Tin VN - 11/07/2022
Tin VN - 11/07/2022
Đồng Nai: Đại án làm giả hơn 200 triệu lít xăng, 74 người bị truy tố sắp ra tòa
Ngày 7 Tháng Bảy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai hoàn tất bản hành cáo trạng truy tố 74 bị can trong Chuyên án sản xuất, buôn lậu xăng giả, in phát hành mua bán trái phép hóa đơn chứng từ do Phan Thanh Hữu, sinh năm 1957 cầm đầu với hơn 200 triệu lít xăng giả đã được tiêu thụ…
Được biết, Tháng Chín 2019, Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn góp vốn để thực hiện dự án làm giả xăng dầu để bán ra thị trường kiếm lời. Nhóm Hữu, Viễn kết hợp với Phạm Hùng Cường (ngụ TP Hải Phòng), Phùng Danh Thoại (Đại tá, Trưởng phòng xăng dầu Cục hậu cần – Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) và một người khác cùng nhau góp vốn 53 tỷ đồng (tương đương $2,3 triệu) để mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ và chia lời.
Nhóm này thuê hai tàu tàu biển mang tên Pacific Ocean trọng tải 3.000 tấn và tàu Western Sea có trọng tải 5.000 tấn chở xăng dầu từ Singapore về Việt Nam giao cho các tàu Nhật Minh của Hữu, đưa vào sông Hậu thuộc địa bàn thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và khu vực tỉnh Khánh Hòa để tiêu thụ.
Xăng nhập lậu có màu trắng, nhưng tại thị trường Việt Nam xăng bán ra có màu vàng nhạt nên Hữu đã tìm mua chất bột màu vàng và dung môi dùng để hòa tan chất bột vàng này. Sau đó, xăng lậu từ các con tàu Nhật Minh sẽ được bơm sang các kho chứa xăng dầu của các đầu nậu, đại lý rồi chở đi tiêu thụ cho các đầu mối ở Đồng Nai, Thành Hồ, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa….
Ngoài ra, Hữu còn sử dụng các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu bán sang Campuchia. Mỗi tháng đường dây này vận chuyển từ ba đến sáu chuyến với khoảng 5 triệu lít xăng mỗi chuyến.
Từ Tháng Ba 2020 đến Tháng Hai 2021, nhóm này đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá khoảng gần 2.900 tỉ đồng (tương đương $126 triệu). Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỉ đồng (tương đương $4,3 triệu).
Tổ chức này làm xăng giả với những con tàu trọng tải lớn hoạt động công khai trong thời gian rất dài, từ năm 2019 đến năm 2021 mới bị bắt. Trong thời gian này những thiệt hại cho xã hội bởi nạn xăng giả gây ra không ai có thể thống kê nổi. Đây là câu hỏi lớn dành cho trách nhiệm của lực lượng chức năng. (Cát Tường)
Bến Tre: Giá dừa giảm thảm hại, dân lại khóc ròng xin giải cứu
Ngày 6 Tháng Bảy, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cho biết tỉnh vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm từ dừa.
Giá dừa khô giảm hơn ba lần, từ 6.500 đồng/trái (tương đương $0,28) còn 2.000 đồng/trái (tương đương $0,08) khiến nông dân điêu đứng. Giá sụt giảm do thị trường nhập khẩu chủ lực là Trung Quốc thực hiện chính sách “zero covid”, làm sản lượng dừa khô xuất sang thị trường này giảm gần 80%.
Giá dừa giảm mạnh, kéo dài, trong khi chi phí xăng dầu, phân bón tăng cao khiến thu nhập người trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nhiều cơ sở ngừng hoặc hạn chế thu mua khiến dừa khô tồn đọng, đối mặt nguy cơ bị hư hỏng.
Bến Tre hiện có 77.000 ha trồng dừa (chiếm 80% diện tích dừa miền Tây), đạt hơn 600 triệu trái mỗi năm. Giá trị sản xuất ngành chế biến dừa đạt 3.500 tỷ đồng (tương đương $152 triệu), chiếm gần 10% với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Mỗi năm, lượng dừa xuất khẩu của địa phương đạt khoảng $350 triệu, cung cấp cho thị trường 90 quốc gia.
Hàng triệu quả dừa đang ứ không bán được cho ai. Chính quyền tỉnh kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU. Các doanh nghiệp ở địa phương cần được hỗ trợ đưa sản phẩm vào các sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên cấp bộ vẫn chưa có giải pháp gì.
