Món Quà Không Được Giá

Món Quà Không Được Giá
Tô Lâm bò đát vàng quy mã - Biếm họa BaBui

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Một chuyến xuất ngoại quan trọng
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức vào cuối tháng 9/2024, là dịp để Việt Nam cử một đoàn binh mã đặc trưng sang tham dự, dẫn đầu là Tô Lâm.
Đây được coi là chuyến xuất ngoại quan trọng của Tô Lâm trên cương vị mới khi giữ luôn cả hai chân trong “Tứ trụ triều đình” Việt Nam: Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Có lẽ, đây cũng là dịp may hiếm có cho Tô Lâm để được mang danh là Tổng bí thư Đảng Cộng sản đi họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Điều này, như một cơ hội để hệ thống tuyên giáo, tuyên truyền của nhà nước Việt Nam tung hê, “tự sướng” như thể cái chức danh “Tổng bí thư ĐCS” cũng được Liên hợp quốc chấp nhận(!). Một sự “đánh lận con đen” hết sức trơ tráo. Bởi ai cũng biết, nếu không có cái chân “kiêm nhiệm” là Chủ tịch nước, thì Tô Lâm có mơ cũng đừng bước chân đến phòng họp của Đại hội đồng Liên hợp Quốc.
Cuộc họp diễn ra khi mà Tô Lâm, vừa mới chiếm được cả hai chân trong “Tứ trụ triều đình” Cộng sản sau khi Nguyễn Phú Trọng chết già đang lúc ngồi lỳ để “kiên quyết chống lại những kẻ tham quyền cố vị”.
Có thể nói, đó cũng là một cơ hội cho Tô Lâm như một dịp may hiếm có.
Trước hết, việc Tô Lâm kiếm được cái chân “Chủ tịch nước” – cái chân được coi là “hữu danh, vô thực” trong hệ thống chính trị Việt Nam. Công việc chính của cái chân này là chuyện “ma chay điếu đóm, lễ hội” là chính, còn tham gia chính trường quyền lực và lợi lộc chẳng được như các chân khác trong “Tứ trụ”. Thế nên, khi có thực lực, các lãnh đạo đảng và nhà nước ít khi ham hố cái chân này cho bằng ba cái chân khác trong “tứ trụ’, bởi nó ra tiền nhiều hơn.
Việc Tô Lâm được đưa vào cái chân “Chủ tịch nước” là một sự sắp xếp có tính toán bởi cái gọi là cơ chế cộng sản đã sinh ra và tự hại nó. Khi mà 1/3 trong số hơn một chục Ủy viên Bộ Chính trị đã bị mất chức, bị kỷ luật đuổi khỏi cái chân tưởng như bất khả xâm phạm ấy, do những tội lỗi bị phe khác phanh phui, và Tô Lâm đủ tiêu chuẩn nhất để vào chân Chủ tịch nước, hòng khóa tới còn noi gương Nguyễn Phú Trọng làm “trường hợp đặc biệt” mà ngồi lại thêm một số năm trên chiếc ngai vàng thống trị. Chỉ đơn giản là bởi vì Tô Lâm chưa bị lộ, hoặc nói cách khác là các phe, nhóm khác trong đảng chưa đủ “cơ” để bới những tội lỗi của Tô Lâm ra mà kỷ luật.
Thế rồi, một cơ hội khác lại đến với Tô Lâm, đó là khi Nguyễn Phú Trọng chết, đi “theo Các Mác – Lênin” và để trống cái chân Tổng Bí thư mà bất cứ đứa nào cũng thèm muốn mà chưa có kế hoạch để tìm người thay thế.
Thế rồi với thế lực sẵn có trong tay với công an, nhà tù, súng đạn và nhất là những tập hồ sơ đen của các đồng chí khác, ai dám chen chân với Tô Lâm cái ghế Tổng Bí Thư.
