DIỄN ĐÀN TRÁI CHIỀU - BÀI 241: BÀ CHỦ TỊCH SIÊU MÁNH MUNG
Tuần rồi, ta có dịp bàn về bà chính khách quan trọng nhất nước hiện nay, bà phó TT Kamala Harris. Tuần này ta bàn qua một bà chính khách khác, tuy tầm quan trọng thấp hơn bà Kamala một bực, nhưng trên thực tế, lại chính là người phụ nữ quyền thế nhất nước chẳng những hiện nay, mà còn có thể nói trong suốt lịch sử Mỹ. Đó là bà Nancy Pelosi, chủ tịch hạ viện liên bang Mỹ.
Diễn Đàn Trái Chiều trước đây đã gọi bà Hillary là … bà Mai Siêu Phong, dựa theo tên một bà đại cao thủ võ lâm ma đầu nhất trong thế giới võ lâm của Kim Dung. Nhưng xét cho cùng, có hơi oan cho bà Hillary vì thật ra, cái tên Mai Siêu Phong phải đặt cho một bà chính khách khác, còn ma mãnh, mánh mung, thâm độc hơn xa bà Hillary, mà cũng tài giỏi vì thành công hơn xa bà Hillary. Đó là bà Nancy Pelosi.
Tiếp theo bài viết về bà Kamala Harris, ta cũng nên biết thêm về bà Pelosi này.
Bà Nancy Pelosi là dân gốc Ý Đại Lợi. Cả bố và mẹ đều gốc Ý. Khi bà Pelosi ra đời thì ông bố bà đã là dân biểu DC của tiểu bang Maryland. Sau đó thì ông trở thành thị trưởng thành phố Baltimore. Mẹ bà không có chức gì nhưng là một nhà hoạt động chính trị rất tích cực. Anh ruột của bà cũng từng là thị trưởng Baltimore, thuộc đảng DC. Tóm lại, gia đình bà có máu hoạt động chính trị, thuộc khuynh hướng cấp tiến trong đảng DC.
Bà Pelosi sanh năm 1940, năm nay 82 tuổi. Thuở nhỏ, bà theo học các trường công giáo. Năm 1962, tốt nghiệp cử nhân Chính Trị Học từ một đại học công giáo không nổi tiếng lắm, dành cho nữ sinh, Trinity College. Sau đó, làm phụ tá cho một dân biểu liên bang thuộc đảng DC.
Bà có chồng là Paul Pelosi, là một đại doanh gia triệu phú, chuyên kinh doanh với Trung Cộng, đồng thời cũng là một nhà đầu tư lớn, chuyên mua bán bất động sản và cổ phiếu. Gia đình hai ông bà có 5 người con, trong đó chỉ có một người hiện đang tham gia sinh hoạt chính trị trong đảng DC.
Hai ông bà Pelosi là triệu phú, sở hữu một vườn nho làm rượu vang khổng lồ tại Napa Valley, tiểu bang Cali.
Từ ngày tốt nghiệp đại học năm 1962 tới 1987, trong 25 năm, bà Pelosi tích cực sinh hoạt trong nhiều tổ chức của đảng DC, leo lên những nấc thang cao nhất trong tổ chức đảng. Đến năm 1987, bà đắc cử dân biểu trong một cuộc bầu đặc biệt, thay thế một dân biểu qua đời bất đắc kỳ tử, đại diện cho Khu Vực 12 -District 12- của Cali, bao gồm một phần của thành phố San Francisco, một khu thành đồng mà đảng DC đã ‘chiếm giữ’ từ 1949. Theo các thăm dò, số cử tri CH sống trong Khu Vực 12 này chỉ có chưa tới 15% dân số, bảo đảm bà Pelosi có ra tranh cử một trăm lần cũng vẫn thắng đủ một trăm lần, cho dù nằm nhà ngủ không đi vận động tranh cử gì hết. Tính đến nay, bà Pelosi đã là dân biểu của Khu Vực này tổng cộng 35 năm, đắc cử rồi tái đắc cử tổng cộng 18 lần, mỗi lần cho nhiệm kỳ hai năm. Tóm lại, bà có kinh nghiệm lăn lộn trong chính trường tới 60 năm, bắt đầu từ thời TT Kennedy, trải qua 12 đời tổng thống.