Chuyện nông dân thu hoạch không bán được kêu gọi xã hội giải cứu đã xảy ra nhiều năm gần đây. Việc kêu gọi người dân “giải cứu dừa” như từng giải cứu dưa hấu, giải cứu chuối vv… như những năm trước đây không còn hiệu quả nữa. Ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam cần có chiến lược dài hơi để chống đỡ với khủng hoảng hơn là mãi kêu gọi xã hội giải cứu.
Thị trường nông sản Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc vì thị trường Trung Quốc được xem là dễ tính. Việt Nam lệ thuộc kinh tế Trung Quốc nhiều nhất Đông Nam Á. Với vị trí địa lý liền kề và là một thị trường lớn, sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc luôn là thách thức lớn đối với Việt Nam. (Cát Tường)
Bắc Giang: Nạn gian lận trạm xăng tràn lan, mua 15 lít còn 9.5 lít
Chiều ngày 9 Tháng Bảy, anh Hải Đăng, trú tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang nói với báo chí rằng, vào ngày 1 Tháng Bảy, em trai của anh là Hoàng Văn Vương đi xe hơi mang biển số 98A-44420 vào cây xăng Hải Động – thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hoàng Hải ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đổ 500 nghìn đồng (tương đương $21). Tuy nhiên, khi rời cây xăng được một đoạn thì anh Vương phát hiện kim xăng của xe không lên. Nghi có dấu hiệu gian lận, chủ xe này yêu cầu làm việc với chủ cửa hàng xăng dầu.
Anh Đăng nói: “Khi có mặt tại cây xăng vào thời điểm trên cùng em trai, lúc đầu chúng tôi không nhận được sự hợp tác từ phía chủ cửa hàng xăng dầu. Họ một mực phủ nhận và không làm việc. Sau đó, tôi liên hệ với Đội Quản lý thị trường trên địa bàn huyện và Côn an Thị trấn Chũ để xác minh vụ việc”.
Khi lực lượng quản lý thị trường yêu cầu chủ cửa hàng xăng dầu kiểm tra cây xăng số 04 (nơi anh Vương đổ xăng) để kiểm tra bằng cách đổ ra can nhựa loại 5 lít. Kết quả kiểm tra ba lần đều không có gì bất thường. Chưa thỏa mãn, anh Đăng yêu cầu hút xăng trong bình của xe ra để kiểm tra dưới sự chứng kiến của lực lượng quản lý thị trường. Su khi hút sạch xăng trong bình của xe thì kết quả cho thấy chỉ có 9,5 lít. Giá xăng khi đó là là 32.670 đồng/lít (tương đương $1,42/lít). Với giá như vậy thì lượng xăng phải là 15,3 lít.
Cuối cùng Côn an thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn có lập biên bản vi phạm đối với Phạm Quang H. (65 tuổi), chủ cửa hàng. Trong thông báo do Đội quản lý thị trường số 5 – Cục quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang trả lời người dân ngày 7 Tháng Bảy, có ghi: “Đại diện bên bán xăng là ông Phạm Quang H. đã tự nhận trách nhiệm và xin lỗi bên mua xăng là ông Hoàng Văn Vương và xin được trả lại 500 nghìn đồng tiền mua xăng và chi phí tháo hút xăng”.
Theo gia đình ông Hoàng Văn Vương, sự việc xảy ra đến nay là một tuần, tuy nhiên phía cửa hàng bán xăng dầu nêu trên vẫn chưa bị bất cứ hình thức xử lý nào. Ông Vương nói: “Chủ cây xăng có liên hệ nhờ chúng tôi rút đơn, tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý. Hiện nay giá xăng tăng rất cao, đời sống nhiều người dân gặp khó khăn nên chúng tôi kiên quyết không thỏa hiệp với hành vi nêu trên”. (Cát Tường)
Đào vàng ở Quảng Trị: Chặt rừng tan nát
Việc khoét núi, phá rừng, hại suối để tìm vàng dù gây biết bao hệ lụy cho môi trường nhưng hiện tại vẫn diễn ra công khai ở tỉnh Quảng Trị.
Hai tháng qua, phu vàng tứ xứ tập trung về khu vực thượng nguồn suối Ka Ruông, xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) để tìm vàng. Họ thuê dân bản gùi máy móc, hàng hóa vào các mỏ vàng với tiền công rất cao.
