Góp ý về bài viết "Những từ dùng sai trong tiếng Việt"




Đỗ Chiêu Đức

Dưới đây là những góp Ý rất chân thành và khách quan của tôi, nhằm mục đích làm trong sáng và phong phú hơn tiếng Việt một cách thực tế, phù hợp với " Tập quán Ngôn ngữ " hằng ngày của cộng đồng người VIỆT nói tiếng VIỆT, chớ không lập dị hoặc bới lông tìm vết gì cả !

Trước tiên, xin đề cập đến từ "CHUNG CƯ hay CHÚNG CƯ ":
Trích bài viết:
"CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn."

Theo tôi nghĩ :
Từ CHUNG CƯ là từ được viết gọn lại của nhóm từ CÙNG CHUNG CƯ NGỤ, đã được quần chúng sử dụng từ trước đến nay, nghe đã quen tai, không cần thiết phải đổi lại thành CHÚNG CƯ, nghe vừa xa lạ vừa chói tai, vừa lập dị vừa không hợp với tập quán ngôn ngữ. Xin được giải thích...

Trước tiên, xin được nói về TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, TẬP QUÁN là Thói Quen, NGÔN NGỮ là Tiếng Nói. TẬP QUÁN NGÔN NGỮ là Thói quen của một Tiếng nói nào đó mà mọi người đã quen sử dụng và chấp nhận Ý nghĩa của nó theo Thói Quen đó. Ví dụ:

Từ CHẮC là CHẮC CHẮN, được sử dụng theo nghĩa KHÔNG CHẮC CHẮN gì cả ! Xem các câu sau đây :

- Trời oi bức quá, chiều nay CHẮC mưa.
- Trời mưa, CHẮC nó không đến đâu!
- Tối nay có đi xem phim không?- CHẮC đi!

Trả lời là "CHẮC đi"để tỏ cái Ý "KHÔNG CHẮC đi" gì cả ! Đó là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ ! Thế thì...

Khi nói " CHUNG CƯ " là mọi người đều hiểu ngay rằng đó là nơi có nhiều người CÙNG CHUNG CƯ TRÚ, chớ không phải là NƠI Ở CUỐI CÙNG, MỒ CHÔN hay NGHĨA ĐỊA gì cả , vì " CHUNG CƯ là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ được mọi người cùng chấp nhận, thì TẠI SAO ta phải đi bới lông tìm vết, bảo nó không chính xác mà phải nói là CHÚNG CƯ cho đúng với cách nói của từ Hán Việt ?! CHÚNG CƯ vừa chói tai khó nghe, vừa không hợp với TẬP QUÁN NGÔN NGỮ!

Người Pháp chào nhau bằng câu : "Comment allez vous ? " là sử dụng SAI động từ ALLER (đi) không? Và người MỸ chào nhau bằng câu : "How are you doing?" là dùng không chính xác động từ TO DO (làm) không ? Cũng như người Việt ta chào nhau bằng câu: " Có khỏe không? ", không phải ta dùng sai từ KHỎE đâu, người Hoa chào nhau bằng câu : "Sực fàl mì ? 吃飯沒?" (Ăn cơm chưa?) không phải là họ nói SAI đâu, mà tất cả đều là do TẬP QUÁN NGÔN NGỮ được mọi người cùng chấp nhận mà thôi !!!

Sở dĩ tôi phải nói dài dòng như thế là chỉ để làm cơ sở cho những nhận xét kế tiếp của phần bên dưới.

Về từ KHẢ NĂNG 可能: 
Trích...
"KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực của con người mà thôi."

Theo tôi nghĩ thì: KHẢ NĂNG là Phó Từ, có nghĩa là Có Thể (perhaps, maybe, possibly), còn NĂNG LỰC mới là Tài Năng và Sức Lực (capability, ability) của con người làm được việc gì đó. Nên câu:

Hôm nay, khả năng trời không mưa, chỉ là câu nói thiếu chữ, sai văn phạm, chớ không sai từ, nếu nói lại như thế nầy, thì câu sẽ hoàn chỉnh: Hôm nay, có khả năng trời sẽ không mưa.