Năm 2002, bà được bầu làm lãnh đạo khối thiểu số DC trong hạ viện. Qua năm 2007, bà đắc cử chủ tịch hạ viện lần đầu cho bà, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một phụ nữ làm chủ tịch hạ viện, làm cho tới cuối 2010 khi trong cuộc bầu giữa mùa đầu tiên của Obama, đảng DC thảm bại và phe CH chiếm lại được đa số tại hạ viện. Sau đó, bà lại tái đắc cử chủ tịch hạ viện năm 2020 khi phe DC chiếm lại được thế đa số cùng lúc cụ Biden đắc cử tổng thống. Trong khoảng thời gian từ 2011 tới 2020, bà không là chủ tịch hạ viện, nhưng lãnh đạo khối thiểu số DC trong hạ viện. Nói cách khác, bà Pelosi đã là người thực sự lãnh đạo đảng DC trong suốt 20 năm qua. Trong khi nước Mỹ trải qua 4 đời tổng thống, Bush con, Obama, Trump và Biden.
Hồi đầu năm nay, bà Pelosi cho biết bà sẽ ra tái tranh cử cuối năm nay nữa, nhưng cho biết bà sẽ không ra tranh cử chức chủ tịch hạ viện nữa mà chỉ làm dân biểu thôi. Nếu đắc cử cuối năm nay, năm tới bà sẽ bắt đầu nhiệm kỳ hai năm nữa khi bà 83 tuổi.
Nhìn dưới khía cạnh kinh nghiệm chính trị, ít người sánh được với bà, kể cả trong khối các chính trị gia tu mi nam tử, và bà cũng hơn rất xa bà Hillary chỉ có kinh nghiệm 8 năm làm thượng nghị sĩ và 4 năm làm ngoại trưởng.
Trong 35 năm sinh hoạt tại hạ viện, bà đã dính dáng rất gần với những biến cố lớn của lịch sử cận đại Mỹ, từ cuộc cách mạng bảo thủ của TT Reagan tới sự xụp đổ của các chế độ cộng sản Âu Châu, vụ 9/11 và các cuộc chiến chống khủng bố trong nước cũng như tại Afghanistan và Iraq, việc Mỹ có tổng thống da đen đầu tiên, thông qua Obamacare, dịch COVID, một lần đàn hặc Clinton, hai lần đàn hặc Trump.
Nhìn vào tuổi tác, bà lớn hơn cụ Biden 2 tuổi. Tuy nhiên, đúng như thiên hạ nói, già hay không, không phải ở số tuổi, mà ở trong đầu. Bà Pelosi tuy lớn tuổi hơn Biden, nhưng lại rất minh mẫn, sáng suốt, không nói nhầm, đọc lộn, và vẫn rất ranh ma quỷ quái nếu không muốn nói là ma giáo, khác rất xa cụ lờ mờ Biden.
So sánh với bà Hillary, cả hai bà đều mang tham vọng cá nhân lớn hơn xa người thường. Bà Hillary mơ làm tổng thống, hai lần coi như Tòa Bạch Ốc đã nằm trong túi quần của bà rồi, nhưng cái khổ là túi rách nên cả hai lần, bà Hillary đều đã để mất cái ghế tông tông. Mà tức điên người nhất là cả hai lần đều thua hai anh bá vơ, hoàn toàn không có cái lai lịch và hậu thuẫn mạnh trong cũng như ngoài đảng như bà. Lần đầu tiên là anh Obama, lần thứ nhì là anh Trump. Cả hai anh này đều là tay mơ chính trị so với bà Hillary, đều lần đầu tiên trong đời ra tranh cử tổng thống, mà lại thắng bà Hillary trong sự bất ngờ của cả thế giới.
