Chất và Lượng

Chất và Lượng


 

Đỗ Văn Phúc

Chúng ta thường nghe nhiều người đánh giá các sản phẩm, vật chất là có chất lượng. Việc đánh giá không chỉ giới hạn các món hàng, các thực phẩm mà có khi còn là những thứ thuộc lãnh vực trừu tượng như văn chương, học thuật.
Ví dụ: Chiếc xe này có chất lượng, cuốn sách chất lượng, phim này chất lượng. Chúng tôi đã vất vả dành nhiều thì giờ để tra cứu mong tìm ra sự đúng sai khi dùng hai chữ chất lượng ghép đôi với nhau.
Chất nói về xấu tốt; lượng nói về nhiều ít.
Chất” 質 (quality) là phẩm chất, là tiêu chuẩn dánh giá một vật nào đó so với các vật khác cùng thể loại. Chất cũng là mức độ tốt xấu của một vật. Chất có thể đánh giá là tốt, ưu việt, khá, vừa, kém, xấu, tệ…
Ví dụ: Chúng ta cố gắng cải thiện kỹ thuật để nâng cao phẩm chất của món hàng.
Chất cũng được dùng khi nói về cá tính, năng lực của con người.
Ví dụ: Ông ấy là người lãnh đạo có một phẩm chất cao quí.
Còn “Lượng” 量 (quantity) nói về con số. Theo Hán tự, lượng là đồ để đong như cái đấu, cái hộc. Lượng dùng cho những gì có thể cân, đo, đong, đếm được bằng các dụng cụ và các đơn vị cụ thể.
•  Số lượng được đếm bằng con số.
Ví dụ: Trong sân này có 15 chiếc xe.
• Trọng lượng nói về sức nặng; đơn vị là gram, kilogram, tấn, pound…
• Dung lượng nói về sức chứa; đơn vị là lít, quart, gallon…
Ví dụ: Thùng nhựa này có sức chứa 20 lít.
•  Khối lượng nói về thể tích; đơn vị là mét khối, cubic khối…
Ví dụ: Đống cát này có khối lượng 10 mét khối.
•  Năng lượng được dùng trong lãnh vực vật lý.
Ví dụ: Nhà máy điện này có năng lượng một triệu kilowatts.
• Âm lượng, nói về mức độ âm thanh. Đơn vị là decibels.
Ví dụ: Xin mở âm lượng vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm.
•  Nhiệt lượng là sức nóng/lạnh, đo bằng độ bách phân hay Farenheits.
•  Hàm lượng là đơn vị ẩn chứa bên trong.
Ví dụ: Hàm lượng muối trong món dưa này là 15 miligrams. Chai coca này chứa 200 calories.
•  Trữ lượng: số lượng được cất giữ.
Ví dụ: Trữ lượng dầu ở kho này là 300 tấn.
•  Sản lượng: số lượng sản xuất được.
Ví dụ: Năm nay thời tiết tốt, nông dân đạt sản lượng cao chưa từng thấy.
Vì thế, không thể đánh giá một vật là có chất lượng nếu cái lượng của vật đó không thể cân, đo, đong, đếm được.
Chúng ta không thể nói chiếc áo, chiếc ví tay, chiếc xe, đôi giày… có chất lượng! Chúng ta thấy nó tốt, làm kỹ, màu sắc đẹp; có độ bền. Đó là về chất. Nhưng lượng thì thế nào, đếm cách nào?
Chỉ có vài trường hợp để dùng chữ chất lượng. Ví dụ:
Vùng Alaska có nhiều mỏ dầu đầy chất lượng (dầu vừa tốt, sản lượng nhiều).
Vùng biển ở Tiểu bang Maine cho ngư dân những hải sản đầy chất lượng (cá, tôm vừa ngon, vừa nhiều).
Thông thường, phẩm và lượng có tỷ lệ nghịch với nhau. Món ngon, hàng tốt thường ít về số lượng; còn ham nhiều, rẻ thì chỉ mua các thứ xấu. Chúng ta phải biết chọn lựa giữa chất (tốt, xấu) hay lượng (nhiều/ít) tuỳ khả năng và nhu cầu.
Tóm lại, không nên đánh giá một món đồ là có “chất lượng” cả; và khi nói đến chất, phải nói rõ ràng là phẩm chất tốt hay xấu.