Tô Lâm chiếm được luôn hai ghế, trở thành nhân vật quyền lực số 1 tại Việt Nam, không chỉ là “đại diện của đảng, mà là còn của quốc gia”. Ngay sau khi ngồi được vào hai chiếc ghế đứng đầu hệ thống chính trị theo lệ thường, Tô Lâm đã cắp cặp sang Thiên triều – Trung Nam Hải để chầu quan thầy mình là Tập Cận Bình như một sự bổ nhiệm một thái thú mới của chư hầu.
Và rồi nhân dịp này, Tô Lâm quyết lên đường đi Mỹ, sang tận hang ổ của “bọn tư bản giãy chết”, để hiện thái độ “sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì” theo nguyên tắc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã vạch ra.
Một Tô Lâm đậm “Bản sắc Công an”
Những biến động chính trị tại Việt Nam thời gian qua với những thất bại liên tiếp của “Thời đại Nguyễn Phú Trọng” mà cái gọi là “Chống tham nhũng” được đưa ra như một “sự nghiệp vĩ đại” của đảng, Tô Lâm gặp được thời cơ để leo lên chức vụ cao nhất trong hệ thống.
Thế là từ một tay chuyên nghề chém giết, bỏ tù, bắt cóc và ám sát, bắt bớ và thảm sát… với bàn tay vấy máu dân lành và cả đồng chí của mình, Tô Lâm trở thành người lãnh đạo cao nhất của một đảng. Cũng có nghĩa là từ vai trò chỉ là “thanh kiếm, lá chắn” của đảng, một bước Tô Lâm trở thành người chủ nhà lớn nhất và quyền lực nhất của đảng.
Thế nhưng, nếu như súng đạn, nhà tù, thể chế cộng sản đem đến cho Tô Lâm quyền lực cao vời vợi trong nước, có thể thích thì tha, thích thì xử, thích bỏ tù, tiêu diệt ai thỏa sức, bởi cơ chế cộng sản bảo đảm cho Tô Lâm làm được những thứ đó, cũng bởi đó là ngành nghề chính của y xưa nay.
Nhà tù, súng đạn, sự sợ hãi của người dân có thể đem lại cho Tô Lâm sự yên tâm, để có thể ăn to, nói lớn về những điều đạo đức, về lương tâm, về trách nhiệm làm tấm gương cho thiên hạ. Mặc dù bên cạnh đó, mỗi khi xuất hiện, thì hình ảnh “Cú đớp thế kỷ” miếng thịt bò dát vàng vẫn khó lẫn vào đâu được, khó xóa nhòa trong tâm trí dân Việt.
Thế nhưng, những điều đó không đủ sức để tạo ra một Tô Lâm với đầy đủ sự chính danh, uy tín và nhất là sự kính trọng khi tiếp xúc môi trường quốc tế.
Bởi trên trường quốc tế, thì Tô Lâm vẫn là một kẻ có đầy đủ trách nhiệm trước mọi tội ác mà chế độ này đã gây ra cho dân Việt. Những vụ thảm sát như Đồng Tâm, những vụ bắt bớ, hủy diệt từng xảy ra dưới thời Tô Lâm như các vụ cướp đất đai, nhà cửa, ruộng vườn người dân bằng Công an, bằng vũ lực…
Quyền con người bị chà đạp, những tiếng nói không giống đảng đều bị bắt bỏ tù, tiếng kêu than của dân tình từ Nam đến Bắc bởi chế độ Công an trị nặng nề, những cuộc cướ bóc của dân chúng từ đất đai đến nạn mãi lộ cho đến tham nhũng chính sách và thể chế… đều có bàn tay Tô Lâm.
Không chỉ có thể, Tô Lâm đã từng nổi danh trên trường Quốc tế bởi những hành vi trong nước, mà còn là những vụ án quốc tế như vụ bắt cóc tại Cộng hòa Liên bang Đức – một vụ án gây nhức nhối dư luận, gây sự phẫn nộ từ nhiều quốc gia vì sự vi phạm trắng trợn pháp luật các quốc gia có chủ quyền. Và Tô Lâm được vạch mặt, chỉ tên hẳn hoi trong vụ án đó.
