QUÊ HƯƠNG chỗ để thương, để nhớ chớ không phải chỗ để về

QUÊ HƯƠNG chỗ để thương, để nhớ
chớ không phải chỗ để về

Đau Nhức Này Đâu Phải Của Riêng Tôi - Thơ Lê Khắc Anh Hào

 

Tôi có khá nhiều bạn bè hiện đang sinh sống tại Úc, trước đây, khi còn làm việc, cứ ao ước đến ngày về hưu, con cái khôn lớn, có gia đình và có việc làm ổn định cả, sẽ về Việt Nam an hưởng tuổi già. Bức tranh người ta vẽ ra rất đẹp: với số tiền hưu trí tại Úc, người ta có thể dễ dàng có một cuộc sống rất phong lưu ở Việt Nam. Có thể thuê người giúp việc. Có thể đi đây đi đó. Có thể ăn hết món lạ này đến món lạ khác. Thế nhưng, đến ngày họ thực sự về hưu, sau vài chuyến thăm viếng Việt Nam, người ta lại đổi ý. Theo họ, Việt Nam chỉ là nơi để đi du lịch chứ không phải là nơi có thể sống được lâu dài. Người ta đưa ra hai lý do chính: Một là nhớ con cháu tại Úc; hai là, Việt Nam hoàn toàn không an toàn.
Tôi cũng có khá nhiều bạn bè ở hướng ngược lại: Họ sống tại Việt Nam, phần lớn đều khá thành đạt, có chức có quyền và có tiền. Họ cho con cái du học ngoại quốc. Học xong, các cháu có việc làm đàng hoàng, sau đó, bảo lãnh cho cha mẹ từ Việt Nam, sau khi về hưu, ra ngoại quốc sinh sống.
Họ bỏ lại sau lưng cuộc sống rất dư dả và cũng rất vui vẻ trên quê hương để sang sống ở một quốc gia xa lạ về cả ngôn ngữ lẫn văn hóa; và vì sự xa lạ ấy, cũng khá buồn rầu. Hỏi tại sao, họ cũng nêu lên hai nguyên nhân: Một là muốn gần gũi con cháu; và hai là, ở ngoại quốc, dù buồn, vẫn an toàn hơn hẳn Việt Nam.
Bỏ qua việc sống gần con cháu, cả hai nhóm người ấy đều có nhận thức giống nhau: Việt Nam, dù là quê hương người ta rất yêu mến, không còn là một nơi an toàn để sống.
Trước hết là thiếu an toàn về chính trị. Ở bình diện cá nhân, người ta có thể bị bắt bớ bất cứ lúc nào nếu muốn có một tư duy độc lập, và nếu muốn thực hiện quyền tự do ngôn luận. Ở bình diện quốc gia, dù nhà nước Việt Nam luôn xem sự ổn định là một trong những mục tiêu lớn nhất của họ, ai cũng biết, Việt Nam lúc nào cũng ẩn chứa đầy những nguy cơ bất ổn.
Bất ổn trong nội bộ đảng với các khuynh hướng và phe phái khác nhau. Nhưng quan trọng nhất là bất ổn trong quan hệ với Trung Quốc: Không ai dám chắc những mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không bùng nổ thành chiến tranh. Đã đành Việt Nam lúc nào cũng nhân nhượng Trung Quốc. Nhưng sự nhân nhượng nào cũng có giới hạn. Mà Trung Quốc thì rõ ràng không muốn dừng lại ở bất cứ giới hạn nào cho đến lúc hoàn toàn trở thành bá chủ trên Biển Đông.
Thứ hai là thiếu an toàn về giao thông. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn xe cộ. Mười ngàn: tức mỗi ngày trung bình gần 30 nạn nhân. Đó là người chết. Con số những người bị thương tật chắc chắn sẽ nhiều hơn hẳn. Bởi vậy, ở Việt Nam, nhiều người nói, cứ mỗi lần bước ra khỏi cửa nhà là thấy phập phồng. Con đường nào cũng đầy bất trắc. Đi đúng luật và lái xe cẩn thận cũng có thể bị những chiếc xe “điên” bị mất tay lái cán chết. Ngay cả đi bộ cũng không an tâm. Mỗi lần băng qua đường là một lần đối diện với rủi ro.
Nhưng quan trọng nhất là mất an toàn thực phẩm. Báo chí đã nói rất nhiều về thực phẩm bẩn ở Việt Nam. Hầu như tất cả đều bẩn. Hầu như bất cứ loại gia súc nào cũng được cho ăn các hóa chất độc hại để tạo nạc và tăng trọng. Tệ hại hơn, người ta còn đem bán cả thịt thối rữa, sau khi tẩm ướp bằng các loại hóa chất để bay mùi và săn thịt. Ngày trước, đã có nhiều người giả thịt trâu thành thịt bò. Bây giờ, “tài” hơn, người ta còn biến cả thịt heo thành thịt bò. Thịt giả như vậy cũng được đi. Nhưng vấn đề là để làm giả như thế, người ta lại sử dụng các loại hóa chất độc hại để nhuộm màu thịt. Ăn chúng, người ta ăn cả các chất có thể gây ung thư.
Thịt đã thế, rau trái cũng thế. Cũng đầy hóa chất. Hóa chất trong phân bón và trong các loại thuốc trừ sâu. Hóa chất còn được dùng để ướp trái cây cho chúng bắt mắt hơn. Ngay cả nước dừa cũng không an toàn. Để trái dừa có màu tươi như mới, người ta lại nhúng chúng vào hóa chất. Lại hóa chất.
Trước, người ta tưởng ăn cá tôm và các loại hải sản là an toàn. Nhưng không phải. Tôm cá và hải sản nuôi trong các hồ nhân tạo cũng nhiễm đầy các chất cấm. Còn tôm cá và hải sản được đánh từ sông và biển? Từ mấy năm nay, chúng lại cũng bị nhiễm độc. Hàng trăm tấn cá bị chết, tấp trắng các bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Huế, kéo dài cả hơn 200 cây số. Chính quyền còn ú ớ trong việc xác định nguyên nhân cá chết nhưng có một điều chắc chắn: chúng bị nhiễm độc các loại hóa chất do con người thải ra. Thành ra tôm cá đánh bắt từ biển khơi cũng không còn an toàn nữa.
Thịt: độc. Tôm cá: độc. Rau, trái và củ: độc. Cả không khí người ta thở, đặc biệt tại hai thành phố lớn, Hà Nội và Sài Gòn, cũng nhiễm đầy chất chì và thủy ngân: độc. Cả nước bị nhiễm đầy chất độc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỉ lệ người Việt Nam mắc bệnh ung thư rất cao. Càng ngày càng cao.
Lâu nay, nói đến những khó khăn mà Việt Nam đang đối diện, chúng ta hay nghĩ đến các yếu tố chính trị và địa chính trị, đến vấn đề dân chủ và nhân quyền, đến chuyện các đại công ty phá sản và nợ công chồng chất. Nhưng ngay cả về phương diện xã hội, liên quan đến chuyện ăn uống và hít thở hàng ngày, Việt Nam cũng đối diện với bao nhiêu nguy hiểm.
Tôi cứ tự hỏi: Trong một khí quyển như thế, làm sao người Việt Nam có thể sống được và tương lai đất nước sẽ đi về đâu?

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178