Từ Km28, Quốc lộ 15D, đi theo tuyến đường nhựa độc đạo khoảng 10 km là đến thôn Pa Ngày. Khu vực này không có sóng điện thoại, với hơn chục nóc nhà dân sinh sống. Từ đây, muốn vào khu vực đang diễn ra hoạt động khai thác vàng trái phép chỉ có hai tuyến đường là men theo suối Ka Ruông hoặc băng rừng tìm lên thượng nguồn. Cả hai tuyến đường trên đều phải đi bộ với chiều dài gần 15 km.
Gần hai tháng nay, chủ mỏ vàng thông qua người đàn ông tên Th. ở xã Tà Long “tuyển” đội quân gùi vác máy móc vào các mỏ vàng. Họ gồm toàn người bản địa, có cả phụ nữ. Hiện có bốn máy nổ, hai cối nghiền, hai cối dập, hai bình hơi dùng để phục vụ việc khai thác vàng. Các loại máy móc trên được khoán cho đội quân khuân vác với tiền công từ 2-3 triệu đồng/máy.
Trong đêm, xe tải chở máy móc, dầu nhớt và lương thực, thực phẩm đến bờ suối thôn Pa Ngày. Sáng ra, đội quân khuân vác sẽ gùi vào rừng. Mỗi ký như vậy sẽ được trả 10.000 đồng ($0,43); ai gùi bao nhiêu thì được trả bấy nhiêu. Khi đưa hàng vào tận bãi sẽ có người thanh toán ngay tiền công.
Những đường hầm khai thác vàng sâu hàng trăm mét, ở lưng chừng núi, cửa hầm được che bằng bạt và cây rừng. Cách hầm vàng vài trăm mét là lều lán của các phu vàng, khu trại máy móc khai thác vàng và kho bãi hậu cần.
Nhiều cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc. Tiếng máy cưa chạy xăng suốt ngày gầm rú. Dọc theo con suối Ka Ruông, hàng loạt cây rừng đường kính từ 40 cm đến 1 m bị cưa hạ tận gốc. Thôn Pa Ngày lẫn suối Ka Ruông đều thuộc khu vực biên giới, tiếp giáp với Lào, người lạ đến và đi đều được kiểm soát gắt gao nhưng hàng chục phu vàng tứ xứ lại vào ra như chốn không người. Vậy lực lượng kiểm soát và chính quyền địa phương đang ở đâu? (Thanh Ba)
Thành Hồ: Nạn đòi nợ thuê khủng bố người… không vay tiền
Bà N.T.C ở Phường 9, Quận Phú Nhuận, Thành Hồ cho biết, ngày 15 Tháng Sáu, bỗng dưng có nhóm đòi nợ chửi bới, hăm dọa, khủng bố tinh thần những thành viên trong gia đình bà. Bà C kể: “Các đối tượng đòi nợ sau đó cứ vài ngày lại quay lại, và lặp lại những hành vi trên. Thậm chí họ còn phát tờ rơi, làm mất uy tín, danh dự của gia đình tôi. Chúng tôi cam đoan không hề vay nợ và không bảo lãnh vay nợ cả ngoài đời lẫn các app vay tiền qua mạng”.
Bà C. cho biết nhóm đòi nợ nói con gái bà tên T.T.C.T là người mượn tiền. Tuy nhiên, chị T. cũng khẳng định mình không vay tiền của bất cứ ai. “Con tôi khẳng định bản thân không nợ tiền ai cả. Mà nếu con tôi có nợ ai đó thật, thì tự nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chứ không thể có chuyện con mắc nợ rồi đến nhà buộc cha mẹ phải trả”, bà C. nói.
Theo hình ảnh bà C. cung cấp, tờ rơi nhóm đòi nợ phát tán có nội dung như sau: “Chúng tôi cho bà T. và gia đình ba ngày để giải quyết khoản nợ 198 triệu đồng (khoảng $8.600), kể từ ngày nhận được thông báo này, trước khi công ty luật chúng tôi tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tác động đến uy tín cũng như danh dự, tránh sự mất mát không cần thiết cho bà T. và gia đình”.
Ngày 6 Tháng Bảy, anh Đ.T.P, 26 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú Q. Bình Tân, Thành Hồ cũng cho biết, anh không hề vay tiền của bất cứ ai. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ từ nhiều người lạ khiến anh mất ăn mất ngủ. Đáng chú ý, ngày 4 Tháng Tám, các đối tượng đòi nợ còn vào Facebook cá nhân của giám đốc công ty – nơi anh đang làm việc – để cắt ghép hình ảnh, nói anh và người giám đốc có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người.