Vậy nên, sau khi lên nhậm chức Chủ tịch nước, hầu như Tô Lâm chỉ nhận được lời chúc mừng từ dăm bảy quốc gia độc tài theo kiểu “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa” như Trung Cộng, Nga hay Bắc Hàn, Cuba… và qua đó, mới thấy rằng cái gánh nặng bang giao quốc tế là một vấn đề không nhỏ với Tô Lâm.
Nhìn danh sách những nhân vật hiện diện dẫn đầu đoàn đi dự bao gồm Tô Lâm, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phan Văn Giang, Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, Tô Ân Xô… tất cả đều là tướng Công an và Quân đội, người ta thấy được một điều khá rõ nét. Đó là Đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Đại hội đồng Liên hợp Quốc mang đậm tính chất nhà nước Việt Nam hiện tại: Ở đó, chủ yếu là tướng tá Công an và quân đội, là đặc trưng của hệ thống chính trị kiểu nhà tù ở Việt Nam hiện nay.
Đó cũng là một đặc trưng, mang đậm “Bản sắc Tô Lâm” hiện nay.
Những món quà “truyền thống”.
Tô Lâm quyết định sang NewYork để dự họp Liên hợp quốc – cũng là chuyến xuất ngoại xa nhất và lần đầu sang Mỹ của Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước. Cũng là lần đầu vào Liên hợp Quốc khi đang là Tổng bí thư Đảng. Đó là một nhiệm vụ nặng nề của Tô Lâm.
Bởi chuyên môn của Tô Lâm xưa nay, là bạo lực, súng đạn, là nhà tù và khủng bố, còn việc ngoại giao tiếp xúc với các quan chức, chính trị gia lão luyện thì đó là một bài toán khó. Bởi bang giao quốc tế không giống những buổi giao ban ở Bộ Công an và cũng chẳng phải là những bữa ăn ngả ngớn thoải mái như nhà hàng Bò dát vàng ở Anh.
Đặc biệt, là chuyến đi đến một quốc gia cựu thù, nơi là thủ phủ của nền dân chủ, nơi cổ vũ cho nền dân chủ toàn cầu với những đòi hỏi lớn lao, và nhất là Việt Nam luôn được coi là những “tội phạm” trước con mắt của cả thế giới với những tội ác với ngay với công dân mình. Do vậy, đó là một sự xa lạ và tạo nên lo lắng lớn cho Tô Lâm. Đặc biệt, điều đáng ngại là thái độ và ánh mắt nhìn của những chính khách ở các nước văn minh, có nền dân chủ thật sự với những tên đồ tể đang hành hạ ngay chính công dân mình, đồng bào mình. Những tiếng kêu, những yêu cầu, đề nghị bao năm nay vẫn vang lên từ các chính khách, từ các quốc gia đó, yêu cầu Việt Nam chấm dứt việc đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến, đòi hỏi phải biết tôn trọng chính những công dân của mình.
Thế nên, trước khi ra đi, Tô Lâm đã quyết định thả một số tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ra khỏi nhà tù trước thời hạn. Đó là Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi... được thả ra trước mấy tháng khi đang bị giam cầm, dù trước đó, cộng đồng quốc tế kêu gào bao nhiêu thì chính quyền Việt Nam vẫn cứ như bị điếc.
Việc buộc các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị như Trần Huỳnh Duy Thức phải nhận “Đặc xá” dù bị ông phản đối dữ dội vì không thèm cái đặc xá ấy, là điều hết sức hài hước và “chỉ có ở Việt Nam”. Khi mà công an hùa nhau lôi tù nhân vứt ra đường vì “đã được đặc xá nên không có quyền ngồi tù nữa” thì đó là một ví dụ điển hình về sự tráo trở của Việt Nam vốn leo lẻo rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị.
Những tù nhân ấy, đã được biến thành món quà để Tô Lâm mang đi dự Đại hội đồng Liên hợp Quốc, như một sự “rửa mặt” cho chế độ Cộng sản, mà ở đó, quyền con người và mọi thứ quyền khác đều được bảo đảm… nhưng chỉ ở trên giấy.
