Thư của Lân Thắng gửi con gái

Thư của Lân Thắng gửi con gái



Vào cuối năm 2016 tại Berlin, tôi (Người Buôn Gió) gặp Trịnh Xuân Thanh, đợt đó tôi viết loạt bài Dê Tế Thần về vụ việc của anh Thanh. Loạt bài được rất nhiều người chờ đọc hàng ngày, mỗi tối ngồi với TXT ở quán cà phê dưới chân nhà, đêm về tôi viết luôn một bài khoảng 1200 đến 1500 chữ. Rất nhiều người trong nhóm NoU nói tôi không nên viết về TXT, họ nói người đấu tranh dân chủ không nên tiếp xúc với bọn quan tham bỏ trốn. Những ý kiến này gây áp lực cho tôi rất nhiều. 

Sau khi suy nghĩ rất kỹ, tôi tuyên bố tuyệt giao với tất cả anh em cũ, tôi chặn hết các người mà tôi đã cùng họ đi biểu tình trước kia. Đợt ấy phong trào dân chủ đang mạnh, hội nhóm mọc nhan nhản, tất cả để theo đuổi con đường khai dân trí bằng những bài viết giới thiệu thế nào là dân chủ. Họ quan niệm người đấu tranh dân chủ phải đàng hoàng, ngôn từ hay ý tứ phải chững chạc, thậm chí là hàn lâm để dư luận thấy hình ảnh tốt. Đại khái như cụ Ức Trai (Nguyễn Trãi) là "lấy chí nhân thay cường bạo, đem nhân nghĩa thắng hung tàn". Họ toàn người có học thức, gia đình văn hoá...họ đi con đường mà sở trường của họ có thể dùng được. Chứ tôi học vấn chưa hết cấp 3, tiền án, tiền sự có cả. Sở trường của tôi nếu có thì hay chăng chỉ là những mưu mẹo học được ở ngoài xó chợ và ở trong nhà tù. Thôi thì cứ mang sở trường xấu ấy của mình ra mà dùng. Các bạn chơi cao thượng với kẻ xấu để thiên hạ giác ngộ. Tôi dùng cái xấu chơi bọn xấu, cho chúng khó chịu. Kiểu như bạn rao giảng về đạo lý với kẻ xấu, còn tôi thích cầm cái kim đâm trộm nó cái vào mông, miễn là nó sứt tí da nhưng mình an toàn là được, còn đời đánh giá thế nào cũng chẳng sao. 

Dù quan điểm thế, nhưng tôi tôn trọng những người anh em như anh Tường Thuỵ, anh Phạm Thành, chị Đặng Bích Phượng, anh Lê Dũng...khi bạn có thời gian sát cánh bên họ, mới thâý họ thực sự là những con người nhiệt huyết với dân tộc, đất nước Việt thế nào. 

Nguyễn Lân Thắng là con trai một của một gia đình trí thức danh giá, bố mẹ đều là giáo sư. Về kinh tế hay danh vọng tất cả có sẵn với Lân Thắng. Giả sử Thắng chẳng làm gì, chỉ vác máy ảnh đi khắp nơi tìm cảnh đẹp để thoả đam mê cũng chẳng phải lo về kinh tế. Nói Thắng háo danh ư ? Háo danh nên đi nói xấu chế độ à ? Với vị trí, kiến thức của Thắng và người thân của Thắng, từ anh em cô bác đến bố mẹ, vợ Thắng đều hiểu Thắng không phải đi tìm danh vọng trong chuyện cậu ấy làm. Cậu ấy làm vì tâm tư, tính cách của cậu ấy thôi thúc. Vì thế họ không thể ngăn cản được dù biết những việc ấy sẽ bị chế độ này trước sau cũng hãm hại Thắng. Thắng cũng xác định nhiều lần từ nhiều năm nay rằng bản thân sẽ bị bắt bất cứ lúc nào. Nhưng còn lúc nào mở miệng nói được, Thắng vẫn nói những điều mình muốn, về những mặt trái của quan chức chế độ này. Cậu cũng như Lê Dũng, Phạm Thành, Tường Thuỵ...tất cả đều không có khái niệm làm chính trị như nhiều kẻ vu khống. Họ cũng không mưu câù vật chất, cuộc sống tư bản bởi họ có đủ vật chất để sống một cuộc sống tốt ở Việt Nam. 

Hãy đọc thư gửi bé Đậu, con gái Thắng để hiểu rằng, anh ấy đã xác định những gì mình làm một cách chín chắn, với lương tri của một người công dân có yêu quê hương và có trách nhiệm với đất nước. Dù đã đi con đường khác, chọn một cách đấu tranh khác. Nhưng với tất cả lòng khâm phục, tôi xin đưa lại lá thư Thắng gửi con mình để các bạn đọc và hiểu về anh. 