Anh P nói: “Khi họ gọi điện đòi nợ, tôi đề nghị gặp mặt trực tiếp để giải quyết vì tôi không hề vay tiền của ai nhưng họ chỉ chửi thôi. Đối tượng đòi nợ nói tôi vay tiền của app Senmo, với tổng số tiền nợ hơn 27 triệu đồng (khoảng $1.100)”.
Theo anh P., đối tượng đòi nợ nói anh vay qua app Senmo, tiền vay được chuyển qua một tài khoản ngân hàng. “Ngày 5 Tháng Bảy, tôi đến ngân hàng mà đối tượng đòi nợ thông báo để tìm hiểu thông tin, thì được ngân hàng xác nhận tôi chưa hề mở tài khoản tại ngân hàng này”, anh P. nói, rồi cho biết thêm, phía ngân hàng cho hay người mở tài khoản có họ tên trùng với anh, nhưng sinh sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, ngân hàng không thể cung cấp danh tính cụ thể.
Ngoài việc phản ánh sự việc với báo chí, anh P. cũng đã gửi đơn đến Côn an quận Bình Tân. Đây có thể là hình thức khủng bố để gài người “yếu vía” sập bẫy. Người dân Thành Hồ đang đợi câu trả lời từ phía chính quyền. (Nguyên Phong)
Hải Phòng: Chính quyền cưỡng chế đất, cụ bà 75 tuổi tử vong
Sau khi được đưa ra khỏi khu cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc Sông Cấm, Hải Phòng, cụ bà Lê Thị Minh (75 tuổi, trú tại xã Tân Dương) đã tử vong tại bệnh viện. Ủy ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên đã xác định thông tin trên vào tối ngày 7 Tháng Bảy.
Thửa đất do bà Lưu Thị Tỵ sử dụng có diện tích 1.540 m2 được Ủy ban Nhân dân huyện Thủy Nguyên thu hồi để thực hiện Dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm. Chính quyền duyệt bồi thường với giá 733,4 triệu đồng (tương đương $31.000). Tính ra giá đền bù là 476.000 đồng (tương đương $20) cho mỗi mét vuông vào thời giá 2020. Tức mỗi mét vuông được 10 bát phở.
Năm 2020, bà Lê Thị Minh chuyển đến ở nhà bà Lưu Thị Tỵ (là bà xui của bà Minh). Ngày 1 Tháng Bảy, chính quyền cho cưỡng chế nhà bà Tỵ. Việc cưỡng chế gặp phải sự chống đối quyết liệt của phía gia đình bà Lưu Thị Tỵ và các thành viên đang sinh sống trong căn nhà. Lúc chính quyền cưỡng chế, trong nhà có con trai bà Lê Thị Minh, bà Lưu Thị Tỵ, và ông Lê Minh Hùng (con trai bà Minh), con rể của bà Tỵ và Nguyễn Thị Thu Hương.
Việc cưỡng bức các thành viên gia đình ra khỏi nhà “thành công”, tuy nhiên bà Lê Thị Minh bị thương nặng và được vào Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên. Đến ngày 6 Tháng Bảy, sức khỏe bà Minh chuyển biến xấu, được chuyển lên Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, thành phố Hải Phòng. Và đến 19 giờ ngày 6 Tháng Bảy, bà Lê Thị Minh chết. Nguyên nhân tử vong của bà Lê Thị Minh được phía chính quyền lý giải là “do bệnh nền”.
Sau vụ bà Lê Thị Minh tử vong, một số người dân và người thân của gia đình bà đã tập trung ở bệnh viện nơi bà Minh điều trị để ghi hình để làm bằng chứng thì bị lực lượng côn an ngăn cản. (Cát Tường)
Thủ Đức: Chạy án bị lừa $2,2 triệu, tiếp tục chạy án bị lừa thêm $1,62 triệu
Hai sĩ quan côn an Bùi Trung Kiên và Lê Thanh An vừa bị cáo buộc nhận tổng cộng $2,2 triệu với lời hứa hẹn lo cho Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức không bị xử lý hình sự.
Cùng đồng phạm với Bùi Trung Kiên và Lê Thanh An trong vụ án còn có Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du Lịch Việt; Nguyễn Ngọc Triệu, tức Thượng toạ Thích Đồng Huệ, Trụ trì Chùa Nôm; Bùi Thị Hồng Giang, luật sư; và Hà Duy Tuấn, lao động tự do. Tất cả cùng bị đề nghị truy tố vì lừa chạy án cho Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức với giá $1,62 triệu.
