ta mãi mãi nhớ ông, biết ơn ông (Trịnh Công Sơn).
Ơn gì mà to tát thế ? Ơn gì mà phải biết đến mãi mãi như thế ?
-…Ơn ông đã nói hộ chúng ta những điều khó nói nhất,…ơn ông đã vỗ về an ủi cuộc đời chúng ta trong những lúc hân hoan hạnh phúc cũng như những lúc sầu thảm bất hạnh…
Ối chao ôi! Thế thì ghê thật ! Ơn như thế thì quả là to tát quá sức tưởng tượng!
Vậy, ông (Trịnh Công Sơn) đã nói hộ chúng ta những gì ?
Ở tuổi hai mươi mấy, ít người viết những lời ca như trong bài Cát Bụi. Và cũng không nhiều người viết di chúc hay những chữ khắc trên mộ bia của mình ở cái tuổi ấy. Ít người nghĩ đến cái chết, đến sự trở về với những hạt cát, những hạt bụi của nguyên thủy.
Trịnh Công Sơn đã làm công việc ấy một cách quá sớm…
Cho rằng ít người nghĩ đến cái chết ở cái “tuổi hai mươi mấy”, trong lúc chiến tranh đang xảy ra, phải chăng ông Bùi Bảo Trúc muốn gián tiếp nhắc nhở cho mọi người biết ông là người “ may mắn ”, vì đã đứng bên lề của cuộc chiến, đã đuợc sung sướng, được an toàn ở ngoại quốc? Cũng như Trịnh Công Sơn, đã được che chở bởi một ông sĩ quan cao cấp của QLVNCH, “ông ” Trịnh cũng có số quân, nhưng không hề mặc đến bộ quân phục; trong lúc tại chiến trường Việt Nam vào thời điểm ấy, hàng ngày có bao nhiêu người trong lứa tuổi “ hai mươi mấy ” đang đối diện với cái chết, và đã chết ?
Những người chết trận ấy, không biết có bao nhiêu người đã nghĩ đến cái chết và bao nhiêu người không nghĩ đến cái chết? Nhưng dù cho nghĩ đến hay không nghĩ đến cái chết, họ vẫn lừng lững ôm súng đi vào cõi chết, họ thản nhiên trở về với cát bụi! Chắc chắn là họ không có thì giờ để viết di chúc hay khắc những lời hoa mỹ trên mộ bia cho họ, nghĩa là họ không làm được cái việc như Trịnh Công Sơn đã làm.
Trịnh Công Sơn đã làm được việc ấy, bởi vì họ Trịnh không phải ra trận, không phải trực diện với cái chết hàng ngày, họ Trịnh được sống trong sự an toàn để ngày lại ngày thong dong viết nhạc (những trên 500 bài), thong dong nghĩ đến cái sự trở về với những hạt cát, những hạt bụi nguyên thủy !
Thong dong quá đi chứ ! Bởi vì trên thực tế, tuy vẫn nghĩ về cái chết, bị ám ảnh về cái chết trong lúc chiến tranh, nhưng “ông” Trịnh vẫn sống nhăn răng !!
Và nhờ thế cho nên…
Rồi vài chục năm sau, ông lại viết ..” trong xuân thì thấy bóng trăm năm “.
Ông luôn luôn nhìn thấy cái chết ở sự sống, trong hạnh phúc có bất hạnh, trong hôm nay có ngày mai. và tiếp tục viết những ca khúc , có bài Ở Trọ , nghe như những công án Thiền !
Để làm gì ? Để …. đùa cợt với cuộc đời !
Và…
Ông xếp lại đời sống, ông cám ơn cuộc đời, ông nhìn lại những cuộc tình, ông nhớ lại bông hoa mong manh cuối trời, coi đó như một lời giã biệt. Ý của lời ca thì bi đát, nhưng nghe qua giọng của ông, người ta nghe thấy được sự bình thản của ông khi từ biệt cuộc sống.
Vậy thì “ chúng ta ” cũng nên mừng cho ông Trịnh đã có được sự bình thản khi từ biệt cuộc sống….
“…nghe nói ổng đã bệnh từ nhiều năm nay mà vẫn uống rượu như điên, cho nên mới chóng chết. Được cái an ủi cho ổng là những năm cuối đời, ổng giàu lắm, nhà cao cửa rộng, sống rất sung sướng, những bài hát của ổng lại được thiên hạ ái mộ, nhất là giới trẻ, chả thế mà từ mấy năm trước, giới trẻ Sài Gòn đã có câu nói “ Ghiền cà phê, mê nhạc Trịnh ”. Như vậy là cuộc đời ổng danh lợi lưỡng toàn, cũng chả có gì đáng phàn nàn….”
(Người Tân Định- Lá Thư Sài Gòn- Đời Nay, ngày 19 tháng 4 năm 2001)
Vì vậy, khi ông Bùi Bảo Trúc cho rằng “chúng ta” phải biết ơn ông Trịnh Công Sơn tôi thật tình không hiểu tôi phải biết ơn ông vì cái lẽ gì ?
Vì Trịnh Công Sơn đã nói hộ cho “chúng ta ” :
– Về cái chết ư ?
Trong gia đình của “chúng ta”, thử hỏi xem, ai là người không có ít nhất một thân nhân trực hệ hay bàng hệ đã chết trong cuộc chiến Việt Nam ? Và, những qui ước căn bản của kiếp người như “ Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, “ Sinh ký, tử qui, sống ở, thác về ” chẳng lẽ phải đợi đến lúc Trịnh Công Sơn nói lên thì “ chúng ta ” mới biết ?
– Nói về tư tưởng Phật Giáo ư? về Thiền ư? về Sắc, Không ư? về vô thường ư?
Chẳng lẽ phải đợi đến lúc Trịnh Cộng Sơn nói lên thì “chúng ta” mới ngộ ?
– Nói về con người là cát bụi ư? Chẳng lẽ phải đợi đến lúc ông Trịnh Công Sơn nói lên thì “chúng ta” mới nhận thức được ?
Nói cho cùng, những vấn đề trên đây cho dù ông Trịnh Công Sơn có diễn tả bằng một- loại- ngôn- ngữ – thượng- ngoại- hạng nào chăng nữa, hoặc một- loại- ngôn- ngữ- được- làm- mới cách nào chăng nữa, tôi vẫn không sao tìm thấy một lý do nào khả dĩ nghe cho thuận tai để cho “chúng ta” phải biết ơn ông Trịnh Công Sơn mãi mãi !
Lại còn cái việc ông Trịnh Công Sơn đã an ủi vỗ về cuộc đời chúng ta trong những lúc hân hoan hạnh phúc cũng như những lúc sầu thảm bất hạnh… tôi cho rằng ông Bùi Bảo Trúc đã vung bút quá trớn, nếu không nói là lố bịch.
