TPHCM: 3 tháng ghi nhận 432 ca sởi, 74% ca là trẻ dưới 5 tuổi

TPHCM: 3 tháng ghi nhận 432 ca sởi,
74% ca là trẻ dưới 5 tuổi

Minh Long

TP.HCM ghi nhận 432 ca bệnh sởi trong 3 tháng năm 2024, trong khi 3 năm trước đó chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca.

Trẻ em tại TP.HCM đến các điểm tiêm để tiêm vắc-xin sởi. (Ảnh: HCDC)

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 3 năm 2021, 2022, 2023, cả TP.HCM chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi.

Từ ngày 1/1/2024 – 22/5/2024, thành phố không ghi nhận ca bệnh sởi nào.

Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng (từ 23/5 đến hết ngày 27/8/2024), thành phố đã có 432 trường hợp mắc bệnh sởi.

Các quận huyện có nhiều ca mắc sởi gồm: Huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, TP. Thủ Đức.

Đáng chú ý, trong số ca mắc, trẻ dưới 5 tuổi chiếm 74% trong tổng số bệnh nhân. 71% trẻ hoàn toàn chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi.

Đặc biệt, trong đợt dịch này, các bệnh viện của thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi (gồm 2 trường hợp của thành phố và 1 trường hợp của tỉnh khác), cả 3 trường hợp này đều có bệnh mạn tính nặng.

Hiện UBND TP.HCM công bố dịch sởi. Sở Y tế TP.HCM đang tiến hành tiêm vắc xin sởi – rubella tại tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các bệnh viện; các trường mầm non, nhóm trẻ, các trường tiểu học, các cơ sở bảo trợ xã hội.

Vắc-xin được sử dụng là vắc xin sởi – rubella do Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc Bộ Y tế sản xuất, có tên thương mại MR-VAC.

Đây là một loại vắc xin sống giảm độc lực, phòng ngừa được bệnh sởi và rubella. Vắc xin MR-VAC được chỉ định tiêm chủng cho người từ đủ 12 tháng tuổi trở lên.

Vắc-xin này đang được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ nhiều năm qua và cũng đã từng được sử dụng trong tiêm chủng vắc-xin sởi – rubella trong các năm 2014 – 2015 và năm 2018 – 2019.

Giai đoạn 1, vắc-xin sởi – rubella được thực hiện từ ngày 31/8 đến ngày 30/9. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 1/10 đến ngày 31/10.

Những người chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin chứa thành phần sởi đang sinh sống và học tập tại thành phố, bao gồm: Trẻ 1 – 5 tuổi tiêm trong giai đoạn 1, trẻ từ 6 – 10 tuổi tiêm trong giai đoạn 2.

Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 1 – 16 tuổi) đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại thành phố, tiêm trong giai đoạn 1.

Nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi, tiêm trong giai đoạn 1.

Nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, tiêm trong giai đoạn 1.

Báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, nói những người du lịch hay đến công tác tại thành phố không nên quá lo lắng nếu bản thân đã tiêm ngừa đủ phác đồ sởi trước đó. Mọi người không nên quá lo sợ nhưng cũng đừng chủ quan. Hiện nay, cách phòng chống dịch sởi hữu hiệu nhất vẫn là đưa trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa sởi hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vắc-xin sởi đến cơ sở y tế để tiêm chủng.

Bác sĩ Khanh cho biết đây là bệnh rất cũ nên không thể lây lan trên diện rộng như bệnh mới, chỉ tấn công người chưa có miễn dịch. “Nếu đã tiêm ngừa đúng và đủ, chúng ta không quá lo sợ bệnh sởi, có bệnh xung quanh hay có công bố dịch sởi cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày”, ông Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, trường hợp trẻ nhỏ bị mắc bệnh sởi cần được đi khám sớm. Những trẻ mắc bệnh sởi nhẹ được điều trị tại nhà, cũng cần cách ly trong vòng 5 ngày kể từ khi phát ban.

Trường hợp trẻ nhỏ có biến chứng nặng như khó thở, đại tiện ra máu, tai chảy mủ… thì phải đưa trẻ nhỏ đến bệnh viện ngay.

Đặc biệt, trẻ em mắc bệnh sởi cần đến các trạm y tế để uống vitamin A, giúp tăng sức đề kháng và tránh những biến chứng ảnh hưởng tới mắt. Sau khi khỏi bệnh, phụ huynh cần tẩm bổ, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, bác sĩ Khanh hướng dẫn thêm.

Trước thắc mắc mất khoảng thời gian bao lâu sau khi tiêm vắc-xin sởi thì mới có hiệu quả bảo vệ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM, nói: “Chúng ta cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể sản xuất đủ kháng thể bảo vệ tránh virus sởi. Trong khoảng thời gian này, những người lớn có nguy cơ mắc sởi hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi cần tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ”.

Minh Long

Nguồn trithucvn.co. 

Nhận xét

Bài được quan tâm