Và câu... Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nói lại thành...:  Con bò nầy có khả năng sẽ chết vì bị bệnh… Nhưng... Nếu KHẢ NĂNG là Danh Từ, thì có nghĩa giống như là NĂNG LỰC. Ví dụ: NĂNG LỰC của một người là chỉ KHẢ NĂNG của người đó có thể làm được việc gì đó.

Về từ "HUYỀN THOẠI": 
Trích... 
HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 càu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chữ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”

Chưa chắc mình đã giỏi hơn ai, sao lại cười người quá thế ?!

Chỉ đồng ý với cách giải nghĩa đen của từ HUYỀN THOẠI, sao không tìm hiểu NGHĨA BÓNG và NGHĨA PHÁT SINH của một từ mà lại vội tỏ lời khinh bạc sâu cay đối với người khác như thế ?

HUYỀN THOẠI ngoài nghĩa là "Câu chuyện Huyền diệu, Huyền hoặc, Huyền vi không có thực " ra, còn được sử dụng như là một HÌNH DUNG TỪ (Tính Từ) để chỉ những khả năng vượt trội siêu thực, khó có thể có được trong đời sống hằng ngày.

Điều cần nhớ, bây giờ NÓ là TÍNH TỪ chớ không phải là DANH TỪ nữa, phải hiểu theo nghĩa HÌNH DUNG của NÓ, thì mới thấy được cái dụng Ý của nhóm từ HUYỀN THOẠI PÉLÉ hay HUYỀN THOẠI MARADONA. Vì đây là những nhân tài Bóng Đá hiếm thấy trong làng TÚC CẦU THẾ GIỚI mà trước mắt hay tương lai cũng khó mà có được!

Hơn nữa đây đã là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, vì mọi người đều chấp nhận gọi thế, Ý nghĩa cũng đã rõ ràng, sao lại còn làm ra vẻ ta đây là " bác học " để chê trách người khác " Dốt hay nói chữ "!.

Bây giờ thì ta sẽ nói về các từ "HÔN PHU, HÔN THÊ " đây.... 
Trích:
HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

HÔN 婚 (marry, marier) mà giải nghĩa là CƯỚI là SAI ... BÉT ! Theo tôi học thì HÔN là GIÁ 嫁 và THÚ 娶, GIÁ là Gã, là Lấy chồng, còn THÚ là Cưới vợ. Vậy, HÔN 婚 là Sự CƯỚI GÃ. Cho nên...

HÔN PHU, HÔN THÊ là Vợ hoặc Chồng có cưới hỏi đàng hoàng, có làm Giấy Giá Thú, Hôn Thú đàng hoàng, chớ không phải Vợ Chồng Tự Kết Hợp, tự mình ăn ở với nhau ! Và khi nói...

HÔN PHU, HÔN THÊ không ai nghĩ đó là nguời chồng u mê, người vợ u mê cả !, mà hiểu ngay đó là VỢ CHỒNG HỢP PHÁP, CÓ CƯỚI HỎI ĐÀNG HOÀNG. Những từ nầy RẤT QUAN TRỌNG đối với các Luật Sư và Tòa Án.

Đâu có ai lập dị một cách... đa sự, mà đi đánh đồng từ ĐỒNG ÂM giữa HÔN PHU 婚夫, HÔN THÊ 婚妻 và HÔN QUÂN 昏君 bao giờ ! Hai chữ HÔN khác nhau xa mà !

Tiếp tục 
Trích...
2.- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt.
ĐỘC LẬP Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.

