Đài Loan:

 Chống tin bịa đặt như thế nào?

 


 

Dịch tin bịa đặt (fake news) đã trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng không chỉ với xã hội sự chính trị hóa do giới chính trị nhúng tay trực tiếp đang làm hỗn loạn chính trường, dẫn đến ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Tất cả khiến cuộc chiến chống tin bịa đặt ngày càng phức tạp. Trong số những nơi được đánh giá là thành công trong việc dập tắt sự lũng đoạn tin bịa đặt, Đài Loan trổi lên mô hình cần tham khảo.

Một cuộc biểu tình lên án tin bịa đặt ở Đài Loan (Getty Images)



“HIV đang lan cực nhanh từ khi chính quyền hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính”. “Tổng thống Thái Anh Văn làm giả bằng tiến sĩ”… Đó là vài trong những tin bịa đặt từng lan truyền nhanh như chớp trên mạng xã hội Đài Loan và thậm chí vượt khỏi biên giới hòn đảo này. 

Cần nhấn mạnh, tin bịa đặt ngày nay không phải là những tin đồn gieo rắc hoang mang từ vài cá nhân có trí tưởng tượng xây dựng thuyết âm mưu, tin bịa đặt là một “ngành kỹ nghệ” hốt bộn bạc; và sự “chuyên môn hóa” kỹ nghệ sản xuất  tin bịa đặt, còn có sự tham gia của cơ quan chuyên trách dưới sự chỉ huy của các đảng phái chính trị hoặc thậm chí nhà nước.
Trong trường hợp Đài Loan, điều tra cho thấy chính Trung Cộng đứng sau các chiến dịch tung  tin bịa đặt phá hòn đảo này với mục tiêu chính là bà Thái Anh Văn.

Chính quyền Đài Loan đã không để  tin bịa đặt lan như cháy rừng. Họ dập  tin bịa đặt như thế nào? Trong bài viết trên Washington Post, Aaron Huang, thạc sĩ Trường quản trị hành chánh Harvard Kennedy, cho biết, khi thực hiện luận án thạc sĩ, ông đã phỏng vấn hơn 30 viên chức, chính trị gia, nhà báo, nhà nghiên cứu, đại diện truyền thông xã hội…; và rút ra kết luận rằng, Đài Loan “đánh” tin bịa đặt bằng ba cách.

Thứ nhất, chính quyền Đài Loan giám sát thường trực mạng xã hội để theo dõi  tin bịa đặt và lập tức phản đòn bằng tin kiểm chứng. Nhân viên chống  tin bịa đặt tung ra các “meme” vui mắt, dễ hiểu, dễ chia sẻ, để lật tẩy tin dỏm. Ngoài ra, việc cung cấp tin kiểm chứng cũng được thực hiện trên các phương tiện truyền thông chẳng hạn truyền hình, nhằm tạo ra trận bão mạnh hơn để đẩy lùi cơn lốc tin giả.

Thứ hai, chính quyền thường xuyên nâng cao nhận thức người dân, qua lăng kính “sức khỏe cộng đồng”. Họ xây dựng một “bộ quy chuẩn” nhận thức công chúng rằng  tin bịa đặt chẳng khác gì virus; rằng bất kỳ ai nhiễm và gây truyền nhiễm phải được chữa để “dịch bệnh” không lan rộng. Chính quyền Đài Loan tập trung rất mạnh vào việc giáo dục để nâng cao nhận thức người dân. Họ tổ chức các chuyến xe tải “xóa mù truyền thông” (媒體素養) đến nhiều làng quê nói chuyện thân mật, chỉ cho người dân cách nhận biết tin giả. 

Như được thuật từ Taiwan Insight, chương trình này được nâng tầm quan trọng lên đến mức là một phần của chương trình giáo dục quốc dân. Việc đánh động thường xuyên khiến người dân Đài Loan bây giờ thay vì lan truyền tin bịa đặt, lập tức tự giác lên tiếng chỉ trích “giả tân văn” (假新聞 – fake news) để người khác cùng cảnh giác và không tiếp tay.

