Những Dòng Sông Lịch Sử

Những Dòng Sông Lịch Sử


Đinh Văn Tiến Hùng

Nước Việt ta được thiên nhiên ưu đãi nằm bên bờ đại dương nghe sóng vỗ rì rào mời gọi khi bình minh vừa ló dạng đoàn thuyền tấp nập ra khơi, chiều về mang đầy hải sản.

Những dòng sông uốn éo chằng chít từ Bắc vào Nam, lợi thế cho thương nghiệp và quân sự. Những con thuyền buôn bán ngược xuôi cung cấp sản phần đi khắp nơi cần thiết. Những trận thủy chiến oanh liệt làm địch hoàng hồn hết vía trên những dòng .sông lịch sử còn in dấu tới nay. Có những dòng sông mang dấu ấn chia lìa xa cách :

Ôi những dòng sông thân yêu Quê hương !
Ôi những dòng sông oanh liệt một thời !
Ôi những dòng sông chia lìa xa cách !
Ôi những dòng sông nhớ mãi muôn đời !

Sông Bạch Hạc - Ngọc Hoa Công Chúa


Đây là Lá Thư Công Chúa Ngọc Hoa gởi về vua cha Hùng Vương 18 nhân dịp Giỗ Tổ, sau khi Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh kết hôn với công chúa. Truyện mang nét huyền sử, nhưng đó là thời gian đầu mở nước của các vua Tổ Hùng vương đất Việt và chứng tích dòng Bạch Hạc vẫn còn lưu lại trải qua bao năm tháng. 

(Trích 1 đoạn trong Lá thư )

‘Ngày này thì phu quân Sơn Tinh Đại Vương đã hiển linh nơi núi Tản Viên, trở thành vị đệ nhất phúc thần của Đại Việt và ngài vô cùng linh ứng.

Ngã ba Bạch Hạc nơi kinh thành xưa thật là một vùng sông nước hữu tình, sầm uất trên bến dưới thuyền. Khi buổi chiều tà, mặt trời đỏ ối lặn sau dãy Ba Vì, nơi có núi Tản Viên. Ngọc Hoa con không ngừng cảm thán!

Trên sông ngày ấy, các thuyền thả lưới đánh cá vọng vang trong những làn điệu dân ca tạo cho Bạch Hạc một vẻ đẹp nên thơ.’

Tổ tiên khổ công bao đời mở Nước,
Mười tám đợi vua Hùng dựng Giang sơn,
Đất Việt trời Nam trải rông huy hoàng,
Là kho báu cháu con phải gìn giữ,
Nếu để một tấc đất vào tay giặc,
Là có tội phản bội với tổ tiên,
Phải ghi tâm khắc cốt không thể quên,
Bảo toàn Giang sơn, báo đền Quốc tổ.

Hát Giang - Nhị Trưng Vương

Hai Bà chạy về đến xã Hát môn, thuộc huyện Phúc lộc (nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí mão (43).

Những nữ tướng của hai bà là chạy vào giữ huyện Cư phong thuộc quận Cửu chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, một số chạy thoát, số bị bắt.

Hai Bà Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, Hai Bà lưu lại tiếng thơm muôn đời. Ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà để ghi nhớ công ơn danh tiếng hai người nữ anh hùng nước Việt nam.

Nhị Trưng vương vang danh gái Nước Việt,
Trả thù chồng,quyết bảo vệ Non Sông,
Gái má hồng phất cao cờ khởi nghĩa,
Sáu mươi lăm thành trì đã đoạt xong,
Mừng chiến thắng quân reo hò phấn khởi,
Sau yếu thế, trầm mình xuống Hát giang !

Bạch Đằng Giang - Ngô Quyền


Chắc hẳn đã là một người con của đất nước Việt Nam, không ai không biết đến dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Dòng sông đã đi vào những trang sử vàng của dân tộc với 3 chiến thắng oanh liệt. Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938, Hoàng đế Lê Đại Hành đập tan hàng chục vạn quân Tống xâm lược năm 981 và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng đội quân Nguyên Mông cũng trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại.

