Hãy xem Quân đội Trung Quốc ở những nơi nào trên thế giới!

Hãy xem Quân đội Trung Quốc
ở những nơi nào trên thế giới!

Binh lính của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đứng gác trên một Chiến hạm của Hải quân Ôn Châu tại Cảng Thanh Đảo, ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, vào ngày 22/04/2009. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đang phát triển cơ sở hạ tầng và quyền tiếp cận khắp nơi trên thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tạo ra một quy trình độc đáo để khiến các nước đồng ý cho PLA tiếp cận các cảng và căn cứ then chốt thông qua một số biện pháp, bao gồm cả Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI).

Chẳng hạn, có thể thấy quy trình này với căn cứ chính thức đầu tiên ở ngoại quốc — Căn cứ Hải quân Doraleh ở Djibouti, mở cửa hồi tháng 08/2017.

PLA đã và đang làm gì khác? Bài báo này tập hợp và làm nổi bật một số chi tiết về các địa điểm của PLA ở ngoại quốc.

Bài báo này sẽ thảo luận về ba loại khai triển ở ngoại quốc của PLA: “vĩnh cửu”, “khi cần thiết”, và “đang trong quá trình phát triển”.

Lưu ý: 
Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) của PLA chịu trách nhiệm về hệ thống đo lường, theo dõi, và điều khiển (TT&C) từ xa cho tất cả các vệ tinh của Trung Quốc có các trạm mặt đất ở ngoại quốc đặt tại các quốc gia sau: Argentina, Úc, Brazil, Canada, Chile, Ethiopia, Pháp, Greenland, Kenya, Kiribati, Namibia, Na Uy, Pakistan, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, và bốn địa điểm ở Nam Cực. Phần dưới đây sẽ thảo luận một số trong những địa điểm này. Để biết thêm chi tiết về Lực lượng Không gian của Trung Quốc và SSF, hãy xem #1, #2, và #3.

1. Các căn cứ vĩnh cửu theo khu vực

1.1 Châu Mỹ Latinh

Argentina: 
PLA điều hành một “trạm theo dõi vệ tinh” ở vùng Patagonia của Argentina gần Neuquén. Địa điểm này là một căn cứ quân sự trên thực tế của PLA dưới sự kiểm soát hoạt động của SSF trực thuộc PLA.

SSF chịu trách nhiệm tập trung hóa “các nhiệm vụ và năng lực về không gian chiến lược, không gian mạng, điện tử, thông tin, liên lạc, và chiến tranh tâm lý của PLA”, bao gồm cả chiến tranh mạng và thông tin tình báo tín hiệu (SIGINT). Nói cách khác, địa điểm này của PLA cũng có thể được sử dụng để chặn liên lạc của các quốc gia, công ty, và cá nhân khác.

Một cảnh báo gần đây của chính phủ Hoa Kỳ khẳng định rằng, năng lực của PLA trong việc tiến hành các hoạt động không gian mạng “là một mối đe dọa lớn đối với các tài sản không gian mạng của Hoa Kỳ và Đồng Minh. Các nhân tố mạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ tích cực nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng trọng yếu về chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, nhân sự, và các tổ chức để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm, các công nghệ then chốt trọng yếu và mới nổi, tài sản trí tuệ, và thông tin nhận dạng cá nhân.” PLA có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng khi được chỉ thị.

Venezuela: 
PLA có một “cơ sở theo dõi vệ tinh” khác tại Căn cứ Không quân Capitán Manuel Rios ở tiểu bang Guárico, bề ngoài là để theo dõi các vệ tinh do Trung Quốc sản xuất mà Venezuela đã mua. Cơ sở này cũng có thể có các năng lực và nhiệm vụ giống như cơ sở của PLA ở Argentina.

Theo một báo cáo của Hội đồng Chính sách Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2022, Tập đoàn quân số 76 của PLA “đã được huấn luyện chung với Lực lượng Đặc nhiệm Venezuela về ngôn ngữ, lặn, bắn tỉa, và các hoạt động hạ cánh bằng phi cơ trực thăng.”

Cuba: 
PLA được đưa vào ba địa điểm thu thập thông tin tình báo tín hiệu tại Lourdes, Bejucal, và Santiago de Cuba. Bejucal cũng được cho là một cơ sở đánh chặn vệ tinh.