Trong cuộc đời của tôi, chỉ có ba người đã “vỗ về an ủi” tôi, đó là cha mẹ tôi và người bạn đời của tôi. Ông Trịnh Công Sơn là cái gì mà lại nói đến chuyện an ủi vỗ về tôi? Vừa phải thôi !!
Kính thưa ông Bùi Bảo Trúc, bài kế tiếp tôi sẽ đề cập tới: Trịnh Công Sơn, Những Để Lại ( theo một tiêu đề khác của ông ).
Springfield, ngày 26 tháng tư năm 2001
Bà BB
-----
Trịnh Công Sơn, Những Để Lại (sic)
Trong bài viết với tiêu đề trên đây, ông Bùi Bảo Trúc cho rằng việc so sánh Trịnh Công Sơn với những “ tên tuổi ” như Bob Dylan, Pete Seeger và Burt Bucharach là một việc vừa sai lầm vừa bất công.
Tại sao ông Bùi Bảo Trúc dám cả quyết như thế ?
Ông dẫn chứng rằng :
1/ Số lượng sáng tác của Trịnh Công Sơn nhiều hơn so với số lưọng sáng tác của ba tên tuổi nói trên, và đề tài sáng tác cũng đa dạng hơn:
– Nguyên số lượng ca khúc mà Trịnh Công Sơn viết đã nhiều hơn số ca khúc của Bob Dylan. Mà đó chỉ nói về số lượng sáng tác…
– Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến, phản kháng, nhưng chủ yếu là tình ca, những đề tài khác là là quê hương, thân phận con người, trong đó triết lý và tôn giáo là những nét nổi bật…
– Trịnh Công Sơn viết tình ca nhiều hơn Burt Bucharach…
2/ Những tên tuổi nói trên dù có những bản nhạc hay, rất nổi tiếng; nhưng so với Trịnh Công Sơn thì vẫn không hay bằng.
Vì, nhạc phản chiến của họ chưa tới được mức bi thảm, chưa bi thảm bằng nhạc của Trịnh Công Sơn, nhạc về quê hương đất nước của họ không thể cảm động như nhạc của Trịnh Công Sơn, và tình ca của Trịnh Công Sơn thì rất phong phú.
Tóm tắt, duới cái nhìn của ông Bùi Bảo Trúc, không nên so sánh Trịnh Công Sơn với những tên tuổi đó. Trịnh Công Sơn phải được so sánh với một tên tuổi khác, đặc biệt hơn.
Ông Bùi Bảo Trúc bèn tìm kiếm, và cuối cùng thì ông đã trịnh trọng hạ bút, viết xuống trong phần kết luận của loạt bài về Trịnh Công Sơn:
Ba trăm năm nữa sẽ còn người hát và nghe những gì ông để lại.
Đó là món quà âm nhạc ông để lại. Đó là một món quà mà thỉnh thoảng lắm, có khi là vài trăm năm Việt Nam mới được một món quà quí như thế.
Khi đọc đến nhóm chữ ba trăm năm nữa, người đọc tự nhiên liên tưởng ngay đến câu “ Bất tri tam bách dư niên hậu ” của tác giả Truyện Kiều: cụ Nguyễn Du .
Một cách rất khéo léo, bằng cách không nêu đích danh, nhưng chính thật là ông Bùi Bảo Trúc đã nêu tên cụ Nguyễn Du bằng nhóm chữ “ ba-trăm-năm-nữa/ tam- bách- dư –niên- hậu ” . Khi xử dụng đến nhóm chữ này, ông Bùi Bảo Trúc đã không giấu giếm cái dụng ý của ông: ông đem cụ Nguyễn Du ra để so sánh với Trịnh Công Sơn, so sánh về một món quà mà thỉnh thoảng lắm, có khi là vài trăm năm Việt Nam mới được một món quà quí như thế!
Có thể chắc chắn đến 99.99 % , đây là một việc làm có dụng ý .
Vì chưng, ông Bùi Bảo Trúc đã chọn cái khoảng cách thời gian là ba- trăm- năm- nữa! Tại sao lại phải là ba trăm năm ? Mà không là hai trăm năm , hoặc là bốn, năm, sáu…… trăm năm ?
Vì chưng, như đã nói, con số ba- trăm –năm khiến cho mọi người phải liên tưởng ngay đến Nguyễn Du mà không phải là một người nào khác, bởi vì con số ấy đã được coi như là một nhãn hiệu cầu chứng, là một bản quyền đã được dành cho cụ Nguyễn Du !
Ba trăm năm nữa sẽ còn những người hát và nghe những gì ông để lại!
Đây lại là một điều đặc biệt nũa mà ông Bùi Bảo Trúc muốn dành cho Trịnh Công Sơn. Ông Bùi khẳng định và đoan chắc như bắp là ba trăm- năm- nữa sẽ còn có người hát và nghe những gì Trịnh Công Sơn để lại, trong khi cụ Nguyễn Du chỉ đặt câu hỏi mà không dám đoan chắc lắm: “ Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ”. Nghĩa là ông Bùi rất lạc quan và tin tưởng rằng sự việc ấy chắc chắn sẽ xảy ra vào ba trăm năm nữa, mặc dù vào lúc ấy thì ông đã không còn ở trên cái cõi đời này.
Ông lạc quan, ông tin tưởng như vậy cũng phải, vì đúng ra, lịch sử đã có “những để lại” không những chỉ ba trăm năm sau, mà còn có “những để lại” đến mấy ngàn năm sau, chẳng hạn như Tiếng Sáo Trương Lương và Khúc Hậu- Đình- Hoa.
1- Tiếng Sáo Trương Lương là một đòn tâm lý chiến, xử dụng nhạc phản chiến để lung lạc tinh thần chiến đấu của địch quân dưới thời Hán Sở Tranh Hùng, vào khoảng sau năm 221 trước Tây Lịch, cách nay đã trên hai ngàn năm.
Có thể nói rằng, trong lịch sử chiến tranh kim cổ Đông Tây, chưa có một nhạc khúc phản chiến nào có tác dụng ghê gớm như tiếng sáo của Trương Lương. Giữa canh khuya, một khúc tiêu sầu, nĩ non một giọng hát bi ai gợi niềm nhớ thương mẹ già con dại nơi quê nhà xa thẳm. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, cả đoàn quân tinh nhuệ của Sở Bá Vương Hạng Võ đào ngũ gần hết.
2- Khúc Hậu Đình Hoa: Chuyện xảy ra vào đời vua Trần Hậu Chủ, nhà Hậu Trần, dưới thời Nam Bắc Triều tại Trung Hoa (420 – 527), cách nay khoảng 1.500 năm.