Hiển nhiên bà Pelosi tham vọng hơi nhỏ hơn một chút, không với tay tới Tòa Bạch Ốc mà rất mãn nguyện với vai trò chủ tịch hạ viện. Bà Hillary hai lần thất bại vì thiên hạ thấy quá rõ và sợ cái tham vọng cá nhân quá lớn của bà. Trong khi bà Pelosi thành công liên tục trong suốt cả đời vì tuy cũng có tham vọng cá nhân, nhưng cái tham vọng của bà tương đối kín đáo và ‘nhỏ’ hơn tham vọng của bà Hillary.
Thật ra, không phải là tham vọng ‘nhỏ’ hơn gì đâu, mà là tham vọng khôn ranh hơn, chắc ăn hơn, nhiều quyền không kém, mà ít nhức đầu hơn nhiều. Dù sao, chủ tịch hạ viện cũng không phải ‘chức’ nhỏ khi bà là người xếp hạng thứ nhì, ngay sau bà phó tổng thống trong danh sách kế nhiệm tổng thống nếu tổng thống bị hụt hơi hay mất trí hay bị chuyện gì đó, không thi hành trách nhiệm được nữa.
Quốc hội Mỹ có hai viện, thượng và hạ viện. Trên nguyên tắc, thượng viện có tiếng nói trong nhiều quyết định lớn, đặc biệt liên quan đến quốc phòng (tuyên chiến), ngoại giao (phê duyệt thỏa ước), nội các (phê chuẩn nhân sự), nhưng thượng viện bị chi phối bởi cái thủ tục gọi là filibuster, nên trên thực tế, ít hữu hiệu hơn hạ viện, là nơi chỉ cần đa số trên 50% là đủ.
Nhưng bù lại, hạ viện khó ‘điều khiển’ hơn vì số dân biểu cao hơn. Có tổng cộng 435 dân biểu, muốn làm chủ tịch thì trước hết đảng của mình phải nắm thế đa số ít nhất là 218 người, rồi trong thế đa số đó, lại phải nắm đa số tuyệt đối mới đắc cử chủ tịch được. Nếu tất cả khối đối lập chống -chuyện bình thường-, thì phải có hậu thuẫn của tất cả 100% khối của mình chứ không phải chỉ là đa số trong đảng mình. Lèo lái cả trăm dân biểu, ông bà nào cũng có cái tôi và tham vọng cá nhân lớn hơn ‘ông giời’ không phải là chuyện dễ. Bất cứ dự luật nào cũng bắt bà Pelosi phải có được hậu thuẫn của cả trăm dân biểu đó, có bằng cách thuyết phục, dụ dỗ, dọa nạt, đổi chác, hối lộ,… trong hậu trường cho từng biểu quyết một, từng dân biểu một, không phải là chuyện dễ chút nào. Việc bà Pelosi trên thực tế đã lãnh đạo được đảng DC trong hai chục năm, duy trì được kỷ luật và nhất trí trong nội bộ đảng DC phải là thành quả của một siêu nhân chứ không vừa.
Ta đừng nên quên các đảng chính trị Mỹ khác rất xa các đảng chính trị trong các chế độ độc tài. Nói chung, trong đảng chính trị Mỹ, chẳng có kỷ luật đảng khắt khe, chẳng có tôn ti trật tự hay hệ thống quân giai, trên ra lệnh dưới phải nghe, cũng chẳng có cương lĩnh chung theo đó tất cả dân biểu hay nghị sĩ hay thống đốc hay bất cứ quan chức nào cũng phải tuân theo. Mỗi chính khách trong đảng là một ông hay bà thần con, tự do muốn biểu quyết ra sao thì biểu quyết, muốn nói gì thì nói. Nên nhớ Hít-Le có Gestapo, Xít-Ta-Lin có KGB, tổng Trọng có bộ Công An giúp duy trì ‘kỷ luật đảng’ chứ ở Mỹ, bà Pelosi không thể ‘nhờ FBI giúp’ được.