Nghĩa đen thui của ĐỘC LẬP là Đứng đơn độc một mình, Đúng rồi ! Nhưng sao không xét nghĩa phát sinh và ngữ cảnh lúc từ ĐỘC LẬP ra đời ?! Từ ĐỘC LẬP ra đời trong bối cảnh các nước nhược tiểu đấu tranh giành quyền TỰ CHỦ trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của Chủ Nghĩa THỰC DÂN THUỘC ĐỊA sau Thế Chiến Thứ Nhất. Nên...

ĐỘC LẬP là Tự mình đứng dậy riêng mình, Tự mình tổ chức chính quyền của riêng mình, Tự mình TỰ CHỦ lấy mình, mà không nhờ vào hoặc bị khống chế bởi một Ngoại Bang nào khác. Nói thế, không phải là sửa nghĩa gốc của từ Hán Việt, mà là triển khai nghĩa bóng, nghĩa phát sinh của một từ khi nó đi vào cuộc sống.

Có ĐỘC LẬP thì mới TỰ CHỦ chủ được! Hơn nữa từ ĐỘC LẬP đã trở thành TẬP QUÁN NGÔN NGỮ lâu rồi, mọi người đều nói : Lễ ĐỘC LẬP của một nước, chớ không ai nói Lễ TỰ CHỦ của một nước bao giờ! Còn nói : Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế.

Đúng rồi ! Cái đó kêu bằng BANG GIAO, ĐỘC LẬP không có nghĩa là " CHƠI MỘT MÌNH ", không chơi với ai. Sao lại hiểu nghĩa HẸP HÒI thế ?! Và...

Sao lại chỉ nghe " Có người bảo với tôi rằng " mà đổ lỗi cho Tôn Dật Tiên, rồi xúc phạm đến bậc trưởng thượng nầy ?! Có đáng trách lắm không ???

Từ PHONG KIẾN:
Trích ...
Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.

Chỉ đồng Ý với nghĩa đen của từ PHONG KIẾN và trên bình diện nghiên cứu Lịch Sử. Còn về nghĩa thông dụng khi đi vào cuộc sống thì nhận xét như trên là quá hẹp hòi, vì từ...

PHONG KIẾN khi dùng rộng ra là để chỉ những Chế Độ Quân Chủ Chuyên Chế lạc hậu so với phong trào đấu tranh Dân Chủ đang lên. Gọi Chế Độ Quân Chủ CHUYÊN CHẾ là PHONG KIẾN để Nhấn Mạnh đến tính chất lạc hậu, cổ hủ, không có nhân quyền... so với Chế độ DÂN CHỦ mới mẻ tôn trọng quyền sống của con người hơn. Trong lúc muốn đả phá cái cũ lạc hậu có nói quá lố một chút cũng là chuyện bình thường mà thôi. Chính vì thế mà khi chấp chánh Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM đã chủ trương BÀI PHONG ĐẢ THỰC (Bài trừ phong kiến và Đánh đuổi thực dân) để xây dựng cuộc sống mới. Đâu phải tại dốt và dùng sai từ PHONG KIẾN đâu !

Trích...
3.- Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm).
QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu, Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日.Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.

GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.

Theo tôi nghĩ, gọi ...

QUỐC GIỖ, GÓA PHỤ là một Sáng tạo làm giàu thêm cho ngôn ngữ tiếng Việt đó chứ ! Sao lại cứ phải khăn khăn ghép từ theo kiểu Hán Việt thế ?! Chả lẻ lại gọi là NGÀY QUỐC KỴ hay toàn Nôm là NGÀY GIỖ NƯỚC ? Còn...

GÓA PHỤ hay QUẢ PHỤ gì thì đều là những từ thông dụng đã đi vào TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của tiếng Việt, sao lại còn phải thắc mắc ?!!!

Còn luôn miệng bảo là phải ghép hai chữ Hán lại thành một từ mới hợp với Văn Phạm Hán Việt (???) thì hãy quên đi !!!

