Phân tích: Vì sao chuyến thăm Bắc Hàn của ông Putin khiến ĐCSTQ rơi vào thế khó xử
Phân tích: Vì sao chuyến thăm Bắc Hàn của ông Putin
khiến ĐCSTQ rơi vào thế khó xử
khiến ĐCSTQ rơi vào thế khó xử
Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp mặt và bắt tay tại Trung tâm phóng vệ tinh của Nga vào ngày 13/09/2023. (Ảnh: Vladimir Smirnov/Pool/AFP qua Getty Images) |
Trương Đình thực hiện
Toàn Phong biên dịch
Trong khi cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Bắc Hàn vào hôm thứ Ba (18/06) và thứ Tư (19/06) khiến dư luận dậy sóng. Không chỉ Hoa Kỳ sẽ chú ý chặt chẽ đến chuyến thăm này, mà bất kỳ liên kết nào giữa ông Putin và ông Kim Jong-un cũng như những thỏa thuận đạt được của đôi bên đều sẽ khiến đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hết sức căng thẳng.
Tờ Le Monde của Pháp phân tích rằng, Bắc Kinh thực sự có cảm xúc phức tạp về việc Nga và Bắc Hàn tăng cường mối bang giao do cuộc chiến Nga-Ukraine. Vì sự hỗ trợ lẫn nhau giữa Nga và Bắc Hàn một mặt sẽ mang lại lợi ích cho ĐCSTQ, mặt khác cũng sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Bắc Hàn vào ĐCSTQ, làm suy giảm sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với Bắc Hàn, từ đó mang đến sự bất ổn lớn cho Bắc Kinh.
Con dao hai lưỡi đối với ĐCSTQ
Ông Putin và ông Kim Jong-un hợp tác với nhau vì lợi ích chung. Ông Putin cần nguồn cung cấp đạn pháo của Bắc Hàn để trợ giúp cho cuộc chiến ở Ukraine. Còn ông Kim Jong-un hy vọng có thể giảm bớt sự cô lập bằng cách cung cấp đạn dược và nhận viện trợ lương thực để giúp ổn định tình hình kinh tế Bắc Hàn. Ngoài ra, Bắc Hàn cũng có thể nhận được công nghệ độc quyền trong lĩnh vực hỏa tiễn đạn đạo và vệ tinh từ Nga.
Một lợi ích khác cho ông Kim Jong-un là sự đa dạng hóa các liên minh của mình. Bắc Hàn từ lâu đã luôn lo ngại về việc quá phụ thuộc vào ĐCSTQ.
Tờ Le Monde cho biết, đây là con dao hai lưỡi đối với chính quyền ĐCSTQ. Điều này làm giảm áp lực cho Bắc Kinh trong việc phải cung cấp vỏ bọc quốc tế bảo vệ một Bắc Hàn đầy biến động, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho Bắc Kinh trong việc cung cấp đủ vật tư và thực phẩm để bảo đảm sự sống còn của Bắc Hàn. ĐCSTQ cho rằng Bắc Hàn sẽ cung cấp vùng đệm chiến lược rất có giá trị giữa biên giới Trung-Hàn, duy trì vùng đệm này phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh, vì căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ ở Nam Hàn chỉ cách lãnh thổ Trung Quốc 400 km.
Trong những năm gần đây, Bắc Hàn đã liên tục thử nghiệm hỏa tiễn, khiến cộng đồng quốc tế lên án. Điều này cũng khiến những người tham gia hoạch định chính sách chiến lược của Trung Quốc tin rằng quốc gia duy nhất mà ĐCSTQ duy trì thỏa thuận phòng thủ chung đã trở thành một gánh nặng cho chính quyền ĐCSTQ. Tuy nhiên, khi ĐCSTQ ngày càng lo ngại về việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Nam Hàn, ĐCSTQ cũng đồng thời càng coi trọng vai trò của Bắc Hàn như một vùng đệm. ĐCSTQ thường gọi Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn là “NATO chống Trung Quốc.”
Hiện nay, ĐCSTQ đã yêu cầu Bắc Hàn bảo đảm có các biện pháp tự vệ và bảo đảm sự sống còn của chính mình. Việc Nga đang giúp đỡ Bắc Hàn đồng nghĩa với việc Moscow sẽ sử dụng vị thế đặc biệt của mình với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để nới lỏng các biện pháp chế tài đối với Bắc Hàn, đồng thời giúp Bắc Hàn tránh né các lệnh trừng phạt. Đây là điều mà ĐCSTQ mong muốn, bởi vì Nga thay thế ĐCSTQ bảo vệ Bắc Hàn trước quốc tế, sẽ cho phép Bắc Kinh thoát khỏi sự lên án của quốc tế. Điều này rất quan trọng đối với ĐCSTQ vì đảng này luôn cố gắng cải thiện hình tượng quốc tế của mình, còn Nga đã hoàn toàn từ bỏ nỗ lực này.
