Việt Nam giành độc lập dân tộc vào ngày 11/3/1945 hay 2/9/1945?
Việt Nam
giành độc lập dân tộc
vào ngày 11/3/1945 hay 2/9/1945?
Theo đúng chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á đã đề ra từ trước, ngày 11/3/1945, Nhật thành lập chính phủ Đế quốc Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu. Nhân dịp này, Bảo Đại tuyên bố là kể từ nay, chính phủ Việt Nam được hoàn toàn độc lập, có chủ quyền ở ba Kỳ, bãi bỏ các hiệp ước do Pháp bảo hộ và cùng hợp tác quốc tế để đạt được mục đích chung theo tinh thần của tuyên ngôn Đại Đông Á.
Về sau, lúc 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, khi nhân danh đại diện cho phong trào giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quảng trường Ba Đình là Việt Nam từ nay thoát khỏi sự cai trị của chế độ thuộc địa của Pháp và tình trạng chiếm đóng của Nhật.
Dựa theo nội dung trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 4 tháng 7 năm 1776 của Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson, ông Hồ hô hào là tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng, vì “Đấng Tạo hoá đã trao cho chúng ta quyền bất khả chuyển nhượng: quyền sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc”.
Như vậy, Bảo Đại và Hồ Chí Minh khai sinh ra nền độc lập cho Việt Nam trong hai ngày khác nhau. Đâu là sự thật của lịch sử?
Nhìn lại đất nước lâm cảnh hỗn loạn theo trình tự của biên niên sử, thế hệ hậu chiến đã có những cách giải thích khác biệt.
Nhật lật đổ Pháp
Sau khi không kích đột ngột Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, Nhật chiếm nhiều lãnh thổ khác tại châu Á. Nhìn chung, nếu so với các đế quốc khác như Pháp, Anh và Hà Lan, thực ra, Nhật đối xử với người dân thuộc địa tàn bạo và đẩm máu hơn.
Từ tháng 8 năm 1944, Đồng minh giải phóng Paris. Việt Nam nhận ra ngay một vận hội mới: ngày tàn của chế độ Pháp đã bắt đầu và nguy cơ đang đến gần hơn bao giờ hết.
Khi phát hiện Pháp chuẩn bị chống Nhật trong lúc Đồng minh đổ bộ vào Đông dương, ngày 9/3/1945, Nhật nhanh chân lật đổ Pháp.
Tại Sài Gòn, đại sứ Nhật Matsumoto trao cho Đô đốc Decoux một tối hậu thư đòi Pháp phải trao quyền lãnh đạo quân đội Pháp cho Nhật. Sau 2 giờ tham khảo, Đô đốc Decoux quyết định bác bỏ yêu cầu này.
Trong vòng 48 giờ, Nhật tước quyền của Đô đốc Decoux, cùng lúc ra lệnh bỏ tù hoặc tập trung các nhân viên Pháp. Cũng tương tự như tại Sài Gòn, tại Hà Nội, Nhật tập trung nhiều người Pháp, nhưng có hành hạ một số cho đến chết.
Do đó, chỉ trong hơn một ngày, chế độ thực dân Pháp trên toàn Đông dương không còn tồn tại và Nhật cai trị thay cho Pháp.
Đế quốc Việt Nam với Hoàng đế Bảo Đại
Hai hôm sau, ngày 11/3/1945, Bảo Đại tuyên bố là kể từ nay, chính phủ Việt Nam có chủ quyền ở ba Kỳ, độc lập, bãi bỏ các hiệp ước do Pháp bảo hộ và cùng hợp tác quốc tế để đạt được mục đích chung theo tinh thần tuyên ngôn Đại Đông Á của Nhật.
Ngày 7/4/1945, Bảo Đại chuẩn y thành phần nội các đầu tiên do Trần Trọng Kim đề nghị. Ngày 17/4/1945 Thủ tướng Trần Trọng Kim nhậm chức và ngày 12/5 Bảo Đại tuyên bố giải thể Viện Dân biểu Trung kỳ.