Vua Trần Hậu Chủ rất tài tử phong lưu, luôn luôn có hàng ngàn mỹ nữ ở hậu cung, trong đó có hai nàng Khổng Quí Tần và Trương Lệ Hoa.
Hai nàng rất đẹp và tài hoa, thường xướng họa, ngâm vịnh với nhà vua và các bậc học sĩ trong triều. Những bài thơ phổ nhạc và ngâm vịnh được chép thành ba tập, trong đó có tập Hậu Đình Hoa gồm những bài tình ca diễm tuyệt, bóng bẩy và vô cùng lãng mạn.
Suốt đêm ngày, Trần Hậu Chủ say sưa thơ nhạc bên cạnh hai người đẹp, không kể đến việc triều chính, nên đất nước suy đồi. Tùy Văn Đế thừa dịp tấn công. Trong lúc quân Tùy tiến vào đại thành, thì Trần Hậu Chủ còn say khướt, có người phải đổ nước lạnh vào mặt cho tỉnh rượu và yêu cầu ông ra hàng để cứu lấy dân chúng khỏi chết oan. Trần Hậu Chủ cùng hai người đẹp nhảy xuống giếng trốn, nhưng cũng bị giết chết.
Nhà Hậu Trần bị diệt vong cũng vì những khúc hát Hậu Đình Hoa!
Đỗ Mục, một thi hào đời Đường nhân một đêm ghé thuyền trên bến Tần Hoài, gần một quán rượu. Đêm đã khuya, hơi sương như khói tỏa trên mặt nước, bãi cát lồng lộng dưới ánh trăng vàng. Trong quán, khách còn ăn uống bên cạnh những ả buôn hương bán phấn hát xướng để mua vui cho khách. Lắng nghe giọng hát réo rắt bên kia sông đưa sang, Đỗ Mục xúc cảnh sinh tình nên làm bốn câu thơ :
    Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa
    Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
    Thương nữ bất tri vong quốc hận
    Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
Thưa ông Bùi Bảo Trúc.
Nếu phải cần đến một sự so sánh dành cho Trịnh Công Sơn, có lẽ nên so sánh với “những để lại ” trên đây, vì tác phẩm và cá nhân của họ Trịnh, dù sao đi nữa, ít nhiều cũng có những điểm tương tự với “ những để lại ” vừa kể.
Còn Truyện Kiều, cũng như cá nhân của cụ Nguyễn Du, thì hoàn toàn, thật hoàn toàn không có một mảy may tương tự với “ những để lại ” hay tương tự với cá nhân của họ Trịnh. Xử dụng nhóm chữ “ ba- trăm- năm- nữa / tam-bách -dư – niên – hậu ” để vơ Trịnh Công Sơn vào một chỗ với cụ Nguyễn Du, là một hành vi bất lương đối với vong linh của cụ nói riêng và đối với nền văn học Việt Nam nói chung.
Thiết tưởng, cái “trường dạy viết văn” mang tên cụ ở Hà Nội từ trước tới nay, cũng đã đủ để xúc phạm cụ rồi, xin ông Bùi Bảo Trúc đừng nên làm khổ vong linh của cụ thêm nữa, tội cho cụ lắm.
Please !!!!
Springfield , ngày 6 tháng 5 năm 2002
Bà BB
TB : Bài kế tiếp là tiêu đề: TCS, Tiếng Réo Gọi Về Với Ca Dao (sic)
-----
Trịnh Công Sơn, Tiếng Réo Gọi Về Với Ca Dao (sic)
Trong bài viết với tựa đề như trên , ông Bùi Bảo Trúc dẫn nhập rằng :
Năm 1967, chiến tranh Việt Nam leo thang lên gần đến điểm cao nhất, số người chết ở cả hai phía đều lên đến những con số làm kinh động lương tri của nhân loại. Việt Nam là một quốc gia đang trên đường tan rã. Tất cả mọi giá trị, mọi truyền thống đều bị đem ra thử thách, để rồi bị gạt sang một bên. Thành thị nông thôn bốc cháy trong lửa của nồi da xáo thịt khốc liệt. Môt thế hệ lớn lên không có được một ngày thanh bình, những nét tốt đẹp của dân tộc bị thay thế bằng thù hận bom đạn, tuyên truyền xảo trá, chiêu bài giả dối. Thế hệ đó như săp đánh mất quá khứ và căn cuớc của họ sau bao nhiêu đổi thay, đỗ vỡ, quê hương chỉ còn là nhũng đống gạch vụn tan nát không thể trở về. Một nền văn minh khác đang đe dọa tiến vào, xóa đi những truyền thống cũ.
Đây có phải là ngôn ngữ của thành phần thứ ba tại miền Nam trước năm 75 ? Những ngôn ngữ nói về chiến tranh Việt Nam được nhìn từ bên trên của bề mặt nổi, được mô tả một cách chung chung mà không dám đề cập đến cái nguyên ủy sâu xa của nó ?
Những sáo ngữ lên án chiến tranh cất lên nghe rổn rảng, những lời báo động “cực kỳ khẩn trương” về sự tàn phá của chiến tranh như mới được nghe ngày nào, thoát ra từ cửa miệng của những người chưa bao giờ cầm đến cây súng để bảo vệ đời sống cho chính họ và cho gia đình họ, trong lúc miền Nam đang bị xâm lăng bởi cả một thế lực của quốc tế cộng sản!
Những từ, những ngữ, nào là kinh động lương tri nhân loại, nồi da xáo thịt, nào là thù hận bom đạn, là đánh mất quá khứ và căn cước, nào là quê hương chỉ còn là đống gạch vụn, nào là một nền văn minh khác đang đe dọa tiến vào, xóa đi những truyền thống cũ v.v.. và v.v.. toàn là những lời ngầm thống trách những nạn nhân đang ra sức tự vệ trước sự tấn công mãnh liệt của tập đoàn CS, chính danh thủ phạm xâm lăng miền Nam , đang nuốt chửng miền Nam trong tiến trình nhuộm đỏ thế giới .
Thưa ông Bùi Bảo Trúc,
Chiến tranh Việt Nam nếu nhìn một cách phiến diện, theo một góc cạnh được chọn lựa, và chỉ đề cập đến một phần của sự thật, thì đó là một cuộc chiến nồi da xáo thịt.
Nhưng thử hỏi, ai là người đã lột da làm nồi? Ai là người lóc thịt để xáo? Da của ai? Thịt của ai? Ai đứng ra xáo thịt? Và xáo thịt cho ai ăn?
Những nét tốt đẹp của dân tộc bị thay thế bằng thù hận bom đạn
Thù hận gì? Ai gây ra thù hận? Ai là người chủ trương thù hận? Ai nuôi dưỡng thù hận?