Trên căn bản, ta có thể nói đảng DC theo khuynh hướng cấp tiến trong khi CH theo bảo thủ. Tuy nhiên trên thực tế, cấp tiến hay bảo thủ đều có cả trăm dạng, từ nhạt tới đậm, chưa kể cùng đậm hay cùng nhạt mà cái tôi khác nhau xa.
Có hai thí dụ điển hình mang rất nhiều ý nghĩa.
- Các đại chương trình cải tổ xã hội, cải tổ trợ cấp,… của cụ Biden đã bị khựng lại vì sự chống đối của đảng đối lập CH dĩ nhiên, nhưng thật sự bị chặn vì sự chống đối của chính hai thượng nghị sĩ DC tại thượng viện và chừng một chục dân biểu DC tại hạ viện, do đó, tuy đảng DC nắm đa số tại cả hai viện quốc hội, vẫn không thông qua được.
- Bà dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy cho biết sẽ không ra tranh cử lại cuối năm nay, viện lý do bà chủ tịch hạ viện Pelosi quá ‘độc tài’ ép bà Murphy phải biểu quyết theo đường hướng bà Pelosi vạch ra.
Phối hợp, tìm được hậu thuẫn của cả trăm dân biểu, và nhất là giữ đám này tôn trọng kỷ luật đảng và đường hướng của đảng là cả một nghệ thuật về điều đình, thương lượng, lãnh đạo nếu không muốn nói là thủ đoạn và mưu kế, cũng như có nhu có cương. Khác với tổng thống do dân cả nước bầu nên khó đụng tới, chứ chủ tịch hạ viện, chỉ cần vài dân biểu đồng chí cùng đảng bất mãn là mất job chủ tịch ngay tuy chưa mất job dân biểu thường. Bà Pelosi dù thích hay ghét, dù đồng ý hay không đồng ý với quan điểm, chủ trương của bà, cũng phải được nhìn nhận như một người có khả năng lãnh đạo hơn người khi giữ được cái job lãnh đạo đảng trong suốt hai chục năm trời.
Vai trò của bà chủ tịch hạ viện không phải là nhỏ. Tin thời sự tuần rồi đang ồn ào bàn tán việc bà Pelosi dự tính đi viếng thăm Đài Loan. Chỉ mới là dự tính, chưa có quyết định gì chắc chắn. Vậy mà Trung Cộng đã hò hét ỏm tỏi. Đe dọa đây là hành động khiêu khích và TC sẽ có biện pháp tương ứng để trả đũa. Ôn ào đến độ đã đánh thức được cả cụ Biden đang chùm mền ngủ vì bị vi khuẩn Vũ Hán đánh. Cụ Biden lên tiếng, dĩ nhiên theo đúng mô thức Biden, đổ thừa là “Ngũ Giác Đài không hoan nghênh cuộc viếng thăm này của bà Pelosi”. Ngủ Giác Đài đó, không phải cụ Biden đâu! Bà Pelosi, tự coi mình như ít nhất cũng ngang hàng với Biden (nhưng trên cơ Trump) đã mỉa mai hỏi lại đại khái “Ủa, Biden sợ TC bắn rớt máy bay của tôi sao?”.
Cuộc khẩu chiến đã đẩy bà Pelosi vào tình trạng không thể không đi Đài Loan được nữa, vì không đi sẽ mang tiếng bị áp lực của TC phải de lui. Và TC cũng ở trong thế phải trả đũa bằng cách này hay cách khác nếu không muốn mang tiếng là ‘cọp giấy’ chỉ giỏi hù dọa sảng.