Những Chữ Có Thể Bị Hiểu và Dùng Sai
Chuyện Dài Chữ Nghĩa có thể sẽ dài vô tận và cho dù đầu tư hết thì giờ và công sức, tác giả cũng không có khả năng tìm cho ra hết những chữ hiện đang bị lạm dụng.
Sau khi cuốn sách được phổ biến, có rất nhiều thân hữu đã gọi điện thoại, gửi điện thư góp thêm ý kiến, yêu cầu bổ sung. Tác giả đành phải thưa rằng điều kiện khả năng của mình có hạn; chỉ dám nêu ra những trường hợp thường thấy và dành cho quý độc giả tự suy xét đánh giá khi gặp phải những chữ khác vậy.
Tuy nhiên cũng có vài chữ mà tác giả thấy cần thêm sau đây:
Tư Cách
1. Tư Cách 資格 trước hết, có nghĩa là cái khả năng đúng mức (ability, capacity, eligibility, qualification); nói chung là những điều phải có đối với một người để có thể được công nhận ở một địa vị, một chức vụ nào đó trong xã hội. Theo nghĩa này, khi nói một ai đó chưa có hay không có tư cách, không có nghĩa là chê người đó sai hay xấu mà chỉ vì người đó thiếu một hay vài điều kiện mà thôi.
Ví dụ:  Chúng ta nên cho phép ông Lê Văn H. tham dự cuộc họp với tư cách dự thính viên.
Ông Nguyễn Văn D. có đủ tư cách để đại diện cho công ty chúng tôi.
Bà Lê Thị K. chưa có đủ tư cách để đảm nhận trọng trách lãnh đạo một tập thể lớn.
2. Nghĩa thứ hai của Tư Cách là cách cư xử, lối ăn ở (conduct, behavior) biểu hiện phẩm chất của một người. Nó có thể tốt, nhưng cũng có thể xấu.
Trong thiên hạ, khi nói đến hai chữ “Tư Cách” người ta thường nghĩ đến ý nghĩa tốt.
Ví dụ:  “Anh B. là một thanh niên có tư cách” là một câu khen về một người trẻ đứng đắn, đàng hoàng.
Theo định nghĩa thứ hai này, thì Tư Cách không ám chỉ điều tốt hay xấu. Phải nói thật rõ ra cụ thể.
Ví dụ: Tôi chọn cậu B. ví cậu ấy có tư cách đàng hoàng, trong khi cậu C. thì tư cách quá tệ!
Ngày xưa, khi còn Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, ở cổng ra vào các doanh trại thường có gắn một tấm gương soi lớn với câu khẩu hiệu “Nhìn quân phục, biết tư cách.” Người quân nhân trước khi ra khỏi doanh trại, phải đứng soi mình để chỉnh trang quân phục. Tư cách người lính được đánh giá qua cách ăn mặc đúng kiểu, nghiêm chỉnh hay luộm thuộm, bê bối.
Như thế, “tư cách” cũng như “phẩm chất” chỉ là những danh từ trung dung, không hẳn là nói về cái tốt.
Nói đến tư cách, thì tưởng cũng nên nói qua hai chữ Nhân Cách.
Nhân cách là tính cách của con người; phân biệt với tính cách loài thú..
Nói một ai đó có nhân cách, tức là khen người đó có đủ tính chất của một con người, biết hành xử theo lý trí và đạo đức, biết phân biệt giữa điều đúng và điều sai; biết kiềm chế trước những đòi hỏi, dục vọng.
Trái với nhân cách là thú tính hay còn gọi là bản năng loài vật. Những người không có nhân cách sẽ hành xử hoàn toàn theo bản năng thôi thúc. Đói thì quơ quào bất cứ nơi đâu, bất cứ thứ gì cũng cho vào miệng; túng thì trộm cắp; hứng tình thì tay chân bốc hốt, và khi có cơ hội thì sẵn sàng làm điều sằng bậy mà không nghĩ đến hậu quả.
Tổng Hợp
Chỉ có sau năm 1975, chúng ta mới nghe nhiều đến những nhóm chữ “Đại Học Tổng Hợp,” “Cửa Hàng Thương Nghiệp Tổng Hợp,” vân vân.