Mời xem các Ví dụ sau đây :

Từ HÁN VIỆT : 
HƯƠNG là THƠM ( NÔM ), ta có từ Ghép: Hương Thơm.
HOA là BÔNG, ta có từ Ghép: Bông Hoa.
KÝ là GỞI , ta có từ Ghép: Ký Gởi.
PHÂN là CHIA, ta có từ Ghép: Phân Chia.
LÝ là LẼ, ta có từ Ghép: Lý Lẽ.
SANH là ĐẺ, ta có từ Ghép: Sanh Đẻ.
TIẾP là NỐI, ta có từ Ghép: Tiếp Nối.......nhiều vô số kể !....

AI? Ai dám bảo là KHÔNG THỂ GHÉP MỘT TIẾNG HÁN và MỘT TIẾNG NÔM lại để thành lập một từ mới ?!

Trích...
4.- Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm.
X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi vể kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang 光 có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?

Luôn miệng mạt sát và mỉa mai người khác “đại giáo sư tiến sĩ” nào, mà không biết đến sự cổ hũ, cố chấp của mình!

TIA X là Tia gì ? Tia Sáng, Tia Chớp, Tia Nước hay Tia... Nhìn ?! Trong khi... X- QUANG có nghĩa là : TIA SÁNG X .

Nói chơi thế thôi, chớ TIA -X hay X- QUANG (tia Röntgen) gì mà chả được ! Có cần phải khó chịu đến nỗi phải lý luận tràng giang đại hải khoe mình uyên bác như trên kia không?!

TIA-X hay X-QUANG đều dễ hiểu, dễ đi vào quần chúng, thì thôi, thắc mắc làm gì cho nó ốm?!

Sự thật X-QUANG là lấy từ " X-光 " của người Hoa phiên âm sẵn, rồi ta lấy xài luôn cho tiện, khỏi mất công! Chuyện nầy cũng không phải mới mẻ gì mà đã từng xảy ra trong quá khứ và còn ảnh hưởng mãi cho đến hiện nay. Ví Dụ :

Người Hoa phiên âm chữ CANADA là 加拿大 (Jia-ná-dà), ta dịch ra Hán Việt là nước GIA NÃ ĐẠI. Tương tự ITALI, họ phiên âm là 意大利 (Yì-dà-lì), ta dịch và gọi là nước Ý ĐẠI LỢI. v.v. và .v.v .... đâu có chết "thằng Tây" Phú Lang Sa nào đâu, thắc mắc làm gì cho nó mệt ?!

Tương tự như thế, suốt bài viết, tác giả bài viết tưởng rằng mình giỏi Hán Việt lắm, cứ chê trách tập thể cộng đồng người Việt nói tiếng Việt dốt nát. Trích: "kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười." Thực ra, sửa sai mà sửa một cách lập dị, cố chấp, thiếu đầu óc thông thoáng và hiểu biết, thì chưa biết là ai " buồn cười " hơn ai đây ?!

Suốt từ đầu đến cuối gồm 16 mục Hà Thủy Nguyên (?) luôn miệng bảo : Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm. ( ? ) Không biết là cái Văn Phạm nầy HTN học từ đâu ra mà cứng ngắt không linh động chút nào cả ! Vả lại, chữ Hán Việt cổ có Văn Phạm đâu mà học?! Ngay cả dấu chấm câu còn không có mà làm sao có Văn Phạm được ?! . Nhưng thôi, ta hãy nói chuyện chính trước...

Xuất phát từ động cơ tốt, muốn làm rõ nghĩa để sử dụng từ ngữ một cách chính xác hơn, nhưng cách nhận xét và phê bình của HTN có vẻ thô lổ, cộc cằn, luôn miệng mỉa mai, xài xể bóng gió những từ ngữ được đề cập... do ai đó tạo ra, đưa ra ! Thật tội nghiệp ! Nói và Viết nghiêm chỉnh đàng hoàng còn chưa có tác dụng, huống hồ với giọng điệu trịch thượng, ta đây như HTN thì làm sao mà đạt mục đích yêu cầu cho được. Xin được dẫn chứng...

