Những Người Đàn Bà Của Thế Kỷ Hai Mươi
Những Người Đàn Bà Của Thế Kỷ Hai Mươi
Minh Hòa
Ngày cuối tuần nằm nhà, chẳng biết làm gì nên đọc tùm lum những gì vớ được.
Đọc xong câu chuyện này, lòng chùng xuống thật thấp với lòng kính trọng những người đàn bà của thế kỷ hai mươi, đặc biệt là những người đàn bà miền Nam Việt Nam.
Chiến tranh tàn, trong ngỡ ngàng, trong tức tưởi, nhưng dù sao thì cũng còn niềm hy vọng nhỏ nhoi, dù sao cũng là người chung một nước, tàn chiến tranh rồi, cùng xây dựng lại quê hương, quê hương thôi đau, nắng hạ hết buồn, những người đi chiến tranh rồi sẽ về, giữa đêm trường nghe rộn rã tiếng cười vui.
Chồng con họ, bị bắt đưa đi biệt tích, cửa nhà họ bị trưng dụng, tịch thu, họ không còn môi hồng má thắm, mắt họ không còn xanh, họ bương bả giữa chợ đời, để đi tìm miếng ăn cho đàn con thơ dại..
Hết rồi những cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhớ những chiến công, hay Trưng Vương khung cửa mùa thu.
Chỉ còn lại những con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non, chồng em giặc bắt lên rừng, chồng em chiến sĩ anh hùng.
Trong cuộc đời mình đã từng chứng kiến, vợ của một người Lính thuộc về phe thua cuộc phải đem thân xác của mình, trao đổi với kẻ thắng cuộc để kiếm lấy đồng tiền đi thăm nuôi chồng ,trong cái trại gọi là "cải tạo".
Mình cũng từng đào hố, để chôn ba mẹ con của một người Lính bên thua cuộc, bỏ độc dược vào nồi cháo để ba mẹ con cùng ăn, ở vùng kinh tế mới Cu Nhí.
Mời bạn đọc tóm tắt, cái đoạn trường tân thanh của những người Đàn Bà Miền Nam, lặn lội cả ngàn cây số, và phải vượt qua muôn trùng gian khổ ,để đến được những trại tù của những vùng rừng thiêng nước độc, ở miền Bắc, thăm nuôi chồng, con, cha, anh, của họ.
"Từ Sài Gòn đi bằng tàu hỏa, một nách hai đứa con thơ, có đứa sinh ra chưa lần gặp mặt Cha, một trăm ký lô hàng, mua bằng sự tằn tiện dành dụm từng đồng ,dù cảnh đời của ba mẹ con vô cùng thê thảm sau ngày tang thương, tới ga Thanh Hóa mướn nhà trọ, liên kết với những người đồng cảnh ngộ với nhau để bảo vệ số đồ tiếp tế ,vì hở ra là mất hay bị cướp.
Vượt thêm chặng đường rừng bằng xe trâu, vào đến nơi thì trời đã tối, lại vật vờ thêm một đêm ngoài cổng trại, đến khi gặp được chồng thì dưới con mắt canh chừng cú vọ của cai tù, hai vợ chồng chỉ nhìn nhau mà không nói được lời nào.
Cha ôm con trong tay, mà cặp mắt nhá lửa hận thù, cái nhìn xót xa thương cảm cho vợ, đã tàn một đóa quỳnh hương.
Đến khi nói được, thì lời bật ra với đầy ngụ ý...."Em đem con về Mỹ tho đi, vùng kinh tế mới đó, có người này người kia, ráng nuôi dạy con cái nên người, nghe lời anh dặn nhé"
Thân chim lồng cá chậu, mãnh hổ sa cơ, biết rồi sẽ ra sao ngày sau?Và đây là lời người vợ trong nghẹn ngào đau thương nức nỡ :
"Em sẽ đợi anh về, em sẽ đợi anh về, rồi chúng ta cùng đi kinh tế mới, anh đừng lo nghĩ gì hết, giữ gìn sức khỏe để còn về với em và con, em thề, em sẽ đợi anh về" rồi dưới cái lạnh lùng tàn nhẫn của cai tù, vợ chồng con cái lại chia lìa chỉ sau một giờ thăm viếng, đường về Nam ôi vời vợi đau thương.
Kính phục thay tấm lòng trung trinh của những người đàn bà của một thời sau mùa chinh chiến, những người Đàn Bà Vợ Lính Miền Nam.
Mẹ Việt Nam ơi...thời gian ..quá nữa đời người...và ta cũng tỏ tường rồi..ôi cuộc đời , ngày sau tàn lửa khói....
Việt Nam Tôi Đâu (Việt Khang)
Nhận xét
Đăng nhận xét