Danh xưng Đại Học Tổng Hợp chỉ thấy ở các trường Đại Học thuộc khối Cộng Sản mà không nghe đến trong hệ thống đại học ở Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà. Ở Pháp và các nước thuộc ảnh hưởng Pháp thì có các Đại Học Bách Khoa như Institut Polytechnique de Paris, Polytechnique Montréal.
Năm 1956, sau khi tiếp thu Hà Nội, Cộng Sản đã đổi tên Viện Đại Học Đông Dương thành Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mãi cho đến năm 1993, họ thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội gồm các Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Giáo dục và Trường Đại học Việt Nhật.
Cũng thế, năm 1976, ở Sài Gòn, họ đã sáp nhập Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và Trường Đại học Khoa học Sài Gòn và đặt tên là Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có 7 trường đại học thành viên: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Trường Đại học An Giang.
Các chữ Đại học Tổng hợp biến mất không chiêng không trống!
Tại sao gọi là Tổng Hợp?
1. Tổng Hợp (總合 synthesis, synthetic, synthesize) là sự hợp lại, gom lại, pha trộn lại hai hay nhiều phần tử khác nhau để tạo ra một vật mới. (The composition or combination of parts or elements so as to form a whole). Ngược lại với tổng hợp là Phân Tích (analysis)
Trong khoa học, nhất là ngành hoá học, người ta dùng các phản ứng hoá học, các diễn trình cơ học để tổng hợp hai hay nhiều hoá chất, kim loại khác nhau tạo ra những hợp chất, hợp kim mới có độ bền, độ cứng, sức chịu nhiệt cao hơn để đưa vào sử dụng trong các ngành công nghệ. (The production of a substance by the union of chemical elements, groups, or simpler compounds or by the degradation of a complex compound).
Ví dụ:  Chiếc bánh đậu là tổng hợp của đậu xanh, bột, đường, vanilla. Các thứ này sau khi nhào trộn kỹ sẽ qua một thời gian nướng trong lò để trở thành chiếc bánh thơm ngon.
Methanol là do sự tổng hợp của hai chất khí Hydrogen và Carbon Monoxide.
Sắt, Chromium và Carbon được tổng hợp thành thép; thay Carbon bằng Nickel thì sẽ có hợp kim Nichrome. Bronze là hợp kim của của đồng và thiếc (Copper, Tin).
Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, có rất nhiều đồ dùng làm ra từ chất plastic, nhựa (nylon). Đó là sản phẩm làm ra do sự tổng hợp của dầu lửa qua một quá trình pha trộn, phản ứng hóa, nhiệt, cơ. Phó sản của dầu là các chất sợi (fiber), hay tấm mỏng (film), hoặc những dạng khác mà chúng ta nghe qua chữ synthetic polymers.
2. Tổng Hợp cũng có ý nghĩa phối hợp các ý kiến, tư tưởng để tạo ra một hệ thống lý thuyết mới. (The combining of often diverse conceptions into a coherent whole).
Ví dụ: Học thuyết Cộng Sản là sự tổng hợp của các lý thuyết của Engels, Marx và tư tưởng của các nhà xã hội học như Thomas Paine, Charles Fourier, Robert Owen…
Có lẽ những người cầm quyền Cộng Sản muốn dịch chữ Poly trong Institut Polytechnique ra chữ Tổng Hợp?
Tiếp đầu ngữ poly có nghĩa là nhiều (hơn một cái gì đó). Trường Polytechnique là trường có nhiều ngành học về kỹ thuật. Trong đó có trường Điện học, trường Hóa học, trường Vật lý,, trường Cơ học… Các ngành học này song hành nhau chứ không hoà lẫn, trộn vào nhau để thành một ngành học mới nào khác. Vì thế chỉ có thể dịch là Đại Học Bách Khoa chứ không thể gọi là Đại Học Tổng Hợp.
Cũng thế, một cửa tiệm bán đủ loại hàng (Department Store) chỉ có thể gọi là tiệm Bách Hóa chứ không thể đặt thêm hai chữ tổng hợp theo sau nó.
Một vài chữ cũng cần làm sáng nghĩa và dùng cho đúng:
Chúng cư 眾 居, không phải là chung cư.
Khác với các căn nhà biệt lập (home), song lập (duplex), tứ lập (fourplex), chúng cư (apartment Complex) là những dãy nhà xây lên dành cho nhiều gia đình cư ngụ. Chữ Chúng Cư là danh từ Hán Việt.