Nói về sông Bạch Đằng có những câu thơ hào hùng như thế này:

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh”

Ngày nay, nếu du khách có cơ hội được trở về với Bạch Đằng giang, bạn sẽ thấy vẫn còn lại đó những ký ức một thời đã được ghi vào sách vở cho đời hậu thế. Đó là những bãi cọc, bến đò, cây lim Giếng Rừng,…

Đó chính là những minh chứng sống động nhất cho đỉnh cao nghệ thuật quân sự của cha ông ta trong quá khứ. Đó cũng chính là truyền thống quật cường của một thời oanh liệt của dân tộc Việt.

Hóa Giang - Hưng Đạo Vương


Hưng Đạo Vương đầu tháng 4-1288, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy một đạo quân từ Đại bản doanh A Sào, vượt sông Hóa đi đánh trận Bạch Đằng (lần 3 sau Ngô quyền). Đứng trên bờ đê sông Hóa, Trần Hưng Đạo còn đang chăm chú nghe các bô lão trong vùng kéo đến chúc mừng đại quân lên đường ra trận và hiến kế vượt sông thì người quản tượng thân tín đã chạy từ bãi sông về cấp báo: Đạo tiền quân chưa qua hết sông thì voi đã bị sa lầy! Lập tức Trần Hưng Đạo cùng đoàn tùy tùng, có cả các bô lão làng A Sào, chạy bộ một mạch ra bến sông. Lúc này, voi đã lún sâu xuống vũng sa bùn, chỉ còn lại cái đầu nhô lên mặt nước. Voi nhìn người quản tượng, nhìn mọi người, nước mắt giàn giụa. Trần Hưng Đạo cũng rớm lệ. Người tuốt thanh kiếm sáng loáng chỉ xuống dòng sông Hóa thét lớn:

"Ra đi lần này nếu không thắng giặc sẽ không bao giờ trở về bến sông này nữa". Đàn tế trời đất cùng "ông voi" được lập ngay trên bến sông. Dân từ các làng kéo đến mang theo hoa quả, hương thơm mỗi lúc một đông. Trần Hưng Đạo cùng đại quân và các bô lão trong vùng thắp hương vĩnh biệt "ông voi" chiến hữu, để lại tại chỗ di tích và địa danh "Bến Tượng". Và đúng như lời thề, quân ta đã thắng trận quyết chiến Bạch Đằng giang lịch sử.

Ngô Quyền, Hưng Đạo ba lần,
Nguyên Mông, Nam Hán thất thần hoảng kinh,
Lòng trời cũng nổi bất bình,
Bạch Đằng cọc gỗ như đinh đâm thuyền,
Từ đây vương mộng bá quyền,
Quân binh võ tướng nhìn thuyền nổi trôi,
Xâm lăng thôi đã hết rồi,
Bến tượng ghi dấu một thời liệt oanh,
Bạch Đằng còn đó vang danh,
Ngàn năm sóng vỗ bập bềnh reo ca !

Như Nguyệt Giang - Lý Thường Kiệt


Trận Như Nguyệt là một trận đánh lớn diễn ra ở một khúc sông Như Nguyệt (hay sông Cầu) vào năm 1077, là trận đánh có tính quyết định của cuộc Chiến tranh Tống-Việt, 1075-1077, và là trận đánh cuối cùng của nhà Tống trên đất Đại Việt. Trận chiến diễn ra trong nhiều tháng, kết thúc bằng chiến thắng của quân đội Đại Việt và thiệt hại nhân mạng lớn của quân Tống, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược Đại Việt của họ, buộc họ phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia. Trong trận chiến Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt lưu lại bài hịch ‘Nam Quốc Sơn Hà‘ để khích động quân sĩ và coi như bản ‘Tuyên Ngôn Độc Lập’ đầu tiên :

Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Sông Núi Nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định rõ ở sách trời,
Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Trận Rạch Gầm - Ba anh em Tây Sơn

Tháng 2/1783, vua Nguyễn Nhạc sai hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân vào Nam Bộ. Tướng Nguyễn Châu Văn Tiếp cũng không thể ngăn cản. Lúc đó chúa Nguyễn Ánh phải chạy xuống Ba Giồng (Định Tường), còn Châu Văn Tiếp phải men theo đường núi qua Cao Miên rồi qua Xiêm cầu viện.

Lúc đó Xiêm La đang lúc thịnh vượng và nuôi tham vọng chiếm lấy Cao Miên và Gia Định để mở rộng bờ cõi.