Nhưng… không đắt giá
Chuyện nhà cầm quyền Việt Nam vẫn sử dụng phương thức bắt công dân mình hàng loạt, bất chấp những tiếng kêu gào, những yêu cầu đề nghị từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, đi ngược lại các văn bản chính nhà nước Cộng sản đưa ra cũng như các văn bản Quốc tế mà Việt Nam ký kết… để rồi khi cần các sự vụ ngoại giao, ký kết các hiệp định, hiệp ước hay các chuyến xuất ngoại của lãnh đạo thì thả ra vài người làm món quà mặc cả đã trở thành nghề, thành “biện pháp nghiệp vụ” đáng xấu hổ của nhà nước Việt Nam.
Điều này, cũng giống như mô hình một gia đình, mà ở đó, có ông bố nghiện ngập chỉ biết hành hạ, bóp nặn, đánh đập vợ con nhằm thỏa mãn cho mình, mặc hàng xóm, láng giềng can thiệp. Để rồi khi cần xin xỏ, vay mượn thì lại ra tay làm ơn giảm hành hạ chính con cái mình mà mưu lợi.
Điều này không chỉ bây giờ mới có, mà có truyền thống từ hàng chục năm nay cứ diễn đi diễn lại như một sự trớ trêu, một sự nhạo báng các tiêu chuẩn công lý của thế giới này.
Thế nhưng, chuyến đi của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đến Hoa Kỳ lần này, có vẻ như không được “hoành tráng” và không được rầm rộ như người ta nghĩ. Những cuộc đón tiếp, tiếp xúc của Tô Lâm và đoàn ở Hoa Kỳ không được rộn ràng và màu mè cần thiết để đám tuyên giáo còn có cái mà tự sướng.
Đến Hoa Kỳ với tư cách TBT và Chủ tịch nước với “bầu đoàn thê tử” hùng mạnh nhất, nhân dịp kỷ niệm 1 năm nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ hai bên… nhưng đoàn của Tô Lâm không biến được cơ hội này thành chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, không được bước chân vào Tòa Bạch ốc, nơi đó có ông Tổng Thống mà cách đây một năm đã đến tận Việt Nam để ký kết nâng tầm quan hệ hai bên, nay sắp mãn nhiệm.
Đó là một thất bại.
Đến Hoa Kỳ với biết bao đảng phái, biết bao nhiêu hội đoàn từ doanh nghiệp đến khoa học Kỹ thuật, các hãng xưởng đầy trí tuệ hàng đầu thế giới nhưng Tô Lâm chỉ gặp gỡ được nhóm “Đảng Cộng sản Mỹ” – một tổ chức mà hiện nay không còn con số thống kê thành viên. Chỉ biết là cách đây 2/3 thế kỷ trước chỉ còn khoảng 3.000 thành viên.
Đó là một thất bại.
Đến Hoa Kỳ, nơi có cộng đồng người Việt đông đúc nhất ở hải ngoại, là đối tượng được nhà nước Việt Nam quan tâm đặc biệt, nhất là hiện nay, khi mà Việt Nam đang kỷ niệm 20 năm cái gọi là “Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về vấn đề người Việt ở nước ngoài”. Nhưng không hề có cuộc gặp gỡ nào chính thức, đàng hoàng được tổ chức ngoài cái sự thậm thụt kiểu “buôn bạc giả” của vài tay cò mồi lên tận nơi NewYork. Và bên ngoài phòng họp của Đại hội đồng, thì đồng hương người Việt tập trung đông đảo giương cờ quạt, biểu ngữ réo tên Tô Lâm đòi nhân quyền, tự do cho đồng bào trong nước, là công dân dưới tay Tô Lâm.
Đó là một thất bại.
Và xem ra, món quà thả tù nhân lương tâm mà Tô Lâm đem sang Mỹ lần này có vẻ không hiệu quả.
Bởi người ta biết thừa một điều: Thái độ đối với dân chủ, nhân quyền từ đám người mà Tô Lâm mang sang Mỹ, không nằm ở chỗ thả mấy tù nhân lương tâm ấy.
Đó là một thứ hàng giả và không còn có giá.
Ngày 25.09.2024     

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025