Một nền văn minh khác đang đe doạ tiến vào, xoá đi những truyền thống cũ
Nền văn minh nào? Tiến vào đâu? Vào miền Nam hay vào miền Bắc?
Xin ông Bùi Bảo Trúc hãy thử trả lời những câu hỏi trên đây xem!
Sau 26 năm, những sự thật lịch sử về cuộc chiến Việt Nam đã được phơi bày gần như đầy đủ. Hãy thử trả lời đi!
Thì đúng vào thời gian đó, bài Người Con Gái Việt Nam Da Vàng được hát lên lần đầu tiên ở một hội quán nhỏ ở Sài Gòn của sinh viên.
Người nghe, cái thế hệ thiệt thòi và tội nghiệp đó, thế hệ không được biềt hòa bình bỗng được chỉ cho thấy cái họ sắp đánh mất…
Có thật là cả một thế hệ không được biết hòa bình?
Có thật là nhờ Trịnh Công Sơn chỉ cho thì mới bỗng được thấy cái họ sắp đánh mất?
Tôi không đồng ý.
Nói rằng cả một thế hệ không có một ngày hòa bình là không đúng sự thật. Sự thật, đã có những người chưa bao giờ biết đến cái không khí chiến tranh, mặc dù họ đang sống trong thời kỳ chiến tranh, trên một đất nước đang có chiến tranh.
Cần phải nhắc lại để cho ông Bùi Bảo Trúc biết rằng, tuy miền Nam đang có chiến tranh, nhưng không phải tất cả mọi nơi đều có cường độ như nhau. Có những nơi bị địch kiểm soát hay còn gọi là vùng “đậu” ; có nơi ta và địch lẫn lộn gọi là vùng “xôi đậu”, có những nơi hoàn toàn do ta kiểm soát, mặc dù không ai gọi đó là vùng “xôi” cả, nhưng thực tế, đó là vùng “xôi” đúng theo nghĩa đen, vì xôi là một hình ảnh tượng trưng cho sự no đủ và an toàn.
Cái sự thật không thể chối cãi là tại miền Nam, trừ những người trực tiếp đối đầu với CS trên chiến trường là những người lính VNCH, ngoài những đồng bào sống tại các vùng xôi đậu phải trực diện với VC, thì thành phần sống tại những vùng “ xôi ”, có một số người vẫn sống an nhiên , vẫn được hưởng cái không khí hòa bình. Đó là chưa kể đến những người Việt Nam ở ngoại quốc, họ sống như những kẻ bàng quan, hoàn toàn đứng bên lề cuộc chiến và ném một cái nhìn lãnh đạm về phía quê hương đất nước.
Và có lẽ ít có một ca khúc nào tạo được nhiều xúc động như một câu trong bài. Câu “..Em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn..
Có thật là “Em” – nguơì con gái VN da vàng – chưa hát ca dao một lần?
Điều này cũng không thật.
Tôi là một người con gái Việt Nam da vàng, cùng một thế hệ với Trịnh Công Sơn.
Tôi đã hát ca dao rất nhiều lần, ở tại trường học. Tuy tôi không được hát ca dao trên cánh đồng, trên sông rạch quê tôi, nhưng bảo rằng không hát ca dao một lần là một điều dối trá.
Tôi không hề thấy cái không khí chiến tranh trong lúc tôi ngồi ở lớp học. Chiến tranh không hiện diện tại học đường. Chiến tranh đã được đẩy ra khỏi cổng trường. Tôi vẫn được học ca dao, tôi vẫn được học Truyện Kiều, tôi vẫn được học tất cả những điều mà học sinh ở một nước không chiến tranh có thể học.
Nói như thế, không có nghĩa là tôi không nhìn thấy chiến tranh, không biết đến chiến tranh đang xảy ra trên quê hương mình. Tôi biết, tôi nhìn thấy, và tôi đã chứng kiến những cái chết, những cái chết của những người tôi quen, những người tôi biết, của những người thân, của những người ruột thịt; những cái chết đem lại sự an bình để tôi được cắp sách đến trường. Đặc biệt, trong chương trình học của chúng tôi – những học sinh miền Nam – ngay trong lúc chiến tranh đang xảy ra, vẫn không hề có bất cứ môn học nào dạy một lời căm thù!
Bây giờ, hãy thử nhìn lại những “cõi đời ngào ngạt hương hoa” , đầy vẽ thanh bình mà các thi sĩ, nhạc sĩ – trong đó có Trịnh Công Sơn – đã mô tả trong một đất nước đang có chiến tranh là Việt Nam:
Gió heo may đã về, chiều tím loang vĩa hè, và gió hôn tóc thề, rồi mùa thu bay đi…bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ…. Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát….. uống ly chanh đường, uống môi em ngọt….. Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em ? Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm….Em tan trường về đường mưa nho nhỏ…. anh theo Ngọ về, mái tóc Ngọ dài…. em vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ… Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…. …
Những hình ảnh rất thanh bình của một SàiGòn như trên, với những người con gái trong những lời hát, câu thơ như trên, nhất định không phải là hình ảnh Người Con Gái Việt Nam Da Vàng mà Trịnh Công Sơn đã mô tả: em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn !
Không ! Người con gái miền Nam biết hát ca dao và không có con tim căm hờn.
Người con gái mà Trịnh Công Sơn nói đến chính là hình ảnh của người con gái ở phía bên kia, với con tim căm hờn, không hát ca dao một lần mà “ thề phanh thây uống máu quân thù ”, và đọc thơ “ giết giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ….”
Tiếng réo gọi của bài hát thật là khủng khiếp. Ông kéo người nghe lại gần, rồi chỉ cho thấy quê hương khốn khổ ấy….
Trịnh Công Sơn réo gọi , kéo người nghe lại gần rồi chỉ cho thấy quê hương khốn khổ ấy. Nhưng TCS chỉ cho người nghe thấy quê hương khốn khổ ấy rồi để làm gì? Và réo gọi rồi để làm gì?
Sự thật, có rất nhiều người không cần họ Trịnh chỉ cho mà vẫn nhìn thấy được quê hương khốn khổ. Họ không mù! Và khi nhìn thấy quê hương khốn khổ, họ biết phải làm gì, không phải nhờ đến sự réo gọi của TCS, hay ngồi đó mà réo gọi suông. Họ đã hành động. Chính hành động của những ngưởi này đã chỉ cho Trịnh Công Sơn thấy “ những cái chết không manh áo, ngoài đồng, trên sông, lòng đèo, ở Ba Gia, ở Chu Prong, ở Huế, Sàigòn, Hà Nội….”,những cái chết trong đó có chính bản thân của họ. Họ, không phải ai khác, là những người đã cho Trịnh Công Sơn thấy, không những chỉ có một vài chục người chết, vài trăm người chết , mà là hàng hàng lớp lớp.