Khoảng giữa năm 1994, dân Sài Gòn đọc được một bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng của Giáo Sư Lương Duy Thứ, Trưởng Khoa Trung của Đại Học Tổng Hợp vừa chuyển sang thành Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, nội dung bài báo đề cập đến việc nên dùng từ "CHÚNG CƯ" thay thế cho từ "CHUNG CƯ" giống như bài viết nầy đã đề cập. Sau đó, các báo, đài đều hưởng ứng dùng từ CHÚNG CƯ thay thế cho CHUNG CƯ, nhưng , chỉ một thời gian sau và mãi cho đến hiện nay, đã 20 năm qua , thì... đâu vẫn hoàn đấy ! Tập thể Quần Chúng nói tiếng Việt vẫn thích dùng từ CHUNG CƯ hơn là CHÚNG CƯ !!! Tất cả báo đài trước mắt đều quảng cáo cho các CHUNG CƯ CAO CẤP, như CHUNG CƯ CAO CẤP Phú Mỹ Hưng chẳng hạn ! chớ không phải CHÚNG CƯ nữa!

Từ đó, ta có thể xác định lại một lần nữa là: Cái TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của quần chúng, NÓ mạnh mẽ biết chừng nào !. Nên, theo tôi thì...

Những từ nào đã được tập thể quần chúng nhân dân sử dụng rộng rãi rồi thì... thôi, ta nên chấp nhận (không chấp nhận cũng không được!) Nó như là một thành viên mới trong gia đình, nếu tự bản thân Nó không ổn, chắc chắn Nó sẽ bị đào thải mà thôi ! Ví dụ như từ " CHÚNG CƯ " đã nêu ở trên.

Trở ngược về xa hơn, ta thấy trong TRUYỆN KIỀU của cụ NGUYỄN DU cũng có những từ đã bị đào thải theo thời gian, như :

    Vài tuần chưa cạn chén khuyên,
    Mái ngoài NGHỈ đã giục liền ruổi xe,
    Xót con lòng nặng CHỀ CHỀ,
    Trước yên ông đã NẰN NÌ thấp cao.

NGHỈ : là Nhân Vật Đại từ, Ngôi thứ ba số it.
Nặng CHỀ CHỀ : Bây giờ ta nói là Nặng CHÌNH CHỊCH.
NẰN NÌ : là Năn Nỉ.

Trong khoảng đầu thập niên 60 của thế kỉ trước rất thịnh hành các từ "Lấy Le ", " Bỏ qua đi Tám ! ", " Hứa Lèo "... Nhưng sau 1975 thì các từ nầy biệt dạng luôn ! Cũng như sau 1975 Miền Bắc đã cho du nhập vào Miền Nam các từ : "Lính Thủy đánh bộ ", "Trung Tâm Nghe Nhìn", "Máy bay lên thẳng"... như bài viết đã đề cập, nhưng bây giờ khi nhắc đến quân đội MỸ, họ vẫn sử dụng từ "Thủy Quân Lục Chiến, Trực Thăng Chiến Đấu ... như thường!

Vì thế mà ...
Ta thấy, Ngôn Ngữ tự nó có sức sống và giá trị riêng của nó, nên cũng đừng quá lo lắng ưu tư đối với các từ như : "Bê-tông hóa ", "tin tặc", "Lưu Ban", "Kích Cầu". ... Nếu không đủ sức thuyết phục người nghe người nói thì tự nó sẽ bị đào thải mà thôi!

Một điều đáng nói nữa là vì là đồng minh tiếp xúc lâu ngày với ngôn ngữ Trung Quốc, nên bị ảnh hưởng bởi một số từ của Tiếng Hán Hiện Đại, như :

Sự Cố 事故 : là Nguyên nhân xảy ra một sự việc nào đó, hàm Ý chỉ : Có sự việc rắc rối xảy ra. Còn Cố Sự 故事: là Chuyện Đời Xưa hoặc là Một câu chuyện nào đó.

