Tiếng Việt, Ôi Tiếng Việt Chuyên Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn!

Tiếng Việt, Ôi Tiếng Việt Chuyên Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn!
Thái Hạo
Tôi đọc cái đề Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên thuộc Đại Học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, mà không tin vào mắt mình. Tại sao lại có cái tiếng Việt tệ hại đến thế cho một đề thi chuyên Văn, thuộc một đại học lớn nhất nước?
“Một tòa nhà tráng lệ được dựng nên từ những viên gạch hồng chắc chắn. Nhưng những viên gạch vốn ban đầu chỉ là khối đất im lặng. Điều đáng chú ý, chúng được tạo nên qua bàn tay lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết của người thợ”.
Sau khi cung cấp ngữ liệu thì đề yêu cầu nghị luận văn học: “Công việc của người làm gạch giúp liên tưởng gì về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn?”. Tôi nghĩ, đây là một cái đề không những vụng về mà còn kỳ quái.
Ảnh chụp đề thi Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên thuộc Đại Học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội mà tác giả nói tới trong bài.
Thứ nhất, về logic, mở đầu đoạn ngữ liệu là nói về tòa nhà tráng lệ, nhưng từ câu thứ 2, lại nói về những viên gạch. Cả cái đoạn ngữ liệu này, câu đầu tiên không chỉ thừa thãi, vô duyên, mà còn có thể gây hiểu lầm. Theo logic thông thường mà ai cũng tư duy như thế, thì đáng ra khi đã đề cập đến ngôi nhà thì toàn bộ những câu còn lại phải nói về việc làm ra ngôi nhà ấy, sao lại đi nói về chuyện đóng gạch? Nếu muốn liên hệ công việc sáng tạo tác phẩm văn học với việc đóng gạch thì bỏ câu đầu đi; hoặc giữ câu đầu và bỏ toàn bộ những câu sau nó đi, rồi triển khai về các công đoạn, về sự dụng tâm của việc làm ra căn nhà ấy. Logic nó phải thế. Ngữ liệu có 3 câu văn, và chúng đều cộc lốc, rời rạc như cơm nguội.
Thứ hai, là cách sử dụng từ ngữ. “Những viên gạch hồng chắc chắn” là một kết hợp rất ngô nghê, “gạch hồng” thì nên đi với “đẹp đẽ” hoặc một tính từ nào đó chỉ vẻ đẹp nói chung, sao lại kết hợp với “chắc chắn”? Điều này càng đúng khi ngay từ đầu, từ “tráng lệ” đã được dùng để miêu tả căn nhà. “Nhưng những viên gạch vốn ban đầu chỉ là KHỐI ĐẤT IM LẶNG”, thế hóa ra sau đó nó đã trở nên ồn ào ư? Làm gì có viên gạch nào có thể gây ồn ào bao giờ?
Riêng mấy từ miêu tả cách đóng gạch (lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết) thì càng chứng tỏ người viết mù mờ về công việc này. Làm gạch (thủ công?) chả có gì ghê gớm đến mức phải dùng toàn những mỹ từ to tát để thổi phồng lên như thế. Nói đến làm gạch thì chủ yếu sẽ gợi lên sự vất vả khổ cực, chứ không phải cái gì như là nghệ thuật cả. Vì từ việc đào đất, nhồi đất, đắp đất (đã nhồi) thành ụ, cắt đất, nện vào khuôn, bê đi phơi, rồi chạy mưa…, không có công đoạn nào đòi hỏi “trình độ” hay sự “tinh xảo” gì hết, nó chỉ đòi hỏi chút kinh nghiệm, còn lại là phải có sức khỏe và sự chịu khó. Nếu có cái gì đó hơi khó trong việc làm gạch thì đó phải là công đoạn nung gạch. Nếu không có nhiều kinh nghiệm thì có thể làm hư cả lò gạch như chơi. Tóm lại, người viết không nắm rõ công việc làm gạch nhưng lại nói rất tự tin.
Thứ ba, liên hệ công việc làm gạch với sáng tạo văn học thì quả là cú liên hệ tức cười, có lẽ là vô tiền khoáng hậu. Vì như đã nói, làm gạch là công việc giản đơn, ai cũng có thể làm được, miễn là có sức khỏe. Không những thế, làm gạch là một loại lao động chân tay thô sơ mà mục đích là “đúc khuôn”, cứ nện đất vào khuôn là ra hàng vạn viên giống nhau như một – giống nhau trở thành một trong các tiêu chuẩn quan trọng của gạch; trong khi đó, sáng tạo văn học là hoạt động của tinh thần, nhằm tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị. Chẳng thà liên hệ với cái gì đó như làm đồ gốm chẳng hạn, thì còn tạm coi được, chứ liên hệ với đóng gạch thì chịu, không biết phải bình luận thế nào.
Thêm nữa, ngữ liệu không có dẫn nguồn, phải chăng như một số người đã nêu thắc mắc, rằng đây là do người ra đề “tự viết văn”? Nếu đúng thế thì văn của ông/ bà giáo viên nào đó quả là một thứ văn đáng chán, đáng buồn. Sẽ không sao nếu vị ấy và hội đồng thi viết lăng nhăng đâu đó trên mạng cho vui, nhưng mang ra để cho hàng nghìn thí sinh cặm cụi phân tích, mổ xẻ, ca tụng như là một tuyên ngôn của văn hào lừng lẫy nào đó, nhằm tìm ra những học sinh xuất sắc nhất về văn chương giữa “thủ đô ngàn năm văn vật”, thì đúng là phải cười ra nước mắt.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 188