Chuyện có tính cách hơi ngoài lề một chút là tất cả vẫn là lỗi cụ lờ mờ Biden. Nếu như cụ không lên tiếng, thì chẳng mấy ai để ý đến chuyến viếng thăm Đài Loan của bà Pelosi, nhưng vì cụ lờ mờ này tự nhiên xía vào tuyên bố lăng nhăng nên vấn đề trở nên trầm trọng, liên quan đến thể diện và uy tín chính trị của cả Mỹ lẫn TC.
Toàn bộ câu chuyện chưa ai biết sẽ ngã ngũ ra sao, nhưng có thể đưa đến khủng hoảng ngoại giao lớn nếu chưa muốn nói tới thế chiến!
Nếu có người nào nghĩ chủ tịch hạ viện chỉ có vai trò tầm thường thì hãy nhớ lại chuyện TT Trump đọc báo cáo tình trạng liên bang năm 2020. Năm đó, như thông lệ, TT Trump ra trước toàn thể lưỡng viện quốc hội, có mặt toàn thể Tối Cao Pháp Viện, tất cả các tướng lãnh cao cấp nhất và toàn thể nội các để đọc diễn văn. Ông Trump đứng đọc diễn văn, sau lưng là bà chủ tịch hạ viện, cùng với phó TT Pence trong tư cách chủ tịch thượng viện. Bà Pelosi chìa tay ra bắt tay ông Trump khi ông vừa lên trước bục đọc diễn văn, ông Trump không biết vô tình không nhìn thấy hay cố tình khều chân bà Pelosi, phớt lờ, không bắt tay. Thế là bà Pelosi đành ngồi yên nghe diễn văn, mặt vẫn cười tươi như hoa vì biết rõ ống kính TV thu hình TT Trump đọc diễn văn sẽ có mặt bà trên đó. Rồi khi TT Trump chấm dứt, cả hội trường lịch sự đứng dậy vỗ tay hoan hô, thì bà Pelosi cũng đứng dậy, nhưng thay vì vỗ tay hoan hô thì bà công khai xé toạc bản sao bài diễn văn, công khai trước cả mấy trăm quan khách và trước cả mấy chục triệu khán giả coi trực tiếp truyền hình trên TV. Có mấy ai dám cả gan công khai xé toạc diễn văn tổng thống? Đây là lần đầu tiên một chủ tịch hạ viện có hành vi giống như du đãng Cầu Muối, nhưng bà Pelosi bất cần. Vì bà nghĩ bà là đại quan rất lớn, còn hơn cả tổng thống nên công khai nhục mạ tổng thống bằng cách xé diễn văn mà tổng thống chẳng dám hay chẳng thể nhấc một ngón tay làm gì bà.
Nhưng đó là chuyện nhỏ, chuyện trẻ con màu mè lăng nhăng.
Chuyện lớn mà trước đây, chưa một chủ tịch hạ viện nào dám làm là việc bà hai lần dàn dựng màn xiếc rẻ tiền thô bạo nhất: đàn hặc TT Trump.
Ai cũng biết đàn hặc là biện pháp cuối cùng, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong khoảng 250 năm lịch sử Mỹ, đàn hặc chỉ được sử dụng có đúng hai lần. Vậy mà chỉ trong 4 năm của Trump, bà Pelosi đã dùng chiêu võ này hai lần. Cả hai lần dĩ nhiên đều thất bại. Nhưng bà Pelosi không cần biết vì bà chỉ muốn hạ nhục TT Trump, để ông này đi vào lịch sử như tổng thống đầu tiên và có thể là duy nhất, bị đàn hặc tới hai lần. Bà Pelosi cũng bất cần dư luận quần chúng, bất cần mọi thủ tục Hiến Pháp đã quy định, bất cần luôn những thủ tục pháp lý căn bản nhất như chẳng cần điều tra, chẳng cần bằng chứng phạm tội hay nhân chứng xác nhận tội,… Với đàn hặc thứ nhì, tình trạng vi hiến lộ liễu đến độ chánh thẩm phán Tối Cao Pháp Viện và tất cả các thẩm phán khác từ chối tham gia vào màn xử án cuội hoàn toàn vi hiến này thì bà cũng không cần thắc mắc, kêu gọi các đồng chí bên thượng viện coi như pha, qua mặt TCPV, bầu đại cho một thượng nghị sĩ DC lên làm quan tòa thay thế chánh thẩm TCPV.