Lực lượng đặc nhiệm Cuba, được gọi là Mũ Nồi Đen, chụp ảnh cùng với các huấn luyện viên bán quân sự người Trung Quốc trong một trường đào tạo do chính phủ điều hành ở Cuba, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. (Ảnh: Được sự cho phép của ADN Cuba)

1.2 Phi Châu

Sự hỗ trợ của PLA, đặc biệt là về nhân lực, cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc là lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và đứng thứ hai về tổng kinh phí (15%). Sự hỗ trợ của PLA đối với các sứ mệnh gìn giữ hòa bình bao gồm các hoạt động khai triển tới Nam Sudan, Lebanon, Mali, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Lebanon, và Síp.

Theo báo cáo “Các Diễn biến Quân sự và An ninh Liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (“Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China”, MSD-PRC) năm 2021 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD), “năm 2020, CHND Trung Hoa cam kết thực hiện vai trò gìn giữ hòa bình lớn hơn ở Sahel và Tây Phi.”

Một hệ quả của việc Trung Quốc tham gia ngày càng nhiều vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc là mỗi đợt khai triển của PLA cung cấp thông tin chi tiết và khả năng tiếp cận đến những nơi mà ĐCSTQ chưa tiếp cận được trước khi khai triển.

Namibia: 
PLA điều hành trạm TT&C Trung Quốc ở Swakopmund, Namibia (Tây Nam Phi), mở cửa vào năm 2001. ĐCSTQ tuyên bố rằng trạm này hỗ trợ chuyến bay không gian có người lái kết hợp với các trạm tại Karachi thuộc Pakistan, và Malindi thuộc Kenya.

Theo một báo cáo An ninh Toàn cầu, “Trung tâm Kiểm soát Vệ tinh Tây An của Trung Quốc ở Thiểm Tây vận hành trạm mặt đất Swakopmund. … Trạm này có 20 nhân viên thường trú trong một giai đoạn nhiệm vụ, và có khoảng năm nhân viên ở đó liên tục để bảo trì thiết bị.”

Theo báo cáo MSD-PRC của DOD kể trên, “SSF vận hành hoạt động theo dõi, đo từ xa, và chỉ huy các trạm ở Namibia, Pakistan, và Argentina. SSF cũng vận hành các chiến hạm hỗ trợ không gian Viễn Vọng theo dõi các vụ phóng vệ tinh và hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).”

Do đó, địa điểm Namibia này có các nhân viên PLA hỗ trợ các chuyến bay không gian có người lái, theo dõi vệ tinh, và các đợt phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Kenya: 
PLA vận hành hỗ trợ chuyến bay không gian có người lái tại nhà ga TT&C ở Malindi, Kenya. Cơ sở này thực hiện các chức năng tương tự như các địa điểm ở Pakistan và Namibia.

Guinea Xích Đạo (EG): 
Có rất nhiều tin đồn về thỏa thuận có thể có giữa chính phủ EG và ĐCSTQ về việc cung cấp cho PLA quyền tiếp cận cảng Bata (thủ phủ cũ của EG, thành phố lớn nhất của EG, và một trong những cảng biển sâu nhất trong khu vực — sâu từ 16 đến 18 mét). Dự án BRI đã mở rộng đáng kể tiện ích của cảng này và biến cảng Bata trở thành một địa điểm lý tưởng cho Hải quân PLA (PLAN) sử dụng.

1.3 Á Châu

Campuchia: 
Dựa theo tiết lộ ban đầu trên tạp chí The Wall Street Journal vào năm 2019, hồi tháng trước tờ Washington Post đưa tin rằng PLA đang “bí mật xây dựng một cơ sở hải quân ở Campuchia để sử dụng độc quyền cho quân đội của mình” ở phía bắc của Căn cứ Hải quân Ream. Các cơ sở hải quân và không quân tiềm năng của PLA dọc theo bờ biển này cũng đã được xác định.

Các thủy thủ đứng gác tại Căn cứ Hải quân Ream Campuchia ở Sihanoukville, Campuchia, vào ngày 26/07/2019. (Ảnh: Samrang Pring/Reuters)

Miến Điện (Myanmar): 
PLA vận hành các cơ sở thu thập thông tin tình báo (tín hiệu và hàng hải) trên đảo Sittwe và các đảo Great Coco và Small Coco, nằm ở các điểm xung yếu dọc theo các tuyến đường biển giữa Vịnh Bengal và Eo biển Malacca.

Lào: 
PLA có một địa điểm thu thập thông tin tình báo tín hiệu gần Sop Hau bao phủ “Khu vực Eo biển từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương.”

