"Cháy Nhà Ra Mặt Chuột"

"Cháy Nhà Ra Mặt Chuột"
Thái Hạo
Nằm xem những hình ảnh sau bão, khó ngủ. Những thành phố xơ xác, tan hoang, ngổn ngang. Thê thảm nhất có lẽ là hình ảnh cây cối đổ la liệt khắp nơi, và kéo theo là sự hư hại xe cộ, nhà cửa, công trình, đặc biệt là gây chết người. Hơn 17 nghìn cây đổ, theo báo chí nhà nước.
Lang thang qua Trung Quốc xem họ thế nào. Hình 1 là ảnh trên một đường phố ở đảo Hải Nam, hình 2 là ở Hà Nội. Cả hai cùng vừa trải qua cùng một cơn bão, bão Yagi. Bạn có nhận ra sự khác nhau?
Bão Yagi quét qua đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh trên mạng

Bão Yagi quét qua Hà Nội, Việt Nam. Ảnh trên mạng
Cây ở Trung Quốc bị vặt trụi lá, trụi cành, giơ que giơ cọng, chứng tỏ sức gió ở đây rất khủng khiếp. Nhưng cây lại không đổ. Còn cây ở Việt Nam thì chỏng vó cả loạt. Cái đáng nói là hãy nhìn vào những cái cây đang đứng vững bên cây đã đổ: tán lá gần như nguyên vẹn.
Tôi ở miền Trung, rất quen với bão. Những trận cuồng phong kéo dài chỉ chừng 30 phút thôi sẽ đủ vò nát những tán cây, khiến lá bị nhàu như ta vò một nắm rau ngót. Rồi cành sẽ bị vặn gãy, bẻ gãy, nằm la liệt trên đất. Tương tự như hình 1 ở Hải Nam – Trung Quốc.
Tôi dù biết bão không nhỏ, nhưng nhìn những tán cây ở Hà Nội hay Hải Phòng sau bão, tôi cho rằng nó không lớn một cách “xứng đôi” với cái thiệt hại đang phơi bày.
Hôm qua khi bão đã vào Hà Nội, tôi ngồi với bạn, theo dõi tin tức qua điện thoại. Nghe bạn mình kêu lên, tôi ngó vào xem ké, thấy một tấm kính (mi-ca?) đang từ từ bị bóc ra khỏi một tòa nhà cao tầng. Tôi nói, gió không lớn. Hãy nhìn xem, tấm kính bị bóc ra và rơi xuống rất chậm, thậm chí một nửa bị gãy và gục lại ở đó, úp mặt vào hai khung cửa trống nhưng xem hết clip vẫn không thấy gió thổi cho nó bay xuống được, thậm chí nó không thèm động đậy. Đáng chú ý hơn nữa là những chiếc rèm cửa: chúng bay rất… phất phơ. Nếu gió rất lớn (chưa nói là “cuồng phong”) thì chúng sẽ bị giật lên phần phật, sẽ bị xoắn lại, quăng quật như điên dại. Nhưng đây không, chúng bay rất bình thường, như những lá cờ bay trong gió (xem clip trong comment). Trong một clip khác, hình ảnh một cái mái tôn nhè nhẹ rời trần và từ từ đáp mình xuống lùm cây bên dưới, cũng cho tôi cái cảm giác tương tự về sức gió thật sự.
“Cháy nhà ra mặt chuột”, dân tình đã nói nhiều rồi, sau khi hàng loạt cây lớn nhỏ trên vỉa hè bật ngửa, để lộ ra những cái gốc không rễ hoặc còn nguyên bao bố, vải bọc. Chuyện tham nhũng, chuyện lợi ích nhóm các thứ thì dân mạng cũng đã truy vấn nhiều rồi, nhưng nhìn rộng hơn, không chỉ cây cối mà cả xây dựng (của nhà nước lẫn tư nhân) hay ý thức về sự nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ trong mọi việc, đều hầu như rất thiếu ở mọi đối tượng. Vì thế, nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, nhiều thiệt hại có thể ngăn ngừa cũng đã xảy ra.
Sự gian dối (như trong việc trồng cây đô thị) thì đang bị “thế lực thù địch Yagi” phơi bày rồi, nhưng sự cẩu thả, tính qua loa đại khái, hay nói cho gọn là ẩu, thì vẫn là một cái gì rất thâm căn cố đế trong người Việt mình chăng?
“Cái khó bó cái khôn” thì đã đành, nhưng nhiều khi không còn khó nữa và cái khôn cũng không bị bó nữa, nhưng vẫn cứ ẩu. Bão đến, mưa gió sầm sập trên đầu nhưng cứ liều ra đường; dù đã được cảnh báo nhưng khâu chuẩn bị chằng chống gió và nước vẫn rất sơ sài, thậm chí “nước đến trôn mới nhảy”.
Cái tính ẩu và qua loa đại khái của người mình, nó không chỉ dẫn dến những hậu quả khi có thiên tai như đã thấy, mà lâu dài hơn, nó khiến con người luôn giữ một thái độ lao động rất thiếu chuyên nghiệp, rất khó đạt đến độ tinh xảo hay trình độ nghệ thuật. Đây phải chăng cũng là lý do ta rất ít những phát minh, sáng chế và sáng tạo?
Nước sông Hồng dâng sát mức báo động,
nguy cơ gây ngập ở Hà Nội
===

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025