Chỉ thị mật 24 của csVN khiến nhóm tư vấn EU quan ngại

Chỉ thị mật 24 của csVN khiến nhóm tư vấn EU quan ngại
Nhiều nhà hoạt động, quan chức đã bị bắt giữ "theo tinh thần Chỉ thị 24". Từ trái qua: ông Nguyễn Văn Bình, ông Vũ Minh Tiến, ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên

BBC Tiếng Việt
Nhóm Tư vấn Nội địa Liên minh châu Âu (Domestic Advisory Group EU) công bố báo cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về Chỉ thị mật 24 liên quan đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
Nhóm DAG EU được thành lập theo cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA).
Báo cáo của DAG EU được đưa ra sau cuộc họp của nhóm này với các đại diện doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức phi chính phủ tại Brussels (Bỉ).
Chỉ thị 24-CT/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng", đóng dấu "Mật", được Dự án 88 (một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam) tiết lộ hồi tháng Ba.
Chỉ thị này yêu cầu các thành viên ĐCSVN ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến các tài liệu chỉ trích đảng cầm quyền hoặc phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân và kiểm soát các công đoàn độc lập.
Nhóm DAG EU cho rằng chỉ thị này đi ngược lại các cam kết trong Chương 13 về Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA.
Trong đó, có việc thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và đặc biệt là lời hứa của Việt Nam về việc sẽ phê chuẩn Công ước ILO số 87 (Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền lợi của người tổ chức hiệp hội).
Mặc dù cam kết sẽ ký Công ước 87, nhưng trong Chỉ thị 24, chính phủ Việt Nam đề cập việc chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó tiếp tục xây dựng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tổ chức công đoàn cấp quốc gia duy nhất tồn tại ở nước này – "vững mạnh".
Việt Nam đã hai lần hoãn ký Công ước 97.
DAG EU khuyến khích Ủy ban châu Âu tìm kiếm thêm thông tin về vấn đề này và chia sẻ thông tin đó với DAG.
DAG EU cũng nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của mình trước tình trạng đàn áp đang diễn ra đối với xã hội dân sự và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền.
Nhóm DAG EU lên án việc ba nhà bảo vệ quyền môi trường vẫn đang thụ án tại Việt Nam với các cáo buộc mà nhóm này gọi là “bịa đặt”.
Ba nhà hoạt động nói trên là bà Hoàng Thị Minh Hồng, ông Đặng Đình Bách và ông Bạch Hùng Dương.
EU DAG hiện đang lo ngại về hai vụ bắt giữ mới nhất.
Hồi tháng Năm, Việt Nam đã bắt giữ hai nhà cải cách công đoàn và quyền người lao động là ông Nguyễn Văn Bình và ông Vũ Minh Tiến.
Ông Nguyễn Văn Bình là Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và là đối tác đàm phán chính của EU về cải cách lao động (bao gồm cả việc phê chuẩn Công ước ILO số 87).
Chính quyền Việt Nam chỉ công khai việc bắt giữ ông sau khi tổ chức Dự án 88 ra báo cáo về vụ việc.
Ông Vũ Minh Tiến là Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) kiêm Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU) – tổ chức sau này là thành viên của DAG Việt Nam.
Giống như ông Bình, trước khi bị bắt, ông Tiến đang thúc đẩy các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Trong vai trò của mình tại VGCL, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được thông qua vào cuối năm nay.
Việt Nam hiện vẫn chưa chính thức thông báo về việc bắt ông Tiến. Tuy nhiên, thông tin của ông đã biến mất nhiều ngày nay khỏi trang web của VGCL và một số nguồn tin của Dự án 88 đã xác nhận việc ông bị bắt giữ.
EU DAG lên án những hành vi vi phạm EVFTA nghiêm trọng và có hệ thống này.
Trong trường hợp này, nhóm nhắc lại mối quan ngại của mình về khả năng hoạt động hiệu quả của DAG Việt Nam.
Điều gì đã xảy ra với nhóm DAG Việt Nam?

Chỉ thị mật 24 bị rò rỉ: Đảm bảo an ninh quốc gia hay bảo vệ Đảng?
Các nhóm tư vấn trong nước (DAG) có vai trò tư vấn cho các bên tham gia các hiệp định thương mại, trên cơ sở thông tin nhóm thu được từ các thành viên hoặc tổ chức đối tác ở các quốc gia liên quan, nhằm giúp cải thiện việc thực hiện các hiệp định.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cho ban hành Quyết định số 1972/QĐ-BCT ngày 17/8/2021 về việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam.
Chức năng và nhiệm vụ của DAG Việt Nam là tập hợp, đưa khuyến nghị, tư vấn về việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA, phù hợp với cam kết tại Hiệp định.
Nhóm DAG Việt Nam bao gồm không quá 15 thành viên, chia làm 3 phân nhóm là kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, một số thành viên tích cực của DAG Việt Nam, có tiếng nói phản biện, độc lập, đã bị bắt và bỏ tù trong thời gian qua.
Trong hai năm 2021, 2022, công an Việt Nam đã bắt giữ các nhà hoạt động, khép họ vào tội trốn thuế, gồm Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách, Bạch Hồng Dương, Ngụy Thị Khanh - đều là những nhà lãnh đạo tích cực muốn đóng góp cho DAG Việt Nam.
Tiếp sau đó là các vụ bắt giữ đối với các nhà hoạt động và các quan chức đã đề cập ở đầu bài viết này.
Những vụ bắt giữ này xảy ra ngay sau khi Việt Nam ký xong EVFTA vào năm 2020.
Ông Robertson, cựu Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), từng nói với BBC hồi 2023 rằng "EU tuyên bố Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) năm 2020 sẽ khuyến khích Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, nhưng điều ngược lại đã xảy ra".
Sau khi bỏ tù một số thành viên như đã nói ở trên, chính phủ Việt Nam chấp thuận bảy thành viên khác tham gia DAG Việt Nam - là những người thân chính phủ.
Trong đó, có ít nhất bốn thành viên là đảng viên cấp cao thuộc các tổ chức có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, theo báo cáo của HRW gửi EU năm 2023.
----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215