Kiêu Ngạo 驕傲: Ngoài nghĩa Kiêu Căng Ngang Ngược, Kiêu Ngạo còn có nghĩa là Làm Phách. Vì không hiểu nghĩa nầy trong Tiếng Hán Hiện Đại, nên người viết bài nầy mới không giải thích được câu hỏi của người bạn. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo với người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được. Kiêu Ngạo ở đây có nghĩa là Làm Phách đó.

Tham Quan 參觀 : Tham là Tham gia, Quan là xem xét, nhìn ngắm. Đi THAM QUAN là đi tham gia để xem xét và ngắm nhìn cái gì đó, nơi nào đó,chớ không phải như Hà Thủy Nguyên đã mỉa mai. THAM QUAN. 參觀 : Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.

ĐĂNG KÝ 登記 : là Ghi chép, là Viết lại cái gì đó. Vì không hiểu nghĩa nầy, nên HTN bài đã lên tiếng mỉa mai một cách rất buồn cười như sau: Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày nay, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

Hà Thủy Nguyên còn không phân biệt được Tiếng Hán Cổ và Tiếng Hán Hiện Đại, nên đã viết...
Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa.

Sự thật thì Tiếng Tàu Xưa và Tiếng Tàu Nay cũng y chang như nhau, dĩ nhiên là có sự biến đổi theo thời gian như tất cả các ngôn ngữ khác trên thế giới. Có điều là người Hoa họ NÓI và VIẾT khác nhau, văn nói là văn BẠCH THOẠI 白話文, văn viết là văn VĂN NGÔN 文言文. Văn nói BẠCH THOẠI thì thông thoáng trơn tru bình dân dễ hiểu, còn văn viết VĂN NGÔN thì cầu kỳ hàm xúc sâu xa bác học khó hiểu hơn. Xưa nay vẫn thế, Văn Ngôn và Bạch Thoại luôn luôn phát triển song song với nhau. Nhưng sau Cách Mạng Tân Hợi (1911), thì theo trào lưu phát triển thế giới ngày càng phải nhanh gọn dễ hiểu nên chỉ chú trọng vào Bạch Thoại, còn Văn Ngôn thì cho lui vào làm CỔ VĂN. Nói thế, chớ các văn bản ngoại giao, công hàm... muốn cho lịch sự và trịnh trọng, người ta vẫn phải chen một số Văn Ngôn vào. Người Việt học tiếng Hán, tiếng Hoa, muốn cho dễ phân biệt nên chia làm 2 phần là : Tiếng Hán CỔ và Tiếng Hán HIỆN ĐẠI để phân biệt Văn Ngôn và Bạch Thoại. Thế thôi !. Nên...

Không phải Tiếng Hán Đời Đường khác Tiếng Hán bây giờ như người viết đã nói đâu.

Theo tôi nghĩ, người viết bài nầy luôn miệng chê trách người khác không chịu học tiếng Hán Việt, nhưng bản thân người chê cũng không thực sự giỏi Hán Việt hơn ai ! Xin dẫn chứng... 
Trích...
TẶC. Từ Hán Việt nầy đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa. Tặc 賊 có nghĩa là ăn cướp, đạo 盜 mới có nghĩa là ăn trộm, thí dụ đạo văn 盜文 là ăn trộm văn của người khác.

Giải nghĩa đen theo Từ Điển như thế thì ai lại chả giải nghĩa được! Nhưng, nghĩa thông dụng thì phải linh động hơn...

TẶC hay ĐẠO gì đều có nghĩa là TRỘM CƯỚP cả! Ta có từ kép là ĐẠO TẶC để chỉ TRỘM CƯỚP mà!