Sự việc xảy ra vào đầu năm 2021 khi ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức, TP HCM bị điều tra về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định đấu thầu. Ông Quân đã nhờ môi giới liên hệ với ông Bùi Trung Kiên, nhờ ông này giúp đỡ để không bị xử lý hình sự. Ông Kiên nhận lời và yêu cầu đưa chi phí ban đầu $700 ngàn.
Sau đó ông Kiên sau đó yêu cầu Giám đốc Quân đưa thêm $1,5 triệu để giải quyết chạy án cho trường hợp ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm – doanh nghiệp được tham gia nhiều gói thầu tại Bệnh viện Thủ Đức.
Trong Tháng Ba 2021, cả hai khoản được ông Quân giao đủ cho ông Kiên trong bốn lần, tổng cộng $2.2 triệu. Tuy nhiên, đến Tháng Năm 2021, ông Quân không những không thoát được án mà còn bị cơ quan côn an chuyên điều tra chống tham nhũng (được gọi là “C03”) truy đến cùng. Biết bị lừa, nên nhiều lần ông Quân nhắn tin đòi và chỉ được trả lại $1.15 triệu.
Sau khi ông Quân viết đơn tố cáo, gia đình côn an Kiên nộp $1.05 triệu vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để “khắc phục hậu quả”. Tại cơ quan điều tra, ông Kiên khai có nhận $2.2 triệu song không “nhờ vả ai” để thực hiện cam kết “không xử lý hình sự” cho ông Quân và ông Lợi; và dùng số tiền này để đầu tư đất đai.
Sau khi nhờ ông Bùi Trung Kiên bất thành, giám đốc Bệnh viện Thủ Đức tiếp tục nhờ một người bạn giới thiệu đến Long và Giang để chạy án. Ông Quân hai lần đưa $120 ngàn cho ông Long và ông Giang. Tháng Bảy 2021, ông Quân trực tiếp đưa thêm $1,5 triệu cho Long và Giang nhưng sau đó vẫn “tiền mất tật mang”. Đến Tháng Mười Một 2021 ông Quân bị khởi tố và bị bắt tạm giam. (Nguyên Phong)
Hà Nội: Sân vận động Mỹ Đình có nguy cơ bị bán để trả nợ
Theo số liệu của Cục thuế Hà Nội, tính đến ngày 29 Tháng Sáu 2022, số tiền mà Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình nộp vào ngân sách nhà nước là gần 47 tỉ đồng (tương đương $2 triệu) trong khi tiền nợ thuế lên đến hơn 848 tỉ đồng (tương đương $36,8 triệu).
Theo quy định của pháp luật về thuế, nếu không trả thuế đúng thời gian, mỗi tháng Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình sẽ bị tính thêm khoản “phụ trội” 8% tổng số tiền nợ. Như vậy số tiền nợ thuế 848 tỉ đồng có thể tăng lên.
Tình huống xấu nhất có thể xảy ra với Khu Liên hợp thể thao Quốc gia là bán đấu giá Sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước để có tiền trả nợ. Theo luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM, chuyện bán đấu giá sân Mỹ Đình khó, nhưng vẫn có thể xảy ra. Các biện pháp mà Cục Thuế Hà Nội áp dụng để thu hồi khoản nợ thuế là đúng các quy định của pháp luật. Trong vụ việc của Khu Liên hợp thể thao Quốc gia, pháp luật đã có những quy định về hành vi nợ thuế. Theo đó, khi doanh nghiệp nợ thuế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế. Khi doanh nghiệp phá sản, khoản nợ thuế là khoản được ưu tiên thanh toán.
Trách nhiệm hình sự được đặt ra khi doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế. Còn việc tìm nguồn tiền để trả nợ, trong đó có thể bán đấu giá Sân vận động Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước, là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với các biện pháp cưỡng chế thì doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo khi không áp dụng được các biện pháp trước đó hoặc đã áp dụng mà vẫn không đủ tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế theo quyết định hành chính thuế. Tuy nhiên, sân vận động quốc gia là bộ mặt của đất nước, do đó, có lẽ ngành thuế cũng xin ý kiến Quốc hội trước vấn đề này.
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Tháng Năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công của Mỹ Đình và chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong “xẻ thịt” nhiều khu đất để cho thuê. Tuy nhiên đến nay vụ này vẫn chưa bị “xử lý”. (Cát Tường)
Nguồn: SAIGON NHỎ
Nhận xét
Đăng nhận xét