Xin lỗi ông Bùi bảo Trúc! Chính họ, chính những người chết đó, mới là những người đã chỉ cho mọi người và Trịnh Công Sơn thấy thế nào là chiến tranh; chứ không phải Trịnh Công Sơn đã chỉ cho mọi người thấy chiến tranh như thế nào.
Trịnh Công Sơn viết về đất nước như một hành động đòi lấy quyền để nói, để nhắc nhở cho thế hệ của ông, trước ông và sau ông về một quê hương Việt Nam đang bốc cháy, để báo động trận hỏa hoạn, để hét lên lời cầu cứu. “ Hố thẵm đã mở ra dưới chân dân tộc này. Lương tâm con người đang trên đà bị phát mãi ”.
Ai đã mở ra hố thẳm dưới chân dân tộc? Sao không thấy Trịnh Cộng Sơn nói ? Lương tâm của ai đang bị phát mãi? Sao không thấy Trịnh Công Sơn nói?
Nếu không dám nói thẳng ra, (cũng không ai bắt buộc nói thẳng ra, nếu sợ), thì hành động đòi lấy quyền để nói, là để nói cái gì, nói với ai, nói cho ai , nói để làm gì ?
Nói về một quê hương đang bốc cháy mà không chỉ rõ ai là kẻ đốt nhà, hét lên lời cấu cứu để rồi đâm sau lưng những người ra sức chửa cháy ?
Trịnh Công Sơn nói với một người bạn rằng ông không thể sống ngoài Việt Nam, bất kể đó là một Việt Nam thế nào chăng nữa. Ông ôm lấy quê hương tả tơi rách nát chờ một ngày đất nước đứng dậy, vực lại quá khứ huy hoàng cũ. Cũng ở tập nhạc in năm 1968, ông viết : “ Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội một quá khứ hiển linh ”
Thưa ông Bùi Bảo Trúc,
Tất cả những người Việt tị nạn CS không ai muốn sống ngoài Việt Nam , không ai muốn rời bỏ quê hương! Hãy hỏi lại chính lương tâm của ông. Ông có muốn rời bỏ quê hương hay không? Ông có muốn sống ngoài Việt Nam hay không?
Ngay cả những người Bắc di cư vào Nam năm 1954, có ai muốn rời bỏ miền Bắc vào Nam, dẫu biết rằng miền Nam cũng là quê hương đất nước?
Không lẽ những người trốn tránh CS, những người tị nạn CS, những người mong muốn được tự do là những con người đáng phỉ nhổ? Là những con người vô lương tâm? Là những con người khốn nạn vì họ không ôm lấy quê hương tả tơi rách nát? Và chỉ có Trịnh Công Sơn mới biết ôm lấy quê hương tả tơi rách nát chờ ngày đất nước đứng dậy?
Ông Bùi Bảo Trúc ạ!
Không cần tới ngày đất nước đứng dậy, Trịnh Công Sơn cũng đã có được một chỗ đứng vững chắc trong cái xã hội đổi đời, có một cuộc sống mà mọi người dân đen đều thèm nhỏ rãi .
Quê hương vẫn còn tả tơi rách nát, nhưng Trịnh Công Sơn đã được nhà cao cửa rộng, rượu gái đầy đủ, sống rất sung sướng, ăn trên ngồi trốc thiên hạ. Như thế thì rời bỏ quê hương làm gì cho phí của Giời ? Ở lại, vừa được sung sướng vật chất, lại vừa được tiếng là có lòng với quê hương, là yêu quê hương !
Ôi ! Một quê hương tả tơi rách nát !!!!
Mà không dám mở miệng thốt ra là bởi vì đâu và tại ai ?
Trịnh Công Sơn không viết về quê hương thanh bình : “Em không biết quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam ”. Ông viết về quê hương của những ngày sắp tới, khi ba thành phố nắm tay nhau, ba dòng sông góp thành hội trùng dương.
Vào năm 1967, Trịnh Công Sơn đã viết về quê hương của những ngày sắp tới! Phải chăng đó là quê hương sau 30 tháng tư năm 1975?
“Khi ba thành phố nắm tay nhau, ba dòng sông góp thành hội trùng dương.”
Đúng là những lời tiên tri ghê rợn: Tiên tri về “ ba dòng thác cách mạng ” : hỡi ba miền vùng lên cách mạng ! Tiên tri về ba thành phố nắm tay nhau ! Tiên tri về một hội trùng dương !
Chẳng những chỉ có ba thành phố nắm tay nhau, mà cả nước đã nắm tay nhau, đã Nối Vòng Tay Lớn từ Bắc vô Nam: Cổng Trời, Thanh Cẩm, Ba Sao, Đầm Đùn, Long Giao, Suối Máu, Tân Hiệp, Cù Lao Vung v.v…
Một hội trùng dương thật lớn đã diễn ra tại biển Nam Hải kéo dài trên mười năm, với trên dưới một triệu thuyền nhân, phân nửa đã vùi thây dưới lòng biển cả hoặc làm mồi cho cá xà, cá mập, cùng với những phụ nữ xấu số đã rơi vào tay hải tặc, bị bán vào lầu xanh….!
Huế, Sàigòn, Hà Nội nói lên ước mơ của những trái tim đau sắp kiệt lực, những chờ đợi cho những con đường nở hoa, cho lá trầu, miếng cau cổ tích trùng phùng.
Những con đường nở hoa ư? Hoa gì? Phải chăng là Hoa Nở Về Đêm: thằng Ngụy thì ta nhốt (cải tạo), con Ngụy thì ta sai, vợ Ngụy thì ta ấp ! (lời của Trần Bạch Đằng)
Cho lá trầu, miếng cau cổ tích trùng phùng !
Trùng phùng ???
Ôi! Chúa ơi! Phật ơi ! Xin các ngài cho biết, ngoài Việt Nam ra, còn có nơi nào, ở cõi đời nào, ở những đâu, có được những cảnh tượng trùng phùng như trên đây ?
Ước mong đó không thể là của một người, mà của cả một dân tộc bị đày đọạ khốn cùng. Trịnh Công Sơn đã nói lên tất cả những điều đó cho những người anh em của ông, chúng ta.
Có thật là cả một dân tộc ước mong được Nối Vòng Tay Lớn như ngày 30 tháng tư ?
Có thật là cả một dân tộc ước mong có một hội trùng dương của một triệu thuyền nhân trên biển Nam Hải, tại vịnh Thái Lan?
Có thật là cả một dân tộc mong ước được trùng phùng như thế kia?
Vì đâu mà cả một dân tộc bị đày đọa khốn cùng?
Ai là thủ phạm đã đày đọa cả một dân tộc?