Pakistan: 
Một địa điểm TT&C của Trung Quốc dành cho chuyến bay không gian có người lái nằm gần Karachi, Pakistan. SSF điều hành địa điểm Karachi này.

Tajikistan: 
Ở Tajikistan, các căn cứ của PLA do Cảnh sát Vũ trang Nhân dân điều hành toàn thời gian.Căn cứ Shaymak: Hồi tháng 10/2021, Nghị viện Tajikistan đã chấp thuận cho PLA khởi công xây dựng một căn cứ quân sự “tại tỉnh tự trị Gorno-Badakhshan gần giao lộ của vùng biên giới ba nước Afghanistan-Trung Quốc-Tajikistan,” gần Hành lang Wakhan. Vui lòng xem thêm thông tin chi tiết tại đây.

Một căn cứ khác của PLA đang được xây dựng hoặc mới hoàn thành gần biên giới Tajikistan với Afghanistan.

2. Các căn cứ vận dụng khi cần thiết

2.1 Quần đảo Solomon
Thỏa thuận bị rò rỉ giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon cho thấy rằng ĐCSTQ đang thăm dò các cách khác nhau để cho phép quân đội của họ tiếp cận. Thỏa thuận hiện tại cho phép PLA tiếp cận các cảng ở Quần đảo Solomon. Thỏa thuận này có thể là sự khởi đầu của một quá trình để cuối cùng cho phép PLA đặt căn cứ.

2.2 Pakistan
Căn cứ Không quân Skardu nằm ở Kashmir (POK) do Pakistan chiếm đóng trên vùng đất tranh chấp với Ấn Độ. Các địa điểm khai triển khác của Không quân PLA (PLAAF) bao gồm Gilgit, Chilas, Muzaffarabad ở POK, và Chitral và Mansehra ở Pakistan, mặc dù những cơ sở này kém phát triển hơn Skardu. Quý vị có thể tìm thêm thông tin chi tiết về Skardu và Gilgit tại đây.

Bạch thư quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc giao nhiệm vụ cho PLA bảo vệ các tàu chở hàng của Trung Quốc và phát triển “các cơ sở hậu cần ở ngoại quốc.” Hiện tại, PLAN dựa vào các cơ sở tại các cảng ngoại quốc do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sở hữu hoặc điều hành.

Theo một báo cáo nghiên cứu hồi tháng Tư của MIT, “các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành các tài sản thiết bị đầu cuối tại 96 cảng ở 53 quốc gia,” bao gồm các tài sản được liệt kê dưới đây:

- Gwadar ở Pakistan: Cảng nước sâu cho phép các tàu lớn và tàu ngầm của PLAN, giống như Djibouti. Các bức ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy một khu phức hợp an ninh cao của PLA được xây dựng vào năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020.

- Chabahar ở Iran: Cảng nước sâu đầu tiên của Iran không nằm trong Vịnh Ba Tư.

- Cảng Jask và cảng Kish ở Iran: Khả năng là địa điểm thu thập thông tin tình báo và địa điểm kiểm soát quyền tiếp cận đối với vận tải hàng hoá của Vịnh Ả Rập.

- Cảng Hambantota và cảng Colombo ở Sri Lanka: Việc đào tẩu gần đây của nhà lãnh đạo Rajapaksa làm tăng thêm sự bấp bênh liên quan đến hỗ trợ trong nước, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó. Thông tin chi tiết tại đây.
 
2.3 Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Ngoài các quốc gia riêng lẻ cho phép PLA đặt căn cứ, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cung cấp một phương tiện khác để điều động PLA tới các nước liên minh. SCO là một liên minh chính trị, kinh tế, và an ninh Á-Âu. Liên minh này bao gồm các thành viên, quan sát viên, và đối tác đối thoại sau:

- Tám quốc gia thành viên: Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Cộng hòa Kyrgyzstan, Pakistan, Liên bang Nga, Tajikistan, và Uzbekistan.

- Bốn quốc gia quan sát viên: Afghanistan, Belarus, Iran, và Mông Cổ.

- Sáu đối tác đối thoại: Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ, và Sri Lanka.

PLA đã đang sử dụng SCO để điều động PLA tới các quốc gia thành viên bằng cách cung cấp hỗ trợ an ninh và các cuộc tập trận chống khủng bố, chống ly khai, và chống cực đoan. SCO là một ví dụ về một liên minh đa phương cho phép điều động các lực lượng quân sự để hỗ trợ các nước thành viên.