Thư gửi bé Đậu,

Con thương yêu của bố, Khi sinh con ra trên đời này thì bố mẹ đã đến tuổi có thể sắp có cháu, đó là một thiệt thòi rất lớn với con. Mẹ hay đùa là bố mẹ chỉ còn khoảng ba chục năm nữa ở bên con, biết làm sao được với số phận con nhỉ. Nhưng bố vẫn ngàn lần cảm ơn số phận đã mang con đến cho bố mẹ, bố chấp nhận những khó khăn không thể tránh khỏi khi mai này con lớn lên trong cảnh cha già con cọc. Chính vì thế bố muốn viết thư này cho con để mai sau, khi nhỡ ra con còn chưa hiểu việc đời mà bố đã đi xa thì đây là những dòng tâm tư để con hiểu được lòng bố. 

Con được sinh ra trong hoàn cảnh xã hội rất rối ren, lòng người ly tán, đất nước bị xâm lăng. Gia đình mình vốn thuộc loại công thần trong xã hội miền Bắc, được nhiều người quyền cao chức trọng cũng như người dân nể trọng. Nếu xã hội vẫn bình bình như trước đây thì đó là một lợi thế mà chắc chắn con sinh ra sẽ được đủ đầy hơn mọi người. 

Nhưng than ôi, cái chế độ mà gia đình ta cũng như nhiều gia đình khác đổ cả máu và mồ hôi để phụng sự nó hàng chục năm về trước đã không còn vì đất nước, vì nhân dân nữa. Người ta đã phản bội tất cả những gì đã hứa với dân để vun vén cho quần thần, cho gia tộc của họ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức băng hoại, tài nguyên kiệt quệ, công nhân làm đĩ, nông dân ăn mày, trí thức hạ mình, tổ quốc lâm nguy, nợ nước ngoài đến đời con chắc chắn chưa trả được. Tất cả những điều đó là hậu quả của sự nói dối. Người ta nói dối để có nhiều người ủng hộ cách mạng cướp chính quyền. Người ta nói dối để dân tộc lao vào đánh nhau như quân thù hòng phục vụ mưu đồ của nước lớn. Người ta nói dối để giữ vững quyền lực sinh sát điều khiển xã hội muôn đời. Người ta nói dối để người dân tự hào trong vũng lầy nghèo đói. Kẻ nào dám thốt lên sự thật ngược ý họ thì không những bản thân mà gia đình sẽ khốn nạn. 

Thế rồi khi sống trong sự dối trá hơn nửa thế kỷ, cả xã hội dần quên đi những gì thuộc về quy luật của tự nhiên, đó là sự thật. Không có sự thật thì vĩnh viễn không cái gì có thể tồn tại và phát triển được. Cái cây muốn tồn tại được thì cái rễ phải lần tìm đến chỗ có nước, cái lá phải vươn đến ánh mặt trời. Sẽ ra sao nếu nó bị đánh lừa đến chỗ không có nước, không có nắng… con người cũng như vậy thôi con ơi. Sự thật là điều kiện sống còn để mọi cơ thể sống trong tự nhiên hay cấu trúc xã hội phát triển. Mọi cơ thể sống thì phải có sự trao đổi chất, nếu thông tin phản hồi méo mó thì mọi cấu trúc sống sẽ không thể tự hấp thu hay loại bỏ những gì cần thiết trong quá trình tồn tại và phát triển. Xã hội loài người cũng vậy, và vì thế sự thật mới quan trọng đến nhường nào. Thế mà vì sự thật, đã bao người thức tỉnh vùng lên đấu tranh trong xã hội để rồi nhận lấy kết cục bi thảm khôn lường. 

Cũng có những người vì mạng sống của họ, vì gia đình của họ, họ phải chấp nhận sống chung với sự giả dối. Bố không trách họ vì quyền được sống của mỗi con người là tối cao, nhưng nếu cứ chấp nhận mãi như vậy thì hậu quả đã rõ ràng. Đó chỉ là cách sống mòn và thế hệ sau đã lãnh đủ. Bố có thể có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận cuộc sống giả dối, tung hô những điều dối trá, tận dụng những quan hệ và lợi thế sẵn có thì sẽ chả thiếu thứ gì. Rồi khi mai này đất nước tan hoang, ta có thể ra nước ngoài sinh sống không cần biết nước Việt ra sao. Rồi con sẽ được sống trong môi trường bình yên với những điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa tốt nhất. 

Nhưng con ơi, không ai chọn được tổ quốc, không ai lựa được gia đình. Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con. Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng. 

Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố. Bố yêu con rất nhiều, bé Đậu tuyệt vời của bố!


Tâm tư Nguyễn Lân Thắng gửi cho con gái mình



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215