Những “người anh em” của Trịnh Công Sơn là ai?
Ông Bùi Bảo Trúc có dám bảo đảm những người anh em của ông (Trịnh Công Sơn) là “ chúng ta ” hay không ? Hay ông Bùi lại vơ vào và gán ghép ?
Riêng tôi, tôi xin được đứng ra ngoài, không dám nhận làm anh em với ông Trịnh Công Sơn. Tôi thật không dám nhận cái hân hạnh to tát cở ấy !!!
Xin thành thật cám ơn.
Springfield , ngày 8 tháng 5 năm 2001.
Bà BB
TB : Bài kế tiếp là Thân Phận Con Người (sic)
-----
Thân Phận Con Người (sic)
Ông Bùi Bảo Trúc cho rằng Tuyển Tập Những Bài Ca Không Năm Tháng mà Trịnh Công Sơn xuất bản vào năm 1998, trong đó hai ca khúc in ở đầu và cuối tập nhạc cho thấy những suy nghĩ cuối đời của ông về tác phẩm ông muốn để lại.
Ông Bùi viết tiếp :
Mở tập những bài ca Không Năm Tháng, người ta thấy ngay một điều: đó là sự thiếu vắng của những ca khúc vẫn thường được gắn liền với tên tuổi của ông. Những bản tin của báo chí hay các hãng thông tấn ngoại quốc……đều nhắc đến ông như một nhạc sĩ phản chiến. Nhưng trong tập nhạc cuối cùng này, người đọc không thấy có bất cứ một bản nhạc phản chiến nào.. Những ca khúc như Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói, Ngày Mai Đây Bình Yên, Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay…….Người Già Em Bé, Du Mục .. đều không có mặt.
Mà những ca khúc đó, đều là những bài hát không thể không có trong những sinh hoạt của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm 60 và 70, những bài hát đóng góp lớn trong việc làm thành tên tuổi ông. Và luôn cả bài Nối Vòng Tay Lớn, bài hát từ nhiều năm nay luôn luôn đi liền với tên ông. Bài hát được hát lên rất nhiều như ước vọng nối lại sơn hà, nối thành phố với nông thôn, nối người chết linh thiêng vào đời, nối Bắc với Nam, nối liền biển xanh với sông gấm, nối rừng núi với biển xa… Và chính tựa đề của bài hát này, Nối Vòng Tay Lớn, đã được dùng để đặt tên cho cho chương trình đưa các sinh viên du học về nước thăm nhà hồi trước năm 1975. Rồi cũng chính bài hát này, sau khi được hát lên trên làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn trong ngày đầu tiên khi CS tiến vào Sài Gòn, đã tạo ra không biết bao nhiêu ngộ nhận cho ông cho đến bây giờ, vì rất ít người biết rõ hoàn cảnh đưa tới việc có tiếng hát của ông trong ngày hôm đó.
Nói đến sự ngộ nhận trong việc Trịnh Cộng Sơn hát bài Nối Vòng Tay Lớn vào ngày 30 tháng tư và sự ngộ nhận ấy còn kéo dài mãi cho đến bây giờ, thiết tưởng không ai có dữ kiện chính xác bằng những người đã chứng kiến các hoạt cảnh trâng tráo của những bọn người “ cách mạng ba mươi ”, sau khi CS vào Sàigòn.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy cho biết như sau:
Trích Biệt Kích Cầm Bút : Chúng tôi, bọn văn nghệ sĩ Sàigòn bại trận, chúng tôi có anh có em. Trong nhục nhã, trong khổ cực, chúng tôi vẫn có nhau, chúng tôi vẫn là những văn nghệ sĩ Sàigòn. Cảnh “ phi cầm phi thú ” hiện ra rõ nhất trong những cái gọi là buổi sinh hoạt tại Hội Văn Nghệ Sĩ Giải Phóng Thành Phố Hồ Chí Minh , trụ sỡ đặt trong tòa nhà có vườn rộng trước 75 là một cơ sỡ tình báo của VNCH, góc đường Trương Minh Giãng- Tú Xương. Những người trong Ban Chấp Hành cái gọi là Hội Văn Nghệ Sĩ Giải Phóng , thường là Tổng thư ký Việt Phương, lên Ủy ban thành phố họp, nghe chỉ thị, về phổ biến với các văn nghệ sĩ, những buổi như thế gọi là buổi sinh hoạt.
Trong những buổi sinh hoạt này bọn trong Ban Chấp Hành Hội ngồi hàng nghế chủ tọa đối diện với hàng ghế của văn nghệ sĩ Sàigòn. Hai bên ngồi đối mặt với nhau. Hai anh Kỳ Nhông, Kỳ Đà Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn cũng dự buổi sinh hoạt, Hai anh không thể ngồi cùng hàng ghế hay sau lưng bọn Giải Phóng Miền Nam. Sức mấy chúng nó cho hai anh ngồi chung. Hai anh không ngồi chung với bọn chúng tôi, chắc hai anh sợ ngồi chung với chúng tôi hai anh xấu hổ... Cũng có thể hai anh nhìn thấy sự khinh bỉ hai anh trong ánh mắt của anh em chúng tôi.
Hai anh không thể ngôì sau đít bọn Văn nghệ Giải phóng đối diện với bọn văn nghệ sĩ Sàigòn bại trận, hai anh không muốn ngồi chung với bọn văn nghệ sĩ Sàigòn nhục nhã. Dzậy thì trong những buổi họp chia hai phe rõ rệt mặt đối mặt, chính tà hai phái như dzậy hai anh Kỳ Nhông đặt đít ở đâu ???
Hai anh ngồi ở hai ghế bên cạnh. hai anh không ngồi trong phe giải phóng, hai anh cũng không ngồi trong phe VNCH bại trận,
…….
Tới mùa mưa năm 1982, chúng tôi ngồi uống rượu đế một đồng tiền Hồ một ly ở quán nghèo thật nghèo trên vĩa hè bên cổng xe lửa Số 6 – Bạn ta, bạn còn nhớ Cổng Xe Lửa Số 6 chạy qua con đường nào trong Sàigòn thủ đô ta xưa không? Bạn tôi, LTN nói :
– Bảo Trịnh Công Sơn là cộng sản, tội nghiệp nó.
Tôi nói :
– Có ai bảo nó là CS đâu. Nếu nó là CS thì ai nói làm gì. Vì nó không phải là CS mà nó lại bợ đít CS nên người ta mới có vấn đề với nó.
…..
Chiều nay, đúng giờ này, ngày này 26 năm trước – 4 giờ chiều ngày 30 tháng tư năm 1975- trời Sàigòn u ám, đất Sàigòn quằn quại, người Sàigòn đau thương, mấy tên đốn mạt đến đài phát thanh phưng phưng hát chào mừng quân xâm lăng….