Ví dụ rõ ràng nhất là vào tháng 3 năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết nhằm kéo dài nhiệm kỳ của “Nhóm chuyên gia Ủy ban Chế tài Bắc Hàn,” nhưng một phiếu phủ quyết của Nga đã khiến dự thảo này không được thông qua. Lúc đó, ĐCSTQ, vốn ủng hộ Bắc Hàn, đã bỏ phiếu trắng. 13 thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu thuận.
Điều này đã khiến Hoa Kỳ lên án Nga một cách mạnh mẽ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield khi đó đã cho biết, “Việc Nga phủ quyết chẳng qua là một hành vi nhằm cố gắng ngăn chặn một cuộc điều tra độc lập, khách quan về những vi phạm đang diễn ra của Bắc Hàn và chính Nga đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.”
“Nhóm chuyên gia của Ủy ban Chế tài Bắc Hàn” là nhóm chuyên gia trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Trung tâm phóng vệ tinh Vostochny ở tỉnh Amur, Nga, vào ngày 13/09/2023. (Ảnh: STR/Kcna qua Kns/AFP)
Mặc dù những sự thật trên đã mang lại lợi ích cho ĐCSTQ, tuy nhiên mặt khác, Nga và Bắc Hàn tiến gần nhau hơn cũng mang lại rủi ro cho ĐCSTQ. Với sự hiện diện của Nga, ảnh hưởng và tầm kiểm soát của ĐCSTQ đối với Bắc Hàn đã giảm sút.
Tháng 09/2023, ông Putin và ông Kim Jong-un gặp nhau ở Nga. Một bài viết của The Wall Street Journal hồi tháng trước đã trích dẫn tin tức từ những người biết rõ vấn đề này, cho biết Nga và Bắc Hàn vẫn chưa tiết lộ cho ĐCSTQ về nội dung thảo luận trong cuộc gặp hiếm hoi giữa ông Putin và ông Kim lần đó. Điều này khiến các nhà ngoại giao của ĐCSTQ phải thăm dò những người trong ngành ngoại giao phương Tây để biết về thỏa thuận nào đã đạt được giữa hai người.
Nga vẫn có thể giúp Bắc Hàn mở rộng chương trình hỏa tiễn theo những cách mà thế giới bên ngoài chưa biết đến.
“Bắc Hàn sẽ sử dụng sức mạnh gia tăng này như thế nào để không bị Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát, điều này đã mang lại nhiều sự không chắc chắn cho Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Nhật báo Le Monde dẫn lời ông Triệu Thông (Tong Zhao), một chuyên gia chính trị về các dự án hạt nhân tại Trung tâm Carnegie Trung Quốc: “Vì vậy, [sự hợp tác giữa Nga-Bắc Hàn] vừa là tin tốt vừa là tin xấu đối với ĐCSTQ.”
Cộng đồng quốc tế nhận thấy rằng, để bảo đảm chính quyền Bắc Kinh duy trì chỗ đứng quan trọng ở Bắc Hàn, ĐCSTQ đã cử ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến thăm Bắc Hàn vào tháng 04/2024, nhằm bảo đảm với ông Kim Jong-un rằng Bắc Kinh sẽ giúp đỡ ông.
Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ
Nga và Bắc Hàn rõ ràng biết rằng chuyến thăm của ông Putin lần này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ. Hôm thứ Hai (17/06), cố vấn Truyền thông An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết, mặc dù Hoa Kỳ không lo ngại về chuyến đi này của ông Putin, tuy nhiên họ đang quan sát xem liệu chuyến đi có làm xấu đi tình hình an ninh ở Ukraine và Đông Bắc Á hay không.
“Chúng tôi lo ngại về sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia này, không chỉ vì điều đó sẽ có ảnh hưởng đến người dân Ukraine, mà còn vì chúng tôi biết rằng hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn vẫn đang được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Ukraine. Và bởi vì một số trao đổi qua lại giữa Nga và Bắc Hàn có thể sẽ ảnh hưởng đến an ninh trên Bán đảo Triều Tiên,” ông Kirby nói thêm. “Chúng tôi chắc chắn sẽ theo dõi tình hình này vô cùng chặt chẽ.”
Trương Đình thực hiện
Toàn Phong biên dịch
----------
Nhận xét
Đăng nhận xét