Khi nghe Châu Văn Tiếp cầu cứu thì vua Xiêm là Rama I liền đồng ý. Trận chiến đã diễn ra tại khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút quân Tây Sơn đã toàn thắng liên quân Xiêm-Nguyễn Ánh cầu viện.

Tây Sơn đại phá quân Xiêm,
Anh hùng quyết chiến giữ yên cõi bờ,
Quân Xiêm đã nuôi mưu đồ,
Bành trướng lãnh thổ thờ ơ đợi chờ.
Tây Sơn chuẩn bị từng giờ,
Bàn mưu tính kế bất ngời tấn công,
Giặc xiêm tan rã bên sông,
Rạch Gầm vang dội chiến công uy hùng.

Sông Bến Hải - Chia Cắt Đôi Bờ

Triều Minh Mạng nhà Nguyễn, do phải kiêng húy của vua nên cả tên làng và tên sông "Minh Lương" đều đổi thành Hiền Lương. Sau đó khi có cây cầu bắc ngang sông không mấy xa ngã ba sông Sa Lung và sông Bến Hải cũng mang tên cầu Hiền Lương.

Sông Bến Hải được biết đến nhiều nhất vì vị trí chia cắt hai miền Nam do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát và Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát trong cuộc Chiến tranh Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Về mặt địa lý thì sông nằm nhích xuống phía nam vĩ tuyến 17. Hiệp định Genève quy định đây là giới tuyến phi quân sự tạm thời vào năm 1954.

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng đất địch
Ngọn cờ vút trên không !
Hiền Lương không dài lắm
Nhưng lại quá xa xôi
Dàn loa luôn réo gọi
Khua đục cả dòng sông
Giữa mênh mông trời đất
Cùng dòng máu Lạc Hồng
Lại trở thành thù hận
Chia cất bởi dòng sông !!!

SôngThạch Hãn - Trao Trả Tù binh

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở bảo Trấn Lao Bảo chảy về Đông,… qua phía Bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn, đến ngã ba cổ Thành chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy lên Đông Bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Vĩnh Phước ở phía Tây chảy vào, qua huyện Đăng Xương (tức huyện Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Đại Độ gặp sông Điếu Ngao (sông Điếu Ngao qua cửa Điếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt. Một nhánh chảy xuống Đông Nam, chảy vào sông Vĩnh Định, gặp sông Nhùng (Mai Đàn) từ phía Tây tới, rồi theo hướng Nam tới huyện lỵ Phong Điền thì gặp sông Thác Ma sau đó chảy ra Phá Tam Giang”. Dài khoảng 170 dặm gồm cả đầu nguồn ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị, sông Thạch Hãn có lượng phù sa không nhiều nên nước thường trong xanh nhìn thấy đáy, trừ những ngày mưa lũ. Xuôi về Đông, sông Thạch Hãn có 37 phụ lưu với diện tích lưu vực là 2.660 km2 vuông và lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 130 m3 mỗi giây. Với thượng lưu là sông Đakrông bắt nguồn từ phía Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ, chảy quanh co giữa núi rừng, qua nhiều thác ghềnh, hợp với sông Rào Quán, theo Quốc lộ 9 xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt với vô số đá ngầm, đá dựng và nhiều loài thảo mộc nên dòng nước Thạch Hãn trong vắt, thơm mát như đã đi vào ca dao “Không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”. Tên gọi Thạch Hãn được lý giải do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá đổ mồ hôi thành dòng chảy.

Sông Thạch Hãn cũng là một trong những địa điểm trao đổi tù bình giữa 2 Miền Nam Bắc 1973. Trong phái đoàn đại diện, chúng tôi hàng ngày qua bờ Bắc họp nhận danh sách và thể lệ trao trả tù binh. Chúng tôi dùng xuồng gắn máy đưa tù binh BV sang bờ Bắc và nhận tù binh VNCH về bờ Nam. Trong dịp này tôi rất vui đón nhận một người bạn thân cùng đơn vị trở về cùng chụp ảnh kỷ niệm tôi còn giữ được sau nửa thế kỷ.