(Đời Nay, ngày 3 tháng 5 năm 2001).
Trang 182 Nhà Tù, Xuân Thu 1987, Duyên Anh viết:
Vẫn trò chơi bắt văn nghệ sĩ phóng uế lên sự nghiệp của mình. Trịnh Công Sơn đã tự kiểm để được làm ở Sở Thông Tin Văn Hoá Thành Phố. Loat bài tự kiểm của Trịnh công Sơn đã làm ngao ngán tuổi trẻ ngưỡng mộ nhạc của Sơn…
( Đời Nay trang B8 , ngày 10 tháng 5 năm 2001 )
Tôi ơi đừng tội nghiệp.
Ở hải ngoại người ta thường nghe nói về Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sống như một lãnh tụ văn nghệ Lương Sơn Bạc, rượu uống như nước lã, một vị Mạnh Thường Quân tân thời, ai đến cũng tha hồ rượu thịt. Sự thật, hiện nay Trịnh Công Sơn là một thứ công an chìm của cục A 18, thuộc Tổng Cục Nam Bộ Nội Vụ. Mỗi lần các ông lớn công an ăn nhậu thì nhạc sĩ nhà ta có bổn phận vác đàn đến hát cho chúng nghe. Chưa hết, vừa nghe chúng vừa phê bình. Như trong tiệc rượu mà vì tình cờ một ông Việt Kiều ở Pháp được chứng kiến, chúng chê bai ông Trịnh là viết lời vô nghĩa và bắt ông Trịnh giảng giãi về Nắng Thủy Tinh. Tình cảnh tội nghiệp đến độ người Việt Kiều đó, nguyên cũng là một sinh viên miền Nam trước năm 1975, đã phải bảo ông Trịnh Công Sơn rằng: Trước đây ông vẫn là thần tượng của tôi. Bây giờ ông thua bất cứ một ca sĩ hạng C nào khác. Bởi vì người ca sĩ hạng C khi hát còn cách xa đám khán giả vài chục bước, riêng ông thì phải hầu rượu cho chúng nó như thế kia. Nhạc sĩ họ Trịnh sau đó đã hát bài: Tôi ơi ! Đừng tội nghiệp. Công việc của ông Trịnh Công Sơn khi còn khỏe mạnh là tiếp đón văn nghệ sĩ hải ngoại về nước, theo dõi và báo cáo. Được biết A 18 là cục công an đặc trách về ngoại vụ.
(Phiếm Dị của Đào Nương – Sàigòn Nhỏ, ấn bản Hoa Thịnh Đốn, số 246 ngày 9 tháng 1,1998 )
Thưa ông Bùi Bảo Trúc,
Tội chỉ trưng dẫn ba trường hợp nói về Trịnh Công Sơn kể từ 4 giờ chiều ngày 30 tháng tư năm 1975. Nhà văn Hoàng Hải Thủy gọi Trịnh Cộng Sơn là con kỳ nhông, là phi cầm phi thú . Duyên Anh nói về cái sự tự phỉ nhổ lên tác phẩm chính mình của Trịnh Cộng Sơn và bà Đào Nương Hoàng Dược Thảo thì nói về tư cách hèn hạ và công việc của họ Trịnh, một thứ công an chìm.
(Còn rất nhiều tài liệu của nhiều người khác, nhưng tôi không thể trưng dẫn ra hết trong phạm vi của bài viết này )
Lẽ ra, tôi cũng nên đề cập đến những điều mà ông phân tích về Thân Phận Con Người được thể hiện trong nét nhạc của Trịnh Cộng Sơn, nhưng tôi thấy không còn cần thiết nữa.
Bởi vì, một con người tự phỉ nhổ lên những sáng tác của mình, có những hành vi không xứng hợp với một người nghệ sĩ, thì liệu rằng những gì được thể hiện trong những tác phẫm kia, có cần phải bàn tới hay không ?
Bảo rằng mọi người “ngộ nhận” về “sự cố” Trịnh Công Sơn hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên đài phát thanh Sàigòn trong ngày 30 tháng tư, xin cứ tổng hợp lại những gì mà ba vị Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh và Đào Nương đã viết, rồi đọc lại phần kết của ông Hoàng Hải Thủy thì sẽ có ngay một cảm nhận…..
Ngộ nhận hay không ngộ nhận, nên để cho người đọc tự kết luận, xin ông Bùi Bảo Trúc đừng kết luận dùm cho họ.
Trân trọng.
Springfield , ngày 10 tháng 5 năm 2001
Bà BB
-----
Những Ru Khúc (sic)
Kính thưa ông Bùi Bảo Trúc.
Vì lòng tôn trọng hai bậc sinh thành của ông Trịnh Cộng Sơn, dù đã qua đời hay còn tại thế, tôi không bao giờ dám có ý xúc phạm đến hai vị ấy. Do đó, tôi xin phép không đề cập đến đề tài Những Ru Khúc của Trịnh Công Sơn , một đề tài mà theo sự trình bày của ông Bùi Bảo Trúc, có rất nhiều chi tiết liên quan đến hai bậc sinh thành của ông Trịnh.
Trân trọng.
Bà BB.
-----
Bài cuối
Trịnh Công Sơn và Tôn Giáo (sic)
Những chữ phúc âm, lời buồn thánh…dẫu chuổi hình ảnh đi kèm vẫn là của tình yêu lãng mạn, nhưng đó là lần đầu tiên loại từ ngữ này được dùng trong những bản nhạc không mang không khí của giáo đường. Trịnh Công Sơn đem thứ ngôn ngữ đó ra ngoài, biến chúng trở thành thân quen tình tứ. Chiều Chủ nhật, thiên thần, ăn năn..những từ ngữ vang vọng tiếng chuông, tiếng phong cầm ấy, được nối tiếp sau đó không bao lâu bằng nhạc phẩm mang tựa đề Phúc Âm Buồn.
……
Đã có lúc người ta tưởng đạo Cơ Đốc là tôn giáo của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Trịnh Công Sơn cho biết đạo Phật đã ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của ông. Nhưng lớn lên, càng lớn và càng nhìn ra những khổ hạnh trong đời sống, những bất công, những đau đớn cuộc chiến mang lại, Trịnh Công Sơn càng thấy ra lời gọi của tôn giáo……
.
Ông Bùi Bảo Trúc viết mà như đi guốc trong bụng của Trịnh Công Sơn, ông viết như là ông hiểu Trịnh Công Sơn thật rõ, như là một tri kỹ của họ Trịnh vậy.
Còn một người nữa, cũng là tri âm tri kỹ của họ Trịnh, chỉ cảm thấy hạnh phúc khi hát nhạc của họ Trịnh, tên tuổi của người này luôn được gắn liền với tên tuổi của họ Trịnh, đó là nữ ca sĩ Khánh Ly.