Chưa hết, thất bại đàn hặc hai lần vẫn chưa làm bà Pelosi nản chí. Thua keo này ta bày keo khác. Bà Pelosi lại dàn dựng màn điều tra cuội, thành lập một Ủy Ban cuội để khai thác cuộc biểu tình ủng hộ TT Trump ngày 6/1/2021. Cũng vẫn một mô thức cũ: coi tất cả thủ tục hiến định và pháp định như pha: một mình bà bổ nhiệm tất cả 9 thành viên dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất ‘chống Trump chết bỏ’, đã từng biểu quyết đàn hặc Trump, rồi cũng y chang như các vụ đàn hặc, điều tra một chiều không bằng chứng cũng chẳng nhân chứng, chẳng đối chất, chẳng luật sư, chẳng gì ráo. Chỉ cần có đồng minh là truyền thông thiên tả cùng bà hợp ca là xong. VC đấu tố rồi giết địa chủ cũng đâu cần bằng chứng, nhân chứng hay luật sư gì đâu, phải không?
Tại sao bà có thể ngồi xổm trên luật pháp, trên cả Hiến Pháp dễ dàng như vậy được. Câu trả lời rất giản dị là thời buổi này, phân hóa chính trị Mỹ đã đi đến tình trạng phe đảng tuyệt đối, nhắm mắt bịt tai, cứ phe ta là ô-kê, phe địch là chống, không còn lý trí, luật lệ gì nữa. Khi phe ta nắm thế đa số thì có nghĩa là phe ta chính là luật pháp, phe ta chính là Hiến Pháp. Ngày xưa, vua Pháp Louis XIV tuyên bố rất ‘hoành tráng’, “L’État, c’est moi!” (“Quốc Gia, chính là tôi đây!”). Bây giờ, với đảng DC, cũng không khác bao nhiêu.
Tình trạng phân hóa đó, nhiều người đã đổ lỗi lên đầu ông Trump, cũng có người cho đó là lỗi Obama, thậm chí Bush con luôn. Không cần biết lỗi ai, chỉ cần biết mẫu số chung của cả ba đời tổng thống đó chính là bà chủ tịch hạ viện Pelosi, là người lãnh đạo một trong hai chính đảng trong suốt ba đời tổng thống đó. Nôm na ra, tình trạng phân hoá tối đa trong chính trị Mỹ tất nhiên chính là thành quả để đời của bà Pelosi. Và chính bà đã xác nhận chuyện này qua việc công khai xé diễn văn tổng thống. Còn hành động nào biểu tượng rõ nét tính phân hóa phe đảng hơn việc làm của bà Pelosi?
Ngoài nghệ thuật điều đình, đổi chác, áp lực, bà ngoại này còn có khả năng làm ra tiền bên lề cho gia đình một cách hết sức tài giỏi tuy hoàn toàn … ‘ngẫu nhiên’!
Ông Paul Pelosi, chồng bà chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi, như đã viết qua, là một đại doanh gia, chuyên gia về hai lãnh vực: giao dịch với Trung Cộng, và mua bán cổ phiếu.