TẶC 賊 : Ngoài nghĩa Trộm hoặc Cướp, còn có nghĩa là GIẶC, để mắng mấy đứa nhỏ rắn mắt hay phá khuấy, người lớn hay nói : " Đồ TIỂU TẶC ! " Có nghĩa là " Thằng Giặc con ! ". Khi rời Linh Xà Đảo trên con thuyền trước sóng to gió lớn sắp chìm, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đã mắng trời bằng câu : " Lão TẶC Thiên ! " ( Cái Lão GIẶC Trời ! ). Trong Tiếng Hán Hiện Đại TIỂU TẶC 小賊 hay TIỂU THÂU 小偷 đều có nghĩa là : Những tên TRỘM VẶC. Còn...

ĐẠO 盜 là Lấy ngang lấy ngược của người khác, nên ngoài nghĩa TRỘM, ĐẠO còn có nghĩa là CƯỚP như : CƯỜNG ĐẠO chẳng hạn. Đồ Cường Đạo là Quân Ăn Cướp ! Còn ĐẠO VĂN là Lấy ngang văn của người khác làm văn của mình, thì là ĂN CƯỚP VĂN của người ta chứ Trộm Văn gì ?!!!

Không giỏi từ Hán Việt mà đi chê trách người khác không chịu học từ Hán Việt. Rõ buồn cười ! Cứ luôn miệng bảo : một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép.

Hãy xem các ví dụ sau đây :

Từ Thuần Việt là QUÊ, từ Hán Việt là HƯƠNG, ta có từ Kép : QUÊ HƯƠNG.
Từ Hán Việt là SINH, từ Thuần Việt là SỐNG, ta có từ kép : SINH SỐNG.
Từ Thuần Việt là CỬA, từ Hán Việt là TỬ, ta có từ kép : CỬA TỬ.
Từ Hán Việt là ĐẠO, từ thuần Việt là CHÍCH, ta có từ kép : ĐẠO CHÍCH.

Những từ trên là những từ rất thông dụng trong cuộc sống, sao lại bảo : một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. ?!

Còn về các từ của Khoa Học Kỹ Thuật hiện nay như : Computer, Internet, Web.... thì theo tôi nghĩ...

Từ nào đã được dịch rồi thì thôi, cứ dùng theo những gì đã được dịch cho khỏi lộn xộn ! Như từ Computer là Máy VI TÍNH, thì cứ gọi là VI TÍNH đi. Chứ người Hoa họ gọi là ĐIỆN NÃO 電腦, nếu bây giờ đổi cách gọi, bất cứ gọi bằng gì đi nữa , thì lại càng lộn xộn thêm thôi ! Còn như các từ...

Internet thì cứ gọi là " Nét " như hiện nay, Ví dụ: "Bửa nay bạn có lên NÉT để xem tin tức không ? ". Còn...

Web thì là " Quép ", là " Mạng ". Như : Đây là trang Quép của tôi... Nghĩa là....

Trong thời buổi TOÀN CẦU HÓA nầy, thì từ của nước nào cứ đọc thẳng bằng âm của nước đó, dịch tới dịch lui làm gì cho nó phiền, rồi lại sợ dịch không chính xác nữa !

Người Việt ta nói: Thùng rổng thì kêu to ! Còn người Hoa thì gọi những người Trí Thức Nửa Mùa bằng từ "Bàn-tóng-shui 半桶水 Bán thống thủy", có nghĩa là "Nửa Thùng Nước", nên óc ách ọc ạch dữ lắm ! Không biết là Hà Thủy Nguyên thuộc dạng nào, chớ tôi thì tôi thuộc loại NỬA THÙNG NƯỚC đó, cho nên đọc bài nầy tôi thấy tôi "Óc Ách" dữ lắm, nhất là đọc những câu mát mẻ, mạt sát, mỉa mai người khác của Hà Thủy Nguyên. Chịu không nổi, nên mới " Ọc " ra bài viết nầy !

Kính mong các đọc giả đọc và lượng thứ cho ! Chân thành cám ơn tất cả !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215