Thực tế cho thấy là có những cáo buộc cho rằng Bảo Đại không có thực lực, khi quyền tự trị tài chính và điều động nhân sự cho đất nước đều do Nhật nắm giữ.
Cũng như các chính phủ khác ở những vùng bị Nhật chiếm đóng, Bảo Đại có bù nhìn hay không, đó chỉ là một lối giải thích về bản lĩnh chính trị nhất thời của giới lãnh đạo, mà tình thế không cho phép có thể xảy ra khác hơn. Về sau, các nước khác cùng hoàn cảnh như Việt Nam cũng thoát ra khỏi sự lệ thuộc của Nhật.
Về mặt pháp lý, ngày 11/3/1945 là một sự kiện quan trọng để cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập và có chủ quyền ra đời mà Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim là giới lãnh đạo đầu tiên.
Khi Việt Nam đã thành hình, thì Hồ Chí Minh một lần nửa lại khai sinh cho Việt Nam và tự quyền tuyên bố là Việt Minh giành độc lập vào ngày 2/9, thực tế đây là một diễn biến các cuộc bạo loạn thuộc về xáo trộn nội chính để cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim.
Việt Minh cướp chính quyền
Diễn biến đầu tiên là ngày 17/ 8, tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố, Tổng hội Công chức của chính quyền Trần trọng Kim có tổ chức một cuộc biểu tình để ủng hộ chính phủ trong việc thu hồi chủ quyền. Trong khí thế hân hoan, đoàn người biểu tình hát vang bài Tiếng Gọi Thanh Niên và hô to khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", các thành viên của Việt Minh nhảy lên khán đài với súng ngắn trong tay và dồn các viên chức chính phủ vào một góc, hạ cờ Việt Nam xuống, trương cờ đỏ sao vàng lên và hô to "Ủng hộ Việt Minh". Tình trạng hỗn loạn cực độ trong buổi lễ làm cho ban tổ chức không thể tái lập trật tự. Nhân dịp này, các cán bộ Việt Minh kêu gọi quần chúng ủng hộ để đánh đổ chính quyền tay sai, đấu tranh cho độc lập dân tộc, phân phát cờ đỏ cho dân chúng để đón quân giải phóng sắp ở chiến khu về.
Sau đó, Việt Minh điều khiển hàng trăm người vào Bắc bộ phủ hô các khẩu hiệu đả đảo phát xít, hoan hô giải phóng, hô hào dân chúng đi chiếm các công sở.
Sáng ngày 18/8, Việt Minh chiếm nhà số nhà 101 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) dùng làm trụ sở.
Ngày 19/8, lúc 10 giờ rưỡi, Thanh niên tự vệ, một tổ chức của Việt Minh tại Hà Nội, huy động được nhiều dân chúng đến Quảng trường Nhà hát lớn, xâm chiếm Phủ Khâm sai và bắt giữ Khâm sai Bắc kỳ Nguyễn Xuận Chữ mà không gặp bất kỳ kháng cự nào.
Tối 19/8, Việt Minh đạt được một thoả thuận với tướng Tsuchihashi, Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật, là phía Nhật sẽ không can thiệp vào các hoạt động của Việt Minh; đổi lại, Việt Minh sẽ không tấn công binh lính Nhật.
Tại Huế, tình hình yên tĩnh hơn, nhưng đại diện của Nhật yết kiến vua Bảo Đại và tỏ ý muốn can thiệp chống lại Việt Minh để vãn hồi trật tự. Bảo Đại và Trần Trọng Kim không đồng ý với lý do là Nhật đang đầu hàng Đồng minh và đang chờ giải giới, mà cũng có thể giải thích là cả hai có khuynh hướng hiếu hoà trong hoàn cảnh bất ổn.
Đó là một thuận lợi cho Việt Minh trước tình thế này. Nếu Nhật được phép can thiệp quân sự, diễn biến chắc chắn sẽ khác hẳn, vì thực lực của Việt Minh lúc bấy giờ còn trong giai đoạn phôi thai.