Bà Đào Nương Hoàng Dược Thảo trong Phiếm Dị, Sàigòn Nhỏ, ấn bản Hoa Thịnh Đốn số 417 ngày 20 tháng tư năm 2001, đã viết như sau :
Nữ ca sĩ Khánh Ly trong một cuộc phỏng vấn khi nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời đã nói:
“ Trịnh Công Sơn không của riêng ai. Ông của tất cả mọi người Việt Nam . Ông chỉ yêu dân tộc và quê hương. Việc ông ở lại và nằm xuống ở quê hương theo ông là đúng, mặc dù việc ông ở lại đã đem lại cho ông nhiều oan khiên. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường dặn tôi phải sống giữa đời bằng một tấm lòng và sống với người bằng sự tử tế….”
Hiện nay ông Trịnh Công Sơn đã mất. Đã đến lúc chúng ta nên tử tế với ông hơn chăng?
Ở đây, trong bài viết này, tôi sẽ không đề cập đến ý kiến của Khánh Ly về Trịnh Công Sơn là của tất cả mọi ngưởi Việt Nam . Tôi chỉ đề cập đến việc ông Trịnh Công Sơn dặn rằng, phải sống giữa đời bằng một tấm lòng và sống với người bằng sự tử tế. Một lời dặn như là của một nhà hiền giả, như là một tu sĩ, đầy chất Thiền, rất …tôn giáo !
Vậy thì chúng ta hãy xem chính Trịnh Công Sơn đã sống như thế nào với lời dặn nhuộm đầy màu sắc tôn giáo như trên ?
Xin được trở lại với nhà văn Hoàng Hải Thủy :
Bạn tôi, VĂN QUANG, ở Thành Hồ, tường thuật đám tang Trịnh Công Sơn, anh tả cảnh đem máy ảnh tới nhà TCS ngồi chờ chụp ảnh, anh phải ngồi chờ vì lúc ấy di thể người chết chưa đưọc liệm, TCS nằm đó với chiếc khăn phủ mặt. Anh kể chuyện ngày xưa. Tết Mậu Thân Việt Cộng đánh vào Sàigòn, thành phố giới nghiêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, là sĩ quan anh có giấy phép đi trong giờ giới nghiêm, anh lái xe đưa TCS đi chơi trong thành phố Sàigòn ban đêm vắng tanh, chỉ có những dãy đèn vàng, những binh sĩ ta tuần tiểu, đứng gác ở những ngã tư đường. Anh kể anh cho TCS, với cây đàn ghi-ta, về ở trong phòng riêng của anh v.v..Anh kể trong căn phòng đó- anh bạn tôi có vợ con, có nhà lầu, cũng như nhiều tay chơi tiền 75, anh có căn hộ riêng trong một bin-đinh để dùng làm nơi ăn chơi, người Pháp gọi loại hộ này là garconaire- trong căn phòng đó những ngày sau Tết Mậu Thân, TCS đã sáng tác những bản nhạc X,Y,Z v.v…Lời kể của anh làm cho người đọc thấy anh vừa là đàn anh cưu mang, vừa là bạn văn nghệ, bạn tâm giao của TCS. Tôi bùi ngùi muốn hỏi anh, muốn nói với anh :
– Tháng tư 75 nó có mù đâu, nó phải thấy đồng bào mình ghê sợ cộng sản, chê bỏ cộng sản, đồng bào mình liều mạng chạy trốn quân Bắc Việt Cộng, đồng bào mình chết đau thương, đồng bào mình khổ cực thê thảm đến như thế nào, nó phải thấy VC tàn sát đồng bào ở Huế trong Tết Mậu Thân, nó phải thấy bọn Bắc VC xâm lăng bắn giết đồng bào trên khắp đất nước, nó không ngu đến cái độ không biết là quân Bắc VC vào Sàigòn, những sĩ quan VNCH từng mến tài nó, che chở nó, làm ơn cho nó, như mày, như Lưu Kim Cương, sẽ bị bọn Bắc VC bỏ tù mút chỉ cà tha. Nó phải biết chứ, nó phải thấy chứ, sao nó nhẫn tâm ca hát chào mừng bọn VC, sao nó tỏ ra sung sướng khi nó biết chúng mày sắp khốn khổ, khốn nạn ? mày kể mày thân với nó, mày là bạn nó, tao không thấy nó thân với mày, tao không thấy nó nhận mày là bạn nó, mày cưu mang nó, mày đi tù mười mấy năm nó không một lời hỏi thăm mày, mày thân tàn trở về, vợ bỏ, con mất, tao không thấy nó đi tìm mày, không thấy nó chi cho mày nửa lời an ủi, nó bạn với bọn văn nghệ sĩ miền Bắc, nó không bạn với bất cứ thằng văn nghệ sĩ VNCH bại trận nào.
( Đời Nay trang B8, ngày 3 tháng 5 năm 2001 )
Đó là sự tử tế và tấm lòng của Trịnh Công Sơn đối với một người đã làm ơn cho họ Trịnh như ông VQ ? Còn những ai nữa đã từng mến tài, cưu mang và che chở cho họ Trịnh được thong dong để sáng tác? Trịnh Cộng Sơn đã đối xử với những người đó như thế nào? Đã trang trãi tấm lòng và sống tử tế với họ cở nào ?
Và đây, là sự tử tế và tấm lòng của Trịnh Công Sơn được chính họ Trịnh kể lại :
Thuở ấy Nhị Xuân. Em ở nông trường. Em ra biên giới.
Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ màu đất đỏ và những bãi mía, bãi dứa cùng lán trại cũng khoác một màu áo. Mưa xuống, hội trường dã chiến như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi (Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn và tôi) cùng anh em thanh niên xung phong nam nữ hát với nhau dưới một bầu trời được trang trí lạ mắt như thế. Đêm cứ dài ra và những tiếng hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Những bàn tay xiết chặt, những cái vẫy tay trong đêm không nhìn thấy.
Quá giờ giới nghiêm, xe nằm lại giữa đường không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng. Về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái thanh niên xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam.
(Ca Khúc Mang Đến Sự Cảm Thông Giữa Mỗi Người- báo Nhân Dân ngày 27/9/99)
Thưa ông Bùi Bảo Trúc
Tôi vừa đưa ra hai hình ảnh – đúng ra là hai đoạn phim – để đối chiếu với một lời dặn của Trịnh Công Sơn.
Lời dặn về tấm lòng và sự tử tế!
Xin hãy để cho mọi người tự nhận xét!
Trân trọng kính chào ông Bùi Bảo Trúc.
Springfield, ngày 11 tháng 5 năm 2001
Bà BB

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215