Một lũ bội tình

Một lũ bội tình





Mấy ngày nay dân Việt Nam trong và ngoài nước sôi nổi theo dõi vụ ca sĩ Khánh Ly bị nhà nước Lâm Đồng chọc… gậy bánh xe khi hát bài Gia tài của mẹ trong lần lưu diễn mới nhất tại Việt Nam. Theo tờ Tuổi Trẻ thì trong văn bản của Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, đơn vị tổ chức bị mời làm việc vì ca khúc này không nằm trong danh mục 24 bài đăng ký biểu diễn được cơ quan chức năng duyệt trước đó.
Hiện Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch tỉnh Lâm Đồng cùng PA03 (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng) yêu cầu sân khấu Mây – In The Nest (phường 7, Đà Lạt) cung cấp giải trình về buổi biểu diễn, cùng clip liên quan đến ca sĩ Khánh Ly biểu diễn ca khúc Gia tài của mẹ để làm rõ vụ việc. Gớm chưa cái nhà nước Lâm Đồng!

Căn tính “việc gì không thể giải quyết được thì cấm” đã ăn sâu vào xương tủy của từng nhà nước nhỏ trong cái nhà nước lớn có tên Việt Nam. Người nào đã nghe Trịnh Công Sơn trước 75 thì không thể không biết Ca khúc Da Vàng. Chính những bài trong nhóm ca khúc này mới mang thính giả tới cho Trịnh Công Sơn; và người mang cái hồn cốt trong từng hơi thở của bài hát là Khánh Ly chứ không ai khác.

Ca khúc Da Vàng tập trung những nhạc phẩm phản chiến trong đó bài hát nổi bật nhất là Gia tài của mẹ. Khánh Ly đã diễn tả nó trong âm thanh của đau đớn, dày vò, hiện thực và nghiệt ngã giữa hoàn cảnh Sài Gòn hồi hộp bị pháo kích, đường xá bị đắp mô và những trận đánh khiến máu xương người Việt tưới đẫm những cánh đồng rách nát. Gia tài của mẹ ra đời kéo theo sự chú ý của phân nửa nước Việt Nam bởi ca từ của nó âm ỉ đau từ những hình ảnh mà người miền Nam thực chứng hàng ngày. Trong khi cái phim “Em và Trịnh” chưa bán hết vé mà Gia tài của mẹ xuất hiện như một nhắc nhở cho người xem rằng điều làm nên Trịnh Công Sơn là những bài hát tương tự chứ không phải là những em, những ả hay những vừa em vừa ả xuất hiện.

Báo chí cho rằng sở dĩ Gia tài của mẹ không được hát trong phim vì có câu “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/ Một trăm năm đô hộ giặc Tây/ Hai mươi năm nội chiến từng ngày/ Gia tài của mẹ, để lại cho con/ Gia tài của mẹ là nước Việt buồn”. Cái nội hàm “Hai mươi năm nội chiến” được cho rằng không đúng với bản chất của “cuộc chiến tranh chống xâm lược” chứ không phải là cuộc chiến giữa người Việt với nhau mà gọi là “nội chiến”. Câu này đã làm sụp đổ tính “cách mạng” và tô màu ảm đạm lên khuôn mặt chiến tranh chứ không còn hào hùng như mấy chục năm qua miền Bắc bảo vệ và tuyên truyền.

Thật ra nếu ngẫm nghĩ cho kỹ thì cái câu “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” rất nhẹ trong toàn bài mà chỉ có người cộng sản mới thấy nhột nhạt mà thôi. Dân trong Nam lúc bấy giờ nghe Gia tài của mẹ cũng xúc động và cảm thấy Trịnh Công Sơn mô tả chính xác cuộc chiến tranh mà dân chúng không bao giờ muốn. Cuộc chiến tranh Nam Bắc giữa người Việt với nhau muốn gọi cách gì thì người miền Nam chả cần tranh cãi, bởi ai cũng học hành đàng hoàng và được giải thích từ nhỏ rằng “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Anh em đánh nhau thì không nội chiến thì là gì? “Chiến dịch quân sự đặc biệt” theo kiểu Putin chắc? Gia tài của mẹ có những câu rất dễ chạm nọc, dĩ nhiên cho người cộng sản lẫn người quốc gia. Chẳng hạn: Một trăm năm đô hộ giặc Tây/ Hai mươi năm nội chiến từng ngày/ Gia tài của mẹ, một bọn lai căng/ Gia tài của mẹ, một lũ bội tình.

“Bọn lai căng” phải chăng dành riêng cho miền Nam, rước Mỹ vào nhà giày xéo quê hương chăng? Dám lắm chớ! Nếu không có Mỹ thì làm gì có cuộc chiến tranh xâm lược? Nhưng trời ạ, xâm lược kiểu gì mà khi chiến tranh vừa chấm dứt thì dân miền Nam chạy sang Mỹ cả triệu người? Không lẽ sang đó năn nỉ tụi Mỹ sang xâm lược tiếp?

Trong toàn bộ ca khúc, “Gia tài của mẹ một lũ bội tình” có lẽ là câu độc nhất. Tui nghi khi viết lên câu này ông Trịnh Công Sơn đang lên đồng và cô cậu nào đó nhập vào ông chứ không lẽ ông hay dữ vậy? Đang trong lúc chiến tranh mà ông phán một lũ “bội tình” thì thiệt là độc đáo. Ông nhìn ra cái căn cước của người cộng sản từ lúc thành lập đến lúc lôi kéo quần chúng làm cách mạng cho tới lúc hô hào cuộc chiến chống xâm lược rồi toàn thắng ắt về ta… Kịch bản ấy dẫn dắt người Việt từng mốc thời gian từ Cải cách ruộng đất tới Tổng công kích Mậu thân cho tới sau ngày 30 Tháng Tư với những “bội tình” đầy rẫy.

Cải cách ruộng đất không phải là một lũ bội tình sao, khi mà người bị giết trên chính mảnh đất của mình để vừa lòng quan thầy Trung Cộng? Lũ bội tình ấy tiến vào Huế giết dân như giết giặc mà Trịnh Công Sơn không thể không có một khái niệm nào bởi bạn bè của ông như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân đã trực tiếp dính tay vào máu. Rồi cái lũ bội tình ấy sau khi lấy được miền Nam liền ngay lập tức quên hết đồng bào, những người từng che giấu mình dưới quê đến nằm vùng trong thành phố, nhà cửa của họ bay hết vào túi quan lại để sống thấp thỏm trong lo âu tuyệt vọng, khi mà lũ bội tình vẫn đầu trơn trán bóng.

Chính cái lũ bội tình ấy mới thò tay vào giấy cấm bài hát mang khuôn mặt của chúng trơ ra dưới ánh đèn sân khấu. Sau khi bài Gia tài của mẹ bị cấm, trên Google đã xuất hiện hàng chục triệu lượt tìm kiếm bài hát này. Bà Khánh Ly chỉ có công làm cho phân nửa đất nước còn lại biết thêm sự thật chứ bà không có khát khao nổi tiếng hay kiếm thêm tiền bạc gì. Cho dù là vô tình nhưng cái vô tình của bà đã khiến cho bạn trẻ ngày nay mở mắt. Mở mắt để thấy cái lũ bội tình ấy vẫn làm mưa làm gió trên cái túi rỗng của Bà Mẹ Việt Nam, bởi bà còn gì để lại cho con nữa khi mà lũ bội tình ấy dành hết phần ngọt ngào, chỉ để lại đắng cay và nước mắt cho người dân?

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215