Mới đây, ông này bỏ ra một triệu đô (có tin là ông đã bỏ ra tới 5 triệu chứ không phải một triệu đô) mua cổ phiếu của một công ty sản xuất ‘chip’ điện tử ít người biết tên là Nvidia. Chuyện ‘tình cờ’ là hạ viện đang thảo luận và sẽ biểu quyết một luật trợ cấp trị giá tổng cộng 52 tỷ đô cho các công ty sản xuất chip vì như mọi người đều biết, kỹ nghệ này đang bị khủng hoảng, thiếu chip, nên cả kỹ nghệ sản xuất xe hơi mới cũng bị kẹt cứng. Với luật này, Nvidia sẽ được Nhà Nước Biden trợ giúp khẩm tuy chưa rõ bao nhiêu. Khủng hoảng chip đã có từ hơn cả năm nay, nhưng bây giờ, đúng trước khi hạ viện biểu quyết giúp kỹ nghệ chip hơn năm chục tỷ đô thì ông Paul Pelosi mới bỏ cả triệu đô đánh cá cho kỹ nghệ này. Dù sao thì đại tỷ phú Paul Pelosi sẽ lại ‘trúng mối’, lời bạc triệu nữa. Làm chồng của bà chủ tịch khối làm luật, tất nhiên phải biết luật nào sắp ra, có hại hay có lợi như thế nào chứ.
Việc mua cổ phiếu này trên nguyên tắc hoàn toàn hợp pháp, chẳng ai thưa kiện hay truy tố được gì, chỉ là khét lẹt mùi gian trá. Ngay sau khi ông Pelosi mua cổ phần, tin hạ viện sẽ trợ cấp cho kỹ nghệ chip được tung ra, và cổ phiếu Nvidia tăng giá lên 10% ngay. Chưa chi thì ông Pelosi đã lời từ 100.000 tới 500.000 đô rồi.
Một người đủ mánh mung, đủ chiêu võ để nổi lên như đại cao thủ võ lâm, cầm đầu cả trăm dân biểu trong cả hai chục năm qua mà lại hiền hơn ma sơ, chân chỉ hạt bột, không bao giờ dính dáng can hệ gì tới công việc làm ăn bạc triệu của ông chồng, ai tin?
Ở đây, xin mở ngoặc nhắc lại một chi tiết liên quan. Từ vài năm nay, phe CH đã đưa ra dự luật cấm các dân biểu và nghị sĩ (và gia đình trực tiếp) không được có giao dịch cổ phiếu, để tránh tình trạng mua bán đầu cơ vì biết tin một từ hành lang quốc hội. Nhưng dự luật này đã liên tục bị phe đa số DC và bà Pelosi chặn không đưa ra quốc hội để biểu quyết được.
Bà chủ tịch đang chống tư bản mạnh nhất thật ra là nhà đại tư bản lo bảo vệ các mánh làm tiền hữu hiệu nhất cho cá nhân và gia đình bà.
Bà Pelosi có được hậu thuẫn như thế nào trong dư luận quần chúng Mỹ?
Theo một thăm dò của NRCC (National Republican Congressional Committee), bà Pelosi là chính khách bị nhiều người ghét nhất với tỷ lệ hậu thuẫn chỉ có 38%. Bà bị ghét bởi tất cả các khối cử tri, từ khối phụ nữ, tới trí thức trẻ, dân Hispanics, cả giới lao động luôn.
Về chức chủ tịch hạ viện, 60% dân Mỹ KHÔNG muốn bà Pelosi giữ chức này, trong khi chỉ có 24% muốn.
Theo tổng hợp thăm dò của Real Clear Politics, bà Pelosi có tỷ lệ bị ghét cao nhất trong tất cả các lãnh tụ hai chính đảng hiện nay, với 57,7% dân Mỹ không ưa:
Không ai có thể nói bà Pelosi được dân Mỹ rất mê, dù vậy, bà vẫn nắm được vai trò lãnh đạo đảng DC trong hai chục năm, chứng tỏ bà là một chính trị gia không phải tay vừa. Đáng tiếc là cái khả năng đó lại bị sử dụng sai mục đích, chỉ cốt mang đảng DC càng ngày càng về phiá thiên tả theo xã nghĩa.
DIỄN ĐÀN TRÁI CHIỀU
Nhận xét
Đăng nhận xét