(*) Muốn hiểu rộng về việc trao trả tù binh xin đọc‘Tù binh và Hòa bình-Phan Nhật Nam’

Thạch Hãn tên một dòng sông,
Nơi đây kỷ niệm mà lòng chưa quên,
Tù binh trao trả đôi bên,
Vui buồn lẫn lộn hai bên người tù.
Bờ Nam hớn hở reo hò,
Bờ Bắc lạnh lẽo không chờ người thân,
Bắc việt giả bộ ân cần,
Áo quần túi sách dưới chân mang giầy.
Người tù từ Bắc về Nam,
Tất ca trút bỏ nổi trôi giữa dòng,
Vài anh phía Bắc dối lòng,
Xin được ở lại mới mong yên lành !

Sông Gianh lịch sử - Ranh giới Trịnh Nguyễn

Tại Quảng Bình, sông Gianh không chỉ là danh lam thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đây còn là dòng sông linh thiêng, gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử. Bởi vậy, người dân địa phương còn hay gọi con sông với cái tên khác là Đại Linh Giang.

Sông Gianh thời Trịnh – Nguyễn (1570 – 1786) được coi là ranh giới chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thời điểm này, các cuộc chiến tranh kéo dài triền miên, lên tới gần nửa thế kỷ. Phía Bắc sông Gianh là nơi án ngữ của chúa Trịnh – tức là khu vực Ba Đồn ngày nay. Ở phía Nam, chúa Nguyễn cai trị, nay là huyện Thuận Hóa.

Dù Đàng Trong hay Đàng Ngoài đều là lãnh thổ của nhà Lê, tuy nhiên chúa Trịnh và chúa Nguyễn được gọi là hai thế lực phong kiến, tự coi như 2 nước riêng biệt. Quyền lực của vua Hậu Lê lúc này không ngăn được tranh chấp cẳng thẳng của hai họ Trịnh-Nguyễn, khiến cho nước ta bị chia cắt lên tới 150 năm. Giai thoại sông Gianh chia cắt 2 miền đến nay vẫn còn in dấu với người Việt nói chung và riêng người dân Quảng Bình.

Sông Gianh chia cắt đôi bờ,
Nơi trang sử Việt đến giờ còn ghi,
Qua bao năm tháng trôi đi,
Chỉ muốn vùng vẫy quyền uy một mình,
Thay vua không đạt ước mong,
Thì ta cũng đáng anh hùng một phương,
Dòng sông ngăn trở đôi đường
Hiên ngang lãnh chúa thỏa lòng ước mong !

Vàm Cỏ Đông - Nguyễn Trung Trực và quân Việt đánh chìm tàu Pháp.

Toán quân phối hợp đánh Pháp tại 3 tỉnh Đông Nam Bộ do anh hùng Trương Đinh và Nguyễn Trung Trực chỉ huy. Sau Hiệp ước Nhâm tuất 1862, nhân dân Miền Nam chủ động đứng lên kháng chiến,

Phong trào kháng chiến của nhân dân sôi nổi.

Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông (10/12/1861).

Khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công làm cho quân Pháp khốn đốn và gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Trương Định có một câu nổi tiếng trong thư trả lời Thủ tướng Pháp Bonard : “Triều đình Huế không công nhận chúng tôi, nhưng chúng tôi cứ chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc.”

Một ngàn năm giặc tàu đô hộ,
Trăm năm kìm kẹp bởi thằng Tây,
Dân Việt coi Tổ quốc nơi đây,
Là di sản cha ông lưu lại,
Một tấc đất không thể mất đi,
Quyết giữ toàn dù phải đổ máu,
Cho xứng danh con cháu Lạc Hồng.

Còn biết bao dòng sông thơ mộng trải dài từ Bắc đến Nam không ghi trong lịch sử đấu tranh, nhưng đã dệt nên nhiều vần thơ điệu nhạc, câu hò mang tình tự quê hương ôm ấp lòng người dân Việt như sông Hồng Hà - Hương giang hay Cửu Long giang… 

Bài viết chỉ muốn giới thiệu vài nét tiêu biểu một số dòng sông đã ghi vào lịch sử và đôi dòng cảm tưởng, nên không đi sâu vào chi tiết. Mong thông cảm sự thiếu sót ! 

Ôi những dòng sông thân yêu Quê hương !
Ôi những dòng sông oanh liệt một thời !
Ôi những dòng sông chia lìa xa cách !
Ôi những dòng sông nhớ mãi muôn đời !

Đinh Văn Tiến Hùng

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178