Tiếng Việt Trong Sáng : Ý Thức Coi Trọng Nam Âm (Thuần Việt) Hơn Bao Giờ Hết!

Tiếng Việt Trong Sáng
Ý Thức Coi Trọng Nam Âm (Thuần Việt) Hơn Bao Giờ Hết!
Hoành Sơn - phía bên phải là đi vào ĐÀNG TRONG, phía bên trái hình là ĐÀNG NGOÀI

Matthew NChuong

1
Trước hết, có một điều hết sức giản dị nhưng nhiều người không chú ý đến, mà đây lại là một điều thú vị, hệ trọng!

Sao gọi “Trong” / “Ngoài” (trong cách gọi tên lãnh thổ “Đàng Trong” / “Đàng Ngoài”), mà không gọi “Nội / “Ngoại”? “Trong”, “Ngoài” thuộc Nam âm (thuần Việt), còn “Nội”, “Ngoại” là âm Hán-Việt.
1a) Theo dòng sử nước Việt, suốt thời gian dài dùng chữ Hán làm văn tự chánh thống (kéo theo âm Hán-Việt), định danh theo âm Hán-Việt là việc quen thuộc như đặt tên lãnh thổ là “Đại Việt”, đặt tên địa danh “Thăng Long”, “Đông Kinh”… Nếu theo thói quen định danh Hán-Việt, sẽ phải gọi là “Nội Đường” (thay vì “Đàng TRONG”), “Ngoại Đường” (thay vì “Đàng NGOÀI”).
1b) Tiếng Việt đâu chỉ có âm Hán-Việt, mà hệ trọng hơn hết là Nam âm (thuần Việt) tạo nên bản sắc tiếng Việt thuộc Ngữ hệ Nam Á (Austro-asiatic language), không nằm trong Ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan language).
Xu hướng gìn giữ Nam âm trở thành dòng mạch chảy ngầm bền bĩ, thoát khỏi sự đồng hóa từ Hán ngữ.
Việc đặt tên “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” cho thấy: một ý thức coi trọng, tôn vinh Nam âm (thuần Việt) mạnh mẽ hơn bao giờ hết!
(Ghi chú: Trên mạng, như Wikipedia, ghi chữ Nôm “trong”: 冲, đây là “trong suốt”, ghi như vậy là KHÔNG đúng; còn “ở trong”, “bên trong” của Đàng Trong cần viết là 𡧲)
* Việc gìn giữ Nam âm (thuần Việt), theo bước chân của lưu dân, ở mật độ nhiều hơn âm Hán-Việt . (tôi có ghi chú nhiều kỳ, đây không nhắc lại).
2
"ĐÀNG" LÀ GÌ?
Nhiều người Việt trong chúng ta có lối nghĩ cứng nhắc lắm đa, cứ nhứt quyết mỗi chữ chỉ có mỗi một nghĩa không bằng, rồi “tranh thắng” cho bằng được, lãng phí thời gian hết sức!

Trong tiếng Việt, một chữ có nhiều nghĩa là thường gặp. Tỉ như "nhà": là căn nhà; là triều đại ("nhà Nguyễn", "nhà Trần"); là người phối ngẫu ("cô A là nhà tôi"); tùy ngữ cảnh mà hiểu "nhà" cho đúng. Không ai lại đi cãi lộn rằng "nhà" chỉ có một nghĩa!
2a) Tôi từng có dịp quan sát vài "hội thảo khoa học" nhằm... giải thích "ĐÀNG" ("Đàng Trong", "Đàng Ngoài") nghĩa là gì. Mỗi vị lên diễn đàn, phát biểu "theo thiển ý của tôi, "ĐÀNG" là...".
Người nói 'Đàng" là đường sá, là con đường.

Kẻ khác lại nói "ĐÀNG" nghĩa là "phía", dùng để chỉ phương hướng (trong không gian).

Nữa, một ý kiến dự "hội thảo" cho rằng "ĐÀNG" là nơi chốn, nơi ở...
Rồi, "ĐÀNG" là khu vực, lãnh thổ.
2b) Quái! "Thiển ý" gì ở đây, "tìm tòi khoa học" cái gì ở đây? Bởi cứ việc tra Tự điển là có ráo trọi! Quí bạn cần biết: Có khoảng 20 ký tự viết khác nhau nhưng đồng âm "Đường" / "Đàng", tròn trèm cũng cỡ 40, 50 nghĩa lận!
Mỗi vị "gắp" ra một nghĩa có sẵn trong Tự điển (đâu phải công trình "nặn óc bóp trán"), rồi ... tụ lại gọi là hội thảo.
2c) Lẽ ra cần bày hết bao nhiêu nghĩa có sẵn trong Tự điển, rồi xem xét nghĩa nào của "Đàng" mới THÍCH HỢP trong cách gọi 'Đàng Trong", "Đàng Ngoài"!
ĐÀNG là "con đường"? Có nghĩa như rửa. Nhưng, Đàng Trong / Đàng Ngoài - nếu hiểu "Đàng" là "đường"- vậy, "con đường trong" / "con đường ngoài" nghĩa là ... gì? Hoặc là "bên trong con đường" / "bên ngoài con đường"? Tối nghĩa.
Dữ kiện lịch sử cho biết: hoàn toàn không tồn tại "con đường" nào dùng làm ranh giới phân chia hai miền hết trơn!
* Đàng là "bên, phía"? Có cái nghĩa này. Nhưng, ở đây, dựa theo cái gì làm "hệ qui chiếu" để gọi là phía trong, phía ngoài? (phia trong, phía ngoài của cái gì).
Đàng là "nơi chốn"? Đúng. Đàng là "vùng, lãnh thổ"? Đúng.
NHƯNG, hết thảy những nghĩa này đều KHÔNG phải là nghĩa thích hợp đối với danh xưng "Đàng Trong" / "Đàng Ngoài".
Xin nhắc lại, trong TIẾNG VIỆT, một chữ có thể có nhiều nghĩa, thành thử đừng ôm cứng một cái nghĩa nào đó rồi áp vô hết thảy, là không "khớp", là bị sai trật đó đa!
Trong tập sách VỌNG, chúng tôi có diễn giải chi ly từng định nghĩa một (nêu trên) không hợp lý, hoặc tối nghĩa ra sao!
Để rồi, lạ thay, có một nghĩa của "ĐÀNG" gắn với dữ kiện lịch sử thì... không thấy nêu ra?

Hay là bị rối trong mớ bòng bong 40, 50 nghĩa nên "quáng" không nhìn ra, không nhận ra?
* Ý thức tôn vinh Nam âm (thuần Việt) nằm nơi cách gọi tên lãnh thổ: TRONG / NGOÀI (thay vì "nội", "ngoại").
Nếu tên lãnh thổ "ĐÀNG TRONG", "ĐÀNG NGOÀI" mà còn chưa rõ, nói gì đến chuyện sâu xa hơn nữa...

--------------------------------
Bài giải minh: "ĐÀNG - NGHĨA LÀ GÌ?" - trong tập sách VỌNG đang phát hành (vui lòng liên lạc inbox fb Matthew NChuong, https://www.facebook.com/nguyenchuong158 );


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025