Không thể bảo vệ ngai vàng cho Bảo Đại và điều hành công việc nội chính, Trần Trong Kim xin từ chức. Việt Minh biết tận dụng thời cơ này bằng cách gây áp lực buộc vua Bảo Đại thoái vị trong ngày 22/8. Đó cũng là một thuận lợi khác.
Ngoài mọi dự liệu, Bảo Đại chấp nhận thoái vị một cách đơn giản khi tuyên bố : “Muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị.” và muốn trở thành công dân Vĩnh Thuỵ. Vào ngày 25/8 tại Huế, khi công dân Vĩnh Thụy trao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Việt Minh và được gắn huy chương, buổi lễ thoái vị được kết thúc.
Đây là một món quà vô giá mà Bảo Đại tặng cho Việt Minh và làm thay đổi triệt để lịch sử Việt Nam cận đại. Đế quốc Việt Nam với triều đại Bảo Đại chấm dứt và Việt Minh nhận trách nhiệm lịch sử trong một khởi đầu đầy giông bão.
Nhìn lại biến chuyển này trong toàn cảnh, người hậu thế sẽ dễ nhận ra là Bảo Đại vẫn còn có những giải pháp tương ứng khả thi khi Thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức.
Trước áp lực của buổi giao thời, Bảo Đại vẫn có thể tìm một chính khách khác bản lĩnh hơn Trẩn Trọng Kim để đảm nhiệm chức vụ, ngay cả việc mời Hồ Chí Minh hợp tác, thí dụ như để thành lập một chính phủ mới trong một khuôn khổ khác hơn. Điển hình là Bảo Đại có thể đứng ra kêu gọi thành lập chế độ Quân Chủ Lập Hiến mà nhiệm vụ là soạn hiến pháp, lập chính phủ lâm thời với chủ trương đại đoàn kết dân tộc.
Khi can đảm hơn, Bảo Đại có nhiều triển vọng thành công để thi hành sách lược này. Sự thật hiển nhiên là uy tín của hoàng triều vẫn còn vững vàng trong dân chúng trong khi Việt Minh không có ảnh hưởng nào đáng kể tại miền Trung và miền Nam. Dĩ nhiên đây là một giả thuyết không hơn và không kém.
Nhưng một đại bất hạnh cho Việt Nam trong giai đoạn này là 95% dân chúng mù chử và không ai am tường chính sự, nên không có một tiếng nói nào gây tiếng vang trong chính trường.
Việc Bảo Đại thoái vị, giải tán chinh phủ và triều đình, trao toàn quyền cho Việt Minh đang chưa có thực lực và thanh thế là một sai lầm nghiêm trọng về trách nhiệm chính trị và lịch sử.
Tình thế ngả
nghiêng và dân chúng hoang mang. Tại miền Nam, Việt Minh cũng biết nắm lấy thời
cơ. Ngày 25/8/1945 tại Sài Gòn một tổ chức của Việt Minh trá hình ra đời là Uỷ
Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ, gồm có 9 Uỷ Viên trong đó Việt Minh chiếm đa số
và Trần văn Giàu tự xưng là Chủ tịch.
Tại miền Bắc, Việt Minh thuận lợi hơn khi nhanh chóng chiếm được sáu tỉnh và gây ảnh hưởng mạnh đến các chính quyền thân Nhật trong khu vực.
Kết luận
Nhìn lại bối cảnh của đất nước theo biên niên sử, ngày 11/3/1945 ngày Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành độc lập phải được xem là ngày chính thức chế độ thực dân Pháp cáo chung. Sự thật này phải đến trước ngày 19/8/1945 và ngày 2/9/1945.
Các diễn biến được sử gia Việt Minh gọi chung là Cách mạng tháng Tám đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập không thể xảy ra theo đúng như sự thật của tiến trình lịch sử trong khi Việt Minh giành quyền của chính phủ Trần Trọng Kim trong sự thoả hiệp công khai với Nhật.
Tóm lại, Hồ Chí Minh không có căn bản nào để khai sinh độc lập cho Việt Nam và đây cũng là lý do để chứng minh là Việt Nam giành được độc lập vào ngày 11/3/1945, không thể khác hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét