Vụ ám sát ông Abe: Lời đe dọa của ĐCSTQ trước đó chỉ là trùng hợp?
Vụ ám sát ông Abe:
Lời đe dọa của ĐCSTQ trước đó chỉ là trùng hợp?
Hôm 8/7 cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị bắn và được đưa đến bệnh viện lập tức, tuy nhiên ông đã không qua khỏi. (Ảnh chụp màn hình video) |
Nhân sự kiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng bài thể hiện sự hả hê với tiêu đề “Cái chết đột ngột của Abe đã ứng nghiệm tiên đoán của Uông Văn Bân nửa năm trước”, tác giả bài viết này tạm suy đoán liệu lời đe dọa đó với vụ ám sát ông Abe có phải chỉ là trùng hợp?
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 8/7 đã gây chấn động thế giới, trong khi lãnh đạo của nhiều nước bày tỏ chia buồn thì giới dư luận viên nhỏ tuổi (tiểu phấn hồng) ĐCSTQ lại một lần nữa thể hiện cho công luận quốc tế thấy bộ mặt xấu xí của một số người Trung Quốc. Cùng ngày, trang NetEase của Trung Quốc đã đăng tải một bài thể hiện tâm thái hả hê của phóng viên tờ “Dầu khí Hà Nam” với tiêu đề “Cái chết đột ngột của Abe đã ứng nghiệm tiên đoán của Uông Văn Bân nửa năm trước”.
Ngày 1/12 năm ngoái tại Viện Chính sách Quốc gia Đài Loan, ông Abe đã có bài phát biểu trực tuyến “Quan hệ Đài Loan-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới”, đề cập đến việc máy bay quân sự của ĐCSTQ quấy rối quy mô lớn đối với Đài Loan. Về vấn đề này, ông Abe nói rằng “Nhật Bản không thể dung thứ nếu Đài Loan bị xâm lược quân sự”, “Vấn đề của Đài Loan cũng là vấn đề của Nhật Bản và cũng có thể nói là vấn đề của liên minh Nhật-Mỹ”, “Nhận thức chung này là vấn đề giới lãnh đạo Bắc Kinh, đặc biệt là Tập Cận Bình, không thể đánh giá sai”.
Ông Abe đã cảnh báo ĐCSTQ bằng ngôn từ rất cứng rắn, 3 lần nhấn mạnh rằng ông Tập Cận Bình không được đánh giá sai, nghĩa là không được đánh giá sai quyết tâm của Mỹ và Nhật Bản trong việc bảo vệ Đài Loan cùng quyết tâm bảo vệ Hoa Đông của Nhật Bản, đánh giá sai về quân sự dẫn đến tấn công Đài Loan gây hậu quả tồi tệ cho nền kinh tế Trung Quốc và chịu cảnh ‘lợi bất cập hại’. Ông còn kêu gọi Nhật Bản và Đài Loan cũng như tất cả những người tin tưởng vào nền dân chủ hãy liên tục kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình và ban lãnh đạo ĐCSTQ không đi chệch hướng.
Thái độ cứng rắn này của ông Abe thậm chí là chưa từng thấy, ngay cả khi ông còn là thủ tướng Nhật. Thực tế trong thời gian cầm quyền, dù ông Abe vẫn ưu tiên tuân thủ chính sách liên minh Nhật – Mỹ, nhưng mặt khác ông vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ cân bằng với ĐCSTQ: Ví dụ, sau chuyến thăm Nhật Bản năm 2018 của Thủ tướng ĐCSTQ Lý Khắc Cường thì quan hệ Nhật – Trung có xu hướng dịu bớt, Nhật Bản có thái độ tương đối thân thiện với Trung Quốc; ngoài ra, liên quan đến vấn đề nghi vấn ĐCSTQ đã làm lây lan COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) ra thế giới, mặc dù ông Abe tuyên bố virus lây lan từ Trung Quốc nhưng ông không truy cứu buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm như Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Trump.
Sau khi từ chức thủ tướng, ông Abe ngày càng nhận rõ đe dọa từ ĐCSTQ đối với Nhật Bản nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, vì vậy ông trở thành người mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan, dĩ nhiên điều đó cũng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nhật Bản khiến ĐCSTQ khó chịu. Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tổ chức vào ngày hôm đó, phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã công khai nêu tên ông Abe, cáo buộc ông “phớt lờ các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế và các nguyên tắc của 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ngang nhiên đưa ra những lời ngông cuồng trong vấn đề Đài Loan, qua đó tùy tiện xen chuyện nội bộ của Trung Quốc”. Cuối cùng, Uông Văn Bân đe dọa: “Bất cứ ai dám quay lại con đường cũ chủ nghĩa quân phiệt và thách thức giới hạn chịu đựng của nhân dân Trung Quốc thì sẽ bị đổ máu!”.
Bây giờ ông Abe thực sự đúng như lời ĐCSTQ tuyên bố “bị đổ máu”, ông đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Vấn đề đặt ra: Liệu câu chuyện đó có phải chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên?