Thứ ba, chính quyền Đài Loan dùng các phương tiện pháp lý và chế tài để khống chế  tin bịa đặt nói chung và tin tuyên truyền của TC nói riêng. Luật nhấn mạnh rằng, bất kỳ ai hoặc thực thể nào nhận ủng hộ từ các thế lực bên ngoài, qua đóng góp tài chính, trong các cuộc bầu cử hoặc trưng cầu dân ý, thông qua vận động hành lang… để tung tin thất thiệt gây bất ổn chính trị-xã hội đều bị tù 5 năm và bị phạt 10 triệu đài tệ (335.000 USD). CTi TV – một trong những đài truyền hình lớn ở Đài Loan – đã bị phạt hơn 5,63 triệu đài tệ (186.000 USD) vào năm 2019, tội phát tin thất thiệt.

Chính quyền cũng hợp tác với các công ty truyền thông xã hội, trong đó có dịch vụ tin nhắn Line phổ biến, chặn đứng tin giả. Khi phát giác một bản tin có “mùi” fake news, người dân có thể gởi ngay đến “trạm” kiểm chứng Cofacts. Đó là một website, nơi có tình nguyện viên nhanh chóng truy tìm nguồn gốc và xác định mức độ khả tín của thông tin.

Phối hợp cùng Cofacts là “Trung tâm kiểm chứng thông tin Đài Loan” – website thường xuyên cung cấp, cập nhật những tin được xem là “virus tin thất thiệt”. Chưa hết, chính quyền còn tạo ra các diễn đàn công cộng do chính người dân quản lý - gọi là “vTaiwan” - để mở ra những cuộc đối thoại-tranh luận tìm kiếm sự thật, hơn là hoang mang với những thuyết âm mưu vớ vẩn không bằng không chứng.

 

Đài Loan có nhiều nhóm xã hội dân sự chẳng hạn “Dọn sạch tin bịa đặt” (FakenewsCleaner) luôn theo dõi sát các tin nhảm trên mạng xã hội và giáo dục công chúng về  tin bịa đặt (New York Times)


Có thể thấy Tây phương nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung đã phản ứng với fake news rất “quyết liệt” nhưng bằng những cách thức rời rạc và không có chính sách cụ thể kêu gọi toàn xã hội cùng tham gia, như cách  Đài Loan đang làm. Hệ thống kiểm soát tin bịa đặt EUvsDisInfo của Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò kiểm tin cho giới báo chí chứ không phải là “bộ chỉ huy” có thể đưa ra các vũ khí hữu hiệu để tiêu diệt fake news. 

Báo chí Mỹ nhiều năm qua đã lập những trang kiểm tin giúp tìm ra sự thật trước những  tin bịa đặt nào đó đang lan truyền, chẳng hạn loạt tin về “bầu cử gian trá” ở Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.



Tuy nhiên, vấn đề những người nhiễm virus tin bịa đặt gần như chẳng bao giờ quan tâm đến các “trạm y tế chích ngừa tin giả”. 

Mặc cho báo chí nỗ lực cung cấp sự thật, những người mê muội tin bịa đặt vẫn khăng khăng tin bịa đặt không phải là… fake news, miễn sao fake news phù hợp với những gì họ đang “tin” là “đúng”. Điều đáng nói hơn cả không ít người làm báo lại là những kẻ hăm hở chia sẻ tin bịa đặt .
Mức độ tai hại nghiêm trọng của tin bịa đặt trong nhiều trường hợp, chỉ một mẩu tweet không chứng cớ vẫn được tin sái cổ, trong khi tin thật lại được “dán nhãn” tin giả. Chống  tin bịa đặt bây giờ không chỉ là cuộc vật lộn mang lại sự thật mà còn là một cuộc chiến tâm lý phức tạp chống lại những tín đồ cuồng tín.

Việc chống tin bịa đặt không chỉ là trách nhiệm của người làm báo tự trọng. Các nhà giáo dục, lãnh đạo tôn giáo, giới hoạt động xã hội, giới hoạt động môi trường, lãnh đạo thương mại… đều cần chung sức chống tin bịa đặt . Chắc chắn: không bao giờ cản bản dân chủ được xây dựng trên nền tảng của dối trá và bất chấp sự thật.

Chừng nào tin bịa đặt còn hoành hành, chừng nào những người tin vào fake news còn nhiều hơn những người tin vào sự thật, dân chủ - nếu không rơi vào tình trạng khủng hoảng đối với một số quốc gia - cũng chẳng bao giờ có thể hình thành đối với một số quốc gia khác, nơi con người hàng ngày vừa hăm hở chia sẻ tin bịa đặt , vừa mơ ước được sống trong một xã hội “dân chủ” và “văn minh”.

 
 *

 Mạnh Kim 17/11/2020 (TheNewViet)

**

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025