Binh sĩ Trung Quốc đứng nghiêm trong cuộc tập trận chung Sứ mệnh Hòa bình-2016 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại khu vực huấn luyện Edelweiss ở Balykchy, Kyrgyzstan, vào ngày 19/09/2016. (Ảnh: Vyacheslav Oseledko/AFP/Getty Images)

3. Những nơi đang trong giai đoạn phát triển

Theo báo cáo MSD-PRC hiện tại của DOD, PLA có thể đang theo đuổi các quốc gia sau đây để có thêm “các cơ sở quân sự để hỗ trợ kế hoạch phát triển sức mạnh hải quân, trên không, trên bộ, không gian mạng, và vũ trụ”: 

Á Châu/Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Campuchia, Indonesia, Kiribati, Miến Điện, Pakistan, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka, và Tajikistan.

Phi Châu: Angola, Kenya, và Seychelles.

Trung Đông: Hoa Kỳ thông báo cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) rằng PLA đang xây dựng một khu phức hợp quân sự trong khu vực do BRI tài trợ của Cảng Khalifa ở Abu Dhabi. UAE đã ra lệnh ngừng thi công.

3.1 Các cơ sở ở Biển Đông đang trong quá trình phát triển

PLA có các căn cứ đang hoạt động ở Biển Đông và đang xây dựng các căn cứ mới. Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Á Châu (AMTI) tóm tắt sự phát triển của PLA ở Biển Đông: “Trung Quốc có 20 tiền đồn ở Hoàng Sa và 7 tiền đồn ở Trường Sa. Nước này cũng kiểm soát bãi cạn Scarborough, mà nước này chiếm giữ vào năm 2012 thông qua sự hiện diện liên tục của lực lượng hải cảnh, mặc dù nước này chưa xây dựng bất kỳ cơ sở nào trên địa điểm này. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tham gia vào hoạt động nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo chưa từng có ở Trường Sa, tạo ra 3,200 mẫu Anh đất mới, cùng với sự mở rộng đáng kể sự hiện diện của họ ở Hoàng Sa.”

AMTI cung cấp một danh sách các đảo PLA đã được bồi đắp, hoặc đang được xây dựng, và đưa vào một liên kết để biết thêm các chi tiết (các đảo được đánh dấu được mô tả ngắn gọn bên dưới):

Quần đảo Trường Sa: 
Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reefs), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và Đá Su Bi (Subi Reef).

Quần đảo Hoàng Sa: 
Đá Hải Sâm (Antelope Reef), Đá Bông Bay (Bombay Reef), Đảo Duy Mộng (Drummond Island), Đảo Quang Hòa (Duncan Islands), Đảo Linh Côn (Lincoln Island), Đảo Trung (Middle Island), Đảo Quang Ảnh (Money Island), Đảo Bắc (North Island), Đá Bắc (North Reef), Bãi Xà Cừ (Observation Bank), Đảo Hoàng Sa (Pattle Island), Đảo Ốc Hoa (Quanfu Island), Đảo Hữu Nhật (Robert Island), Đảo Nam (South Island), Cồn Cát Nam (South Sand), Đảo Cây (Tree Island), Đảo Tri Tôn (Triton Island), Cồn Cát Tây (West Sand), Đảo Phú Lâm (Woody Island), và Đảo Ba Ba (Yagong Island).

3.2 Các cơ sở chiến lược ở Biển Đông của PLA

Mối quan tâm đặc biệt là các đảo có đường băng cho PLAAF và các cơ sở cảng lớn cho PLAN. PLA có bốn hòn đảo ở Biển Đông với các đường băng dài 3 km (10,000 feet): Đảo Phú Lâm (một phần của Quần đảo Hoàng Sa), Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, và Đá Su Bi (cả ba đều thuộc Quần đảo Trường Sa).

Theo Liên đoàn Khoa học gia Mỹ (FAS), PLA đã xây dựng một địa điểm thu thập thông tin tình báo tín hiệu trên Đảo Đá (Rocky Island) trở thành một phần của Đảo Phú Lâm để bao phủ “khu vực Quần đảo Trường Sa, Philippines, và Eo biển Malacca”. 