Đúng là những gì ĐCSTQ đưa ra chỉ là đe dọa bằng lời nói, cuối cùng họ có động thái gì liên quan đến tuyên bố đó hay không là vấn đề công luận chưa thể biết rõ. Tuy nhiên chỉ một ngày trước khi ông Abe bị ám sát, có phân tích của một cựu nhân viên điều tra thuộc Cục Điều tra Bộ Công an Nhật Bản tiết lộ một thông điệp trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình khiến người ta khó tránh khỏi liên tưởng. Theo cựu nhân viên điều tra Fujitani, ĐCSTQ có thể đã phái đến Nhật Bản khoảng 20.000 – 25.000 điệp viên, nhưng Cơ quan An ninh Điều tra Công an Nhật Bản chỉ có 1700 nhân viên, con số của hai bên hoàn toàn không tương xứng.
Hãy nghĩ xem ĐCSTQ gửi nhiều đặc vụ đến Nhật Bản như vậy để làm gì? Để thăm dò chính trị, kinh tế, công nghệ? Để gây rối xã hội Nhật Bản? Liệu có thể ai đó trong số đặc vụ ĐCSTQ vô tình quen biết nghi phạm Tetsuya Yamagami sát hại ông Abe, qua đó khai thác được điểm yếu của hắn để gợi ý hắn nên làm gì? Dù sao, ĐCSTQ lâu nay có sở trường đó, điều này được minh chứng qua vô số sự kiện hỗn loạn trên thế giới có ‘bóng ma’ của ĐCSTQ. Ví dụ đằng sau phong trào “Người da đen đáng được sống” (Black Lives Matter) gây rối loạn nước Mỹ cũng có hình bóng ĐCSTQ. Ai có thể đảm bảo rằng ĐCSTQ sẽ không gây rắc rối ở Nhật Bản?
Theo truyền thông Nhật Bản, nghi phạm Yamagami cũng thú nhận rằng động cơ ám sát ông Abe là vì hắn ta không hài lòng và muốn giết ông, nhưng sau đó hắn lại nói rằng “thù oán với ông Abe không phải về mặt chính trị mà ở khía cạnh khác”. Nếu hắn không phải vì lý do chính trị với ông Abe thì vì lý do gì? Rõ ràng, đụng chạm giữa Yamagami và cựu Thủ tướng Abe về cơ bản [chí ít đến nay] cho thấy là con số 0. Có khả năng nào để một kẻ như vậy căm thù ông Abe đến mức liều mạng ra tay sát hại ông? Hắn ta cố tình phủ nhận nguyên nhân ám sát vì “tín điều chính trị” thì phải chăng ngược lại đó mới chính là động cơ?
Yamagami còn thừa nhận âm mưu ám sát ông Abe đã được hắn lên kế hoạch từ trước, chính vào mùa xuân năm nay hắn đã tự chế một số khẩu súng để thực hiện mục tiêu, vì hắn ta có trình độ quân sự được đào tạo về súng cầm tay nên việc lắp ráp khẩu súng là vấn đề không khó. Có thể suy đoán thời điểm lên kế hoạch ám sát được đưa ra sau khi cựu Thủ tướng Abe có bài phát biểu kiên quyết bảo vệ Đài Loan và cảnh báo ĐCSTQ không tính toán sai lầm. Nếu vậy, ai đã khiến hắn có ý tưởng đó và kết luận ông Abe là “lý do”?
Vấn đề phía sau vụ ám sát rõ ràng không hề đơn giản. Theo thông tin, Tetsuya Yamagami (41 tuổi) vào năm 2002 từng gia nhập Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản nhưng theo diện nhiệm kỳ, thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Kure của tỉnh Hiroshima, vào năm 2005 hắn đã không còn làm nhiệm vụ khi hết thời hạn nhiệm kỳ đầu. Sau đó Yamagami từng làm qua những công việc khác nhưng hiện đang thất nghiệp. Đáng chú ý nữa là hàng xóm và người quen đều thấy hắn là người hiền lành nên không tưởng tượng được vụ việc do hắn gây ra.
Xin lưu ý thông tin cho rằng Yamagami là kẻ ngưỡng mộ chủ nghĩa cộng sản, nếu thông tin này là chính xác, thì có thể suy luận có kẻ kích động hắn ta rằng chính sách của ông Abe đối với Đài Loan là một trở ngại lớn đối với ĐCSTQ, nên khiến kẻ tôn thờ chủ nghĩa cộng sản này quyết định làm một việc lớn? Trong lịch sử cũng đã có không ít kẻ bị chế độ ĐCSTQ lừa dối, kích động khiến kẻ đó làm những điều ngông cuồng ngu xuẩn.
Tất nhiên, những gì tác giả bài này đưa ra đều chỉ là suy đoán của cá nhân, dù có thể đến nay chưa chứng minh được, nhưng không phải là không có cơ sở. Cũng chính xuất phát từ vấn đề quan chức ĐCSTQ Uông Văn Bân đã đưa ra lời đe dọa, nên không thể tránh những nghi ngờ từ giới quan sát.
Chu Hiểu Huy
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Epoch Times.)
Nguồn TRITHUCVN.ORG
Nhận xét
Đăng nhận xét