Chúng là đông đúc (chúng sinh, đại chúng, quần chúng…); trong khi Chung theo Hán tự có nghĩa là cái chén nhỏ盅, cái cốc 鍾, chấm hết, cái kết sau cùng 終; còn theo Việt ngữ, Chung là là tĩnh từ thuần Việt có nghĩa là cùng (ở chung, chung chạ, chung đụng, ở đời muôn sự của chung). Dùng hai chữ Chung Cư là sự gán ghép không đúng của hai từ Việt và Hán dù rằng cái nghĩa của nó tưởng như cũng có lý (nhà ở chung với nhau!)
Câu Kết 勾 結 (collude) và Cấu Kết (connect).
Câu và cấu nguyên là hai chữ Hán có hai nghĩa khác nhau
Khi muốn nói sự móc nối, kết bè đảng, âm mưu để làm điều gì không đúng với đạo lý, phạm pháp, thì đó là câu kết (Tự Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ trang 181)
Ví dụ: Bọn gian thương câu kết với đám tham quan để móc túi đồng bào.
Chữ Cấu 媾thì ngược lại, có nghĩa tốt; đó sự hoà hợp.
Ví dụ: Hai họ cấu kết dâu gia hoà hiếu với nhau (如舊昏媾 Như cựu hôn cấu).
Có những thuật ngữ chuyên ngành chúng ta ít nghe đến, nên có người tưởng lầm là chữ mới đặt ra sau này.
Phức Hợp 複 合là tập hợp những thứ phức tạp, không đồng bộ, đồng dạng, không cùng bản chất, không cùng công dụng. (Tự Điển VN của Lê Ngọc Trụ trang 313)
Ví dụ: Một phức hợp kiến trúc trong đó có những căn nhà lớn, nhỏ, những toà nhà cao tầng, những công viên, tượng đài, cửa hàng, bãi đậu xe…
Quần Thể 羣 體là tập hợp những thứ có thể không đồng dạng nhưng đồng loại.
Quần theo Hán tự là họp lại thành đàn, bầy, bè bạn.
Ví dụ: Hợp quần 合羣 gây sức mạnh, đàn chim tụ lại (Điểu Quần 鳥羣). Quần Đảo Philippines, giành lại cảm tình của quần chúng, Vua Lê Lợi tụ họp các quần hùng, mãnh hổ nan địch quần hồ.
Hệ Quả
Một người bạn đã gửi điện thư hỏi về chữ Hệ Quả trong tựa đề cuốn sách Chiến Tranh “Mậu Dịch” Mỹ Trung và Hệ Quả đến Việt Nam của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Chữ. Chúng tôi đã bỏ ra hơn một giờ tìm tòi trong gần chục cuốn tự điển xưa nay và gần như đã bỏ cuộc thì may thay cuối cùng tìm ra hai dòng chữ mờ nhạt ở trang 601 của cuốn Tự Điển Việt Nam của hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ.
Hệ Quả là thuật ngữ ngành pháp luật, được định nghĩa là kết quả liên thuộc , giằng buộc lấy nhau.
Như thế, những thành phần có liên quan trực tiếp đến một biến cố xảy ra thì sẽ gánh hậu quả; nhưng những thành phần khác tuy không liên quan trực tiếp, vẫn có thể nhận hệ quả vì những yếu tố khác.
Ví dụ: Cuộc chiến hiện nay do Nga xâm lược Ukraine mang lại hậu quả tàn phá nghiêm trọng tại xứ này, nhưng có thể đưa đến hệ quả không hay cho Việt Nam dựa trên bối cảnh địa lý chính trị và quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Trung Hoa.
Thông Tin
Theo Tự Điển Việt Nam của Tín Đức (trang 575) và Tự Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ (trang 742) thì Thông Tin hay Thông Tín là động từ, có nghĩa là gửi tin, báo tin.
Ví dụ: Tôi sẽ thông tin cho các anh.
Tôi sẽ chuyển các tin tức về vụ này cho anh.
Không nên nói “Tôi sẽ gửi thông tin này cho anh” vì thông tin không phải là danh từ!
Nói chung, thì có nhiều từ ngữ mà những người đang nắm chức năng truyền thông, giáo dục cần quan tâm. Còn đối với đại chúng thì chúng ta đành thông cảm mà sửa sai từ từ, được đến đâu hay đến đó.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180