Đại sứ Trung Quốc tại Quần đảo Solomon, ông Lý Minh (Li Ming) (bên phải), và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đang cắt băng khánh thành trong lễ khai trương khu phức hợp sân vận động quốc gia do Trung Quốc tài trợ ở Honiara hôm 22/04/2022. (Ảnh: Mavis Podokolo/AFP/Getty Images)

Hôm 26/05, trong lúc một phi cơ P-8 của Lực lượng Không quân Úc bay trong không phận quốc tế trên Biển Đông gần Quần đảo Hoàng Sa thì phi cơ J-16 của PLAAF (có thể là từ Đảo Phú Lâm) đã chặn đường. Trong quá trình chặn, J-16 đã tiến hành các thao tác nguy hiểm, bao gồm xả đạn và pháo sáng vào động cơ phản lực của P-8, điều này có thể khiến chiếc P-8 bị rơi.

Khi PLA mở rộng các địa bàn của mình và ĐCSTQ chỉ đạo PLA trở nên “bảo vệ lãnh thổ” hơn, thì các dịp xảy ra các sự cố nguy hiểm sẽ tăng lên. Có rất nhiều ví dụ về hành vi gây hấn của PLAN, Lực lượng Hải cảnh, và các tàu phụ trợ tấn công tàu dân sự và chiến hạm hải quân của các nước khác.

Bãi cạn Scarborough: 
Bãi cạn Scarborough là một chuỗi rạn san hô và đá, có hình tam giác với chu vi 29 dặm và cách đảo Luzon của Philippines 120 hải lý về phía tây (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines). Bãi cạn này không thuộc các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Bãi cạn Scarborough có khả năng trở thành một địa điểm quan trọng để PLA kiểm soát Biển Đông, một phần là do việc đặt các radar và các cảm biến khác ở đó sẽ bao phủ vùng phủ sóng Biển Đông của PLA, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận biết tình huống và vũ khí nhắm mục tiêu. Có hình dạng giống như Đá Vành Khăn và Đá Su Bi, Bãi cạn Scarborough có thể dễ dàng chuyển đổi thành một hòn đảo quan trọng khác do PLA chiếm đóng với đường băng dài 3 km và một cảng nước sâu. PLA đang chờ cơ hội để biến Bãi cạn Scarborough thành một căn cứ.

3.3 Các đại sứ quán Trung Quốc

PLA bổ nhiệm các tùy viên quân sự cho 110 phái đoàn ngoại giao. Theo báo cáo của DOD nói trên, các tùy viên quân sự này “đóng vai trò là cố vấn quân sự cho đại sứ, hỗ trợ các mục tiêu chính sách ngoại giao của Bộ Ngoại giao và PLA cũng như thực hiện nhiều nhiệm vụ gắn liền với hợp tác an ninh và quân sự của PLA, bao gồm trao đổi đối tác với nhân viên nước sở tại và nước thứ ba. Các tùy viên quân sự cũng tiến hành thu thập thông tin tình báo bí mật và công khai về quốc gia hoặc khu vực được phân công của họ.”

Mỗi đại sứ quán Trung Quốc trên thực tế là một căn cứ quân sự nhỏ đại diện cho PLA và tạo điều kiện cho PLA tiếp cận mỗi nước. Trong khi cách tiếp cận này hầu như không có gì đặc biệt, thì một sự cố gần đây tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Fiji cho thấy rằng Trung Quốc đã táo bạo một cách bất thường trong việc sử dụng các tùy viên.

Lưu ý: 
Trong một bài viết tiếp theo, tác giả sẽ phân tích các dấu hiệu về việc khai triển PLA và khai triển bán quân sự cũng như việc đặt căn cứ tiềm năng để bảo đảm thương mại toàn cầu của Trung Quốc không chỉ làm gián đoạn mà còn có khả năng đe dọa thương mại của các nước khác.

----------------------

Ông Guermantes Lailari là một sĩ quan khu vực đối ngoại của Không quân Hoa Kỳ đã về hưu chuyên về Trung Đông và Âu Châu cũng như chống khủng bố, chiến tranh bất thường, và phòng thủ hỏa tiễn. Ông đã học tập, làm việc, và phục vụ ở Trung Đông và Bắc Phi trong hơn 14 năm và ở Âu Châu trong sáu năm. Ông từng là Tùy viên Không quân tại Trung Đông, phục vụ tại Iraq, và có bằng cấp cao về quan hệ quốc tế và tình báo chiến lược. Ông nghiên cứu các chế độ độc tài và toàn trị đe dọa các nền dân chủ. Ông sẽ là học giả được Đài Loan tài trợ tại Đài Bắc vào năm 2022.

Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180